Trong khi Vingroup tập trung vào khu đô thị, dự án lớn, thì Novaland lại đi theo con đường khác: Chăm chút cho từng sản phẩm quy mô nhỏ nhưng vẫn đầy đủ tiện ích, giá lại vừa tầm, vị trí giao thông thuận lợi.
Đó là chia sẻ của ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa trong cuộc trao đổi cùng chúng tôi về thị trường BĐS.
- Năm 2016 sắp kết thúc và 2017 đang tới gần. Ông đánh giá thế nào về thị trường bất động sản năm 2017?
- Theo tôi, phân khúc căn hộ cao cấp tiêu thụ chậm trong năm 2016. Sang năm 2017 thì thị trường này có thể sẽ có sự tách biệt rõ ràng.
Dòng sản phẩm căn hộ dành cho người thu nhập trung bình sẽ tiêu thụ tốt và mức giá ở tầm 1,2 đến 1,5 tỷ đồng/căn. Căn hộ trung cấp sẽ xuất hiện ở tầm giá 2,5 tỷ/căn. Còn căn hộ cao cấp sẽ ở mức 5 tỷ. Sự cách biệt rõ ràng hơn 2016. Năm 2016, căn hộ cao cấp có mức giá khoảng 3 đến 3,5 tỷ rưỡi. Sang năm tới, phân khúc cao cấp sẽ cao hẳn luôn, với mức giá khoảng 5 tỷ.
Thứ hai, vừa rồi tập đoàn Vingroup tuyên bố tung ra 200 ngàn căn hộ giá 700 triệu đồng. Việc này sẽ tác động rất lớn tới thị trường. Mặc dù chỉ ảnh hưởng đến phân khúc cho nhu cầu thực, nhưng khi một thị trường như vậy có làn gió thổi thì các phân khúc khác sẽ bị ảnh hưởng. Có nghĩa là gió sẽ thổi qua kia mát một chút và làm cho thị trường mát hơn.
Những vị trí Vingroup đang làm ở TP HCM là quận 7 và quận 9. Những vị trí này đủ lớn để tạo ra những khu đô thị. Họ chọn những khu 20 ha trở lên để bao gồm khu vui chơi giải trí, nghệ thuật, văn hóa. Do đó, tạo không gian cho cư dân ở đó và hình thành khu đô thị nhỏ. Nhờ vậy, các khu của Vingroup lại mang tính lan truyền cả khu vực đó.
Thứ ba, tôi đánh giá cao việc Novaland lên sàn. Năm 2017, Novaland lên sàn là sẽ phải minh bạch tài chính. Như vậy, việc Novaland sẽ tái cơ cấu lại để phát triển doanh nghiệp sẽ được đẩy mạnh hơn. Đây sẽ là luồng gió thổi mạnh vào thị trường bất động sản.
- Trong báo cáo hồi đầu năm, Vingroup và Novaland chiếm đến 50% thị phần căn hộ ở Việt Nam. Còn theo báo cáo mới đây, riêng Novaland đã chiếm 20% thị phần. Vingroup là doanh nghiệp lớn nhất ngành thì đã rõ. Vậy theo ông vì sao căn hộ của Novaland lại hút khách?
- Novaland chọn vị trí tốt để xây dựng và tạo ra những căn hộ giá tốt. Thay vì họ có thể bán với giá 3.000 USD/m2 thì họ chỉ đặt giá 2.500 m2, nghĩa là tạo ra một giá trị 100 đồng nhưng bán 80 đồng.
Novaland hay hơn các công ty khác là vị trí dự án của họ không tập trung. Họ chọn vị trí cho các dự án tốt với quy mô nhỏ.
Họ cũng rất chăm chút vào chi tiết và đặt trọng tâm cao về chất lượng sản phẩm. Điều này rất có lợi cho nhà đầu tư. Đây cũng là lí do khiến nhiều nhà đầu tư lựa chọn Novaland và họ thắng chính là nhờ có nhiều nhà đầu tư trung thành. Các sản phẩm của doanh nghiệp này không quá đắt, không quá rẻ và có đẳng cấp nhất định.
- Ông nói Novaland tạo ra giá trị 100 đồng nhưng lại chỉ bán 80 đồng. Phải chăng là bán sản phẩm thấp hơn giá trị thưa ông?
- Không phải giá thành thấp mà là giá trị mong muốn thấp. Giá thành không liên quan đến giá bán. Ví dụ, một lô đất được Novaland xây dự án. Khi rao bán với giá 80 đồng, họ vẽ ra một viễn cảnh rất ổn. Khi công ty này bắt tay làm, họ đạt được 90 đến 95% những gì họ vẽ ra.
Thành ra, người mua được lợi vì mua được nhà với giá rẻ hơn khi nhận nhà. Lúc mua giá trị là 80 đồng nhưng lúc Novaland giao nhà đến tay khách hàng, giá trị thực của căn hộ phải là 95 đến 100 đồng. Chủ đầu tư có cái tâm thì chất lượng công trình đảm bảo, đúng cam kết.
- Theo ông, đâu là sự khác biệt giữa sản phẩm của 2 đơn vị lớn nhất ngành là Vingroup và Novaland?
Hai đơn vị này đi theo hai hướng khác nhau. Vingroup tập trung vào khu đô thị, đầy đủ tiện ích. Còn Novaland chăm chút sản phẩm ở từng vị trí. Một cái là tập trung đầy đủ tiện ích, một cái là riêng lẻ nhưng chăm chút từng chi tiết để sản phẩm nổi bật giữa khu vực đó.
- Một báo cáo gần đây cho thấy, tổng cung căn hộ ở TP HCM và Hà Nội là 60.000 căn nhưng mới chỉ tiêu thụ được khoảng hơn 40.000 căn. Điều này có ảnh hưởng gì đến thị trường 2017 hay không?
- Tôi nghĩ không ảnh hưởng nhiều lắm. 2017 căn hộ sẽ ra tiếp nữa. Tồn kho thì ở bất cứ thời điểm nào cũng có tồn kho. Vì có sản phẩm mới thì chắc chắn sẽ có tồn kho. Vấn đề ở đây là một số doanh nghiệp tồn kho bị gặp khó khăn quá. Cách họ trở lại thị trường như thế nào mới là quan trọng. Có những doanh nghiệp không thể hồi phục. Một số doanh nghiệp khác hợp tác với các đơn vị mạnh về tài chính để tiếp tục triển khai. Số khác chấp nhận lời ít hơn để thành công.
Xin cảm ơn ông!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét