Tại Việt Nam, chi phí đào tạo trong nước lên tới 2,5 tỷ đồng, được đài thọ bởi hãng bay và học viên.
Báo cáo của Tổng CTCP Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết tiền lương phi công bình quân trong năm 2016 của Tổng công ty đạt 115,3 triệu đồng/tháng, tăng nhẹ 4,7% so với năm 2015 (110,1 triệu đồng/tháng). Như vậy một phi công của Vietnam Airlines bình quân nhận 1,38 tỷ đồng/năm riêng tiền lương.
Trong khi đó tiền lương bình quân của tiếp viên Vietnam Airlines là 25,5 triệu đồng/tháng, tăng 10,9% so với năm trước, cán bộ, công nhân viên lương bình quân 19,4 triệu đồng/tháng, tăng 12,8%.
Theo Vietnam Airlines, năm 2016 Tổng công ty hạn chế tuyển lao động mới mà thực hiện tổ chức lại lao động, chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn lực hiện có (năng suất lao động theo khách luân chuyển và ghế luân chuyển đều tăng trên 13%), thu nhập của người lao động cải thiện.
Quỹ lương của Tổng công ty năm 2016 là 2.700 tỷ, vượt 5,6% kế hoạch. Tiền lương bình quân của người lao động năm 2016 trong các lĩnh vực tiếp tục tăng từ 4,7% đến 12,8% so với năm 2015, mặc dù năm 2015 tiền lương đã tăng từ 12-28%.
Tính đến 31/12/2016, Vietnam Airlines có 6.199 lao động, thấp hơn kế hoạch (6.311 người).
Theo số liệu báo cáo kiểm toán 2016 của Vietnam Airlines, chi phí nhân công của tổng công ty năm 2016 đạt 8.283 tỷ đồng, chiếm 12,85% tổng chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí xăng dầu chiếm 25,86%, hơn 50% là chi phí dịch vụ mua ngoài.
Năm 2017, Vietnam Airlines đặt kế hoạch tuyển dụng thêm 76 phi công, tổng số lao động của công ty là 6.273 người. Lao động sử dụng bình quân năm 2017 ở mức 6.137 người, giảm 16 người so với tỷ lệ của năm 2016. Quỹ tiền lương kế hoạch năm 2017 là 2.400 tỷ, giảm 304 tỷ so với thực hiện 2016 do lợi nhuận kế hoạch giảm. Các chỉ tiêu về năng suất lao động và tiền lương bình quân tiếp tục tăng trưởng so với năm 2016.
Để trở thành một phi công thương mại đầy đủ (đủ điều kiện để có thể điều khiển một máy bay thương mại cho các hãng hàng không), chi phí đào tạo phi công sẽ vào khoảng 40.000 USD (tương đương 800 triệu đồng) và các khoản chi phí phát sinh khác. Thậm chí, chi phí có thể lên tới 200.000 USD (tương đương 4,2 tỷ đồng) tùy thuộc vào quá trình đào tạo.
Tại Việt Nam, chi phí đào tạo trong nước lên tới 2,5 tỷ đồng, được đài thọ bởi hãng bay và học viên. Sau khi học viên hoàn thành khóa học, chi phí mà hãng bỏ ra sẽ được trừ dần vào tiền lương cho đến khi hoàn trả đủ.
Tích lũy giờ bay tối thiểu là yêu cầu tiên quyết để có thể tìm được công việc tốt trong ngành này. Học viên phải thực hành ít nhất 4.000 giờ bay trước khi có cơ hội trở thành cơ trưởng.
Với lãnh đạo cấp cao, Quỹ tiền lương của thành viên Hội đồng quản trị chuyên trách Vietnam Airlines là 7,13 tỷ đồng (06 người, trong đó: 02 người hoạt động 12 tháng, 01 người hoạt động 09 tháng, 01 người hoạt động 07 tháng, 01 người hoạt động 05 tháng, và 01 người hoạt động 03 tháng). Bình quân tiền lương của HĐQT là 1,189 tỷ đồng/người.
Thù lao thành viên Hội đồng quản trị kiêm nhiệm: 339,84 triệu đồng (01 người, thời gian hoạt động 12 tháng).
Tổng quỹ tiền lương, thù lao HĐQT thực hiện năm 2016 đạt 7,47 tỷ đồng (đã bao gồm tiền lương, thù lao tăng thêm do năm 2016 lợi nhuận thực hiện vượt 9% so với kế hoạch).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét