Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2018

Giới nhà giàu hiện đã không còn mặn mà với Thụy Sĩ


Số liệu của hãng KPMG cho thấy số ngân hàng tư nhân tại Thụy Sĩ đã giảm từ 179 năm 2005 xuống chỉ còn 112 hiện nay. Tồi tệ hơn, Tỷ suất lợi nhuận gộp biên (Gross Margin) của ngành ngân hàng Mỹ đã giảm 12% kể từ năm 2010.






Ông Laurent Gagnebin có vẻ không giống là một nhân viên ngân hàng Thụy Sĩ truyền thống. Cách đây 15 năm, ông Gagnebin là quản lý của một khách sạn sang trọng tại Gstaad và giờ đây ông làm việc cho ngân hàng tư nhân Thụy Sĩ Rothschild.


Theo ông Gagnebin, giờ đây làm việc cho ngành ngân hàng Thụy Sĩ không chỉ cần kiến thức chuyên ngành mà còn phải sử dụng rất nhiều kỹ năng mềm, điều mà những khóa học tài chính không cung cấp. Chính điều này đang khiến mảng ngân hàng Thụy Sĩ có những biến động lớn chưa từng có trong 10 năm qua.

Thời hoàng kim đã qua

Cách đây 10 năm, ngành ngân hàng Thụy Sĩ vẫn còn ở thời đỉnh cao khi hàng loạt khách hàng từ khắp mọi nơi trên thế giới đổ tiền về đây nhằm tìm kiếm một nơi trú ẩn an toàn cho tài sản hoặc chỉ với mục đích đơn giản là trốn thuế.

Những khách hàng này không quan tâm nhiều đến lãi suất hay danh mục đầu tư của ngân hàng, cái họ cần là tính bảo mật và việc thu lời trong mảng này khá dễ dàng.



Tổng tài sản mà các ngân hàng Thụy Sĩ đang quản lý (nghìn tỷ SFr)

Tuy nhiên, sự thắt chặt quản lý của Phương Tây cũng như nhiều nước Châu Á đã khiến thời kỳ kiếm tiền dễ dàng của ngành ngân hàng Thụy Sĩ nhanh chóng qua đi. Các nhân viên ngân hàng ngày nay phải đối mặt với vô vàn những quy định, rào cản từ chính phủ các nước. Thêm vào đó, lãi suất thấp và tính thanh khoản yếu đang làm giảm lợi nhuận ngành ngân hàng.

Tồi tệ hơn, những khách hàng tiềm năng cho ngành ngân hàng hiện nay lại đến từ Châu Á và các nước đang phát triển, vốn có vị trí địa lý khá xa so với Thụy Sĩ. Các trung tâm tài chính như Singapore hay Hong Kong hoàn toàn có thể thay thế được Thụy Sĩ trong vấn đề trở thành két sắt an toàn cho giới nhà giàu Trung Quốc. Hơn nữa, những công nghệ mới như Blockchain ngày nay đang đe dọa đến hàng trăm nghìn lao động trong mảng ngân hàng truyền thống.

Hệ lụy của tình trạng này là ngành ngân hàng Thụy Sĩ giờ bị chia đôi. Một bên là những ngân hàng mở rộng chi nhánh ra toàn thế giới và phục vụ theo tinh thần tận tụy, bảo mật vốn có. Bên khác là phần lớn các ngân hàng lớn đang mất phương hướng khi chưa biết phải đi hướng nào trước sự biến đổi nhanh chóng của thị trường.

Hiện nay Thụy Sĩ vẫn thống trị thế giới trong mảng ngân hàng và cất giữ tài sản cho những người giàu nhất toàn cầu. Mặc dù tổng mức tài sản 6,7 nghìn tỷ Frank Thụy Sĩ-SFr (6,8 nghìn tỷ USD) mà họ đang cất giữ không bằng đỉnh điểm năm 2007 nhưng vẫn là một con số lớn.

Trong vòng 3 năm qua, số tài sản mà ngành ngân hàng Thụy Sĩ quản lý không hề tăng trưởng thêm bất chấp đà tăng trưởng của hàng loạt thị trường trên toàn cầu. Quốc gia này vẫn là điểm đến lý tưởng của hàng loạt người giàu và giới quan chức từ Trung Đông, nhưng tại thị trường trong nước, tình hình có vẻ ngày càng tồi tệ.



Số lao động ngành ngân hàng Thụy Sĩ đang giảm dần (nghìn người )

Số liệu của hãng KPMG cho thấy số ngân hàng tư nhân tại Thụy Sĩ đã giảm từ 179 năm 2005 xuống chỉ còn 112 hiện nay. Tồi tệ hơn, Tỷ suất lợi nhuận gộp biên (Gross Margin) của ngành ngân hàng Mỹ đã giảm 12% kể từ năm 2010.

Năm 2016, các ngân hàng Thụy Sĩ đã tuyển dụng 121.000 lao động, ít hơn 15.000 người so với cách đây 1 thập niên. Hàng loạt các ngân hàng như Merrill Lynch, Morgan Stanley hay Coutts đã giảm hoạt động ở Thụy Sĩ trong vòng 5 năm qua.

Một trong những ngòi nổ khiến ngành ngân hàng Thụy Sĩ lâm vào khó khăn là việc chính quyền Washington thực hiện các cuộc điều tra vào những ngân hàng lớn tại đây vào năm 2008 với cáo buộc che giấu tài sản trốn thuế.

Kể từ năm 2009, các ngân hàng này đã phải trả các khoản phạt lên tới hơn 5 tỷ USD nhằm che giấu thông tin cho các khách hàng muốn trốn thuế để gửi tài sản tại Thụy Sĩ. Đó là chưa kể hàng loạt những khoản phạt lớn nhỏ khác trên khắp thế giới do vi phạm tính minh bạch cũng như các quy định phòng tránh trốn thuế khác.

Khoảng 50 quốc gia trên thế giới đã thống nhất thực hiện những quy định về tính minh bạch và trao đổi thông tin liên quan đến thuế và chuyển khoản. Chính điều này đã khiến các ngân hàng lớn ở Thụy Sĩ như UBS hay Credit Suisse thiệt hại tới 75 tỷ SFr trong khoảng 2011-2015. Ngân hàng Deustch Bank cũng cho biết tình trạng này khiến mỗi chi nhánh của họ mất ít nhất 400-500 triệu SFr doanh thu trước thuế.



Tài sản cá nhân ở Châu Á sẽ vượt Tây Âu (nghìn tỷ USD)

Vào năm 2008, Ngân hàng UBS gặp khó khăn và cần sự trợ giúp từ chính phủ Mỹ, qua đó đồng ý chịu bị áp đặt hàng loạt quy định giới hạn về tính minh bạch trong tài khoản. Đến năm 2012, CEO Sergio Ermotti nhận ra những quy định này đang gián tiếp giết chết lợi nhuận của họ khi các khách hàng giàu có không muốn gửi tiền vào đây, qua đó buộc ông Ermotti phải cắt giảm lao động cũng như đóng cửa nhiều chi nhánh.

Tương tự như UBS, ngân hàng Credit Suisse cũng đang phải cắt giảm mạnh nhân viên trong kế hoạch cải tổ cấu trúc của CEO Tidjane Thiam.

Có cứu vãn nổi tình thế?

Một số chuyên gia cho rằng Thụy Sĩ có những lợi thế mà nhiều thị trường khác không có được. Với nhiều năm kinh nghiệm, các ngân hàng Thụy Sĩ khá lành nghề trong vấn đề giữ tiền và bảo mật tài sản cho giới nhà giàu.

Thêm nữa, Thụy Sĩ có đồng nội tệ mạnh, hệ thống chính trị kinh tế ổn định, tôn trọng quyền tài sản cá nhân và luôn giữ trung lập trong các xung đột quốc tế.

Đặc biệt, Thụy Sĩ có nguồn lao động kỹ thuật cao dồi dào trong mảng tài chính với các luật sư, kỹ thuật viên, kiểm toán, chuyên gia tư vấn… có thể thỏa mãn hầu như mọi yêu cầu của các khách hàng vốn không muốn chính phủ hay các cơ quan thuế để mắt đến tài sản của họ.



Các ngân hàng giờ đây chọn Singapore hay Hong Kong hơn là Thụy Sĩ

Tuy vậy, có lẽ vẫn là chưa đủ khi thời thế đổi thay. Số liệu của Hiệp hội ngân hàng Thụy Sĩ (SBA) cho thấy 226/261 ngân hàng tại đây có lợi nhuận trong năm 2016 và tình hình có thể tệ hơn trong năm tới khi thị trường chứng khoán nội địa ảm đạm còn lãi suất ở mức thấp.

Trong khi các ngân hàng Mỹ đang gia tăng dịch vụ nhằm thu hút khách hàng trở lại thì ngành ngân hàng Thụy Sĩ lại đang lúng túng do nước này không gia nhập Liên minh Châu Âu (EU), qua đó tạo nên những rào cản với thị trường.

Tệ hơn nữa, việc ngày càng có nhiều người giàu ở Châu Á đang khiến các ngân hàng bỏ Thụy Sĩ để hướng đến thị trường tiềm năng hơn.

"Ngành ngân hàng Thụy Sĩ vẫn có tương lai nhưng thời kỳ vàng son của họ đã qua", Giám đốc Gabor Komaromi của hãng tư vấn tài chính cho người giàu Corecam nói.

"Những áp lực về lợi nhuận sẽ loại bỏ rất nhanh những ngân hàng thiếu tính hiệu quả và có sức cạnh tranh", Giám đốc Patrick Odier của hãng Lombard Odier đồng quan điểm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét