Thứ Hai, 26 tháng 3, 2018

Thế giới phẳng và cách nào để bán lẻ Việt Nam không bị "hoà tan"?


“Thị trường bán lẻ Việt Nam là mục tiêu của nhiều nhà bán lẻ hàng đầu thế giới”, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch các nhà bán lẻ Việt Nam, nhận xét tại hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu Việt trong hội nhập quốc tế, sáng 27/12.





Sau 10 năm gia nhập WTO, đến nay, thị trường bán lẻ của Việt Nam đã khởi sắc và đa dạng, đáp ứng về cơ bản yêu cầu của người tiêu dùng Việt thời hội nhập, trở thành một trong những thị trường đáp ứng tiềm năng, hấp dẫn đầu tư cả trong và ngoài nước.

Thị trường bán lẻ trong nước thời gian qua đã giữ được nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển mạnh mẽ như: tốc độ tăng trưởng GDP cao, chính sách thuận lợi thu hút FDI, quy mô thị trường phát triển...

Tuy nhiên, cũng chính vì “biên giới bị xoá nhòa”, câu chuyện thị trường bán lẻ Việt Nam được đặt vào một thách thức mới, theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, (Bộ Công thương), vấn đề là làm thế nào để phát huy nội lực mà không bị “hòa tan”.

Theo đó, có ít nhất hai vấn đề cần phải bàn, bao gồm thay đổi ngành bán lẻ, hướng tới tiếp tục tăng trưởng và đảm bảo tính cạnh tranh và phát triển được thương hiệu Việt.

Đối với vấn đề đầu tiên, bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng ngành bán lẻ trong nước cần phải có một chiến lược phát triển cho ngành dịch vụ này. Trong đó, tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng thông qua sáng tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ mở rộng thị trường....

Nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng khiến cho doanh nghiệp bán lẻ cần phải nhanh hơn nữa bởi tốc độ và sự tiện lợi sẽ là yếu tố cốt lõi xác định chất lượng của trải nghiệm mua sắm. Đồng thời cần phải cá nhân hoá trải nghiệm cho khách hàng hay giúp cho khách mua sắm và thanh toán một cách thuận lợi...

Bên cạnh đó, thị trường bán lẻ trong nước cần kết hợp với du lịch và các ngành công nghiệp sáng tạo, đặc biệt là trong bối cảnh cách mạng 4.0 như hiện nay.

Về góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó TGĐ Big C Thăng Long, nhấn mạnh việc giới thiệu các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường trong nước cũng như thế giới, thông qua nhiều chương trình xúc tiến quảng bá sản phẩm vùng miền và thương hiệu Việt.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng lưu ý việc sản phẩm Việt Nam có chất lượng và hương vị hấp dẫn tuy nhiên khâu xây dựng thương hiệu, hình ảnh chưa tốt, công tác sơ chế, bảo quản vẫn còn nhiều vấn đề. Ông cho đây là vấn đề quan trọng cần xử lý nhằm giúp cho các sản phẩm Việt có chỗ đứng trong và ngoài nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét