Thứ Tư, 28 tháng 3, 2018

Nếu Uber từ bỏ Đông Nam Á: Ai sẽ là cứu tinh giúp người Việt thoát khỏi “ách thống trị” độc tôn của Grab?


Khi CEO Grab Việt Nam công bố: Nếu hoàn tất thâu tóm, Grab sẽ tập trung vào khâu dịch vụ tốt hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn … Ai cũng biết điều đó đồng nghĩa với việc chi phí Grab sẽ ngày một tăng.





Hồi kết của cuộc chiến giữa hai gã khổng lồ công nghệ

Năm 2014, Grab và Uber cùng một lúc gia nhập thị trường Việt Nam. Với lời hứa sẽ "Không bao giờ để phương tiện trống trên đường về", hai startup công nghệ này ngay lập tức giải được bài toán hóc búa của giao thông Việt Nam khi các khách hàng đang phải chịu một mức phí quá cao chỉ để đổi lại các dịch vụ không tương xứng, và các tài xế cũng phải "cắn răng" chịu tiền xăng với những cuốc xe rỗng của mình.

Với công nghệ hiện đại, Grab và Uber nhanh chóng làm đảo lộn thị trường khi cung cấp dịch vụ với chi phí rẻ, "nhân viên" lịch sự và từ đó đẩy cuộc đua tranh giành thị phần trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.



Và chỉ vài năm sau đó, với việc cung cấp một sản phẩm nhanh hơn, rẻ hơn và tiện ích hơn. Grab & Uber ngay lập tức thu hút một lượng lớn khách hàng từ taxi truyền thống, và hơn nữa là tạo ra lượng khách hàng chưa hề có nhu cầu sử dụng xe trong quá khứ.

Tuy 2 startups này đồng loạt điều chỉnh tăng cước vào năm 2017, với số lượng khách hàng khổng lồ đã quá phụ thuộc vào sự tiện lợi của Grab và Uber, hai gã khổng lồ công nghệ vẫn tự tin phát triển dù đối mặt với rất nhiều scandal và áp lực từ các bộ ngành, cũng như các đối thủ truyền thống.



Nhưng chuyện gì đến cũng sẽ đến, Uber với phong cách "khởi nghiệp Mỹ" do phát triển quá nóng và tham vọng thống lĩnh quá nhiều quốc gia đã khiến công ty này hứng phải hàng loạt rắc rối và khó khăn liên quan tới nội bộ công ty, cũng như phải đối mặt những vụ kiện của chính quyền khắp nơi thế giới.

Theo một thống kê mới đây, tính đến quý 4 năm 2017, Uber đã lỗ nặng tới 4,5 tỉ USD. Và trong quá khứ gã khổng lồ này đã buộc phải bán mảng kinh doanh tại Trung Quốc cho chính đối thủ Didi Chuxing, sáp nhập mảng hoạt động tại Nga với đối thủ Yandex.

Theo tin tức mới nhất từ tờ Bloomberg , Uber đã đạt được thoả thuận bán mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho đối thủ cạnh tranh Grab và tuyên bố chính thức sẽ được đưa ra vào đầu ngày thứ 2.

Theo thoả thuận này, mảng hoạt động trong lĩnh vực gọi xe Uber cũng như Uber Eats tại toàn khu vực Đông Nam Á sẽ được bán cho Grab để đối lấy từ 25 - 30% cổ phần ở công ty sau sáp nhập. Từ đầu tháng này, thông tin về thương vụ thâu tóm đáng chú ý kể trên đã được nhiều tờ báo đưa tin rầm rộ, dẫu vậy đến giờ cả hai bên gồm Uber và Grab vẫn chưa có tuyên bố chính thức.



Với sự ra đi của Uber, thị trường Việt Nam sẽ ra sao khi hiện tại không có một công ty nào đủ sức đương đầu với Grab. Những "kẻ thù" không mấy nguy hiểm còn lại chỉ là các công ty taxi truyền thống đang vật lộn để đổi mới, và một số ứng dụng gọi xe địa phương hoàn toàn không có sức mạnh tài chính để "tuyên chiến" với Grab.

Khi được hỏi: "Đứng ở vị trí người tiêu dùng, ông có vui không khi đối thủ cạnh tranh của một loại hình dịch vụ biến mất, còn mỗi một doanh nghiệp duy nhất độc quyền", CEO Grab Việt Nam đã trả lời chúng tôi: "Bây giờ các bạn có thể rất vui khi được khuyến mãi nhiều, nhưng một công ty không bao giờ có thể khuyến mãi suốt đời…"

Sự xuất hiện của một "vị cứu tinh" mới

Khi được hỏi lý do tại sao Uber buộc phải rời khỏi Việt Nam, nhiều nhà phân tích nhận định rằng "Uber không thích ứng được với văn hóa tại đây". Và đúng là như vậy, ngoài các yếu tố chính trị, nội bộ lủng củng cũng như mô hình hoạt động không phù hợp, Uber dường như lúc nào cũng phải "đuổi sau" Grab khi xét đến sự thích ứng đối với thị trường Việt Nam.

Grab là một startup sinh ra tại khu vực Đông Nam Á, và đó cũng chính là thế mạnh của gã khổng lồ này. Nhưng trên thực tế là, cũng tại khu vực Đông Nam Á này cũng đang tồn tại một "kì lân" công nghệ gọi xe và đối thủ đáng gờm trên đã tuyên bố từ năm ngoái rằng: Việt Nam là một trong những thị trường mà họ đang nắm đến.

Đó chính là startup được định giá 5 tỷ USD, với sự chống lưng của Google, JD.com, Tencent và cả Rakuten: Kỳ lân Go-Jek của Indonesia.



Vào cuối năm 2017, trả lời phỏng vấn Reuters, đại diện Go-jek đã nói rằng: "Hầu hết tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều đang được cân nhắc trong 3, 6 đến 12 tháng tới". Và theo nhiều nguồn tin khác nhau, Go-jek hiện đang gấp rút chiêu mộ những nhân sự cấp cao tại Việt Nam để chuẩn bị cho một cuộc chiến "địa phương" với Grab.

Vậy Go-jek sẽ có những lá bài chiến lược nào để "tấn công" Grab?

1. Sức mạnh công nghệ và tốc độ phát triển thần tốc

Go-Jek từng tăng trưởng đến 900 lần chỉ trong 18 tháng kể từ lúc ra mắt trên thị trường. Tính đến năm 2016, các tài xế Go-Jek cung cấp hơn 667.000 cuốc xe mỗi ngày. Đứng sau đó là một đội ngũ hơn 200 kỹ sư phần mềm hoạt động liên tục để giúp Go-Jek luôn vượt trội hơn các đối thủ.

2. Sức mạnh tài chính và các công nghệ hỗ trợ



Về mặt tài chính, Go-jek có đủ tiềm lực để thực hiện kế hoạch mở rộng sang thị trường nước ngoài. Ở vòng huy động vốn mới nhất, họ đã gọi thành công thêm 1,5 tỷ USD và được định giá ở mức 5 tỷ USD. Và đứng sau Go-Jek là hàng loạt các gã khổng lồ công nghệ trên khắp thế giới, từ Google của Mỹ, cho đến JD.com và Tencent của Trung Quốc, và hơn nữa là đại gia Rakuten của Nhật Bản.

Thêm vào đó, việc tấn công thị trường Việt Nam là cơ hội tốt để Go-Jek phát triển song song cùng những nền tảng công nghệ như Go-pay, bởi ở Việt Nam hiện chưa có đơn vị nào vượt hẳn lên, dẫn đầu thị trường ứng dụng thanh toán.

3. Và cuối cùng là: Mô hình quản lý địa phương

Khác với những đối thủ từng chật vật tại thị trường Việt Nam, kế hoạch xâm chiếm Việt Nam của Go-Jek sẽ bắt đầu bằng việc tuyển mộ những nhân tài có quốc tịch Việt Nam, hay còn gọi là những Co-founders của Go-Jek.

Thông qua một đội ngũ thông thạo thị trường "sân nhà" này, Go-Jek sẽ tiến hành đổ công nghệ, tài chính và cả kinh nghiệm quản lý vào một lúc, để "kỳ lân" này không chỉ phát triển nhanh, mà còn phát triển một cách phù hợp và bền vững nhất, quyết tâm thế chỗ Uber và cạnh tranh trực tiếp với Grab - gã khổng lồ sắp độc chiếm thị trường.

Lê Thanh Sang

Theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét