Thứ Hai, 19 tháng 3, 2018

'Sâu bướm' Caterpillar: Từ chiếc máy kéo chạy bằng xích xe tăng thành tập đoàn máy công trình lớn nhất thế giới


Caterpillar trở thành một trong những biểu tượng nước Mỹ khi có mặt ở 200 quốc gia, là nhà xuất khẩu lớn nhất nước Mỹ, dẫn đầu trong lĩnh vực xây dựng cầu đường, đường cao tốc và sân bay trên khắp thế giới.

Công ty Caterpillar chính thức được thành lập năm 1925 khi hai công ty máy kéo ở California sáp nhập với nhau. Tuy nhiên cái tên "Caterpillar" (sâu bướm) có từ đầu những năm 1900 khi Benjamin Holt, một trong những thành viên sáng lập của công ty thiết kế nên một cái máy kéo chạy bằng xích với những bánh xích rộng, dày chứ không dùng bánh xe.

"Sâu bướm" lên xe tăng quân sự

Những bánh xích này ngăn chiếc máy không bị chìm xuống mặt đất vốn xốp, sâu và không thể cho xe đi qua được khi bị ướt của California. Chiếc máy kéo mới trườn dọc theo mảnh đất theo cách mà một người nhìn thấy đã miêu tả là "bò như một con sâu bướm".

Holt bán chiếc máy kéo dưới thương hiệu "Caterpillar" và sau vụ sáp nhập, công ty mới có tên là Công ty Máy kéo Caterpillar. Kể từ đó Caterpilla Inc. hay CAT đã vươn lên thành nhà sản xuất thiết bị và động cơ chuyển đất lớn nhất thế giới.

Những cỗ máy màu vàng nổi bật của Caterpillar đã có mặt trên khắp thế giới và góp phần đưa Caterpillar trở thành một biểu tượng của nước Mỹ.

Với 300 loại máy móc khác nhau, Caterpillar cung cấp giải pháp cho 8 ngành: xây dựng nhà ở, công nghiệp cơ sở hạ tầng, khai thác mỏ và khai thác đá, năng lượng, rác thải và lâm nghiệp.

Vậy bằng cách nào mà một công ty máy kéo nhỏ có thể vươn lên thành một trong những công ty lớn nhất thế giới như vậy?


Ban đầu, công ty phát triển đều đặn, vững vàng, tiến đến những bước ngoặt quyết định, trong đó có việc sử dụng bánh răng của Caterpillar làm bánh răng cho xe tăng quân đội trong Thế chiến I và Thế chiến II.

Nhu cầu xây dựng khổng lồ sau chiến tranh, những sản phẩm mới như máy kéo diesel và máy kéo có lốp cao su đã giúp công ty giữ vững doanh thu cao trong suốt giai đoạn giữa của thế kỷ 20.

Suýt chết vì "cây thông nhỏ"(*)

Tuy nhiên tình hình đã thay đổi khi cuộc suy thoái đầu những năm 1980 khiến Caterpillar phải đối đầu với những đối thủ quốc tế nặng ký, trong đó Komatsu của Nhật Bản, để giành giật thị phần.(*)Trong tiếng Nhật, "Komatsu" nghĩa là "cây thông nhỏ").

Giá bán cao, bộ máy tổ chức cồng kềnh, không linh hoạt của Caterpillar gần như đã đẩy công ty vào bờ vực phá sản. Tính riêng năm 1982, công ty đã thua lỗ 6,5 tỷ USD, cắt giảm hàng nghìn việc làm, đóng cửa xưởng chế tạo và hứng chịu đợt đình công kéo dài của Liên đoàn Công nhân sản xuất ô tô Mỹ (United Auto Workers).

Trong thập niên 90, Caterpillar nhận ra rằng họ thực sự cần phải thay đổi, và dưới sự lãnh đạo của ban giám đốc mới, họ đã thực hiện một cú lật ngược tình thế ngoạn mục nhất trong lịch sử doanh nghiệp. Dưới đây là một vài yếu tố góp phần vào thành công này của Caterpillar:

- Lì lợm đấu tranh với Liên đoàn Công nhân sản xuất ô tô Mỹ, sống sót qua 2 cuộc đình công và 7 năm tranh cãi.

- Xác định lại các vấn đề cần tập trung và tái cơ cấu lại công ty, rút gọn chỉ còn vài đơn vị kinh doanh, mỗi đơn vị chịu trách nhiệm về tình hình lỗ lại riêng của mình.

- Đầu tư một số tiền khổng lồ (1,8 tỷ USD) vào chương trình hiện đại hóa nhà máy, tự động hóa và hợp lý hóa quy trình chế tạo với sự kết hợp giữa phương pháp tồn kho "just-in-time" và quy trình chế tạo linh hoạt. Bằng cách tự động hóa hệ thống chế tạo, công ty đã đạt được hiệu suất và khả năng cạnh tranh cao hơn, mặc dù cũng buộc phải cắt giảm nhiều nhân công hơn.

- Nghiên cứu và phát triển một trong những sản phẩm ưu tiên lớn nhất của mình. Đầu tư hàng trăm triệu USD vào công nghệ mới, sản phẩm mới và máy móc mới. Kết quả là, những chiếc xe tải xây dựng CAT có công nghệ cao hơn, cạnh tranh hơn và thân thiện với môi trường.


Thống soái thị trường lớn



Ngày nay, Caterpillar đứng nhất nhì trong mọi ngành mà họ phục vụ. Sản phẩm của công ty vượt trội về chất lượng và độ tin cậy, và họ vẫn duy trì sự tập trung cao độ vào hoạt động cách tân sản phẩm. Với ngân sách hàng năm 2 tỷ USD cho R&D, năm nào công ty này cũng giới thiệu những sản phẩm mới.

Danh mục sản phẩm của Caterpillar cực kỳ phong phú và đa dạng, từ xe xúc 47 mã lực loại nhỏ đến máy kéo 850 mã lực, cho đến xe tải khai thác mỏ khổng lồ 3.370 mã lực. Caterpillar tập trung vào cách tân, đổi mới máy móc công nghệ cao cho phân khúc cao cấp, bỏ lại phân khúc cấp thấp cho các đối thủ địa phương, mà cuối cùng cũng bị hợp nhất vào Caterpillar.

Một nguyên nhân khác tạo nên sự thống soái thị trường chính là nhờ mô hình kinh doanh của công ty. Caterpillar bán tất cả mọi thứ, máy móc, dịch vụ và hỗ trợ rất nhiều ngành khác nhau. 53% doanh thu của công ty đến từ sản phẩm, phần còn lại đến từ dịch vụ đi kèm.

Caterpillar đạt được kỳ tích này thông qua Mạng lưới Đại lý phân phối Toàn cầu rộng lớn của mình – đặc biệt là những đại lý phân phối CAT độc lập, được đào tạo bài bản, có thể cung cấp dịch vụ cho các khách hàng địa phương, giúp người ta có cảm giác Caterpillar là công ty toàn cầu nhưng quan tâm đến từng khách hàng một.

Caterpillar duy trì khoảng 50 nhà máy sản xuất ở Mỹ và 60 nhà máy sản xuất ở nước ngoài, bán sản phẩm tại hơn 200 quốc gia trên toàn thế giới.

Hiện tại, trên 50% doanh thu của Caterpillar đến từ nước ngoài, đưa công ty trở thành một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất nước Mỹ, dẫn đầu trong lĩnh vực xây dựng cầu đường, đường cao tốc và sân bay trên khắp thế giới.


Kiến Anh

Theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét