Khen có thể để động viên, để dò xét tính cách người đối diện hoặc để cảnh cáo hoặc để người đối diện ngừng "nổ", ngừng nói dối.
Chúng tôi xin giới thiệu bài chia sẻ về lời khen của anh Đỗ Xuân Tùng - Giám đốc Công ty Đào tạo và Tư vấn Nhân Việt. Bài viết được đăng trên group Quản trị và Khởi nghiệp.
1. Khen để động viên
Đây là cái gốc của khen rồi, nhưng thực tế, nhiều người khen chưa tới và làm cho đối tượng như “hẫng hụt”. Muốn khen để người ta có thể phấn khởi thì cần phải sáng tạo, hơn nữa phải biết cơ chế suy nghĩ của họ như thế nào để tác động vào đó.
Ví dụ, có người tự hào về dòng tộc nhà mình, có người tự hào về bằng cấp, có người lại thích nói về tâm tính thiện lương của mình,…
2. Khen để dò xét tính cách
Khi nhận lời khen thì việc người nghe phản hồi ra sao thể hiện rất rõ tính cách của họ. Nếu họ bị ảnh hưởng bởi lời khen, một là chúng ta khen đúng hai là chúng ta có thể tác động tới quyết định của họ. Nếu họ không bị ảnh hưởng, chúng ta là người khí vô duyên phải tập thêm hoặc họ là người không dễ bị tác động bằng những lời khen. Cần phải tìm cách khác hiệu quả hơn để tiếp cận!
3. Khen để đóng khung một ai đó
Cần xác định và khiến người ta ở vị trí nào thì phải khen người ta đúng vào các tính từ đó.
Ví dụ bộ phận kế toán thì hiển nhiên là: chỉn chu, cẩn thận, là tay hòm chìa khóa của cả công ty. Bộ phận sales thì là: mạnh mẽ, luôn tiến tới, phát triển vượt bậc, nhiệt huyết, độc lập sáng tạo.
Khen như vậy vừa đúng vừa mang tính tạo dựng hình tượng về văn hóa của một đối tượng trong cả công ty.
4. Khen để cảnh cáo
Biết rõ mà khen ngược khiến người ta phải chột dạ. Làm kém, lại còn ăn khuyến mại, cả đội đều biết, quản lý lại: tôi rất tin tưởng vào anh X, tôi có nghe điều tiếng này nọ, nhưng tôi khẳng định luôn là không có chuyện đó. Vì anh X không bao giờ làm điều đó để đánh mất đi niềm tin của anh em và của tôi! Nếu như vậy mà vẫn còn tiếp tục thì chắc nhân vật đó thực sự tới lúc phải thay rồi. Và khi thay họ thì họ sẽ không thể còn cửa để lan truyền sự tiêu cực sang người khác nữa.
5. Khen để khiến người đối thoại hết nói dối
Kiểu khen “con rắn vuông” trong truyện tiếu lâm Việt Nam. Trường hợp này là khen theo kiểu phóng đại sự vật hiện tượng. Bản chất của mấy vị thích “chém” là hay phóng đại sự vật hiện tượng để tạo ra ấn tượng cho người nghe. Cứ nương theo đó mà kích các chiều của câu chuyện lên thì tới mức nào đó sẽ thành lố bịch và “chủ thớt” tự biết phải dừng đừng để lố lên nữa. Nên chăng chúng ta cũng nên tập trung khen ai đó là anh ấy “tử tế” quá, tử tế cả online và offline, tử tế hết cả phần người khác?
Theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét