Trong nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, vợ thiếu tá Dương Lê Minh không ngừng xoay chiếc nhẫn nơi ngón tay cái. Đó là chiếc nhẫn của chồng chị, vừa được đồng đội trao lại ngày hôm qua.
Ngày phụ nữ Việt Nam hôm qua, có ba người con trai không về bên mẹ của các anh. Không có hoa, có quà, chỉ có những vành trắng khăn tang bao phủ khắp nơi.
Mất mát quá lớn khiến mẹ của phi công Dương Lê Minh không thể trụ vững. 11 năm sau khi chồng hy sinh lúc đang làm nhiệm vụ bay huấn luyện, bà Lê Thị Minh Thuỷ lại mất đi đứa con trai duy nhất. Chồng và con trai đều chọn trở thành phi công và cùng ra đi vì những tình huống trùng hợp đến trớ trêu.
Trong nỗi đau đớn nghẹn lòng, người mẹ chỉ thốt lên: “Tôi chỉ cần con thôi!”. Ký ức gần nhất về phi công Dương Lê Minh của bà là lần anh về Nha Trang thăm mẹ. “Nó ở hai tuần với cô rồi mới đi. Nó hiền lắm, ngoan lắm, chưa bao giờ gây với ai điều gì”, người mẹ nấc nghẹn.
Chiếc nhẫn là kỷ vật cuối cùng được đồng đội trao lại cho vợ thiếu tá Dương Lê Minh. Ảnh: Hải An. |
Anh Tùng, một người bạn của liệt sĩ Dương Lê Minh ứa nước mắt an ủi: "Con với Minh chơi với nhau từ nhỏ, nếu con không bị cận thì hai đứa con đã cùng theo nghiệp bố mà thành phi công. Trước bố con cùng đơn vị bay với bố Minh, hai tụi con cùng muốn làm phi công. Cô đừng đau buồn, hãy tự hào vì Minh vì đã trọn ước nguyện của bạn ấy..."
Nỗi đau ập xuống khiến vợ của thiếu tá Dương Lê Minh trở nên trầm lặng. Trong nhà tang lễ, đôi tay chị không ngừng xoay chiếc nhẫn nơi ngón tay cái. Đó là chiếc nhẫn của anh Minh, vừa được đồng đội trao lại ngày hôm qua.
Kỷ vật đó nhắc nhở hạnh phúc ngắn ngủi của đôi vợ chồng trẻ. Trong suốt những tháng năm sống với nhau, thời gian anh xa vợ con, theo những cánh chim sắt nhiều hơn ở nhà. Hai đứa con trai lần lượt ra đời, được đặt tên theo những thành phố bên trời Âu mà anh theo học.
Ngày 20/10 vừa rồi, có ba người lính không kịp về nhà. Ảnh: Hải An. |
Đồng đội, họ hàng có mặt ở Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng không khỏi nghẹn ngào trước tình cảnh của gia đình liệt sĩ Dương Lê Minh. “Một cháu mới gần 2 tuổi, một cháu 5 tháng còn nằm trong nôi, sao biết được nỗi đau mất cha như thế nào”, một người bạn chia sẻ.
Có mặt trong lễ tang cha, con trai của liệt sĩ Dương Lê Minh vẫn bò lên nhìn bài vị cha, khóc to vì thấy đông người. Nghe những người họ hàng dỗ “Ngoan đi, bà đưa đi bố”, mọi người không ai cầm được nước mắt.
Khi dòng người rước di ảnh và hài cốt của các liệt sĩ để đi hoả táng, tiếng khóc xé lòng của chị gái liệt sĩ Đặng Đình Duy khiến ai cũng khóc theo. Mẹ anh Duy mất sớm, trong lễ tang chỉ có chị gái khóc gọi tên em.
Phi công Đặng Đình Duy và Nguyễn Văn Tùng đều sinh năm 1991. Cả hai cũng chưa kịp lập gia đình.
Đứng khuất ở góc nhà tang lễ, vợ liệt sĩ phi công khác cũng lặng lẽ đến viếng. Đó là chị Nguyễn Thị Vân, vợ của liệt sĩ Lê Văn Nghĩa – người hy sinh trong khi bay huấn luyện Su-22 vào tháng 4/2015.
"Chồng tôi mất cũng vì rơi máy bay, nỗi đau ấy tôi hiểu nên biết được rằng gia đình của anh Minh, Duy và Tùng đau đớn như thế nào. Hơn một năm trước tôi cũng như vậy. Cứ khóc suốt, hai đứa con cũng vì sự ra đi của bố mà phải trì hoãn việc học...", chị chia sẻ.
Chị Vân cũng là vợ của một liệt sĩ chia sẻ cứ nghe đến máy bay rơi là thấy đau. Ảnh: Hải An. |
Không cầm được nước mắt khi nhìn những di ảnh của các liệt sĩ, chị Vân bảo chị cứ nghe máy bay rơi là tim lại đau. Bởi chị nhớ như in mình đã suy sụp như thế nào khi chồng hy sinh.
Chị chưa bao giờ gặp Minh, Duy hay Tùng, nhưng vì đều là đồng đội của anh Nghĩa nên họ đều coi nhau như anh em trong nhà.
"Mất mát thì đến bây giờ tôi vẫn thấy đau, nên chỉ mong gia đình của các chú ấy vượt qua được. Cũng như tôi, Bảo Anh vợ chú Minh còn phải nuôi hai đứa con nhỏ...", chị Vân cứng cỏi nói
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét