Nếu nhìn vào phong cách kinh doanh của Samsung, bạn sẽ thấy tập đoàn này có lối kinh doanh khá “nhanh chóng” nhằm nắm bắt thị trường, chiếm lĩnh ưu thế trước các đối thủ. Tuy nhiên, có lẽ Samsung đã đi quá nhanh với Galaxy Note 7.
Sản phẩm Note 7 của Samsung được bày bán từ tháng 8/2016 và khoảng 2,5 triệu chiếc đã được thu hồi để đổi pin sau những vụ cháy nổ. Tuy nhiên, khi tình trạng này vẫn tồn tại sau khi đã thay pin, Samsung quyết định ngừng sản xuất Note 7 trong tuần này.
Những động thái trên của Samsung có thể nói là diễn ra vô cùng nhanh chóng, thậm chí nhiều khách hàng còn chưa kịp phản ứng hay hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Có lẽ, phong cách làm việc nhanh chóng này của Samsung đã được xây dựng từ năm 1993 khi Chủ tịch Lee Kun Hee thời đó thực hiện công cuộc cải cách quản lý để biến doanh nghiệp sản xuất thiết bị tiêu dùng này thành một tập đoàn công nghệ tầm cỡ quốc tế, qua đó cạnh tranh với nhiều công ty lớn trên thế giới.
Mặc dù Samsung vẫn chưa thể xứng tầm với Apple trong mảng công nghệ smartphone nhưng tập đoàn này đang theo sát gót “quả táo khuyết”.
Bất kỳ quyết định thu hồi sản phẩm nào cũng khó khăn, nhưng Samsung không còn cách nào khác khi việc thay đổi pin cho Note 7 không khắc phục được hoàn toàn các sự cố. Sản phẩm Note 7 vẫn bị cháy nổ kể cả khi đã đổi máy.
Dẫu biết rằng tốc độ là một lợi thế lớn của Samsung để có thể cạnh tranh với các công ty lớn khác trên thị trường quốc tế, nhưng có vẻ hãng điện tử Hàn Quốc này lại đang quá vội vã. Họ không kiểm tra cẩn thận vấn đề mà chỉ thay pin và đổi máy nhanh chóng. Hệ quả là hãng thiệt hại 2,3 tỷ USD cho việc tháo dỡ thay đổi các thiết bị của Note 7 để rồi phải dừng sản xuất.
Quá nhanh...
Trong một thập niên vừa qua, Samsung đã làm được nhiều điều thần kỳ. Trong khi Apple đè bẹp những cựu hoàng như Nokia hay Blacberry với iPhone, Samsung vẫn bán được rất nhiều smartphone và đáng lưu ý hơn là họ vẫn duy trì được mức lợi nhuận cận biên với dòng điện thoại Android này.
Thậm chí, dù có nhiều đối thủ cùng kinh doanh mảng điện thoại Android như Huawei, Levono, Sony, HTC, tập đoàn điện thoại Hàn Quốc vẫn đứng đầu thị phần mảng Android nhờ tăng cường cạnh tranh phần cứng.
Tất cả những thành công này của Samsung là nhờ công cuộc cải tổ cách đây 20 năm của Lee Kun Hee. Theo đó, kiểu quản lý tuân thủ kỷ luật như quân đội cũng như phản đòn nhanh chóng trước các nguy cơ từ đối thủ đã khiến Samsung trở thành đối thủ đáng gờm của Apple trong mảng smartphone.
Do khác biệt về phần mềm nên Samsung đương nhiên muốn cạnh tranh với Apple về phần cứng trong các sản phẩm của mình, như màn hình lớn hơn, camera nét hơn...
Nói tóm lại, Samsung là một kẻ bám đuổi khá tốt so với Apple nếu xét trên tất cả những công ty tham chiến trong mảng smartphone.
Đây thực sự là một niềm tự hào của Samsung khi nhiều hãng khác như HTC đã cố làm theo nhưng không thể thành công. Samsung đã kết hợp được vô cùng tốt các mảng nghiên cứu, thiết kế, phát triển cũng như marketing sản phẩm.
Chính Chủ tịch Lee Kun Hee cũng đã phải tự hào tuyên bố: “Thời đại mới đang đến, khi những kẻ dẫn đầu có thể rơi xuống đáy trong khi những người đi sau có thể vươn lên dẫn đầu”.
...Quá nguy hiểm
Tuy nhiên, duy trì tăng trưởng là điều vô cùng khó, nhất là khi Samsung đã nắm giữ đến 23% thị phần smartphone trên toàn thế giới. Ở phân khúc cao cấp, hãng phải đối mặt với Apple và đối thủ mới tham chiến hiện nay là Google với điện thoại Pixel.
Trong khi đó, mảng cấp thấp và tầm trung là hàng loạt những công ty Trung Quốc đang theo sát gót những gì Samsung đã làm và đang có tham vọng thay thế vị trí của hãng trong tương lai.
Sựu ra đời của Note 7 được Samsung kỳ vọng như một nước đi nhằm đối phó với mẫu iPhone mới của Apple, chỉ có điều lần này hãng đã thất bại.
“Vấn đề của Note 7 hiện nay là do Samsung đặt quá nhiều kỳ vọng vào nó (qua đó đẩy mọi thứ đi quá nhanh)”, Giáo sư Chang Sea Jin của trường đại học quốc gia Singapore (NUS) nhận định.
Đáng lẽ ra, Samsung nên bình tĩnh suy xét cẩn thận vấn đề trước khi quyết định, nhưng phong cách tốc độ của hãng đã in sâu vào văn hóa làm việc và kết quả là lần này họ thất bại nặng nề.
Trước đây, Samsung đã từng đối mặt với những vụ bê bối như thế này và chính Chủ tịch Lee Kun Hee đã phải tổ chức một cuộc họp 3 ngày ở Frankfurt để yêu cầu toàn thể cán bộ thay đổi cách làm việc.
“Hãy thay đổi tất cả, trừ việc thay đổi vợ và con bạn”, ông Lee nhấn mạnh.
Với vụ bê bối lần này, các chuyên gia dự đoán có thể con của ông Lee, nhà lãnh đạo mới Lee Jae Yong sẽ lại phải tổ chức một cuộc họp lần nữa để giáo dục về văn hóa làm việc của Samsung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét