Để khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình của nông dân hiện nay, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề xuất thành lập ngân hàng đất.
Tại hội thảo “Tín dụng ngân hàng thúc đấy tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, TS. Nguyễn Đức Kiên cho biết cơ sở của đề xuất này dựa trên việc nghiên cứu 23 tỉnh trong cả nước về phát triển nông nghiệp. Trong đó, "đặc biệt, xuất hiện tình trạng nhiều sổ đỏ của nông dân đã đem đi thế chấp trong ngân hàng để vay vốn", ông Kiên nhấn mạnh.
Ông Kiên cho rằng, hiện nay không thể duy trì tư duy ngân hàng là của Nhà nước. Hãy đối xử với ngân hàng như với một doanh nghiệp thông thường, họ có quyền yêu cầu đồng vốn bỏ ra phải mang lại hiệu quả. Điều đó cũng đồng nghĩa không nên đặt vấn đề từ góc độ ngân hàng phải giảm lãi suất, giảm các tiêu chí cho vay với nông dân mà thay vào đó, cần áp dụng phương thức cổ phần hóa vào nông nghiệp.
Ông Kiên đề xuất trong thời gian tới cần hình thành một ngân hàng ruộng đất, để người dân có thể gửi ruộng đất của mình vào đó lấy lãi hàng năm |
“Trong sản xuất công nghiệp chúng ta sẵn sàng cổ phần hóa doanh nghiệp và đồng ý với việc chuyển tài sản cho một chủ sở hữu - người có khả năng sử dụng tài sản đó hiệu quả nhất. Vậy, tại sao trong nông nghiệp chúng ta không làm thế? Sản xuất nông nghiệp, đã đến lúc cổ phần hóa?”, ông Kiên đặt vấn đề.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng cho rằng ở góc độ nghiên cứu, trong sản xuất công nghiệp việc cổ phần hóa doanh nghiệp và chuyển giao tài sản ấy cho những chủ sở hữu khác giúp việc sản xuất có hiệu quả. Nói cách khác, ai sử dụng tài sản ấy hiệu quả nhất thì phân công. Tại sao ở trong nông nghiệp lại không áp dụng như thế?
Vì thế, trong thời gian tới cần hình thành một ngân hàng ruộng đất, để người dân có thể gửi ruộng đất của mình vào đó lấy lãi hàng năm. Sau đó ngân hàng cho các doanh nghiệp “mượn” ruộng đất đó để sản xuất, kinh doanh lấy lãi.
Việc này sẽ giải quyết được vấn đề ruộng đất manh mún nhỏ lẻ như hiện nay; cũng giải quyết được vấn đề nhiều vùng nông thôn hiện nay chỉ còn người già, trẻ em, sản xuất kém hiệu quả.
Trên những cơ sở đưa ra về việc thành lập ngân hàng đất của TS.Kiên, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đưa ra quan điểm về tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Theo ông Tú, thời gian tới sẽ chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu tín dụng để phù hợp cơ cấu nông nghiệp, phù hợp cơ cấu nguồn vốn, với quy hoạch của từng vùng, từng miền, các địa phương.
Bên cạnh đó sẽ tập trung vốn tín dụng với cơ chế chính sách có ưu đãi một cách phù hợp, chứ không tràn lan.
“Chúng tôi sẽ tập trung vốn, thời hạn, lãi suất cho các đối tượng ở các lĩnh vực trọng tâm như xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm”, ông Tú nhấn mạnh.
Đặc biệt, sẽ cho vay các dự án, doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia vào chuỗi liên kết giá trị sản phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu. Một chuỗi liên kết có thể có nhiều thành phần tham gia nhưng quan trọng là lợi ích các bên tham gia, khi có lợi ích thì người ta sẽ tham gia. Ngân hàng như sợi dây tạo ra lợi ích cho các bên tham gia chuỗi liên kết này.
Ông Tú cũng cho rằng thời gian tới, ngân hàng cần thu gọn lại, xác định mục tiêu hỗ trợ trọng điểm, cần xác định ủng hộ những anh làm tốt chứ không thể những đối tượng làm không hiệu quả cũng hỗ trợ, ưu đãi mãi được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét