"Đưa ra thông tin như vậy là không có trách nhiệm và cần có nghiên cứu và đưa quy chuẩn cho đúng thực tế và công bằng", đây là khẳng định của ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết với phóng viên báo Dân Trí trước thông tin hơn 67,33% nước mắm khảo sát có hàm lượng arsen vượt ngưỡng quy định.
Cụ thể hơn, theo ông Hiến: "Chúng tôi khẳng định arsen hữu cơ là có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng, không ai có thể cho arsen hữu cơ vào mắm được, ngoại trừ bản thân các loại cá được sử dụng làm mắm có được. Đưa ra thông tin như vậy là không có trách nhiệm và cần có nghiên cứu và đưa quy chuẩn cho đúng thực tế và công bằng".
Trước đó, chiều qua ngày 17/10, Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng (Vinastas) công bố cuộc khảo sát trên 150 mẫu nước mắm tại 19 tỉnh, thành phát hiện có đến 101 mẫu (chiếm 67,33% số nước mắm được khảo sát có hàm lượng thạch tín (arsen) tổng vượt ngưỡng cho phép.
Đáng chú ý, kết quả nhấn mạnh vào những loại mắm có hàm lượng độ đạm cao, đồng nghĩa với Arsen tổng cao. Cụ thể là 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định.
Thông tin này gây rúng động dư luận bởi thực tế, arsen có nhiều loại và mức độ độc hại khác nhau, arsen dạng vô cơ độc hơn arsen hữu cơ. Trong khi arsen vô cơ có thể gây ung thư thì arsen hữu cơ thường có nhiều trong thuỷ, hải sản.
Theo quy định QCVN 8-2:2011/BYT, hàm lượng arsen (thạch tín) cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0mg/L. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm arsen tổng cho thấy có đến 101/150 mẫu khảo sát (chiếm 67%) không đạt quy định của QCVN này.
Danh sách các hãng nước mắm và sản phẩm nước mắm được VINASTAS công bố có arsen tổng vượt ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khách quan khẳng định, việc đưa ra thông này gây hoang mang dư luận bởi bản thân arsen hữu cơ không gây độc hại cho con người.
Ngay sau đó, trả lời với báo giới ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) nói: "Khi phát hiện ra arsen, chúng tôi đã tiến hành chia các mẫu nước mắm để thử nghiệm xem có arsen vô cơ hay không. Kết quả khi thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát có Arsen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện Arsen vô cơ (với giới hạn phát hiện là 0,01mg/L),
Ông Tuấn khẳng định: "Arsen trong nước mắm chủ yếu là arsen hữu cơ không gây hại cho sức khỏe, cho nên nước mắm vẫn an toàn, người tiêu dùng không nên quá lo ngại".
Hiện, theo danh sách các hãng nước mắm có arsen tổng vượt ngưỡng cho phép theo kết quả khảo sát của VINASTAS có nhiều loại nước mắm khác nhau, trong đó hầu hết là nước mắm của các thương hiệu nhỏ, lẻ, trong đó các mẫu nước mắm có hàm lượng arsen cao nhất trên 4mg/L thuộc về nước mắm Hạnh phúc 60 độ đạm, Nam Phan 25 độ đạm, Nhĩ Vàng, Gia Hỷ, nước mắm 584 Nha Trang 60 độ đạm...
Bức xúc vì báo cáo trên, chia sẻ với PV Dân Trí, ông Trương Quang Hiến cho hay: "Đưa ra thông tin như vậy là không có trách nhiệm và cần có nghiên cứu và đưa quy chuẩn cho đúng thực tế và công bằng. Không nên lấy quy chuẩn của nước mắm công nghiệp chỉ 2 - 5 độ đạm để áp dụng đưa ra thông tin arsen cao trong các hãng nước mắm truyền thống từ 30 độ đạm trở lên được. Việc Hiệp hội đưa ra thông tin ảnh hưởng đến ngành nước mắm. Điều này có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam".
Về kết luận nước mắm có độ đạm càng cao, thì arsen càng nhiều, ông Hiến khẳng định: "Bản thân nước mắm Phan Thiết chỉ có 30 độ đạm, còn các loại mắm có độ đạm cao hơn là họ sử dụng máy cô, để chưng cất cách thủy mắm khiến nước bốc hơi đi. Do đó nước mắm có độ đạm càng cao. Việc nước mắm có độ đạm càng cao, arsen tổng càng lớn là điều hết sức bình thường, loại arsen tổng này không có hại cho sức khỏe người tiêu dùng".
Ông Hiến ví dụ: "Một người tính thể trọng 65 kg, ăn một bữa có thể 0,2kg cá/bữa ăn, nhưng với 0,2kg cá có thể làm được 200 ml nước mắm. Mỗi người không thể ăn được 200ml nước mắm/bữa. Đây là nói nếu có arsen vô cơ, còn nghiên cứu đều chỉ đưa ra arsen hữu cơ, không có hại đến sức khỏe người tiêu dùng".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét