Trước phản ứng của TP.HCM về việc giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, nếu tính tổng thì nguồn lực của TP không giảm và việc này đã được tính toán kỹ.
Theo kế hoạch, tỷ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại giai đoạn 207-2020 giảm từ 23% xuống còn 18% số thu phải điều tiết. Là đầu tàu kinh tế, cùng với Hà Nội đóng góp hơn 50% ngân sách cả nước, nhiều ý kiến từ TP.HCM cho rằng việc tiết giảm gây khó khăn cho thành phố trong việc đầu tư phát triển, chi tiêu.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, quan điểm của thành phố là chia sẻ với trung ương do những khó khăn của nền kinh tế và cũng không mong được giữ nguyên tỷ lệ 23%. Song nếu giảm thì có mức độ để thành phố có nguồn lực đầu tư.
Theo bà, hạ tầng của địa phương đang quá bức bối trong khi chi thường xuyên đã giảm tối đa và không thể cắt thêm. "Nếu bị giảm tỷ lệ ngân sách được giữ lại, TP.HCM buộc phải cắt giảm chi đầu tư cho phát triển hạ tầng", Phó bí thư TP.HCM chia sẻ bên hàng lang Quốc hội.
Ông Võ Thành Hưng (Vụ trưởng Ngân sách - Bộ Tài chính): "Tổng nguồn lực của TP.HCM không giảm, chỉ là không tăng như nhu cầu". Ảnh: Nhật Lâm. |
Trao đổi với báo chí, ông Võ Thành Hưng (Vụ trưởng Ngân sách - Bộ Tài chính) khẳng định việc xác định lại tỷ lệ điều tiết này đã được tính toán kỹ lưỡng và đảm bảo đáp ứng nhu cầu chi của thành phố. Theo đó, ngân sách trung ương vẫn luôn ưu tiên dành nguồn chi lớn cho TP.HCM.
“Nguyên lý chung của tất cả các nước là điều hòa ngân sách, làm sao các địa phương nghèo không khó khăn và giàu không mất đi động lực. Tổng nguồn lực của TP.HCM không giảm, chỉ là không tăng như nhu cầu”, ông Hưng khẳng định.
Vụ trưởng Ngân sách lý giải, mức chi trên đầu dân số của thành phố đang gấp 1,7 lần so với các địa phương khác. TP.HCM cũng được hưởng nhiều lợi thế mà hầu hết các địa phương không có, ví dụ được trung ương bổ sung trên 7.000 tỷ để đầu tư một số dự án (hai bệnh viện tuyến cuối Nhi và Ung bướu). Riêng nguồn vốn này gộp vào thì ngân sách thành phố được giữ lại không phải chỉ là 18% mà khoảng 22%.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2016-2020, trung ương cũng bổ sung cho địa phương khoảng 3 tỷ USD vốn ODA để xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, cấp thoát nước, xử lý các vấn đề môi trường và 1 tỷ USD cho vay lại. Chưa kể, nếu thành phố thu vượt ngân sách sẽ được thưởng.
"Chúng tôi đã tính toán kỹ để nếu giảm vẫn phải có nguồn lực khác bù vào để đảm bảo thành phố không bị tác động quá lớn", ông Hưng nói.
Đồ họa: Nhật Lâm. |
Theo ông, không riêng TP.HCM, Hà Nội cũng bị điều chỉnh tỷ lệ giữ lại tại địa phương từ 42% xuống 28%; Đà Nẵng giảm từ 85% xuống 68%. Trên thực tế, trong khi 13 tỉnh, thành trực thuộc trung ương chiếm 80% số thu cả nước và có đóng góp lại cho ngân sách trung ương thì vẫn còn 50 địa phương đều đặn nhận tiền hỗ trợ, bổ sung từ ngân sách.
"Nếu cả 63 địa phương đều kêu thì miếng bánh ngân sách không bao giờ đủ được", ông Hưng nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét