Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

Bao giờ Việt Nam mới sánh vai với các cường quốc năm châu?

Đây là câu hỏi của đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) đặt ra cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Câu hỏi được Thủ tướng khen là thú vị.

Bao giờ Việt Nam mới sánh vai với các cường quốc năm châu?
Theo đại biểu của tỉnh Cà Mau, Việt Nam đã hội nhập sâu với thế giới trong tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, nếu so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam còn thua và có xu hướng tụt hậu về nhiều mặt.
Do đó, đại biểu này chất vấn Thủ tướng : “Khi nào Việt Nam mới có thể sánh vai với các cường quốc năm châu theo đúng nghĩa lời dạy của Bác Hồ?”.
Nhận được chất vấn, Thủ tướng cho biết đây là một câu hỏi rất lý thú. “Chúng ta đều mong được như vậy. Chúng ta đồng tâm hiệp lực, đổi mới toàn diện theo chủ trương, cương lĩnh của Đảng để quyết tâm xây dựng đất nước”, Thủ tướng nói.
Cũng theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh về một lộ trình hợp lý để vươn lên. "Thoát nghèo thì phải lên trung bình, khá, tiếp theo mới sánh vai trong khu vực ASEAN, khu vực châu Á rồi mới ra thế giới", ông nói.
Mặt khác, Thủ tướng cũng nhấn mạnh vào sự đồng tâm, hiệp lực của mọi cá nhân, tổ chức khi khẳng định tinh thần quyết tâm xây dựng đất nước hơn là một ý tưởng cần thiết của mọi cán bộ, công chức, nhất là trong Chính phủ và Quốc hội.
Cũng với câu hỏi hướng về một Việt Nam giàu mạnh, đại biểu Phạm Phú Quốc đặt ra vấn đề tại sao đến nay Việt Nam vẫn chưa có tỉnh thành nào trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính đúng nghĩa và có quy mô đô thị có thể sang ngang với các trung tâm tài chính, kinh tế trong khu vực.
“Tôi chỉ dám so sánh trong khu vực chứ không dám so sánh tới năm châu”, vị đại biểu này cho biết.
Và ông chất vấn Thủ tướng về chính sách để thực hiện được điều này. Mặt khác, vị đại biểu này cũng đặt ra câu hỏi về việc đặt trụ sở chứng khoán tại TP Hồ Chí Minh.
Theo ông, sở giao dịch chứng khoán là một doanh nghiệp chứ không phải cơ quan quản lý nhà nước. Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang nắm giữ 88% giá trị vốn hóa thị trường và 70% tính thanh khoản của thị trường. Dự kiến đến 2020, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hình thành 500.000 doanh nghiệp, tức chiếm 50% tổng số doanh nghiệp trong toàn quốc.
"Kính hỏi Thủ tướng, việc đặt trụ sở chứng khoán quốc gia nằm trong hoặc ngoài Thành phố Hồ Chí Minh như thế nào để phù hợp với quy luật kinh tế thị trường?”, đại biểu Phú Quốc hỏi.
Trả lời vấn đề này, Thủ tướng cho biết đây là một ý tốt và cần phát huy. Theo đó, Việt Nam nên có một số trung tâm tài chính dịch vụ trong lĩnh vực quan trọng này, trước hết ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
“Chúng tôi sẽ có cơ chế hình thành trung tâm này và bước đầu manh nha có những trung tâm như vậy. Đây là việc Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan có liên quan thảo luận để tạo điều kiện cho Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội sớm hình thành trung tâm tài chính, dịch vụ của nước ta”, Thủ tướng nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét