Một làn sóng đầu tư vào các khu vui chơi giải trí đang diễn ra rầm rộ ở các địa điểm du lịch nổi tiếng, nhiều dự án có giá trị hàng nghìn tỷ đồng đã hoàn thành và đang xây dựng.
Tổ hợp giải trí Bà Nà Hills. Ảnh: Gia Bảo
Mỏ vàng còn bỏ ngỏ
Xu hướng đầu tư này đã chứng minh được sức hấp dẫn rất lớn ở những địa điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới như Lasvegas (Mỹ), Genting (Malaysia), Lan Quế Phường (Hong Kong) hay Pattaya (Thái Lan)…đã đóng góp vào doanh thu ngành du lịch ở các nước này lên tới hàng chục tỷ đôla.
Ở Việt Nam, nhiều tên tuổi lớn cũng đã nhắm tới mô hình này từ lâu. Tuy nhiên, có người thành công và cũng có kẻ thất bại. Một mảnh đất màu mỡ được xem là “mỏ vàng” tỷ đô nhưng cho tới nay xu hướng đầu tư này mới thực sự bùng nổ cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch.
Những năm qua, người dân thường biết đến những khu vui chơi giải trí lớn được xem là “disneyland Việt Nam” như Bà Nà Hills, công viên Asia Park của tập đoàn Sungroup hay gần đây là Vinpearl Land, vườn thú Safari ở Phú Quốc của tập đoàn Vingroup.
Nhưng theo nhiều chuyên gia trong ngành, chỉ một vài khu vui chơi lớn ở Việt Nam là quá ít, chưa xứng với tiềm năng du lịch ở nước ta. Người Việt vẫn rất thiếu những khu vui chơi đẳng cấp quốc tế.
Nói như ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, nhiều khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam hiện nay phần lớn là đầu tư vào nhu cầu để ở và kinh doanh. Với tổ hợp nghỉ dưỡng thực thụ thì cần phải có thêm 2 yếu tố khác là mua sắm (shoping) và vui chơi giải trí (entertainment) thì vẫn chưa làm được, trừ một số dự án của tập đoàn lớn.
Trong khi đó, du khách đi du lịch không chỉ để ngắm cảnh đẹp hay liệt kê chỗ ở mà thay vào đó họ còn có nhu cầu rất lớn về giải trí. Điều đó lý giải tại sao chúng ta có những nơi tuyệt đẹp nhưng vẫn không hấp dẫn khách du lịch.
Thay vì họ đi du lịch ở Việt Nam, hàng triệu người Việt lại đổ tiền vào nước khác. Con số thống kê của Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, cho thấy mỗi năm có khoảng 5 triệu lượt khách Việt đi du lịch nước ngoài, chi tiêu khoảng 6 tỷ USD (con số này trong năm 2012 chỉ khoảng 3,5 tỷ USD).
Tham vọng “disneyland” và Universal Studios ở Việt Nam
Tham vọng “disneyland Việt Nam” không phải chưa từng có ở Việt Nam, trước đây đã có trường hợp của tập đoàn Khang Thông không công bố đầu tư tới 2 tỷ đôla cho dự án Happy Land ở Bến Lức (Long An). Nhưng dự án này không mấy thành công, vì nhiều lý do Happy Land không biến thành tổ hợp “siêu giải trí” như kỳ vọng, mà phải thu hẹp quy mô đầu tư, chờ thời.
Với tiềm năng lớn, song song với sự phát triển của ngành du lịch, ngọn lửa tham vọng “disneyland Việt Nam” lại đang được thổi bùng lên khi hàng loạt “ông lớn” địa ốc đang dốc hầu bao cho mảng BĐS này. Không chỉ Sungroup, Vingroup, FLC,…tới đây mô hình đầu tư này sẽ là xu hướng mới của các đại gia địa ốc trong và ngoài nước.
Có thể khẳng định Sungroup đang là tập đoàn đi tiên phong trong lĩnh vực này. Nhìn vào những dự án quy mô hàng chục nghìn tỷ của tập đoàn này có thể thấy điều đó. Từ Bà Nà Hills, công viên Asia Park 10.000 tỷ, cáp treo Fansipan 4.400 tỷ, tổ hợp công viên giải trí Sun World Halong Park 7.794 tỷ, và tới đây là mô hình công viên chủ để disneyland và universal studios nổi tiếng ở dự án Kim Quy 4.600 tỷ tại Hà Nội, tổ hợp cáp treo Hòn Thơm (Phú Quốc) và khu nghỉ dưỡng 10.000 tỷ…
Vingroup cũng đã triển khai hàng loạt dự án trước đó như Vinpearl Nha Trang, Vinpearl Phú Quốc với quy mô 170.000 m2 với các tòa lâu đài, cửa hàng và khu vui chơi xinh xắn như bước ra từ thế giới cổ tích, vườn thú Safari hay sắp tới là khu vui chơi giải trí kết hợp casino ở Phú Quốc.
Một tập đoàn lớn khác là FLC cũng bắt đầu “cuộc chơi” với tham vọng đầu tư một công viên giải trí ngang tầm disleyland tại Vĩnh Phúc, trị giá lên tới 5000 tỷ trên quy mô diện tích 250ha và một vườn thú safari đang xây dựng có quy mô 200ha ở Quy Nhơn (dự kiến hoàn thành vào 2017).
Empire Group, một doanh nghiệp trong nước đang hướng đến một mô hình giải trí lớn ở Đông Nam Á bằng việc công bố đầu tư trên 12000 tỷ cho dự án Cocobay Đà Nẵng, hiện đang xây dựng.
Trong khi đó, BRG Group đang lên kế hoạch lớn hợp tác với Sanrio của Nhật Bản để đầu tư vào công viên giải trí có tên Hello Kitty ở Hà Nội, kỳ vọng sẽ là một trong những công viên giải trí lớn nhất Việt Nam vào 2018. Đây cũng là chiến lược mở rộng đầu tư của Sanrio các công viên giải trí ở châu Á, sau khi thành công ở Trung Quốc và Malaysia.
Với những động thái trên, mô hình BĐS giải trí hứa hẹn sẽ là ngày càng sôi động góp phần nâng tầm du lịch Việt Nam. Đó sẽ là "cuộc chơi" đầy hấp dẫn của các đại gia địa ốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét