Doanh số mảng phần cứng, di động luôn là phần "yếu kém" của Microsoft. Đã có rất nhiều hoài nghi về đường lối mà ban điều hành công ty này đang theo đuổi, nhưng thực ra Microsoft có cái lý riêng của mình.
Lâu nay, kết quả kinh doanh của mảng di động phần cứng Microsoft vẫn luôn bị các nhà đầu tư chỉ trích là "yếu kém", "cần phải loại bỏ". Do doanh số, lẫn thị phần củaWindows Mobile đã liên tục sụt giảm qua các năm, trong khi tiền đầu tư cho mảng này là chẳng hề ít.
Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Luôn là mảng kinh doanh yếu kém nhất, tại sao Microsoft vẫn cứ đâm đầu vào làm điện thoại Windows?
Mới đây, trong cuộc trả lời phỏng vấn với ZDNet, Phó tổng giám đốc điều hành mảng Windows & Device của Microsoft, ông Terry Myerson tiết lộ rằng, đầu tư vào mảng di động chạy Windows là một chiến lược dài hạn của công ty này.
Sau cùng, kể cả mảng Windows Mobile thua lỗ, Microsoft vẫn sẽ có thị phần trong ngành sản xuất ARM, cũng như hệ sinh thái phần mềm của điện thoại. Đó sẽ là nền tảng cho việc nghiên cứu và thử nghiệm sản phẩm trong tương lai gần.
"Nói chung, có 2 điều mà các bạn nên chú ý trong các điện thoại sử dụng Windows. Một là các kết nối di động (3G, 4G). Hai là bộ vi xử lý ARM đang được trang bị trên mỗi chiếc điện thoại của Microsoft. Tôi nghĩ rằng cả hai điều này mới đóng vai trò quan trọng hơn cả trong giới kĩ thuật công nghệ tương lai", Myerson trần tình về hướng phát triển.
Ông Myerson cũng nói thêm: "Sẽ rất khó khăn nếu bạn từ bỏ một thứ và lúc cần thì phải nghiên cứu lại từ đầu". Bằng chứng là với dự án Windows Mobile 6.5 và Windows Phone 7 năm 2009, họ đã mất tới 2 năm để khởi động lại mọi thứ từ con số không.
Vì vậy, việc Microsoft đang nhắm đến là duy trì một nền tảng, để từ đó khai thác, phát triển lên các công nghệ cao cấp và hiện đại hơn.
Ở một góc độ nào đó, ông Myerson hoàn toàn có lý khi đưa ra câu trả lời như trên.
Bởi ở thời điểm hiện tại, Microsoft chỉ duy trì một khoản đầu tư mang tính chiến lược vào mảng điện thoại, thay vì tận lực kinh doanh. Điều này tuy là có ảnh hưởng đến doanh thu chung của toàn tập đoàn, nhưng vẫn chưa là gì so với lợi ích mà nó mang lại.
"Đôi khi với việc bạn đầu tư kinh doanh thì dễ dàng hơn là bạn đầu tư vào nền tảng kỹ thuật để phát triển sau này. Nhiều người không thể hiểu được điều đó. Và đương nhiên cũng có nhiều tranh cãi về mức độ quan trọng của vi xử lý ARM và các kết nối di động trong tương lai", Myerson bảo vệ cho phương hướng điều hành của công ty.
Còn theo các chuyên gia về công nghệ, Microsoft không hẳn chỉ muốn duy trì nền tảng kĩ thuật với ARM. Nhiều khả năng, ông lớn này còn đang "nhăm nhe" một kế hoạch lớn hơn để thực sự khẳng định tên tuổi của mình trong giới sản xuất smartphone.
Với lí do là gì đi chăng nữa, Microsoft vẫn buộc phải duy trì các dự án liên quan đến Windows 10 trên điện thoại để có tiến xa hơn nữa.
Nhưng liệu như vậy có ảnh hưởng tới người tiêu dùng và các doanh nghiệp đang sử dụng hệ điều hành của Microsoft không? Liệu chúng ta còn muốn tiếp tục gắn bó với Windows khi đó không phải là mục tiêu phát triển chính của họ?
Hãy cùng chờ xem sắp tới Microsoft sẽ thể hiện như thế nào cùng các tính toán của mình!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét