"Nhiều doanh nghiệp đang làm nhà ở giá rẻ sẽ phải xem lại chiến lược đầu tư của mình nếu như muốn cạnh tranh thị phần cùng doanh nghiệp địa ốc số 1 này".
Cuối tuần vừa qua, Tập đoàn Vingroup bất ngờ công bố thông tin gây xôn xao thị trường bất động sản khi tuyên bố cho ra mắt thương hiệu bất động sản đại chúng VinCity. Đáng chú ý, Vingroup tuyên bố, đây là phân khúc bất động sản có mức giá bình quân chỉ từ 700 triệu đồng, con số có thể coi là rất rẻ nếu so với mặt bằng chung cư giá rẻ hiện nay, thường dao động trên dưới 1 tỷ đồng.
Bước chân của ông lớn chuyên cung ứng BĐS trung và cao cấp vào phân khúc nhà giá rẻ, thông tin này từ Vingroup ngay lập tức khiến dư luận xôn xao. Chủ đề này nhanh chóng trở thành đề tài khiến nhiều người bất ngờ và tò mò.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là bước đi sáng suốt của VinGroup, bởi trên thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay, nhu cầu chủ yếu của người dân vẫn là phân khúc nhà ở giá rẻ.
Phân tích báo cáo từ phòng quản lý nhà và bất động sản thuộc Sở Xây dựng Thành Phố Hà Nội, thì hiện nay nhu cầu về chung cư giá rẻ Hà Nội đang là khá cao, lượng người đang có nhu cầu vào khoảng 400.000 trường hợp. Trong đó tập trung tại trung tâm thành phố là 300.000 trường hợp. Còn lại 100.000 trường hợp là tập trung ở vùng ven Hà nội.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là lượng người lao động đang đổ dồn về làm việc tại các khu đô thị và các căn hộ chung cư cao cấp ngày một nhiều, trong khi đó thì lượng người lao động này lại chưa có cho mình một căn hộ chung cư giá rẻ. Theo các chuyên gia bất động sản, với thực trạng tăng tốc chóng mặt các căn hộ chung cư cao cấp như hiện nay thì lượng căn hộ chung cư được xây thêm, dẫn đến dư thừa là rất khó giải quyết.
Theo số liệu nghiên cứu của JLL, thị trường nhà ở tại TPHCM chứng kiến lượng cung và cầu tiếp tục tăng trong quý 3 vừa qua. Lượng bán đạt 8.133 căn, tăng 5% theo quý. Tại Hà Nội, lượng bán cũng tăng lên 8.015 căn, trong đó, căn hộ trung cấp chiếm 52% và căn bộ bình dân chiếm 37% thị trường.
Hơn thế nữa, đầu tư vào nhà ở thu nhập thấp, Vingroup sẽ được hưởng một loạt những ưu đãi dành cho chủ đầu tư vào loại hình này, như chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án, được áp dụng thuế suất ưu đãi thuế giá trị gia tăng ở mức cao nhất (thuế suất 0%), được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm tiếp theo và được áp dụng thuế 10% trong suốt thời gian hoạt động, được hỗ trợ tín dụng, được Nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án (giao thông, cấp điện, cấp thoát nước)...
Đe dọa thị phần của các đối thủ hiện có
Sự gia nhập của Vingroup vào mảng BĐS bình dân cũng khiến giới đầu tư đặc biệt chú ý. Bởi lâu nay, các ông lớn trên thị trường bất động sản thường chỉ làm các dự án nhà ở cao cấp, các trung tâm thương mại đắt tiền, hay bất động sản nghỉ dưỡng, resort... Phân khúc nhà ở dành cho người thu nhập thấp không có nhiều tên tuổi đáng chú ý.
Các công ty trong phân khúc nhà ở trung bình chắc chắn sẽ cảm thấy lo lắng khi phải cạnh tranh với các căn hộ 700 triệu đồng do một tập đoàn tên tuổi đầu tư, đồng thời lại có nhiều hạ tầng tiện ích và dịch vụ đồng bộ.
Tên tuổi tiêu biểu nhất trong phân khúc này, có lẽ không thể không nhắc đến là doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên của đại gia "điếu cày" Lê Thanh Thản.
Khoảng vài năm trở lại đây, ở Hà Nội, nhắc đến cụm từ "nhà của ông Thản" sẽ được hiểu là chung cư giá rẻ dành cho người thu nhập trung bình.
Xây nhanh, bán nhanh, phù hợp với người thu nhập trung bình nhờ mức giá hợp lí và diện tích nhỏ, các căn hộ của ông Thản được thị trường hấp thụ rất nhanh mấy năm qua, ngay cả khi thị trường BĐS không mấy khởi sắc.
Tuy nhiên, đi kèm với mức giá rẻ thì chất lượng công trình luôn là dấu hỏi lớn. Các dự án của doanh nghiệp này từng gặp phải nhiều sự cố cháy nổ, cùng các phản ánh chất lượng công trình như thang máy, nội thất hư hỏng sớm... khiến cư dân ở các dự án này sống trong sợ hãi.
Khi chất lượng của các căn hộ chung cư giá rẻ thường khiến người tiêu dùng nghi ngại, việc góp mặt của doanh nghiệp lớn nhất thị trường như Vingroup hứa hẹn sẽ góp phần gia tăng sự cạnh tranh và nâng cao chất lượng ở nhóm sản phẩm này.
"Nhiều doanh nghiệp đang làm nhà ở giá rẻ sẽ phải xem lại chiến lược đầu tư của mình nếu như muốn cạnh tranh thị phần cùng doanh nghiệp địa ốc số 1 này", một chuyên gia trong ngành bất động sản nhận xét.
Tuy nhiên, Vingroup mới chỉ cung cấp những thông tin sơ bộ ban đầu, về giá bán, các tỉnh thành góp mặt, trong khi một số yếu tố quan trọng khác để người mua lựa chọn vẫn chưa được tiết lộ, như diện tích các căn hộ là bao nhiêu hay khoảng cách tới các khu trung tâm là bao xa.
Theo dự kiến, Vingroup sẽ xây dựng từ 200.000 - 300.000 căn hộ VinCity trong vòng 5 năm tới. 7 tỉnh, thành phố lớn sẽ có sự góp mặt của VinCity gồm Hà Nội, Hưng yên, TPHCM, Hải Phòng, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Nha Trang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét