Đến nay, nhìn lại một phần nguyên do Techcombank có những năm suy giảm mạnh 2012-2013...
Lần đầu tiên một ngân hàng thương mại cổ phần lên kế hoạch gặp mặt báo chí hàng quý để cập nhật, trao đổi về tình hình hoạt động. Ngày 13/12/2016, Techcombank bắt đầu triển khai sự chủ động này.
Cũng là lần đầu tiên toàn bộ thành viên Ban Điều hành Techcombank có mặt, để báo chí “đụng” đến mảng nào, lĩnh vực nào thì người phụ trách mảng đó trực tiếp trả lời.
Đã gần hết 2016, nhưng câu hỏi chung nổi bật những năm 2012-2013 vẫn còn đó: vì sao Techcombank có sự suy giảm rất mạnh nhiều chỉ tiêu tài chính quan trọng, đặc biệt về lợi nhuận, trong những năm đó?
Dĩ nhiên, trước đây đã có những câu trả lời cơ bản, hoặc bản thân các con số trên báo cáo tài chính cũng đã lý giải toàn cục. Nhưng, cho đến nay hẳn nhiều người quan tâm vẫn chưa thực sự thoả mãn nguyên do.
Các con số nói rằng, một ngân hàng thương mại cổ phần đang ở kỳ hoàng kim dẫn đầu lợi nhuận của khối, thương hiệu và vị thế uy tín trên thị trường mạnh, một mẫu hình mà chắc chắn nhiều ngân hàng thương mại khác tham khảo, “bỗng nhiên” có kỳ suy giảm rất nhanh và mạnh như vậy. Công chúng muốn câu trả lời rộng hơn.
Đến nay, bên cạnh nội dung thảo luận các kỳ đại hội đồng cổ đông, câu trả lời mới thực sự được các lãnh đạo chuyên trách các mảng lần lượt ghép lại nội dung, dù có thể có những mảnh thông tin chưa thực sự được nói rõ hết.
Trước tiên, những năm 2012-2013, thị trường chưa quên Techcombank từng điêu đứng với tin đồn có ảnh hưởng rất lớn, mà không chỉ một lần. Lãnh đạo ngân hàng cũng thừa nhận, nó tác động tiêu cực tới tình hình kinh doanh và cả niềm tin đối tác, khách hàng. Nhưng đây không phải là nguyên do chính yếu của một quá trình suy giảm đó.
Sâu xa hơn, một thành viên Ban điều hành Techcombank cho rằng, cần phải nhìn lại quãng 2012-2013 từ những năm 2009-2010.
Thứ nhất là bối cảnh chung. Sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nổ ra 2008, từ 2009 Việt Nam bắt đầu quá trình kích cầu nền kinh tế. Không riêng Techcombank, nhiều ngành và nhiều doanh nghiệp hào hứng với kích cầu giai đoạn này, đẩy mạnh kinh doanh, bước nhanh và bước mạnh, trong đó có những bước chân tiềm ẩn rủi ro.
“Khủng hoảng kép” là cảnh báo nổi bật giai đoạn đó. Với các ngân hàng, rất cụ thể, từ sau 2011, nợ xấu bắt đầu nổi lên trở thành khó khăn lớn nhất, rủi ro lớn nhất trong hoạt động. Và hầu như tất cả các ngân hàng thương mại đều vấp phải, thể hiện rõ ở những lát cắt sâu về lợi nhuận.
Tại Techcombank, vấn đề trên nổi bật hơn. Tỷ lệ nợ xấu dồn lại và tăng cao, diễn ra khá nhanh, từ dưới 3% lên hơn 3,6% và đỉnh điểm tích tụ tới trên 5% đến giữa năm 2013 - năm trũng nhất của giai đoạn khó khăn đó.
“Thực ra các hoạt động kinh doanh nói chung của Techcombank thời gian đó vẫn giữ nhịp khá tốt, nhưng nhìn vào báo cáo tài chính thì thấy, phần lớn lợi nhuận đã được dồn vào trích lập dự phòng rủi ro”, một thành viên ban điều hành nói.
Cũng theo ý của thành viên này, đó là quãng Techcombank chủ động dừng lại, mà đến nay họ như muốn “cảm ơn” những năm 2012-2013, vì nếu không có sự chủ động dừng lại để tập trung xử lý các rủi ro thì sẽ không có Techcombank đang hồi phục khá mạnh hôm nay.
Một lý do, nhiều năm trước, “Tech” đã rất năng động khai phá những hoạt động, mảng kinh doanh mới, khách hàng mới… Bên cạnh kết quả dẫn đầu hệ thống về thế tấn công này, yếu tố mới vẫn thường tiềm ẩn rủi ro chưa bộc lộ và họ gặp những vấn đề liên quan. Tạm dừng lại để tập trung xử lý. Như nợ xấu là một chỉ tiêu, làm suy giảm rất mạnh về lợi nhuận, nhưng rồi từ mức trên 5% nợ xấu cũng đã được xử lý xuống còn hơn 1,8% đến tháng 9/2016.
Đáng chú ý hơn, theo một thành viên Ban điều hành, đã có một giai đoạn Techcombank say sưa bán hàng, bán mạnh và muốn bán thật nhiều. Để rồi sau đó họ nhận ra cần dừng lại xem xét như vậy đã đúng chưa.
“Chúng ta thấy đấy. Hàng ngày hẳn nhiều người vẫn nhận được nhiều cuộc gọi từ các ngân hàng, cả nội địa lẫn nước ngoài, chào bán sản phẩm. Họ muốn làm sao đẩy mạnh bán được những gì mình có, mà hẳn chúng ta biết là tỷ lệ khách hàng nghe máy hoặc khó chịu là như thế nào”, thành viên trên đặt vấn đề.
Theo ý đó, Techcombank sau khi say sưa bán những gì mình có thì đã dừng lại, như năm 2012-2013, để xem xét. Thay vì cứ đẩy mạnh và tìm cách bán hàng bằng được, bán thật nhiều, thì ngân hàng xác định phải tập trung lại xem khách hàng có hài lòng không, họ cần gì, họ là những ai, mình thiếu gì để điều chỉnh sản phẩm và cách bán cho phù hợp.
Tương tự, chuyện bán hàng ở tín dụng cũng được xem xét lại tổng thể hơn, gắn với nhận diện khách hàng sát thực hơn và tái cơ cấu lại công tác quản trị rủi ro. Đây là một trong những điểm tạm dừng cần thiết trong những năm 2012-2013 để Techcombank tự chấn chỉnh lại.
Và như trên, nếu không có sự chủ động dừng lại và sự suy giảm 2012-2013, để xem xét lại tổng thể các hoạt động, xử lý những rủi ro, định vị lại cơ cấu sản phẩm và chiến lược bán hàng, thì không có Techcombank hồi phục khá mạnh từ đầu 2016 đến nay.
Tổng giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết, với đà sau 9 tháng và triển vọng quý cuối năm, dự kiến 2016 sẽ là năm đầu tiên sau giai đoạn 2012-2013 nói trên Techcombank sẽ đạt được tất cả các chỉ tiêu đề ra.
Với thị trường, thành viên hiệu quả của khối ngân hàng thương mại cổ phần một thời dường như đang bắt đầu trở lại nhóm đầu của đường đua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét