Thứ Tư, 14 tháng 12, 2016

Nguyễn Kim "đuổi" TGDĐ ra khỏi BigC: "Nhà vua" trở lại có lợi hại gấp 2?

Trong khi những kẻ đi sau đã bắt tay vào mô hình shop in shop từ cách đây vài năm thì giờ Nguyễn Kim mới bắt đầu xây dựng. Liệu vị vua quay trở lại, quyền lực có như xưa.

    Nguyễn Kim "đuổi" TGDĐ ra khỏi BigC: "Nhà vua" trở lại có lợi hại gấp 2?
    Chuyện của ông vua 5 năm trước
    Nếu như hiện nay khi lựa chọn mua điện thoại, điện máy có nhiều tên tuổi được nhắc đến như Pico, Trần Anh, Media, Nguyễn Kim, Thế giới di động. Trong mắt người tiêu dùng, Nguyễn Kim không có gì khác so với đối thủ nhưng quay ngược thời gian lại cách đây 5 năm đây lại là ông vua của thị trường điện máy.
    Thời điểm năm 2011 đánh dấu 10 năm Nguyễn Kim thành lập và cũng là quãng thời gian đỉnh cao của doanh nghiệp này đặc biệt là những năm 2007-2010. Thời điểm này Việt Nam gia nhập WTO, chứng khoán bùng nổ cùng với thu nhập bình quân đầu người nhanh chóng gia tăng, thuế nhập khẩu mặt hàng điện tử giảm chỉ còn 0-5%, Nguyễn Kim trở thành nhà nhập khẩu và phân phối bán lẻ điện máy hàng đầu tại Việt Nam.
    Từ giữa năm 2011 thị trường điện máy bắt đầu có sự xáo trộn nhưng người ra đi chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, những ông lớn như Nguyễn Kim vẫn gặt hái quả ngọt. Theo báo cáo của CIC, tính đến thời điểm cuối năm 2011, Nguyễn Kim đạt được hơn 6.400 tỷ đồng doanh thu và 321 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, bỏ xa các đối thủ khác trong ngành.
    Nguyễn Kim đuổi TGDĐ ra khỏi BigC: Nhà vua trở lại có lợi hại gấp 2? - Ảnh 1.
    Sinh cùng thời, Điện máy Chợ lớn được xem là đối thủ lớn nhất của Nguyễn Kim và có mô hình hoạt động khá giống: Trung tâm mua sắm quy mô lớn về điện máy. Nguyễn Kim có 11 trung tâm tại 6 tỉnh thành thì Điện máy Chợ Lớn có 22 siêu thị tại 14 tỉnh thành. Giống nhau nhưng biên lợi nhuận của hai ông lớn điện máy tại thời điểm này hoàn toàn khác nhau. Trong khi Nguyễn Kim có tỷ suất lợi nhuận so với doanh thu là 5% thì điện máy chợ lớn chỉ vỏn vẹn 0,3%.
    Lúc bấy giờ, thị trường điện máy không ai để ý hay đánh giá cao một tên tuổi mới gia nhập thuộc về Thế giới di động là dienmay.com, sau này đổi thành dienmayxanh.com. Tới tận năm 2011, hệ thống này vẫn chỉ hoạt động mang tính chất thử nghiệm quy mô nhỏ.
    Những con sóng vùi dập ngành điện máy
    Thời điểm 2011, Nguyễn Kim tự tin hướng tới tham vọng doanh thu 2 tỷ USD trong năm 2015 và duy trì tốc độ tăng trưởng 30-50%/năm. Thế nhưng từ năm 2012 thị trường diễn biến ngược lại khi nhiều tên tuổi lớn ngành điện máy lần lượt sa lấy từ Best Caring rút khỏi thị trường sau vài năm Bắc tiến cho đến hệ thống WonderBuy phá sản.
    Để tìm đường tăng trưởng khác, Nguyễn Kim khai trương 5 siêu thị Thế giới số 24G nhưng rồi cũng ngậm ngùi đóng cửa và quay về mảng gia dụng quen thuộc.Công ty chủ quản của Nguyễn Kim cũng rót tiền vào những ngành khác như lương thực bằng đầu tư vào Docimexco, Angimex, Du lịch An Giang, Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long, Sài Gòn Lương thực, CTCP Hoàn Mỹ và Dược phẩm bằng danh mục Dược phẩm 3/2 (FT Pharma) và Dược Lâm Đồng.
    Những danh mục đầu tư ngoài ngành không mấy khả quan, đầu năm 2015 Nguyễn Kim quyết định bán cổ phẩn cho đối tác ngoại. Việc bán 49% cho Power Buy, công ty con của Central Group được kỳ vọng sẽ mang lại hào quang tươi sáng cho ông vua điện máy thủa nào. Forbes Việt Nam từng cho hay trong thương vụ này Nguyễn Kim được định giá 200 triệu USD. Sau thương vụ này, Nguyễn Kim tuyên bố lộ trình đến năm 2020 mở ra tới 50 siêu thị.
    Nguyễn Kim chưa từng công bố kết quả kinh doanh và doanh số của ông lớn này hiện vẫn là ẩn số lớn. Từ thương vụ bán mình, những báo cáo của công ty chứng khoán Thái lan cho biết doanh thu của Nguyễn Kim năm 2013 đạt khoảng 8.400 tỷ đồng.Tính đến tháng 3 năm 2016, hơn 1 năm sau khi hợp tác cùng đối tác Thái, Nguyễn Kim chưa khai trương thêm siêu thị nào mới. Việc dậm chân tại chỗ của ông lớn này thậm chí còn xuất hiện trong báo cáo của đối thủ là Điện máy xanh thông qua báo cáo thường niên của Thế giới di động.
    Theo Thế giới di động, Điện máy xanh từ vô danh đã vươn lên vị trí thứ 2 với 8% thị phần năm 2015, Nguyễn Kim Đứng đầu với 12%. Từ 12 cửa hàng năm 2011, Điện máy xanh nhanh chóng mở lên tới hơn 230 cửa hàng tại thời điểm hiện tại. Từ số liệu Thế giới di động công bố, với doanh thu 4.400 tỷ đồng tương ứng 8% thị phần có thể tính được doanh thu Nguyễn Kim khoảng 6.600 tỷ đồng. Tuy nhiên phía công ty mẹ của Power Buy bác bỏ thông tin doanh thu Nguyễn Kim sụt giảm. Điều này cũng khá hợp lý khi Media Mart, một doanh nghiệp điện máy không lớn như Nguyễn Kim từng đặt mục tiêu kỳ vọng đạt được doanh thu 6.350 tỷ đồng năm 2015.
    Nguyễn Kim đuổi TGDĐ ra khỏi BigC: Nhà vua trở lại có lợi hại gấp 2? - Ảnh 2.
    Nhà vua có trở lại?
    Mới đây, Thế giới di dộng cho biết sau khi Big C về tay Central Group chuỗi siêu thị này đã yêu cầu Thế giới di động rút toàn bộ 22 cửa hàng ra khỏi Big C và Nguyễn Kim khai trương một loạt 14 cửa hàng trong đó có 8 cửa hàng shop in shop trong Big C và 6 trung tâm quy mô lớn. Dường như vị vua đã trở lại và thực hiện lời hứa của mình năm xưa.
    Mô hình shop in shop (kinh doanh tích hợp ICT và điện máy tại các trung tâm thương mại) với lĩnh vực điện máy không còn xa lạ khi hồi đầu năm 2015 hai siêu thị điện máy của Trần Anh buộc rút khỏi trung tâm thương mại Vincom Royal City và Vincom Times City. Thế chân cho Trần Anh là Vinpro, thương hiệu điện máy của Vingroup.
    Mảng điện máy của Vingroup ban đâu cũng bước 2 chân vừa shop in shop vừa theo mô hình cửa hàng riêng biệt với 2 thương hiệu Vinpro và Vinpro+. Tuy nhiên hồi đầu tháng 9 vừa qua, tập đoàn này cho biết chuyển mô hình Vinpro+ sang mô hình Shop in shop.
    Rõ ràng Nguyễn Kim và Vingroup hiện đang cùng tầm nhìn về mô hình kinh doanh này trong ngành điện máy. Thế nhưng phía Thế giới di động lại không nghĩ thế. Ông Nguyễn Đức Tài, CEO của Thế giới Di động từng cho biết, cửa hàng của công ty ông trong mô hình "shop in shop" không hiệu quả bằng các cửa hàng bên ngoài.
    Nguyên nhân là do, việc mua điện thoại không phải như mua cái áo. Mua điện thoại số tiền lớn nên người ta phải để dành, tùy theo thu nhập của từng người. Số tiền đó cần chuẩn bị trước, chứ không phải đi lang thang, thích thì mua. Tủ lạnh, TV, xe, điện thoại là số tiền có giá trị lớn. Đó là quyết định họ phải chuẩn bị trước, không thuộc kiểu đi lang thang trong trung tâm thương mại rồi thấy thích thì mua. CEO của Thế giới Di động nói thêm, ở nhiều nước thì khác, thu nhập của họ 10.000 USD/tháng nên họ có thể theo kiểu hứng lên thì mua.
    Trong khi những kẻ đi sau đã bắt tay vào mô hình này từ cách đây vài năm thì giờ Nguyễn Kim mới bắt đầu xây dựng. Cuộc chơi lần này cũng hứa hẹn không dễ dàng gì, khi ngành điện máy đã trải qua cuộc thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém và những DN còn sót lại đều có tiềm lực mạnh mẽ. Đấy là chưa kể, "đàn em" Điện máy Xanh mới có mặt trên thị trường 2 năm trở lại đây đã có bước nhảy vọt về doanh thu, và đuổi theo Nguyễn Kim rất sát nút.
    Liệu vị vua quay trở lại, quyền lực có như xưa, câu hỏi này cần chờ thời gian mới trả lời được.

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét