Mục tiêu tạo ra những sản phẩm BĐS có giá trị vừa túi tiền với số đông người dân nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sống tốt, bắt đầu là đích ngắm của khá nhiều đại gia địa ốc.
Thị trường BĐS cuối tuần qua xôn xao với câu chuyện làm căn hộ có giá bình quân từ 700 triệu đồng mang thương hiệu VinCity của Vingroup. Trong khi đó, gần đây “người tiên phong” Ecopark vẫn miệt mài, đều đặn vài tuần mở bán một đợt tổ hợp căn hộ Aqua Bay sau khi đã bán “cháy hàng” hơn 2.000 căn hộ cùng phân khúc từ hồi đầu năm.
Sự nhập cuộc của Vingroup báo hiệu một “làn sóng” mới trên thị trường BĐS, đó là phân khúc căn hộ “giá mềm” chất lượng cao. Không chỉ VinGroup hay Ecopark, mà đã có nhiều tên tuổi khác đang rục rịch tấn công phân khúc này như Him Lam, River City của Phát Đạt, chuỗi căn hộ Opal (Tp.HCM), Krista (Tp.HCM), FLC Garden (Hà Nội)…
Động thái này cho thấy các doanh nghiệp BĐS lớn đang chuyển hướng, trong bối cảnh nguồn cung căn hộ cao cấp có giá trị cao được cho là bão hòa so với cầu.
Nhiều chuyên gia địa ốc, cho rằng đây là xu hướng đúng và trúng của các nhà phát triển BĐS. Bởi tiềm năng và nhu cầu nhà ở phân khúc này là rất lớn trong giai đoạn đô thị hóa đang tăng cao.
Theo nhận định từ Bộ Xây dựng, từ năm 2017 khoảng 70% nhu cầu thị trường tập trung vào phân khúc nhà ở có giá trung bình trở xuống. Nhiều hãng nghiên cứu thị trường lớn như Nielsen dự báo tầng lớp trung lưu ở Việt Nam có thể chiếm một nửa dân số vào 2030. Đây là cơ sở để nhiều công ty địa ốc tin rằng cầu nhà ở sẽ vẫn rất lớn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, không phải dễ để có thể chuyển hướng bởi dòng sản phẩm này biên độ lợi nhuận không cao, đòi hỏi doanh nghiệp phải có được quỹ đất rộng lớn, quy hoạch đồng bộ, hạ tầng vượt trội, đủ để cung cấp cho cư dân tương lai những dịch vụ “đạt chuẩn”, mà giá căn hộ vẫn “mềm”, phù hợp với đa số người mua nhà có thu nhập từ thấp tới trung bình.
Thực tế, thị trường cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay những nhà phát triển dòng sản phẩm này. Trong đó, những doanh nghiệp lớn như Vingroup hay Ecopark đều có lợi thế, bởi họ có quỹ đất, kinh nghiệm và tiềm lực mạnh.
Tại phía Bắc, xu hướng này đang thấy rõ nhất ở Ecopark. Chỉ trong 2 tháng hồi đầu năm 2016, họ đã bán sạch 2.000 căn hộ phân khúc này ở dự án West Bay, thậm chí người mua còn phải xếp hàng thâu đêm mới có cơ hội sở hữu, hiện Ecopark tiếp tục đang bán tiếp 3.000 căn Aqua Bay và đã có tới hơn 800 giao dịch thành công.
Theo lý giải của ông Nguyễn Dũng Minh, Phó TGĐ Vihajico, chủ đầu tư dự án, Ecopark đi tiên phong ở phân khúc này bởi đa phần người dân, đặc biệt là những gia đình trẻ có nhu cầu nhà ở tiện ích 5 sao nhưng khả năng tài chính không lớn. Do vậy, các căn hộ Ecopark ra đến đâu “cháy hàng” đến đó bởi mỗi căn có giá chỉ trên dưới 1 tỷ đồng, đã nhắm trúng nhu cầu này.
Làm được điều đó, theo ông Minh là bởi Ecopark có lợi thế về quỹ đất khi phát triển đô thị ở ven đô. Dự án căn hộ West Bay và Aqua Bay đều được xây dựng trên nền tảng hạ tầng, tiện ích và dịch vụ khép kín của Ecopark, đồng thời lại là những sản phẩm đặc biệt gần như không thể tìm thấy ở dự nào nào khác trên thị trường thời điểm này nên việc người dân đổ xô mua vào là điều khá dễ hiểu.
Động thái mới đây của VinGroup cho thấy tập đoàn này bắt đầu nhắm tới mô hình này. Bởi theo tiết lộ của ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup thì VinCity sẽ được phát triển ở những quận, huyện ngoại thành, các địa phương liền kề Hà Nội hay TP.HCM, hình thành những đô thị vệ tinh, theo ông Hiệp nhằm giảm tải áp lực cho khu trung tâm.
Cũng theo ông Hiệp, VinCity vẫn hội tụ đầy đủ những giá trị đã được khẳng định của các dự án bất động sản do Tập đoàn Vingroup phát triển là: chất lượng - đồng bộ - tiện ích. Điều đó cho thấy không phải Vingroup nhắm vào phân khúc nhà bình dân, mà đang hướng đến dòng sản phẩm “căn hộ chất lượng cao, giá mềm”, có vẻ giống với Ecopark.
Sự thành công ở mô hình “căn hộ cao cấp, giá mềm” tại Ecopark và động thái chuyển hướng của nhiều DN BĐS lớn, cho thấy thị trường BĐS những năm tiếp theo sẽ có bước chuyển lớn. Sẽ có nhiều chủ đầu tư có tên tuổi cũng sẽ giảm diện tích căn hộ, dịch chuyển đầu tư về phía ngoại vi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét