Ngoài mở rộng chuỗi, các doanh nghiệp kinh doanh điện máy cũng đồng thời thay đổi phương thức kinh doanh, đầu tư mạnh vào online nhằm chiếm lĩnh thị phần.
Tạo lợi thế nhờ đâu?
Xuất hiện trên thị trường vào năm 2010, đến cuối năm 2014, Điện máy Xanh đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng/năm. Từ đầu năm 2015, Điện máy Xanh bắt đầu tăng tốc nhờ ứng dụng công nghệ số vào quản trị nội bộ, quản lý bán hàng. Cùng với đó, tháng 8/2015, Điện máy Xanh bắt đầu "Bắc tiến" và đạt 75 siêu thị vào cuối năm, với doanh thu 4.400 đồng, chiếm 5% thị phần điện máy, và tăng 14 - 16% thị phần bán lẻ điện máy vào cuối năm 2016.
Theo ông Trần Kinh Doanh - TGĐ Công ty CP Thế Giới Di Động (chủ sở hữu thương hiệu Điện máy Xanh), sau 2 năm "đánh nhanh thắng nhanh", với 266 siêu thị, Điện máy Xanh là đối tác lớn nhất của các nhà sản xuất và phân phối hàng điện máy đang kinh doanh tại Việt Nam. Riêng trong tháng 1/2016, Điện máy Xanh đã đạt kỷ lục khi bán ra thị trường 42.000 chiếc tivi và tháng 5/2016 đã bán đến 36.300 máy điều hòa nhiệt độ.
Cùng với tốc độ mở chuỗi, doanh thu của Điện máy Xanh cũng tăng lên nhanh chóng. Nếu như năm 2012, doanh thu trung bình của đơn vị này chỉ 98 tỷ đồng/tháng thì năm 2013 đã tăng lên 117 tỷ đồng/tháng, năm 2014 là 190 tỷ đồng, năm 2015 là 368 tỷ đồng và đến tháng 5/2016 doanh thu 1.000 tỷ đồng/tháng. Mục tiêu Điện máy Xanh đặt ra trong năm 2016 là 12.000 tỷ đồng doanh thu và tăng gấp đôi vào năm 2017 với 25.000 tỷ đồng.
Ra đời sau và thành công với siêu thị nhỏ và tầm trung nên Điện máy Xanh kiên định với mô hình này. Trung bình, một trung tâm Điện máy Xanh có diện tích từ 800 - 1.000m2 trong khi diện tích chuẩn của một siêu thị điện máy là 4.000 - 5.000m2. Với quy mô này, chi phí cho một trung tâm Điện máy Xanh vào khoảng 6 - 10 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mô hình truyền thống.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, lợi thế của Điện máy Xanh là nhờ vào sự hậu thuẫn tài chính dồi dào từ Thế Giới Di Động, có năng lực phát triển và vận hành hệ thống. Trong đó, việc phát triển mặt bằng, tuyển dụng, đào tạo nhân viên nhanh, hệ thống thông tin theo kịp sự phát triển mạnh.
Điểm thuận lợi nữa là Điện máy Xanh liên tục nâng cấp mô hình bố trí cửa hàng, chính sách chăm sóc khách hàng, website được thay đổi sau mỗi 6 - 12 tháng. Thêm vào đó, chiến lược phát triển về các vùng ven và các tỉnh của Điện máy Xanh cũng được xem là khá khôn ngoan khi việc tìm kiếm mặt bằng ở khu vực trung tâm Sài Gòn hay Hà Nội không còn dễ đối với các doanh nghiệp bán lẻ. Nhờ chiến lược này mà Điện máy Xanh dễ dàng mở rộng quy mô, phủ điểm bán, dễ quản lý và vận hành đồng thời tối ưu hóa chi phí kinh doanh.
Thay đổi chiến thuật
Cuộc chiến giành thị phần trong lĩnh vực điện máy được đánh giá là cuộc "đấu tầm cao" khi các doanh nghiệp không chỉ chạy đua mở chuỗi mà còn theo đuổi mô hình phát triển phù hợp.
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình trung tâm nhỏ của Điện máy Xanh, các doanh nghiệp khác cũng chuyển hướng đầu tư vào hình thức này. Điển hình là các trung tâm sau của Media Mart được xây dựng với diện tích chỉ từ 700 - 1.500m2.
Ngay cả Nguyễn Kim vốn trung thành với các trung tâm mua sắm lớn cũng thay đổi chiến thuật. Bằng chứng là trong 14 siêu thị đưa vào hoạt động trong tháng 12/2016, có đến 8 siêu thị theo mô hình shop - in - shop với diện tích trung bình 300m2 nằm trong hệ thống các trung tâm mua sắm Big C tại TP.HCM, Bình Dương, Bình Thuận, Thanh Hóa.
Đây là chiến lược "thay đổi mình" của Nguyễn Kim sau 2 năm "án binh bất động" kể từ sau thương vụ chuyển nhượng 49% cổ phần cho Power Buy. Nguyễn Kim từng tuyên bố sẽ mở 50 siêu thị vào năm 2020 và việc đồng loạt khai trương 14 siêu thị vừa qua cho thấy quyết tâm của "đại gia" điện máy này trong cuộc chiến giành thị phần.
Ông Nguyễn Quang Hòa - TGĐ hệ thống Trung tâm Điện máy - Nội thất Thiên Hòa từng chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn rằng, các Trung tâm Điện máy - Nội thất Thiên Hòa được xây dựng với quy mô bề thế. Thế nhưng, 2 trung tâm mới đưa vào hoạt động gần đây của Thiên Hòa đều có diện tích khoảng 1.000m2, kinh doanh các mặt hàng điện máy phù hợp với nhu cầu của cư dân trong từng khu vực. Theo đại diện của Thiên Hòa, trong năm 2017, Công ty sẽ mở nhiều cửa hàng theo mô hình nhỏ ở các vùng nông thôn.
Không chỉ thay đổi mô hình kinh doanh, các doanh nghiệp còn đầu tư mạnh vào quảng bá thương hiệu. Dù đã có số lượng cửa hàng lớn và thị phần tăng trưởng mạnh nhưng trong 4 tháng cuối năm 2016, Điện máy Xanh đã chi cả trăm tỷ đồng để quảng cáo vào các khung giờ vàng, tài trợ cho các chương trình gameshow, video viral với mục tiêu khi cần các sản phẩm điện máy, người tiêu dùng sẽ nghĩ ngay đến cái tên Điện máy Xanh.
Các thương hiệu Thiên Hòa, Nguyễn Kim, Điện máy Chợ Lớn cũng thường xuyên đăng tải các chương trình khuyến mãi lớn trên các báo nhằm tăng doanh thu.
Cùng với việc quảng bá cho bán hàng offline (tại cửa hàng), các doanh nghiệp còn đua ở kênh online. Đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh điện máy như Thiên Hòa, Nguyễn Kim, Phan Khang, Điện máy Xanh... đều đầu tư mạnh vào kênh bán hàng trực tuyến. Tại Nguyễn Kim, các chương trình ưu đãi khách hàng trên kênh offline được áp dụng cho khách hàng mua hàng online.
Theo chia sẻ của đại diện Nguyễn Kim, lượng khách hàng truy cập và mua sắm qua trang thương mại điện tử nguyenkim.com tăng hơn 400% khi có chương trình ưu đãi. Tương tự, khách mua hàng trực tuyến ở Thiên Hòa đã tăng 200%, tại Phan Khang cũng tăng mạnh.
Theo báo cáo về thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam được Euromonitor International phát hành vào tháng 1/2016, Thế Giới Di Động là công ty chiếm thị phần bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam với 10% thị phần, theo sau là Rocket Internet với 9,3% thị phần.
Thegioididong.com và Dienmayxanh.com là 2 website B2C chuyên ngành số 1 Việt Nam về điện thoại di động và điện máy, riêng Thegioididong.com có trên 30 triệu lượt truy cập mỗi tháng.
Năm 2015, với 21 trung tâm mua sắm đang hoạt động, Nguyễn Kim dẫn đầu thị trường với 12% thị phần, kế đó là Điện máy Xanh với 8% thị phần, điện máy Chợ Lớn 7,5% thị phần.
Ông Tài tự tin cho biết: "Điện máy Xanh đang nắm giữ 17% và việc chiếm 30% thị phần trong năm 2017 là trong tầm tay". Cũng theo ông Tài, đến năm 2020, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu sẽ là tập đoàn bán lẻ đa ngành hàng phát triển mạnh, có vị thế cao trong lĩnh vực thương mại điện tử, mở rộng kinh doanh sang Lào, Campuchia và Myanmar.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét