Khi Apple lên kế hoạch phát triển thế hệ iPhone đầu tiên, tất cả đều không hề mường tượng đến viễn cảnh sản phẩm công nghệ này có thể thay đổi toàn bộ thị trường di động thế giới.
Với việc tung ra mẫu điện thoại đầu tiên vào năm 2007, Steve Jobs xưa kia chưa từng nghĩ App Store sẽ trở thành một ngành công nghiệp tỷ đô với những Uber, Snapchat, WhatsApp... hay iPhone sẽ tái định nghĩa cách con người giao tiếp, mua sắm và kể cả hẹn hò. Đơn giản, Apple đang làm một chiếc iPod có khả năng gọi điện thoại.
"Tầm nhìn ban đầu không thực sự rõ ràng bởi thực tế chẳng có tầm nhìn nào cả", Andy Grignon, một quản lý từng nằm trong đội ngũ phát triển iPhone chia sẻ. Theo đó, hầu hết những mẫu iPhone đầu tiên đều có màn hình và phím tương tác dạng xoay tương tự iPod. "Đó là kiểu suy nghĩ mà chúng tôi theo đuổi. iPhone không thực sự là một sản phẩm mang tính cách mạng, nó chỉ là một cuộc cách mạng đối với iPod mà thôi".
Cuối cùng, đội ngũ phát triển lại đi đến một kế hoạch to lớn hơn. "iPhone sẽ giống như một chiếc máy tính có khả năng kết nối và nằm gọn trong túi quần", Tony Fadell, một nhân sự tham gia vào cả quá trình phát triển iPhone và iPod nói.
"Chúng tôi nhận thấy người ta dùng cả iPod và điện thoại di động nhiều tới mức nào và chúng tôi biết họ sẽ và thường sẽ chỉ mang một thiết bị mà thôi nếu có thể".
Kết quả là điều ai cũng biết. Thiết bị mà Steve Jobs trình làng tại MacWorld 2007, đúng 10 năm về trước đã thành công hơn cả sự tưởng tượng của ông. Chiếc điện thoại nhỏ bé trở thành một cuộc cách mạng về kinh tế và văn hóa, đồng thời, góp công lớn vào việc biến Apple thành công ty giá trị nhất thế giới.
Những ứng dụng "sát thủ"
Nếu xem bài thuyết trình của Steve Jobs - kéo dài trong 77 phút - có thể bạn cũng nhận ra những gì ông nói không thực sự tương xứng với tầm vóc và những gì iPhone mang đến.
"Hôm nay, chúng tôi giới thiệu ba sản phẩm mang tính cách mạng", Steve Jobs nói."Đầu tiên là một chiếc iPod màn hình rộng với phương thức điều khiển cảm ứng. Thứ hai là một chiếc điện thoại di động cách mạng. Và thứ ba là một thiết bị giao tiếp Internet đột phá".
Và rồi ông khẳng khái trước sự bất ngờ của người xem: Tất cả chúng đều chỉ có trong một thiết bị. Phản ứng trong khán phòng lúc đó rất tích cực, tuy nhiên, cụm từ "internet communicator" (tạm dịch: giao tiếp Internet) không khỏi làm nhiều người bối rối.
Kể cả đối với Steve Jobs, khả năng nghe gọi điện thoại vẫn là quan trọng nhất trên chiếc iPhone. "Ứng dụng sát thủ là gì?", ông đặt ra câu hỏi cho khán phòng. "Đó là khả năng nghe, nhận cuộc gọi!". Đó là nhiệm vụ số một của iPhone, theo Steve Jobs và nếu bất kì điều gì làm người dùng chệch hướng khỏi trải nghiệm đó đều là một thất bại lớn.
Đó là lý do tại sao Steve Jobs không muốn có các ứng dụng. Ông lo ngại rằng chúng có thể bị lỗi và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc gọi.
Thời đó, ít người nhận ra "internet communicator" chính là yếu tố thay đổi tất cả. Năm 2007, Apple đặt mục tiêu thống nhất trải nghiệm của một chiếc điện thoại, một chiếc máy ảnh, một chiếc iPod và một thiết bị kết nối Internet vào một chiếc điện thoại. Apple không chỉ thành công mà còn tạo ra được một thứ lớn lao hơn: thiết bị máy tính cá nhân thực sự đầu tiên.
Một trong những điểm nhấn tại MacWorld 2007 là khi Steve Jobs trình diễn sự đơn giản trong cách dùng thiết bị mới của mình. Các tính năng chạm, lướt, nhấn đều hoàn hảo, được thiết kế tuyệt đẹp, dễ dùng và dễ hiểu. Đó là những ứng dụng "sát thủ" của iPhone đời đầu.
Những giấc mơ trở thành sự thật
iPhone là chiếc điện thoại được rất nhiều nhà thiết kế mơ đến, nhưng không bao giờ nghĩ nó có thể trở thành sự thật. "Ý tưởng chiếc điện thoại như một tấm kính mang lại rất nhiều cảm hứng. Một ý tưởng cừ khôi nhưng cũng xa tầm với", Mark Rolson, nhà đồng sáng lập Argo Design nhận định.
Bằng cách loại bỏ toàn bộ các phím cứng vật lý, chỉ để lại màn hình và một giao diện người dùng đa điểm chạm, Apple đã mở cánh cửa để các kỹ sư và nhà thiết kế làm những điều ít người từng tưởng tượng đến. Ở khía cạnh này, có thể kể cả Steve Jobs cũng không thể hiểu sâu sắc và chính xác tác động của những gì ông đã tạo ra, nhưng chắc chắn rằng ông biết iPhone rất đặc biệt.
Steve Jobs đã trình diễn phần mềm tích hợp mà ông khẳng định rằng nó đơn giản, dễ dùng và đi trước tất cả các đối thủ tới 5 năm - và thực tế thì ông đã đúng. Cố CEO Apple đã gọi Safari là "một trình duyệt web thật sự trên điện thoại nơi bạn có thể vào những trang web thật sự", hoàn toàn trái ngược với trình duyệt WAP trên các thiết bị khác. Ông đã tìm một quán Starbucks nhờ Google Maps, ngay trên điện thoại. "Đó là Internet trong túi quần bạn, lần đầu tiên trong lịch sử", Jobs tự hào nói.
Trong vài tháng sau đó, tất cả người dùng iPhone đều được trải nghiệm khoảnh khắc kì diệu khi nhận ra những gì Apple đã mang đến. Đối với Grignon, cảm xúc này đến khi ông được thử một mẫu iPhone ngay trước thời điểm bán ra vào tháng 6 năm 2007.
"Đây là những năm tháng khi Mapquest là một sản phẩm quan trọng (một dịch vụ xem bản đồ) và nếu bạn đi đâu đó, bạn sẽ phải lên Macquest tìm và in nó ra", Grignon nhớ lại. "Và nếu tôi quên làm điều đó, mọi thứ như thể, "Ồ, tôi có thể vào Safari và lên Mapquest". Tôi làm điều đó và nó hoạt động thật. Một cảm xúc thật tuyệt vời".
Nhìn ở thời điểm hiện tại, ta dễ thấy những bước tiến mà iPhone chắp cánh. GPS, Wi-Fi và màn hình cảm ứng đã giúp Uber ra đời. Camera trên iPhone tạo tiền đề cho Instagram. iPhone thay đổi thế giới ở một mức độ mà Steve Jobs có lẽ cũng chưa mơ đến. Trong khi cố gắng tái định nghĩa điện thoại, Apple đã tạo ra một thiết bị có thể là bất kì thứ gì.
"Tôi từng tưởng tượng rằng nó theo một cách nào đó cũng giống như một chiếc điện thoại nắp gập truyền thống, với màn hình cảm ứng, kiểu vậy thôi", Robert Brunner, người từng là một nhân sự thiết kế quan trọng tại Apple chia sẻ. "Nhưng thực tế, iPhone là một thiết bị hoàn toàn mới", ông nói thêm.
Nếu kế hoạch ban đầu của Apple chỉ là tái phát minh điện thoại, đây thực sự là một kế hoạch chưa thể hiện hết sự thành công của iPhone. Steve Jobs trong bài thuyết trình của mình đã khiêm tốn nói rằng mục tiêu của Apple là có 1% thị phần smartphone.
Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó, Apple đã bán được một tỷ máy, châm ngòi phát triển cho một thị trường đang giúp người ra kết nối với nhau dễ dàng hơn bao giờ hết. "Một thành quả vượt quá mong đợi, và trong một khoảng thời gian rất ngắn", Fadell nói. Vậy điều gì sẽ đến tiếp theo?
Đi tiếp con đường
Một thập kỉ sau, quá nhiều điều về iPhone đã thay đổi - máy lớn hơn, nhanh hơn và chụp hình đẹp hơn. Thế nhưng, về cơ bản iPhone vẫn là iPhone của ngày nào. Một thiết bị tinh tế về thiết kế và dễ sử dụng.
iPhone đã định nghĩa ngoại hình và trải nghiệm smartphone từ 3 điểm như Steve Jobs nói lên thành con số... 3.000. Nhưng cuộc cách mạng này lại mang tới một vấn đề. "Sử dụng quá nhiều ứng dụng với quá nhiều biểu tượng trên màn hình, đang trở nên rắc rối", Amit nói.
Thật tuyệt vời khi bạn có thể làm cả nghìn thứ trên một chiếc điện thoại, tuy nhiên, trong một thế giới ứng dụng, bạn đòi hỏi phải học cách sử dụng chúng một cách độc lập. Trong khi đó, những công nghệ phổ cập tiếp theo, cho dù là chatbot hay một trợ lý ảo giọng nói hoặc cả một thế giới ảo, cũng sẽ giúp bạn làm được nhiều điều mới mẻ mà thậm chí không cần học cách làm. Sự "dễ" sử dụng của iPhone bỗng chốc... ở khắp mọi nơi, đâu đâu cũng có.
Điều này không khỏi làm các chuyên gia công nghệ đau đầu, rằng bước phát triển tiếp theo của iPhone nói riêng hay smartphone nói chung sẽ là gì. Apple đã bước vào tương lai không dây bằng cách khai tử jack tai nghe 3,5 mm. Siri đang trở thành homescreen của người dùng khi có thể khởi động nhiều tác vụ bằng cách nghe câu thoại. iPhone 7 Plus đã được trang bị camera kép với khả năng thu nhiều dữ liệu, giúp xử lý hình ảnh chất lượng hơn.
Hơn hết, iPhone ngày càng thể hiện vai trò là trung tâm của một hệ sinh thái rộng lớn kết nối bạn với các thiết bị khác tới Internet. Chiếc iPhone đầu tiên đặt hàng chục thiết bị, sản phẩm vào trong bàn tay bạn và chiếc iPhone tiếp theo sẽ còn làm được nhiều hơn thế.
Tương lai vẫn đang ở phía trước và thật khó để có thể trả lời câu hỏi iPhone vào năm 2027 sẽ ra sao. Kể cả Steve Jobs, người có nhãn quan thiên tài, cũng khó có thể mường tượng được tầm nhìn này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét