Gần đây, Uber đã công bố 98 trang phác thảo kế hoạch sản xuất xe hơi bay vào năm 2026. Đồng sáng lập Google - Larry Page cũng đang tài trợ cho một dự án xe hơi bay của start-up mang tên Zee.Aero. Phiên bản mẫu của "xe hơi bay" này đã xuất hiện vào tháng 10 vừa qua.
Bên cạnh đó, Airbus, công ty được cấp phép sản xuất máy bay dân dụng gần đây cũng đang thúc đẩy mối hợp tác với Cục quản lý Hàng không Liên bang (Mỹ) để phát triển "xe hơi bay" của riêng hãng. Đây là một phần của dự án Vahana đang thực hiện tại trụ sở của Airbus tại thung lũng Silicon mang tên A³.
Một đối thủ khác trong thị trường này là Terrafugia, doanh nghiệp đang sản xuất xe hơi hybrid có khả năng di chuyển trên đường bộ lẫn trên không.
Tuy nhiên điều đặc biệt của cả dự án A³, dự án của Uber và Zee.Aero đều không tập trung vào phần xe của chiếc "xe hơi bay", mà cả 3 tập trung phát triển khả năng bay Vertical Take-Off and Landing (VTOL), có nghĩa là không cần đường băng mà có thể cất cánh trực tiếp như máy bay trực thăng.
Người quản lý chính dự án Vahana là Zach Lovering cho biết, đã tiến hành nghiên cứu các phiên bản của mô hình VTOL này trong 4 năm qua. Lovering tham gia dự án Vahana từ tháng 2/2016, sau 4 năm làm việc với dự án Zee.Aero của Larry Page.
Xe hơi bay của Vahana được vận hành bằng điện. Song, Lovering từ chối chia sẻ chi tiết số lượng xe hơi bay sẽ được sản xuất, ông chỉ cho biết số lượng này sẽ tùy thuộc vào độ lớn và nhu cầu của từng thành phố. Các "xe hơi bay" VTOL có tốc độ nhanh gấp 2 lần xe hơi thông thường và có khả năng đạt độ cao khoảng 300m.
Mẫu phác thảo thiết kế xe hơi bay thuộc dự án Havana của Airbus – Nguồn: Airbus
Mẫu "xe hơi bay" này vận hành hoàn toàn tự động. Xe được lắp đặt các thiết bị như hệ thống định vị, radar và các camera thu nhận thông tin, tương tự các công nghệ được áp dụng trong các xe hơi tự lái. vì vậy nó có thể tự xác định hướng bay và di chuyển an toàn trên không.
Lovering cho biết, ông muốn áp dụng mô hình của Uber trong dự án Vahana. Cụ thể, các mẫu "xe hơi bay" sẽ đậu tại các bãi đáp trên đỉnh các tòa cao ốc có sân thượng đủ rộng cho xe cất và hạ cánh. Người sử dụng có thể thông báo vị trí hiện tại và điểm đến thông qua ứng dụng Vahana. Ứng dụng này sẽ hướng dẫn họ đến nơi có trạm "xe hơi bay" gần nhất. "Bạn có thể đi bộ hoặc đón xe Uber để đến các bãi đáp này, tùy vào khoảng cách xa hay gần", Lovering cho biết.
Một khi người sử dụng đã đón được xe hơi bay VTOL, Lovering cho biết, các thông tin liên quan đến chuyến bay sẽ hiển thị trên ứng dụng. Màn hình điều khiển của xe hơi bay dự kiến sẽ có công cụ để người sử dụng có thể lắp đặt điện thoại của họ vào màn hình điều khiển.
Lovering cho biết, ngoài chuyên chở hành khách, các xe hơi của dự án Vahana có thể sử dụng để vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng cũng như sơ tán người trong tình trạng khẩn cấp.
Uber cũng đang tìm kiếm giải pháp khả thi để hiện thực hóa mô hình VTOL. Theo kế hoạch, mẫu "xe hơi bay" đầu tiên của hãng dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2021, một năm sau khi Vahana hoàn tất dự án "xe hơi bay" của họ. Uber đã chính thức xác nhận mẫu xe này sẽ được vận hành từ năm 2026.
Mẫu phát thảo thiết kế xe hơi bay của Uber – Nguồn: Uber
Hiện tại, dự án Vahana cần giải quyết hai thách thức lớn, một là giấy phép chính thức để có thể triển khai mô hình trong thực tế. Hiện Cục quản lý Hàng không Liên bang vẫn còn băn khoăn trong việc đồng ý cấp phép cho sử dụng các phương tiện di chuyển tương tự như trực thăng trong dân dụng.
FAA từ chối đưa ra bình luận với Business Insider về vấn đề này. Thách thức thứ hai đối với dự án Vahana là tìm ra cách xây dựng hệ thống đường di chuyển trên không trong nội thành để xe hơi bay có thể di chuyển an toàn. Hệ thống này còn bao gồm cả trạm sạc cho các xe hơi bay vận hành bằng điện năng này.
Lovering nhìn nhận, đây là các thách thức mà một công ty đơn thuần không thể giải quyết được, mà cần đến sự hợp tác giữa các doanh nghiệp cùng theo đuổi mô hình này vì lợi ích chung. Lovering cũng tiết lộ với Business Insider rằng, rất có thể Vahana sẽ hợp tác với dự án của Uber trong tương lai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét