Hiện tại chỉ có 145 doanh nghiệp chế biến rau quả tại Việt Nam. Con số này quá ít, chỉ chiếm 2,19% trong số các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Việt Nam sở hữu điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp. Diện tích thu hoạch toàn quốc cho các sản phẩm rau quả là 1,6 triệu ha. Bên cạnh đó, 46,3% dân số Việt Nam (52,9 triệu người) đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, cao hơn mức trung bình của thế giới là 30,7%.
Tuy nhiên, hiện tại chỉ có 145 doanh nghiệp chế biến rau quả tại Việt Nam. Con số này quá ít, chỉ chiếm 2,19% trong số các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (theo số liệu của Viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp). Công suất trung bình đạt 826.630 tấn/năm (2013) trong khi tổng sản xuất rau quả tươi đạt 22,1 triệu tấn/năm.
Như một kết quả của việc đầu tư vốn thấp trong nông nghiệp, mức độ chế biến trong ngành công nghiệp rau quả chỉ là 4%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới.
Trong khi đó, các nước như Thái Lan, Philippines, Malaysia, rau quả chế biến cao gấp Việt Nam hàng chục lần. Cụ thể 3 nước trên có con số lần lượt là 30%, 78%, 83%.
Rau quả chế biến có thể cho giá trị gấp vài chục lần rau quả tươi
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty Vinamit, từng có những chia sẻ với báo giới về sự chênh lệch giá trị giữa rau quả tươi và rau quả chế biến.
Theo ông Viên, ngay từ khâu lựa chọn nguyên liệu, đã mang lại sự chênh lệch lớn về lợi nhuận cho rau quả chế biến. Bởi khi đưa vào chế biến, người ta không cần phải lựa chọn rau quả đẹp nhưng giá cao, mà lấy rau quả có mẫu mã không đẹp với giá rẻ. Tuy hình thức, mẫu mã không đẹp nên không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu tươi, nhưng chất lượng của những rau quả này rất tốt, có thể chế biến thành những loại thực phẩm giá trị cao.
Rau quả sau chế biến tạo ra giá trị cao hơn hẳn so với rau quả tươi. Một kilogram hành tây, hiện có giá bán ở chợ khoảng 7.000-8.000đ, giá do nông dân bán tại vườn là 5.000-6.000đ. Nhưng 1 kg hành tây đã được chế biến thành các sản phẩm sấy gia vị, giá tới 350.000đ chưa bao bì. Với trái cây chế biến, có thể làm tăng giá trị gấp từ 10-20 lần so với trái cây tươi.
Nhu cầu tiêu thụ rau quả chế biến trên thế giới là rất lớn và đang ngày càng gia tăng vì nó phù hợp với đời sống công nghiệp bận rộn. Ví dụ, nếu không có nhiều thời gian để nấu canh, người tiêu dùng có thể mua sản phẩm canh ăn liền từ rau sấy khô. Người tiêu dùng chỉ việc bỏ rau sấy khô và các gói gia vị vào tô, đổ nước sôi vào, chỉ sau vài phút là đã có tô canh thay thế tạm thời...
Với giá trị mà rau quả chế biến mang lại, thời gian tới hi vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia vào công nghiệp chế biến rau quả để thu lấy nguồn lợi này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét