Chủ tịch Thế giới Di động ví công ty như con báo gấm, CEO Vietjet chọn hình ảnh chim bồ câu trong khi đại diện Masan chọn con heo rừng.
Ông Nguyễn Thành Nam, cựu CEO FPT, hiện là Phó Chủ tịch ĐH FPT, là người điều hành phiên “Đối thoại doanh nghiệp tỷ USD” với sự góp mặt của lãnh đạo Vietjet Air, Masan Group, Thế giới Di động. Phiên tọa đàm nằm trong lễ vinh danh “50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2016” do Tạp chí Nhịp cầu Cầu tư tổ chức.
Mở đầu buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thành Nam hỏi các khách mời rằng doanh nghiệp của họ lớn ra sao, bởi người điều phối không thể hình dung số tiền một tỷ USD to như thế nào.
Sự kiện vinh danh “50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam” và tọa đàm “Đối thoại doanh nghiệp tỷ USD” diễn ra tối ngày 9/6 tại GEM Center, quận 1, TP HCM, với sự tham gia của 300 khách mời là các lãnh đạo doanh nghiệp, các định chế tài chính trong nước, quốc tế và quan chức kinh tế cấp cao.
Sau lễ vinh danh là phiên “Đối thoại doanh nghiệp tỷ USD” với sự điều khiển của ông Nguyễn Thành Nam, đồng sáng lập, cựu CEO FPT. Các diễn giả là lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp có giá trị vốn hóa thị trường đạt trên 1 tỷ USD như Thế giới Di động, Vietjet Air, Masan Group. Ông Thành Nam tiết lộ, một lãnh đạo tạp chí Nhịp cầu Đầu tư nhờ ông làm người điều phối với tiêu chí "muốn cuộc đối thoại thoải mái, funny".
Chủ tịch Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài cho biết, vào năm 2007, thương hiệu này có 5 cửa hàng với giá trị 10 triệu USD, đến nay doanh thu khoảng 3 tỷ USD với số lượng 1.500 cửa hàng, nhân viên đạt 30.000 người.
“Có khoảng 500-800 khách hàng đi vào các cửa hàng Thế giới Di động mỗi ngày, nhẩm tính trong khoảng 2 năm, số người đi vào các cửa hàng cũa hãng đạt 90 triệu người - xấp xỉ dân số Việt Nam hiện tại”, ông Tài nêu. Như vậy, cứ mỗi 2 năm, ít nhất một người dân Việt Nam đã bước vào cửa hàng Thế giới Di động một lần.
Với Vietjet, mỗi ngày hãng hàng không này có 300 chuyến bay. Để dễ hình dung về độ lớn của doanh nghiệp, CEO Lưu Đức Khánh mô tả bằng lượng tiền mặt mỗi ngày Vietjet phải kiểm đếm, đặc biệt trong những ngày nghỉ lễ ngân hàng không làm việc. "Mỗi kỳ nghỉ, Vietjet phải huy động toàn bộ nhân viên để đếm tiền. Số lượng lớn đến mức không tưởng tượng được”, ông Khánh lắc đầu và nhún vai. “Như vậy, nhân viên Vietjet chỉ lo đếm tiền!”, người điều phối Nguyễn Thành Nam tóm lại một cách hài hước. Khán phòng GEM Center vang những tràng cười và vỗ tay dài không ngớt.
Không kém cạnh, ông Phạm Trung Lâm, CEO Anco (thuộc Masan), cho hay, mỗi ngày tập đoàn này phục vụ 200.000 hộ chăn nuôi, 8 triệu con heo, 3,6 triệu con gia cầm, và lượng cá không thể đo đếm được.
Ông Lưu Đức Khánh (trái), CEO Vietjet cho biết cứ mỗi cuối tuần khi ngân hàng nghỉ, Vietjet phải huy động toàn bộ nhân viên để… đếm tiền. Sau đó, ông Khánh có những chia sẻ thật thú vị về sứ mệnh và chiến lược của Hãng hàng không thế hệ mới Vietjet
Thú vị nhất là khi ông Nguyễn Thành Nam hỏi các khách mời rằng: “Nếu được ví công ty quý vị đang điều hành với một loài vật, đó là con gì?”. Câu hỏi bất ngờ này khiến các khách mời vô cùng ngạc nhiên nhưng đây được đánh giá là câu hỏi hay nhất của buổi tọa đàm khi tinh thần, sứ mệnh và chiến lược của doanh nghiệp đều được bộc lộ rất rõ trong câu trả lời. Để gỡ bí cho các diễn giả, ông Nam tiết lộ tập đoàn IBM tự ví mình như một con voi.
“Thế giới Di động như một con báo gấm”, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài đưa ra câu trả lời khi hội trường im bặt. “Đây là con vật mà khi cần tăng tốc thì sẽ đạt tốc độ 180 km/h trong 15 giây đầu tiên, rồi sau đó… đuối (cười). Báo gấm cũng có khả năng leo cây và bơi dưới nước. Khả năng tăng tốc và thích nghi với môi trường tương đối nhanh”, ông Tài trả lời.
Trong khi đó, ông Lâm ví Masan như một con heo rừng vì tốc độ nhanh hơn cả báo.
Nếu ông Tài và ông Lâm đều lần lượt ví doanh nghiệp mình với báo gấm và… heo rừng với độ nhanh nhạy với thị trường luôn được chú trọng thì ông Lưu Đức Khánh lại gây bất ngờ và khiến cả khán phòng rộn tiếng vỗ tay khi xem Vietjet là hiện thân của loài chim bồ câu.
Câu hỏi thú vị của người điều phối và chia sẻ lôi cuốn của khách mời khiến phần tọa đàm là điểm nhấn của lễ trao giải mùa thứ 6 của sự kiện.
Theo ông Khánh, chim bồ câu không những phù hợp với ngành hàng không vốn luôn bay cao, bay xa mà bởi chính tính cách hòa nhã của loài vật này mới miêu tả chính xác tính cách thương hiệu và chiến lược của Vietjet. “Vietjet chỉ đơn giản là thực hiện sứ mệnh hiện thực hóa ước mơ được bay của mọi người dân Việt Nam, biến hàng không trở thành phương tiện đi lại phổ biến và văn minh”, ông Khánh chia sẻ.
“Mỗi doanh nghiệp như một con thú, muốn lớn phải đủ thức ăn, liệu thị trường Việt Nam có còn đủ chỗ cho những doanh nghiệp triệu USD này phát triển?”, ông Nguyễn Thành Nam tiếp tục chất vấn lãnh đạo 3 doanh nghiệp.
Theo CEO Lưu Đức Khánh, Vietjet Air bắt đầu tại thời điểm giông bão nhất của ngành hàng không. Lúc đấy, công ty không có gì ngoài tham vọng, không chỉ mong muốn là một hãng hàng không của Việt Nam, của những khu vực lân cận mà là một hãng hàng không quốc tế. Ông Khánh nhấn mạnh tư tưởng cốt lõi của công ty: “Đã mơ thì hãy mơ thật to”. Và thành công của công ty là đã lan tỏa được cách suy nghĩ lớn, ước mơ lớn đến toàn bộ nhân viên.
“Ngay khi bắt đầu, Vietjet Air xác định thị trường Việt Nam không đủ. Và cho đến hiện tại, với đơn hàng 20 tỷ USD, 220 chiếc máy bay ở Việt Nam, tuy không quá nhiều nhưng cũng chật chỗ nên không có cách nào khác phải đi ngoài”, ông Khánh khẳng định,
Đồng quan điểm, cả Thế giới Di động và Masan đều nhìn thấy còn khá nhiều việc để làm ở thị trường Việt Nam, nhưng trong tương lai 3-5 năm nữa sẽ hướng đến những chân trời mới khi thị trường Việt Nam trở nên chật chội.
3 khách mời và người điều phối cũng không quên nhắn nhủ các doanh nhân khởi nghiệp rằng để đạt được thành tựu như Top 50 thì ban đầu các công ty này đều có xuất phát điểm rất nhỏ. Mọi thành công đều đến từ sự cố gắng và nỗ lực của cả tập thể, đặt việc phục vụ và lợi ích khách hàng lên hàng đầu. “Hãy luôn mơ ước và mơ những giấc mơ thật to lớn!”.
Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thành công của những doanh nghiệp tỷ USD, ông Nguyễn Thành Nam nhận định, để mỗi doanh nghiệp tồn tại, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn quy mô tỷ USD, cần có những yếu tố then chốt, ông gọi nôm na đó là “gen”. Mỗi doanh nghiệp cần tìm được “gen” của mình là gì để tất cả chiến lược sẽ theo hướng đó. Và doanh nghiệp có thể tìm được lợi thế cạnh tranh ngay cả những nơi tưởng không còn chỗ.
Trường hợp của Thế giới di động, ông Tài phân tích, thương hiệu thành công vì hai yếu tố: văn hóa đặt khách hàng làm trung tâm và sự cam kết (integrity). Còn Masan thành công bởi chiến lược và văn hóa con người. “Chiến lược của Masan là bắt đầu một ngày làm việc mới bằng việc trả lời câu hỏi “Tại sao?”. Masan có các cuộc họp từ sáng đến khuya chỉ để trả lời câu hỏi “Tại sao?”. Văn hóa con người tại Masan được đúc kết qua bốn chữ P: Passionate (đam mê), Perseverance (kiên trì, không bao giờ đầu hàng), Partnership (quan tâm tất cả các đối tượng xung quanh từ nhân viên đến đối tác, khách hàng), Protection of environment (tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường).
Kết thúc tọa đàm, ông Nguyễn Thành Nam đưa ra câu chuyện của Uber khi tổng kết quý I họ vẫn lỗ hơn 700 triệu USD. Điều này chứng tỏ khách hàng hài lòng, dịch vụ tốt, sản phẩm tuyệt vời vẫn chưa đủ để thành công. Mỗi doanh nghiệp cần có một yếu tố cốt lõi nào đó để có thể phát triển bền vững. Và nhiệm vụ của doanh nghiệp là phải tìm ra yếu tố đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét