Thứ Hai, 1 tháng 1, 2018
Chuyện tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông bị vẽ bậy: Không quốc gia nào coi hành vi đó là hợp pháp
Những ngày qua, vụ việc tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông bị vẽ bậy đã làm dấy lên nhiều luồng quan điểm khác nhau, tuy nhiên phần lớn ý kiến của cư dân mạng đều không đồng tình với hành động này.
Trên khắp các trang báo, câu chuyện tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông tuy chưa đưa vào hoạt động đã bị vẽ bậy đang trở thành tâm điểm được nhiều người quan tâm. Trong khi đại đa số mọi người đều thể hiện thái độ phản đối với hành động phá hoại của công này, một số ý kiến cũng cho rằng, đây là một phần của văn hóa đường phố, và nước ngoài thực tế cũng cho phép vẽ Graffiti trên những con tàu như thế này.
Tuy nhiên, chiếu theo luật pháp thì hành động này rõ ràng là bất hợp pháp và sẽ bị điều tra, xử lý nghiêm khắc ngay khi làm rõ thủ phạm.
Câu chuyện trở nên lùm xùm hơn khi một số người cho rằng, việc làm này ở nước ngoài có thể được chấp nhận. Trong bài đăng trên một fanpage Facebook, có ý kiến cho rằng "thấy ở nước ngoài khuyến khích" những hình vẽ Graffiti như thế này. Nhắc tới văn hóa đường phố, hẳn nhiều người không còn xa lạ với những hình vẽ Graffiti tràn ngập các ga tàu, nhiều góc phố hay chân tòa nhà cũ kỹ. Sự hiện diện của những hình vẽ này nhiều tới mức nhiều người trong số chúng ta thậm chí còn nhầm tưởng rằng, ở nước ngoài, những hình vẽ này đều hợp pháp?
Câu trả lời là không.
Graffiti đã trở thành một phần máu thịt của văn hóa đường phố Mỹ, sau đó theo chân hip-hop mà vươn ra toàn thế giới. Việt Nam cũng từng có trào lưu này vào khoảng những năm 2008-2010.
1. Những hình vẽ Graffiti ở tuyến đường sắt trên cao Cát Linh và phần lớn các hình vẽ Graffiti ở nước ngoài là bất hợp pháp
Kỳ thực, Graffiti, dù nhìn có bá đạo bách nghệ như thế nào đi nữa thì phần lớn trong số chúng đều là những hình vẽ không được "bảo hộ" bởi nhà nước, trừ khi các nghệ sĩ đường phố vẽ lên những khoảng không gian đã được gia chủ hay người sở hữu khoảng không gian đó đồng ý. Còn lại, phần lớn các tòa nhà ở nước ngoài - dù là xây để ở hay sử dụng làm các công trình công cộng - đều đã qua quy hoạch kỹ càng. Các tòa nhà trong thành phố sẽ được liên kết với nhau thành một khối tổng thể hài hòa, từ thiết kế cho tới màu sắc.
Các tòa nhà trong thành phố được liên kết với nhau theo một thể thống nhất, chặt chẽ và hài hòa về màu sắc.
Điều tương tự cũng xảy ra với các ga tàu điện/ tàu điện ngầm. Do nằm dưới mặt đất - đúng tính chất "underground" mà các ga tàu điện ngầm thường trở thành nơi tụ tập của nhiều người trẻ đam mê hip-hop. Tuy nhiên, một số người đã để lại không ít hình vẽ Graffiti tại nhiều góc nhà ga hay thậm chí trên cả những con tàu. Việc làm này tuy không phải đại diện cho số đông những người đam mê Graffiti nhưng cũng khiến hình ảnh của cộng đồng này bị ảnh hưởng phần nào.
Những hình vẽ này có thể rất đẹp và công phu, nhưng kỳ thực chúng đều là "hàng bất hợp pháp".
Ở Mỹ, với tội danh vẽ bậy lên các công trình công cộng hay tư nhân, các nghệ sĩ đường phố sẽ bị trừng phạt khá nghiêm khắc. Phần lớn là sau những cuộc rượt đuổi với bảo vệ và cảnh sát, họ sẽ bị trấn áp và tạm giam, đợi người bảo hộ tới đón (nếu chưa đủ tuổi vị thành niên); sau đó phải trả tiền nộp phạt để ra khỏi tù với một tiền án "phá hoại cảnh quan đô thị".
Cảnh sát ở nước ngoài sẵn sàng sờ gáy bạn bất cứ lúc nào nếu hí hoáy họa lên các bức tường đô thị.
Một ví dụ cho việc phá hoại cảnh quan đô thị dù cho thân chủ đã cho phép - đó là vụ nam ca sĩ Justin Bieber nổi hứng vẽ lên một bức tường khách sạn ở thành phố Gold Coast - Australia. Tuy hình vẽ không quá đẹp nhưng với danh tiếng của mình, Justin Bieber vẫn gây được sự chú ý với bức hình này. Chủ khách sạn cũng rất vui vẻ giữ lại bức hình này, tuy nhiên thị trưởng thành phố Gold Coast thì không nghĩ vậy. Ông coi đây là một hành động phá hoại cảnh quan đô thị và tuyên bố sẽ bắt Justin Bieber phải quét sơn trả lại bức tường hoặc quay lại diễn ở thành phố này vào dịp Giáng sinh năm 2013 để bù tội.
Justin Bieber và bức Graffiti gây xôn xao dư luận Úc năm 2013.
Và bức này nữa...
...và bức này nữa!
Cũng không lâu sau đó, nam ca sĩ này đã bị cảnh sát Brazil phát lệnh bắt giữ do tội danh như cũ. Đại diện phía cảnh sát cho biết ngôi sao người Canada sẽ bị bắt giữ nếu anh có ý định đặt chân đến Brazil lần nữa.
Điều này đủ thấy ở nước ngoài, người ta không hề nhân nhượng cho những hình vẽ Graffiti không đúng với luật bảo vệ môi trường đô thị, dù cho nó có đẹp tới đâu.
2. Vậy ở nước ngoài, người ta được phép vẽ Graffiti ở đâu?
Về cơ bản, ở bất cứ nước nào trên thế giới, không hề tồn tại những khu vực cho phép vẽ Graffiti tự do thoải mái. Như đã đề cập ở trên, chỉ có các khu vực được cơ quan quản lý cho phép, dưới sự giám sát về cả không gian và thể loại tranh vẽ, thì các nghệ sĩ mới được phép vẽ. Và những toa tàu cũ cũng không phải ngoại lệ.
Những hình ảnh các đoàn tàu khoác lên mình những tấm Graffiti tuyệt đẹp - như tấm áo thay da đổi thịt cho những cỗ máy tưởng chừng đã bị bỏ hoang có vẻ như đã truyền cảm hứng cho những họa sĩ đường phố Việt Nam. Nhưng không biết các bạn có hay rằng, phần lớn trong số những toa tàu đó đã ngừng hoạt động chứ không phải chỉ có vẻ như thế.
Kể cả khi đã trở thành tài sản không còn giá trị sử dụng, việc vẽ lên các tác phẩm này cũng bị coi là hành động bất hợp pháp, đồng thời nếu như xui xẻo bị bắt gặp đang lúi húi vẽ vời trong sân ga bỏ không thì bạn vẫn có thể bị bắt giam, vì dù có bỏ không thì những sân ga và các đoàn tàu đó vẫn thuộc quyền sở hữu nhà nước, không công dân nào được phép xâm phạm.
Không giống như tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, những toa tàu này đã bị bỏ hoang và là chỗ "khả dĩ" để các nghệ sĩ đường phố múa bình sơn.
Những toa tàu thuộc tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã bị vẽ bậy lấp cả cửa kính...
...và nhiều khả năng sẽ phải lăn bánh khai trương trong tình trạng này.
Vào một số dịp đặc biệt, được sự cho phép của chủ công trình, một số hình vẽ Graffiti cũng có đất diễn ở nhiều địa điểm khác nhau như khai trương, lễ hội. Ngay ở Việt Nam, một số quán cafe hay quán ăn nổi tiếng cũng có những hình vẽ Graffiti mang tính chất trang trí và khá được yêu thích do đảm bảo được cả tính thẩm mỹ lẫn tính hợp pháp.
Hình vẽ Graffiti khổng lồ chào mừng sự kiện Olympics 2016 tại Rio, Brazil.
Một bức vẽ được sử dụng trong dịp kỷ niệm quan hệ ngoại giao giữa Nga và Ấn Độ.
Hình vẽ tường tuyệt đẹp của một quán sushi tại Hà Nội.
Những bức vẽ tuyệt đẹp ở làng Bích họa Tam Thanh, Quảng Nam.
Tạm kết
Có thể thấy, những nghệ sĩ đường phố nghiệp dư ở Việt Nam thực sự cần hiểu rõ khái niệm "cái đẹp" và "quy định" trước khi xách lọ sơn lên để tác nghiệp. Những hình vẽ Graffiti của các nghệ sĩ đường phố sẽ chỉ hay, chỉ đẹp nếu được sự cho phép của các cơ quan quản lý đô thị.
Những toa tàu còn chưa được đưa vào vận hành trong dự án tỷ đồng của nhà nước giờ đã bị vẽ lên đến tận cửa kính - gây cản trở và bất lợi ít nhiều cho việc vận hành. Và, không biết họ có tưởng tượng được rằng, ngày khai trương tuyến đường sắt này sẽ ra sao khi từ từ lăn bánh trước mặt công chúng lại là một đoàn tàu bị bôi vẽ nhếch nhác? Hy vọng rằng sự kiện này sẽ không còn xảy ra thêm lần nào nữa trong tương lai.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét