Thứ Hai, 15 tháng 1, 2018
Danh sách các tập đoàn, tổng công ty thuộc quản lý của "siêu ủy ban" hé lộ điều gì?
Nhìn vào danh sách các tập đoàn, tổng công ty thuộc quyền quản lý của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước có thể thấy Chính phủ ưu tiên nắm quyền kiểm soát đối với năng lượng, tài nguyên khoáng sản, hạ tầng giao thông và đất đai nông nghiệp. Đây đều là các lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế.
Theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 12/2017 về tái cơ cấu DNNN, một "siêu ủy ban" quản lý vốn Nhà nước sẽ được thành lập trong năm 2018. Ủy ban này là cơ quan chuyên trách, làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp. Quy mô vốn và tài sản của "siêu ủy ban" lên đến hơn hàng triệu tỷ đồng.
Dự kiến, "siêu ủy ban" sẽ quản lý 22 Tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực từ năng lượng, giao thông vận tải cho đến nông nghiệp, lương thực. Các tập đoàn này được quản lý bởi 5 bộ là Bộ Công thương, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Nông nghiệp, Bộ Tài chính và Bộ Thông tin & Truyền thông. Trong danh sách này, chiếm chủ đạo là các doanh nghiệp của Bộ Công thương và Bộ Giao thông - Vận tải với 6 tập đoàn và 6 tổng công ty.
Danh sách có 15 tập đoàn và tổng công ty mà Nhà nước hiện vẫn nắm giữ toàn bộ 100% vốn điều lệ. Điển hình là Tập đoàn Điện lực (EVN) và Tập đoàn Dầu khí (PVN). Đây là hai tập đoàn Nhà nước lớn nhất xét trên vốn chủ sở hữu (431 nghìn tỷ đồng và 205 nghìn tỷ đồng - số liệu theo báo cáo kiểm toán hợp nhất tính năm 2016) và tổng tài sản (770 nghìn tỷ đồng và 692 nghìn tỷ đồng).
Một số Tập đoàn và Tổng công ty trong danh sách đã và đang được cổ phần hóa như Petrolimex, ACV, Tập đoàn Cao su, Vinafor hay Vinafood 2.
Đặc biệt, siêu ủy ban cũng sẽ quản lý cả Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) – doanh nghiệp đang quản lý lượng vốn nhà nước rất lớn tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa.
Nhìn vào danh sách các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc quyền quản lý của siêu ủy ban có thể thấy Chính phủ ưu tiên nắm quyền kiểm soát đối với năng lượng, tài nguyên khoáng sản, hạ tầng giao thông và đất cát nông nghiệp. Đây đều là các lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế. DNNN thuộc các lĩnh vực khác như sản xuất, bất động sản... không nằm trong danh sách này.
4 Tập đoàn năng lượng nằm trong danh sách là Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn xăng dầu, Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản. Nguyên nhân là năng lượng không những liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia mà còn đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện ở Việt Nam dự báo đạt mức 10 – 12%/năm trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Mackenzie, nhu cầu xăng dầu của nước ta sẽ tăng trưởng trung bình 5,6%/năm trong giai đoạn 2015 – 2025. Danh sách 137 DNNN cần được cổ phần hóa trong năm 2017 theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ không bao gồm 2 "ông lớn" trong lĩnh vực năng lượng là EVN và PVN. Hai tập đoàn này chỉ tiến hành cổ phần hóa ở các công ty trực thuộc. Vinacomin dự kiến sẽ được cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn nắm giữ trên 65% vốn điều lệ.
Bên cạnh năng lượng thì lĩnh vực hạ tầng giao thông với các tập đoàn như Tổng công ty Hàng không (Vietnam Airlines), Tổng công ty Hàng hải (Vinalines), Tổng công ty Đường sắt (Vietnam Railways), Tổng Công ty Cảng hàng không... cũng là lĩnh vực mà Nhà nước ưu tiên kiểm soát. Trong thời gian tới, các Tập đoàn này đều không tiến hành cổ phần hóa công ty mẹ hoặc cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn nắm giữ tỉ lệ tối thiểu trên 51%.
Tổng công ty đường sắt có lợi nhuận trước thuế năm 2016 chỉ đạt 174 tỷ đồng. Tuy nhiên, Tổng công ty này chỉ tiến hành cổ phần hóa ở các công ty con, Chính phủ không đưa công ty mẹ vào danh sách thoái vốn. Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, kinh nghiệm của thế giới cho thấy, đường sắt là lĩnh vực rất khó cổ phần hóa vì lợi nhuận thấp. Theo các thông tin nghiên cứu của ông Kiên, ở hầu hết các nước, ngành đường sắt vẫn do Chính phủ sở hữu.
Ngoài ra, danh sách quản lý của siêu ủy ban còn bao gồm các tổng công ty có quy mô khá nhỏ như Tổng công ty Cà phê (Vinacafe) hay Tổng công ty Lâm nghiệp (Vinafor). Vốn chủ sở hữu ở hai tổng công ty này lần lượt là 1.274 tỷ đồng và 4.066 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh cũng khá thấp, năm 2016, lợi nhuận của Vinacafe đạt 79 tỷ đồng, con số này ở Vinafor là 514 tỷ đồng. Sở dĩ Nhà nước vẫn nắm quyền kiểm soát có thể là do các doanh nghiệp này nắm giữ lượng đất đai nông nghiệp rất lớn.
Trong lĩnh vực công nghệ viễn thông, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) và Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC thuộc danh sách quản lý của "siêu ủy ban". MobiFone, VNPT và VTC cũng sẽ được cổ phần hóa theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng Nhà nước vẫn nắm giữ ít nhất 51% vốn điều lệ.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét