Thứ Ba, 9 tháng 1, 2018

#Why: Sống là phải biết khác biệt, không khác biệt thì chỉ nhận được con số 0 tròn trĩnh mà thôi!


Ví dụ về quán phở ở Angola và lý thuyết thị trường về cạnh tranh hoàn hảo sẽ chứng minh cho bạn điều trên.






Kinh tế học không chỉ bó hẹp trong giảng đường hay ngân hàng. Môn khoa học này tồn tại ở khắp mọi nơi và ảnh hưởng tới mọi thứ chúng ta làm hoặc nhìn thấy trên phim ảnh cũng như đời thực. Nó có thể giúp ta lý giải những "bí ẩn" lý thú trong cuộc sống như Vì sao ngăn mát tủ lạnh có đèn nhưng ngăn đá thì không hay,...

CafeBiz xin giới thiệu chuỗi bài #Why vào thứ 2-4-6 hàng tuần để giúp bạn thấy kinh tế học không khô khan như bạn nghĩ. Nội dung bài viết được truyền cảm hứng từ cuốn sách "Nhà tự nhiên kinh tế" của tác giả Robert H. Frank.



Sống trên đời là phải biết khác biệt với những người khác. Nếu không khác biệt rút cục bạn sẽ chẳng nhận được gì đâu.

Đó giống như một lời răn dạy trong một cuốn sách triết lý nào đó, và hẳn nhiên, bạn có quyền phủ định hoặc làm theo nó, vì nếu nghe thoáng qua, dường như không có bất cứ lập luận nào đằng sau hỗ trợ nó cả.

Tuy nhiên, bạn sẽ nghĩ sao nếu như có hẳn một lý thuyết kinh tế đã chứng minh điều này, rằng không khác biệt thì mọi thứ nhận về sẽ là con số 0 tròn trĩnh ? Hãy cùng xem.

Quán phở ở Angola và hậu quả nếu không biết khác biệt

Hãy thử tưởng tượng bạn nói lời tạm biệt với công việc nhàm chán hiện tại và quyết định làm một việc có ý nghĩa hơn là…đi bán phở ở…Angola – một nơi mà phở Việt Nam chưa hề đặt chân tới.

Ở một thị trường mà sản phẩm phở chưa xuất hiện, bạn nhận ra rằng để mở một quán phở thường thường bậc trung là chẳng hề khó chút nào.

Chẳng cần đầu tư mấy, chỉ cần một địa điểm, vài chiếc bàn, ghế, nồi niêu, bát đũa và một công thức nấu phở rất bình thương mang từ Việt Nam sang, bạn có ngay một quán phở nơi xứ người.

Vì lợi thế là người tiên phong ở Angola, bạn ngay lập tức có lãi từ việc bán phở ở đây. Dần dần, dân ở Angola cũng sẽ nghĩ đến việc :”Hay là cũng đi bán phở để kiếm tiền giống anh chàng Việt Nam này ?”

Do việc mở quán phở là rất đơn giản, hẳn là thế vì trước đó bạn cũng chẳng mất mấy công đầu tư để mở, các quán phở tương tự như của bạn sẽ mọc lên như nấm. Tương tự ở đây là ở chỗ bàn ghế, cung cách dịch vụ, chất lượng phở như bao nhiêu thịt, bao nhiêu nước…tất cả các quán cũng đều sàn sàn nhau.

Việc có quá nhiều quán phở cạnh tranh sẽ khiến giá bán phở giảm xuống. Chất lượng các quán như nhau nên người ăn cứ chọn quá rẻ mà vào. Quán A giá cao hơn quán B mà thấy quán B hút khách hơn lại giảm giá cho bằng được quán B.

Chu trình giảm giá diễn ra liên tục và rút cục đến một lúc giá bán bằng chi phí kinh tế mà bạn đã bỏ ra (bằng chi phí nguyên vật liệu cộng với công sức bạn đã bỏ ra), tất cả những người bán phở sẽ không thể giảm giá thêm được nữa vì lúc này, người bán phở đã hoàn toàn bán phở không công rồi. Nếu giảm nữa thì có lẽ, sẽ không có bất cứ quán phở nào ở Angola nữa.

Vào lúc này, mức giá một bát phở sẽ bằng đúng chi phí cơ hội bạn bỏ ra để làm ra bát phở ấy. Vì thế, thị trường phở sẽ sản xuất ra đúng số lượng phở người ta muốn mua, không thiếu cũng không thừa.

Cơ cấu thị trường này được được gọi là cạnh tranh hoàn hảo (perfect competititon). Ở đây, tất cả các người bán đều giống hệt nhau, chẳng có sự khác biệt nào hết, và như bạn thấy thì cũng chẳng có người bán nào được lợi cả.



Mô hình thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Tất cả gười bán phở chẳng được lợi một chút nào nếu ai cũng giống nhau (Nguồn ảnh: Kinh tế không kinh thế)

Và, điều tương tự cũng sẽ xảy ra ở ngoài cuộc sống. Trong một tập hợp người trên thị trường lao động, trong một phòng làm việc, trong một công ty, nếu như bạn cũng chỉ giống như mọi người khác, không có sự khác biệt nào đặc biệt thì rút cục thứ bạn thu về cũng chỉ là con số 0 tròn trĩnh mà thôi.

Phương cách duy nhất: Hãy biết khác biệt hóa mình

Vậy làm thế nào để không rơi vào tình cảnh này ? Chìa khóa duy nhất là hãy biết làm mình khác biệt.

Ví dụ, trong tình huống quán phở ở Angola bên trên, thay vì ngồi yên chờ các quán phở khác mọc lên và đua nhau giảm giá, bạn hãy làm gì đó.

Hãy thay đổi thực đơn, đa dạng các món phở như phở già, phở bò, phở sốt vang….

Hãy tạo ra một phong cách phục vụ khác biệt với tất cả các quán phở khác để người ăn phải nhớ đến mình. Hãy quan tâm đến từng khách hàng trung thành của bạn, để ý ai thích ăn ít hành, ai thích ăn nhiều mỡ, ai thích ăn nhiều bánh, nhiều nước….

Làm như vậy, khách hàng của bạn sẽ sẵn sàng trả một số tiền cao hơn giá các quán khác, đơn giản là chỉ để ăn bát phở hợp khẩu vị, hoặc được hưởng một dịch vụ tốt hơn. Do bán giá cao hơn, tổng tiền thu về của bạn sẽ lớn hơn chi phí và công sức bỏ ra. Nói tóm lại, hơn một số 0 tròn trĩnh, bạn đã thu được lợi nhuận từ việc bán phở.

Cơ chế thị trường này được gọi là cạnh tranh độc quyền (monopolistic competition), nơi mà mỗi người bán đều có xu hướng cạnh tranh với nhau bằng cánh này hay cách khác, qua đó cả thị trường sẽ tốt lên. Như vậy, một bài học cuộc sống được suy ra từ điểm này: Không thể cạnh tranh thì chẳng thể nào có sự tiến bộ.



Thị trường khi có cạnh tranh. Có người đã được hưởng lợi

(Nguồn ảnh: Kinh tế không kinh thế)

Cuối cùng, hãy đảm bảo rằng những nỗ lực làm mình khác biệt hóa là phải liên tục trong dài hạn.

Bởi lẽ, trở lại ví dụ trên, công nghệ nấu phở là thứ tương đối dễ dàng để copy, vì thế áp lực cạnh tranh đối với bạn là luôn còn ở đó. Hãy luôn tâm niệm phải liên tục đổi mới thực đơn, làm quảng cáo và các hình thức PR….làm sao để người ăn không quan quán phở của bạn.

Nói tóm lại, hãy luôn biết cách khác biệt hóa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét