Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2018

Nghề này cực kỳ thiếu người, ít cần bằng cấp, Tiki, Bibomart tìm nhân sự đến ‘đỏ mắt’ trong khi Amazon lăm le vào Việt Nam


Hai lực đẩy giúp thị trường bán lẻ Việt Nam trỏ nên đầy tiềm năng là cơ cấu dân số trẻ và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tiềm năng lớn, nhân sự khan hiếm trở thành cơ hội nghề nghiệp sáng giá cho những người trẻ có đam mê, nhiệt huyết theo đuổi ngành dịch vụ này.






Theo thông tin từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam VOBF 2018 diễn ra vào ngày 14/3 tới đây, Amazon sẽ khởi động một chương trình hợp tác cùng Hiệp hội để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có thể bán hàng, xuất khẩu qua hệ sinh thái của Amazon. Việc Amazon có ý định tấn công thị trường Việt Nam sau Alibaba cho thấy tiềm năng vô cùng lớn của ngành bán lẻ Việt Nam.


Thế nhưng ngành bán lẻ Việt Nam lại đang gặp thách thức lớn khi thiếu nguồn cung nhân lực bài bản, có kỹ năng. Trong một cuộc trao đổi gần đây giữa các CEO nổi tiếng ngành này đến từ Tiki, Bibomart, "thiếu người" là từ được nhắc đi nhắc lại khá nhiều.

Định kiến "nghề buôn nước bọt"


"Trong vài năm gần đây, chúng tôi cảm thấy rất vất vả trong việc đi tuyển dụng nhân sự". Đó là những lời nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc chuỗi bán lẻ mẹ và bé BiBomart Trịnh Lan Phương tâm sự cùng bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam trong một buổi thảo luận về ngành này.

Bibomart được thành lập 2006 với số vốn khởi nghiệp 130 triệu đồng vốn, 10 năm sau được định giá lại ở mức 142 triệu USD với doanh thu trên 100 triệu USD và hệ thống 150 cửa hàng. Để có được thành quả, chặng đường đi của Bibomart theo chia sẻ của bà Phương là vô cùng thách thức không riêng với nhà bán lẻ truyền thống nào.

Giai đoạn 2009-2014, hệ thống chuỗi bán lẻ này gặp 3 trở ngại lớn cũng như bài toán khó gồm: tài chính, con người, hệ thống quản trị. Thậm chí theo bà Phương, thị trường này vô cùng tiềm năng và muốn mở rộng quy mô nhưng lại rất khó do thiếu con người.

Điều khiến CEO này trăn trở là làm thế nào để có những trường đào tạo về bán lẻ, cung ứng nguồn nhân lực cho ngành. Chính bà Phương rất khó khăn trong việc đi tìm nguồn nhân lực có chất lượng, được đào tạo bài bản và sẵn sàng làm việc. Theo bà, ở Việt Nam chưa có những hệ thống trường đào tạo về nghề bán lẻ như vậy.

Nhân sự cũng là 1 trong 3 thách thức luôn được bà Phương chỉ ra để duy trì sự tăng trưởng cho một công ty. Theo đó thách thức thứ 1 là làm gì, thứ 2 là làm như thế nào, thứ 3 là ai là người làm. Để giải quyết câu hỏi làm như thế nào có nhiều cách để thực hiện trong đó tốt nhất là học hỏi và đi ra nước ngoài, tham khảo thành công từ những mô hình trên thế giới. Tuy nhiên tìm được người làm lại là vấn đề đau đầu.

"Ở Việt Nam các bạn trẻ có tư duy học hết cấp 3 thì học đại học, ra trường làm nghề sang chảnh. Bán hàng chỉ là công việc ngắn hạn thôi và không ai muốn làm lâu dài. Từ tư duy bán hàng như vậy không ai xem đây là nghề nghiệp lâu dài. Khi họ đã không muốn làm thì không làm tốt được", CEO này trăn trở.

Điều này cũng được bà Loan đồng ý. Theo bà Loan, hiện tại Việt Nam chưa xem bán lẻ là 1 nghề nghiệp. "Những người bán hàng chỉ được coi là bọn trung gian chuyên môn hưởng lợi từ buôn nước bọt. Thực sự trong cuộc sống nhận xét không đúng lắm", vị chủ tịch hiệp hội nhận xét.



Khi doanh nghiệp tự đào tạo

Để giải quyết bài toán này, việc đầu tiên Bibomart thực hiện sau khi tuyển dụng là lập trình lại nhận thức của những người trẻ này. Từ đó cho họ tư duy để thực sự yêu nghề bán lẻ, yêu nghề phục vụ. Sau khi truyền được niềm cảm hứng muốn làm nghề này rồi tiếp đến mới là công việc đào tao. Quá trình này cũng rất vất vả khi phải liên tục hàng năm trời, tìm được thầy giỏi cho họ.

Nhân sự cũng là câu hỏi hóc búa với hãng bán lẻ thương mại điện tử Tiki. Theo nhà sáng lập kiêm CEO Trần Ngọc Thái Sơn, trong thương mại điện tử "tốc độ là tất cả". Trong 4-5 năm qua việc Tiki hướng tới là hợp tác với các hãng logistics cũng như xây dựng hệ thống kho bãi. Mục tiêu của Tiki trong năm 2017 là 50% đơn hàng giao được giao trong ngày và ngày hôm sau so với mức 2016 là 45%. So sánh với JD.com thì con số này là 70% được giao trong ngày và ngày hôm sau vào năm năm 2014.

"Cái khó nhất không phải là tiền đầu tư, nếu mình làm tốt sẽ có người đầu tư. Cái khó nhất là con người. Con người thực sự là đào không ra", CEO này nhấn mạnh. con người thực sự là đào ko ra.

Cách Tiki giải quyết bài toán này là tự đào tạo. Theo đó công ty này phải tuyển những người đẳng cấp quốc tế (world class- theo cách nói của CEO Tiki) về sau đó dùng những người này để đào tạo cho người trong công ty mình.

"Mình không đợi nhà nước mở trường đào tạo logistics,.. phải tự đào tạo thôi", CEO Sơn chia sẻ.

Vị lãnh đạo doanh nghiệp ngày cũng cho biết hiện Tiki có nhân sự từ Facebook, Amazon về để xây dựng hệ thống. Từ đó họ đào tạo những bạn rất trẻ tại công ty. Thậm chí tại đây có những bạn quản lý dự án 21-22 tuổi chưa tốt nghiệp đại học. Ông Sơn cho rằng những nhân sự như vậy sẽ giúp công ty phát triển rất nhanh.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Savills, hai lực đẩy giúp thị trường bán lẻ Việt Nam trỏ nên đầy tiềm năng là cơ cấu dân số trẻ và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Hiện 64% dân số Việt Nam nằm trong độ tuổi từ 15-59, độ tuổi có nhu cầu mua sắm và khả năng tài chính tốt. Trong khi đó dự kiến thu nhập bình quân năm 2020 và GDP tăng trưởng trung bình 6-7% trong thời gian tới sẽ trở thành lực đẩy thứ 2. Rõ ràng tiềm năng lớn, nhân sự khan hiếm trở thành cơ hội nghề nghiệp sáng giá cho những người trẻ có đam mê, nhiệt huyết theo đuổi ngành dịch vụ này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét