Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

Bí mật từ những chiếc 'ghế hàng VIP', suất ăn nóng hay hành lý ký gửi thổi bùng lợi nhuận cho các hãng bay giá rẻ như Vietjet Air

Chỉ cần một sự cải thiện nhỏ trong doanh thu phụ trợ/hành khách cũng sẽ làm tăng đáng kể doanh thu và lợi nhuận của Vietjet Air.






“Nếu muốn cảm nhận sức sống của nền kinh tế Việt Nam, có thể tới các sân bay Việt Nam. Trên 21 sân bay thương mại đều đông, nhộn nhịp, mà trong đó có các sân bay 1-2 năm trước đây gần như trong tình trạng ngủ quên như Chu Lai, Tuy Hòa, Thanh Hóa…


Kết quả nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy cứ 1% tăng trưởng ngành hàng không kéo theo từ 0,4- 0,5% tăng trưởng GDP. Ngành hàng không Việt Nam năm vừa qua tăng trưởng 14-15% và GDP tăng cao nhất từ trước đến nay ở mức 6 tháng đầu năm trên 7,2%”, Tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết trong một cuộc tọa đàm mới đây.


Hàng không giá rẻ kiếm tiền từ đâu?


Bộ mặt ngành hàng không Việt Nam trong những năm gần đây có những thay đổi đáng kể ghi có sự tham gia của hãng hàng không giá rẻ như Vietjet Air.


Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết phí hành lý và chọn chỗ ngồi chiếm phần lớn doanh thu phụ trợ của mô hình hàng không giá rẻ (LCC).


Các hãng LCC cung cấp giá vé rẻ và kỳ vọng thu về phí hành lý và doanh thu phụ trợ khác. Theo đó họ xây dựng được chính sách hành lý để tối đa hóa doanh thu mà vẫn làm hài lòng khách hàng và đáp ứng hiệu quả hoạt động là một bài toán không đơn giản.


Dịch vụ chọn chỗ ngồi cũng ngày càng trở thành một nguồn đóng góp doanh thu chính. Các dịch vụ bao gồm chọn chỗ ngồi ở khu vực thoát hiểm, chỗ ngồi phía trước, hoặc chỗ có không gian rộng. Điều này cho thấy hành khách sẵn sàng chi nhiều hơn để đổi lại sự thoải mái và tiện nghi.





Xem xét mô hình này trên phạm vi thế giới, nhìn chung các hãng hàng không của Mỹ có doanh thu phụ trợ/đầu người cao nhất, tiếp đó là các hãng hàng không châu Âu. Có 3 yếu tố tác động đến độ lớn doanh thu phụ trợ của các hãng hàng không: Chi phí dịch vụ, số lượng hành khách sử dụng và sự đa dạng về dịch vụ phụ trợ.


Ví dụ phí phụ trợ của các hãng ở các quốc gia phát triển thường cao hơn do mức sống cao hơn. Hay như trường hợp của các hãng Spirit và Frontier tính phí đối với tất cả hành lý xách tay và kí gửi. Trong khi đó, thông thường các hãng hàng không sẽ miễn cước cho kiện hành lý xách tay. Điều này lý giải tại sao 2 hãng này lại có doanh thu phụ trợ/đầu người cao nhất trong các hãng LCC.





Ngoài các dịch vụ phụ trợ cơ bản bao gồm: phí hành lý và hành lý quá cước, chỗ ngồi, phí hủy và thay đổi chuyến bay các hãng LCC còn mở rộng sang những dịch vụ khác như vận chuyển trẻ em đi một mình (unaccompanied minors) hay thú nuôi... Hay như Spirit và Frontier thậm chí còn tính phí in vé tại sân bay dao động từ 2 USD đến 10 USD, trong khi dịch vụ này được cung cấp miễn phí đối với các hãng hàng không khác.


Mức phí của Vietjet Air so với các hãng LCC thế giới ra sao?


Số liệu của chứng khoán Rồng Việt cho thấy hầu hết phí phụ trợ của VJC thấp hơn các hãng hàng không top đầu trên thế giới. Vietjet Air cũng chưa có dịch vụ FFP.





Để cải thiện, VDSC cho rằng Vietjet Air có thể tăng phí. Tuy nhiên, dư địa tăng cũng không nhiều vì mức phí cần phù hợp với mặt bằng thu nhập và chi phí ở Việt Nam.


Ngoài ra công ty chứng khoán này còn cho rằng phần lớn sự cải thiện doanh thu phụ trợ của Vietjet Air trong những năm qua đến từ sự gia tăng của các chuyến bay quốc tế. Phí phụ thu trong chuyến bay quốc tế cao hơn nhiều so với chuyến nội địa.


VDSC nhận định hãng hàng không này nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển các chuyến bay quốc tế, đồng nghĩa xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục. Tuy nhiên mức độ cải thiện về doanh thu được kỳ vọng sẽ diễn ra ổn định và từng bước qua từng năm, chứ không thể có một bước nhảy vọt.


Ngoài ra Vietjet Air cũng được cho rằng cần rất nhiều thời gian để có thể bắt kịp mức doanh thu phụ trợ/hành khách của các hãng top đầu. Dù vậy, chỉ cần một sự cải thiện nhỏ trong doanh thu phụ trợ/hành khách cũng sẽ làm tăng đáng kể doanh thu và lợi nhuận của Vietjet Air.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét