Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư: Sẽ có bộ lọc mới khi thu hút FDI
Việt Nam sẽ nói không với dự án công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường nhưng mở lòng với lĩnh vực mới như kinh tế chia sẻ.
Nhìn lại 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chiến lược gọi vốn sẽ phải thay đổi để khắc phục những hạn chế hiện nay.
- Việc thu hút FDI đã mang về nhiều thành công cho Việt Nam nhưng cũng bộc lộ không ít tồn tại. Vậy theo ông, đâu là những hạn chế lớn nhất mà chúng ta cần nhìn nhận lại?
- Trước tiên tôi muốn nói lời cảm ơn các nhà đầu tư nước ngoài, bởi họ đã tin tưởng, lựa chọn Việt Nam là nơi đầu tư kinh doanh, đồng thời đóng góp nhất định cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, một số hạn chế, bất cập và quan ngại vẫn cần được nêu lên.
Trước hết là sự liên kết, lan toả năng suất từ khu vực FDI sang trong nước còn thấp. Nhiều dự án đầu tư nước ngoài tập trung vào công đoạn gia công, lắp ráp; tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành công nghiệp ở mức dưới trung bình.
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Võ Hải
Tiếp đến là tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện thấp so với vốn đăng ký. Năm 2017, vốn đầu tư thực hiện mới đạt khoảng 55,5%, nghĩa là có tới gần một nửa dự án chưa hoặc không thể thực hiện.
Chuyển giao công nghệ qua đầu tư nước ngoài cũng chưa như kỳ vọng. Số dự án đầu tư nước ngoài ở các ngành sử dụng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn chưa nhiều.
Chưa kể một số doanh nghiệp chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường, có trường hợp gây ra sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và cuộc sống của người dân, cũng như sự phát triển bền vững của đất nước.
Hay cũng có doanh nghiệp có hành vi chuyển giá, thiếu trung thực trong báo cáo tài chính để trốn thuế.
- Với những hạn chế về hiệu quả và chất lượng của các đồng vốn FDI như vậy, ông nghĩ sao khi gần đây có ý kiến còn đề cập việc, nên thu hút FDI tiếp nữa không?
- Nhà đầu tư cũng như con ong hút mật, khi đầu tư phải có lợi ích. Đồng thời chính hoạt động của họ tại Việt Nam sẽ tác động lan toả, đem lại giá trị cho nền kinh tế. Với vai trò như vậy của FDI và những hạn chế của doanh nghiệp trong nước, theo tôi, vẫn cần tiếp tục thu hút nguồn vốn này.
Không chỉ Việt Nam, tất cả các nước trên thế giới đều nỗ lực cải cách, tạo môi trường cạnh tranh để thu hút FDI. Ngay cả Mỹ, chính sách mới của Tổng thống Donald Trump vẫn kêu gọi các nhà đầu tư, cả nội và ngoại, đầu tư tại Mỹ.
Mỗi giai đoạn, giá trị vốn đầu tư nước ngoài sẽ khác. Dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu có xu hướng giảm và đang dịch chuyển theo cả các hướng thuận và không với Việt Nam. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc có khả năng điều chỉnh dòng đầu tư của Mỹ, EU từ Trung Quốc vào các nước khác, trong đó có Việt Nam. Rồi cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đặt ra thách thức rất lớn nhưng đồng thời cũng tạo cơ hội để chúng ta "đi tắt, đón đầu", bắt kịp các nước.
Trước bối cảnh biến động nhanh chóng của kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn tiếp tục coi đầu tư nước ngoài là một bộ phận của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc thu hút, sử dụng nguồn vốn này phải có điều chỉnh để FDI mang lại hiệu quả, đóng góp nhiều nhất và khắc phục được những hạn chế vừa qua.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tham quan gian hàng của một doanh nghiệp FDI. Ảnh: VGP.
- Cụ thể là chiến lược thu hút FDI trong bối cảnh mới sẽ thay đổi ra sao, thưa ông?
- Dòng chảy FDI toàn cầu rất lớn nhưng cũng chỉ có một con số nhất định, chảy vào chỗ này thì sẽ thôi chỗ khác. Vì thế, thu hút FDI giai đoạn tới phải có trọng tâm, trọng điểm; phải có bộ lọc chứ không hô hào thu hút theo chiều rộng mà không quan tâm đến chất lượng đầu tư.
Đồng thời, cũng sẽ có một số điều chỉnh về định hướng thu hút FDI theo ngành, lĩnh vực, địa phương, vùng, thị trường và đối tác. Ngoài ra, thu hút vốn ngoại cũng cần tận dụng cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0 để đưa vào công nghệ mới, hình thức đầu tư, kinh doanh mới. Bên cạnh đó, ta sẽ không thu hút những dự án có công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường vào Việt Nam.
Muốn vậy, chúng ta cần phải xây dựng một chương trình hành động cụ thể, trong đó tập trung hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp luật, chính sách liên quan. Chẳng hạn, trước đây chỉ quan tâm tới đầu tư truyền thống thì nay cần khuyến khích cả những hình thức phi truyền thống mới, như kinh tế chia sẻ. Do đó, cần hoàn thiện thể chế, chính sách, hạ tầng... để thu hút họ, đồng thời giúp doanh nghiệp trong nước phát triển.
Lâu nay chuyện liên kết “chưa gặp nhau” giữa doanh nghiệp trong nước và FDI vẫn được nhắc tới nhiều. Từ phía nhà đầu tư nước ngoài, họ cho rằng năng lực doanh nghiệp Việt Nam hạn chế, không đủ điều kiện. Còn doanh nghiệp trong nước lại nói không thể tham gia chuỗi sản xuất nếu không được tạo điều kiện để tham gia...
Vì thế, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nội, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo... đang được đẩy mạnh. Khi doanh nghiệp trong nước phát triển tiệm cận với tiêu chuẩn, trình độ thì tự khắc hai đối tượng này sẽ gặp nhau, liên kết được với nhau.
- Thông điệp Bộ trưởng gửi tới các nhà đầu tư nước ngoài thời gian tới là gì?
- "Hãy đến với Việt Nam trong cơ hội mới và tầm nhìn mới", tôi muốn nói điều đó với họ. Bởi, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Thể chế ngày càng được hoàn thiện, cùng với tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đã có những chuyển biến thực chất; cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh; khu vực kinh tế tư nhân trong nước ngày một phát triển.
Có thể nói, Việt Nam đã hội tụ các tiền đề quan trọng để nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mở rộng đầu tư kinh doanh và lựa chọn là điểm đầu tư lâu dài.
Nguyễn Hoài
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét