Thứ Năm, 25 tháng 10, 2018

Nhật - Trung được kỳ vọng ký hàng loạt thỏa thuận tuần này


Hai nền kinh tế hàng đầu châu Á được dự báo thắt chặt quan hệ kinh doanh và thương mại qua chuyến thăm của Thủ tướng Nhật tới Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình và Thủ tướng - Trung Quốc - Lý Khắc Cường trong chuyến thăm Trung Quốc từ 25/10 đến 27/10. Các cuộc gặp này được đánh giá rất quan trọng, do đây là chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc của một lãnh đạo Nhật trong gần 7 năm qua. Hai nền kinh tế hàng đầu châu Á được dự báo sẽ thắt chặt quan hệ kinh doanh và thương mại bằng việc ký hàng loạt thỏa thuận kinh tế.

Cuộc gặp này "diễn ra trong bối cảnh cả Nhật Bản và Trung Quốc có chung mối lo về Mỹ, nhất là về Tổng thống Mỹ - Donald Trump và các chính sách của ông ấy", Victor Teo - giảng viên Đại học Hong Kong nhận xét trên CNBC. Việc này khiến Trung Quốc và Nhật Bản phải cải thiện quan hệ song phương, bất chấp nhiều bất đồng địa chính trị.



Thủ tướng Nhật - Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình. Ảnh: AP


"Việc Tổng thống Trump theo đuổi chính sách Nước Mỹ trên hết và khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc càng khiến nước này muốn xích lại gần Nhật Bản", Glen Fukushima - nhà phân tích tại Center for American Progress cho biết trên CNBC, "Nhật thì cảm thấy bị Mỹ bỏ rơi, sau khi nước này rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)". Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều nhận thấy lợi ích kinh tế khi thắt chặt quan hệ song phương.

Tháp tùng ông Abe sang Trung Quốc lần này là đoàn doanh nghiệp hùng hậu với 500 đại diện. Các công ty này kỳ vọng có cơ hội tiếp cận tầng lớp trung lưu đang bùng nổ tại nền kinh tế lớn nhì thế giới, Rory Green - nhà phân tích khu vực châu Á tại TS Lombard nhận định.

Tuần trước, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng cho biết: "Hợp tác kinh tế và thương mại là nền tảng và động lực cho quan hệ Trung – Nhật, tạo cơ sở cho sự tin tưởng chính trị lẫn nhau".

Hai nước cũng đang đẩy nhanh đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một thỏa thuận thương mại gồm 16 nước ở châu Á – Thái Bình Dương. Hồi đầu tháng, SCMP cũng đưa tin Trung Quốc cũng đang xem xét tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Chiến lược (CPTPP) - thỏa thuận thay thế TPP sau khi Mỹ rút lui.

Victor Teo thì cho rằng quan hệ giữa hai nền kinh tế này "lạnh về chính trị, nhưng nóng về kinh tế". "Nếu không thể đồng thuận về mặt chính trị, họ sẽ chỉ tập trung vào kinh doanh thôi", ông kết luận.

Hà Thu (theo CNBC/Bloomberg)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét