Darren Eastman, cựu kỹ sư của Apple cáo buộc: "Apple sau khi Steve Jobs qua đời đã không còn tồn tại khái niệm về trách nhiệm nữa". Darren Eastman bắt đầu làm việc tại Apple với vai trò là kỹ sư vào năm 2006. Cơ may đến rất tình cờ với Eastman khi Steve Jobs khá quan tâm tới ý tưởng về một chiếc máy Mac giá rẻ phục vụ cho giáo dục của ông.
Do đó, Jobs đã tuyển thẳng Eastman sau khi anh này tốt nghiệp đại học. Eastman sau này đã đóng góp rất lớn cho Apple. Ông là người đã phát minh ra tính năng "Find my iPhone" mà bạn vẫn đang dùng hiện nay.
Tim Cook và Steve Jobs.
Theo trang Silicon Valley, khi Jobs còn lãnh đạo Apple, ông từng bảo Eastman hãy luôn thông báo cho ông biết về bất kỳ các vấn đề nào chưa được giải quyết đối với các sản phẩm của công ty và các nhân viên có quyền nêu ý kiến về mối quan tâm của họ.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi kể từ khi Steve Jobs qua đời vào năm 2011
Eastman chia sẻ: "Nhiều nhân viên tài năng từng cống hiến một phần cuộc đời của họ cho Apple giờ đây thường xuyên bị kỷ luật, và những vấn đề mà họ quan tâm hay muốn giải quyết dưới thời Steve Jobs còn sống đã bị bỏ qua".
Ông nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của CEO Tim Cook, phản ứng của người lao động về các vấn đề mà họ lo ngại rất khác so với thời Jobs còn sống. "Bạn sẽ chẳng nhận được phản hồi nào khi báo cáo cho Tim Cook biết về các vấn đề. Bạn thậm chí còn có thể bị quản lý đe dọa khi phàn nàn với Tim Cook (Steve Jobs trước đó rất cởi mở trong việc lắng nghe phản hồi của nhân viên)", Eastman nói thêm.
CEO Tim Cook hiện tại.
Vào năm 2014, một quản lý đã bị sa thải sau khi có ý kiến trong cuộc họp công ty. Anh này cho rằng dự án đang đề cập trong cuộc họp sẽ tốn hàng triệu đô và hàng trăm ngàn giờ lao động lãng phí. Thậm chí, con gái của người quản lý trên cũng bị sa thải chỉ vì báo cáo với ban lãnh đạo công ty về những vết mốc xuất hiện trong tòa nhà nơi cô làm việc.
Ngay cả với cách Apple sa thải nhân viên, triều đại của Tim Cook thực sự đã gian dối hơn rất nhiều. Apple thường cho sa thải nhân viên ngay trước khi kết thúc năm tài chính của công ty. Điều này cũng đồng nghĩa, nhân viên sau khi bị sa thải sẽ không được hưởng số tiền bồi thường là số lãi cổ phiếu trong cả một năm của Apple. Đó là lý do tại sao có nhiều trường hợp kỹ sư bị sa thải ngay trước khi hết năm tài chính.
Số cổ phiếu này sau đó sẽ được phân bổ lại cho các nhân viên khác hoặc trở thành khoản thưởng thêm cho các quản lý lâu năm. Eastman khẳng định: "Apple đã chuyển từ một công ty trung thực trở thành kẻ chuyên đi ngược đãi, lạm dụng nhân viên, phân biệt đối xử và vi phạm luật lao động".
Apple dưới triều đại Tim Cook theo mô tả của Eastman dường như không tuân theo các quy tắc luật pháp vốn có. Apple cũng hiếm khi kiểm tra vấn đề cập nhật sản phẩm. Điều này dẫn tới việc nhiều người dùng phải sống chung với lỗi và các vấn đề phát sinh trước khi nhận bản cập nhật sửa lỗi.
Một bí mật khác cũng được Eastman tiết lộ, đó là việc ông thường được chỉ định giúp đỡ và giải quyết phàn nàn cho khách hàng. Những vấn đề này trước nay vẫn thường bị các lãnh đạo ngó lơ. Thông thường, Eastman sẽ tìm lỗi và đưa ra giải pháp, nhưng các giải pháp của Eastman hiếm khi được đưa vào trong bản cập nhật sau đó. Tuy nhiên các khách hàng từng phàn nàn với Apple sau khi được Eastman trợ giúp đã thôi không muốn làm căng mọi việc.
Eastman đang tìm kiếm một khoản bồi thường trị giá 735 cổ phiếu phổ thông của Apple (trị giá khoảng 165 ngàn USD tính đến ngày 28/9), cộng với khoản thiệt hại nữa trị giá 326.000 USD và yêu cầu Apple phải giải quyết thỏa đáng quyền sở hữu bằng sáng chế.
Hiện phía Apple vẫn từ chối bình luận về những yêu sách mà Darren Eastman đưa ra trong vụ kiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét