Âm vốn nghìn tỷ và bị mua lại bắt buộc với giá 0 đồng trên toàn bộ cổ phần, các ngân hàng này sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động đã thay da đổi thịt và đang đẹp lên trông thấy.
Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng đã qua giai đoạn 1 với nhiều điểm nhất, trong đó đáng chú ý là trường hợp 3 ngân hàng bị âm vốn, không thể tái cơ cấu được và bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng là OceanBank , GPBank và VNCB.
Từ ngày ấy âm vốn nghìn tỷ...
Ngân hàng Xây dựng (VNCB) là ngân hàng đầu tiên bị NHNN mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng vào ngày 2/2/2015.
VNCB tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (TrustBank). Tại thời điểm cuối năm 2012 khi ngân hàng đã được liệt kê vào danh sách 9 ngân hàng yếu kém và bị kiểm soát, TrustBank lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng. Đến cuối năm 2013, con số lỗ lũy kế lên 11.348 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8.293 tỷ đồng. Đến cuối năm 2014, phần vốn chủ sở hữu âm tới hơn 24.000 tỷ và lỗ lũy kế 27.000 tỷ đồng.
Theo lời của một vị đại diện NHNN thì thời điểm ấy không có nhà đầu tư nào mua lại Ngân hàng xây dựng và theo các định giá của đơn vị độc lập EY thì cơ sở để mua lại giá 0 đồng là do Ngân hàng xây dựng lúc đó có giá trị thực âm hơn 80 nghìn đồng/cổ phiếu.
Trước khi bị mua lại, VNCB có tổng cộng 551 cổ đông, trong đó 6 cổ đông pháp nhân và 545 cổ đông thể nhân. Các cổ đông pháp nhân gồm 3 cổ đông thuộc Khối văn phòng Nhà nước; 1 cổ đông là TCTD đó là Ngân hàng Agribank và 1 cổ đông là doanh nghiệp nhà nước là Công ty lương thực Long An. Tuy nhiên theo nội dung của phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu chủ tịch ngân hàng Phạm Công Danh và các bị cáo khác thì gần 85% cổ phần của ngân hàng này nằm trong tay Phạm Công Danh.
Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) là trường hợp thứ 2 được cơ quan quản lý mua lại với giá 0 đồng, sau VNCB vào ngày 25/4/2015.
OceanBank với tiền thân là Ngân hàng nông thôn Hải Hưng và đến năm 2007 chuyển đổi sang mô hình ngân hàng TMCP đô thị và “lớn nhanh như thổi” qua các năm đến 2010.
Nguyên Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, từ cuối năm 2011, NHNN đã phát hiện ra những bất ổn tại OceanBank. Cơ quan này đã tạo điều kiện và cơ hội để họ khắc phục. Tuy nhiên, qua hai lần thanh tra, các sai phạm tại OceanBank không những không khắc phục được mà lại còn nghiêm trọng hơn. Theo đó, NHNN phải dùng biện pháp quyết liệt để xử lý ngân hàng này, cũng như ngăn chặn khả năng rủi ro lan ra hệ thống.
Cũng như VNCB, ngân hàng OceanBank bị âm vốn điều lệ và tự thân họ không thể bù đắp nổi để có được một mức dương trên 0 đồng.
Ngày 25/4/2015, NHNN đã mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của cổ đông hiện hữu tại OceanBank, giúp NHNN chủ động trong việc tái cơ cấu OceanBank, bảo đảm việc chi trả tiền gửi, ngăn ngừa sự lây lan yếu kém từ OceanBank đến các ngân hàng khác.
NHNN sở hữu 100% vốn điều lệ của OceanBank, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách của các cổ đông hiện hữu ngân hàng này; chỉ định VietinBank tham gia quản trị OceanBank.
Trước khi bị mua lại, các cổ đông lớn của ngân hàng này gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (20%), Công ty TNHH VNT (20%), Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (20%) và Công ty Cp Đầu tư và xây dựng Sông Đà (6,65%).
Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank) là ngân hàng thứ 3 bị NHNN mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần giá 0 đồng kể từ ngày 7/7/2015.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2014 thì tính đến ngày 02/04/2015, tổng số lỗ lũy kế của GP.Bank lên đến 12.280 tỷ đồng, dẫn tới vốn chủ sở hữu bị âm 9.195 tỷ đồng (vốn điều lệ của GPBank là 3.018 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu của GPBank đạt tới con số cao kỷ lục 45,37%. Đồng thời, dư nợ cho vay khách hàng giảm mạnh, chỉ còn 6.669 tỷ đồng.
Do không thể khắc phục được, NHNN đã mua lại bắt buộc GP.Bank toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng từ ngày 7/7/2015.
Trước khi bị mua lại 0 đồng, một số nguồn tin cho biết, nhóm nhà đầu tư có liên quan đến hai ông Tạ Bá Long và Đoàn Văn An (nguyên chủ tịch và phó chủ tịch ngân hàng, đã bị bắt) sở hữu phần lớn cổ phiếu của GPBank. Các pháp nhân nắm giữ khoảng 27% cổ phần ngân hàng. Có hai tổ chức nắm giữ trên 5% cổ phần bao gồm Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư FPT và công ty chứng khoán của một ngân hàng TMCP quốc doanh.
GP.Bank, VNCB và OceanBank đang được gọi nhiều với tên ngân hàng 0 đồng
…đến bây giờ lột xác
Sau khi mua lại 0 đồng, NHNN đã giao cho các ngân hàng mà Nhà nước nắm quyền chi phối là VietinBank, Vietcombank tham gia hỗ trợ quản trị, tái cơ cấu, đổi tên các ngân hàng thành Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
GPBank được chuyển đổi mô hình kể từ ngày 7/7/2015. Sau khi chuyển đổi vẫn mang tên GPBank nhưng nhận diện thương hiệu đã thay đổi với logo màu vàng xanh chủ đạo – giống như CBBank .
Từ 1 ngân hàng âm vốn, GPBank nay có vốn điều lệ 3.018 tỷ đồng. VietinBank đã hỗ trợ bằng cách cử người sang với ông phó tổng giám đốc Phạm Huy Thông sang làm Tổng giám đốc, còn bà Trần Thị Lệ Nga trong Ban kiểm soát sang làm chủ tịch Hội đồng thành viên. Từ đầu tháng 10 này, bà Nga về hưu, ngân hàng vẫn chưa công bố ai làm chủ tịch.
Theo lời giới thiệu của nhà băng này, GPBank nay có 1 hội sở chính và không ngừng mở rộng với gần 80 chi nhánh/phòng giao dịch/quỹ tiết kiệm trên toàn quốc cùng đội ngũ hơn 1.400 cán bộ nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp. Có tới hơn 97% cán bộ nhân viên của GPBank đã có trình độ đại học, trên đại học và thành thạo nghiệp vụ chuyên môn.
Theo số liệu mới nhất từ GPBank mà chúng tôi tìm hiểu được, đến cuối tháng 6/2016, số dư huy động vốn của GPBank tăng 8,7% so với ngày 06/07/2015. Đặc biệt từ tháng 4/2016, dư nợ trên toàn hệ thống đã tăng trưởng trở lại so với đầu năm.
Ngoài ra, ngân hàng xác định công tác xử lý nợ xấu là một trong những ưu tiên hàng đầu, GPBank đang tích cực, triển khai rà soát, phân loại và đánh giá lại các khoản nợ xấu, khoản phải thu; thành lập Ban thu hồi nợ, sát sao xử lý nợ xấu và chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu.
Ngân hàng Xây dựng trong khi đó có những thay đổi nhiều nhất. Sau khi được mua lại và chuyển đổi mô hình hoạt động sang ngân hàng TNHH một thành viên kể từ ngày 5/3/2015, ngân hàng được đổi thành CBBank với nhận diện thương hiệu cũng hoàn toàn mới: màu vàng, xanh nước biển chủ đạo.
Vietcombank là ngân hàng được NHNN giao hỗ trợ cho CBBank với ông Nguyễn Văn Tuân là chủ tịch hội đồng thành viên. Đến nay, CBBank đã có mạng lưới 112 điểm giao dịch trên toàn quốc với nhân sự 1.500 người và vốn điều lệ 3.000 tỷ.
Theo giới thiệu của ngân hàng này thì CBBank thì từ một ngân hàng 0 đồng, mất thanh khoản vào tháng 3/2015, nhưng đến tháng 6/2016 ngân hàng đã đạt số dư huy động vốn đạt 29.552 tỷ đồng với doanh số huy động vốn tăng ròng trong 6 tháng đạt 2.497 tỷ đồng. Hoạt động xử lý nợ xấu được chú trọng với 500 tỷ đồng bán cho VAMC năm ngoái và tiếp tục bán nợ thêm trong năm nay. CBBank cũng đã tiến hành xử lý nợ xấu tồn đọng cũ từ thời TrustBank với khởi đầu là việc khởi kiện Phương Trang để đòi 3.000 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, chỉ sau 120 ngày kể từ khi được mua lại giá 0 đồng, tháng 7/2015 đánh dấu sự trở lại đồng loạt các hoạt động kinh doanh của CBBank. Cho đến nay, ngân hàng đã được mở đầy đủ phạm vi hoạt động nghiệp vụ với tất cả các mảng hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đối với một ngân hàng thương mại như huy động vốn, sử dụng vốn, cấp tín dụng, trung gian tài chính, cho vay khách hàng cá nhân, bảo lãnh, phát triển các dịch vụ ngân hàng bán lẻ và đổi mới mạng lưới hoạt động...
Còn OceanBank, nay đã được đổi tên thành Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương do Nhà nước sở hữu có vốn điều lệ là 4.000 tỷ đồng. Mạng lưới hoạt động bao gồm 21 chi nhánh và 101 phòng giao dịch.
Chủ tịch HĐTV OceanBank ông Nguyễn Thanh Sơn, tại buổi tổng kết hoạt động năm 2015 của nhà băng này, thì cho biết trong năm qua ngân hàng tập trung tối đa vào công tác xử lý, thu hồi nợ; đồng thời tiến hành sắp xếp lại mô hình tổ chức một cách khoa học; ổn định thanh khoản và đảm bảo khả năng chi trả cho khách hàng; hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, quy trình quy chế, văn hóa quản trị kinh doanh lành mạnh, công khai và minh bạch. Kết quả, OceanBank đã hoạt động có lãi trở lại, ổn định tâm lý, đảm bảo công việc cũng như thu nhập phù hợp với tình hình thực tế của OceanBank cho hơn 2.500 CBNV.
Việc OceanBank có lãi cũng được đề cập tại Hội nghị tổng kết năm 2015 của VietinBank khi Chủ tịch ngân hàng VietinBank cho biết công tác thu hồi nợ xấu tại OceanBank đã có sự cải thiện, đã xử lý thu hồi được 5.000 tỷ đồng nợ xấu và đến cuối năm 2015 ngân hàng đã bắt đầu có lãi.
Tại buổi hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm nay, ông Sơn cho biết, chỉ riêng 6 tháng đầu năm huy động tiền gửi tiết kiệm cá nhân có mức tăng trưởng gần 30% so với số liệu ngày 31/12/2015. Đối với cho vay khách hàng cá nhân, OceanBank đã ban hành nhiều sản phẩm ưu đãi lãi suất giành cho khách hàng, dư nợ cho vay tăng 24%; Công tác thu hồi nợ đạt 28% kế hoạch năm 2016.
GPBank và VNCB đã có diện mạo mới, còn OceanBank vẫn như cũ
Vẫn còn gian nan
Tại buổi họp báo công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2015 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2014 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) hồi cuối tháng 8 vừa qua, đại diện KTNN cho biết hiện nay, năng lực tài chính của những ngân hàng này còn rất yếu kém, lỗ âm vốn chủ sở hữu trong khi đó nguồn lực tài chính cho các ngân hàng này vẫn là vấn đề rất nan giải. Vị đại diện còn cho biết, hiện vẫn có tổ chức nợ xấu lên đến 20-30%, và việc xử lý nợ xấu tại các ngân hàng này đang hết sức khó khăn.
Tại báo cáo dự kiến kế hoạch kiểm toán 2017 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chiều 3/10 cho biết, trọng tâm kiểm toán năm 2017 đối với các ngân hàng, tổ chức tín dụng là việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng yếu kém, các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vào ngày 4/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng thời giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan tiếp tục giám sát, theo dõi chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng được NHNN mua lại bắt buộc và các tổ chức tín dụng yếu kém khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét