Việt Nam đã nói chuyện cổ phần hóa mười mấy năm nhưng hiện thực hóa thì rất phức tạp. Ông Dominic Sriven cho rằng các nhà đầu tư ngoại không còn muốn nghe chuyện này nữa.
Cổ phần hóa tại các doanh nghiệp Nhà nước nhận sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư trong ngoài nước, nhưng tiến trình thực hiện được đánh giá là chậm chạp dù đã bắt đầu hơn mười năm qua. Ảnh minh họa.
Chia sẻ về mối quan tâm của các nhà đầu tư ngoại với câu chuyện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đang được chỉ đạo triển khai quyết liệt tại Việt Nam, ông Dominic Sriven, Chủ tịch Công ty quản lý quỹ Dragon Capital, cho rằng nhà đầu tư nước ngoài đã không còn muốn nghe chuyện này nữa. Theo vị này, gần 20 năm trước, câu chuyện Nhà nước thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu tại các công ty lớn luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư ngoại. Thế nhưng chuyện cổ phần hóa nói thì nhiều mà làm quá chậm khiến nhà đầu tư "nản chí".
"Cổ phần hóa nói mười mấy năm nay rồi, nhà đầu tư nước ngoài giờ không muốn nghe nữa. Chính phủ cần đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến trình thực hiện và thực hiện một cách hiệu quả. Bởi nhà đầu tư nước ngoài họ chỉ quan tâm đến việc làm sao đầu tư được và có lời", ông Dominic Sriven nói.
Chuyên gia tài chính này còn dẫn chứng câu chuyện cổ phần hóa Mobiphone. Các doanh nghiệp ngoại rất quan tâm, nhưng suốt nhiều năm chỉ việc định giá trị của doanh nghiệp mà con số đưa ra cũng không thống nhất. Ông cho rằng, như thế thì khó đẩy nhanh cổ phần hóa được.
Về cơ hội đầu tư, với cách nhìn của một người làm trong ngành tài chính, ông Dominic Sriven cho rằng ông thấy đầu tư ở Việt Nam cực kỳ khó chứ không phải đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ, dù thị trường còn sơ khai.
Tuy nhiên, nếu xét về tổng thể thì đây vẫn là một thị trường thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam cần tranh thủ để không lỡ mất cơ hội huy động vốn.
Chuyên gia quản lý quỹ 1,5 tỷ USD này đồng thời khẳng định doanh nghiệp đừng lo không có vốn. Hiện nguồn vốn ngoài thị trường rất nhiều, vấn đề là doanh nghiệp hấp thu như thế nào để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Về cơ hội đầu tư, ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC), cho rằng việc thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn đang tạo ra cơ hội đồng đều cho cả nhà đầu tư trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Song đi cùng với cơ hội luôn là thách thức, và có cả sự dè dặt của cả hai khối.
Nhà đầu tư ngoại luôn cho rằng cơ hội đã được hấp thụ bởi các công ty, các doanh nghiệp nội, các quỹ trong nước nên luôn tính toán chuyện có nên đầu tư. Trong khi đó, doanh nghiệp nội lại cho rằng, cơ hội không giành cho mình mà đã bị nhà đầu tư ngoại tranh trước.
"Đây là điều đã và đang diễn ra. Doanh nghiệp cần nhớ là cơ hội chia đều cho người biết nắm bắt đúng lúc.
Niêm yết trên sàn thì không phải là chuyện ai cũng có thể làm được. Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn phải làm việc vừa và nhỏ trước khi làm việc lớn, nhưng nên nắm bắt cơ hội đầu tư nếu hợp lý", ông Johan Nyvene chia sẻ.
Ngân hàng nước ngoài "từ chối" doanh nghiệp nhỏ
Theo Tổng giám đốc HSBC Phạm Hồng Hải, vốn luôn là lời thỉnh cầu, cũng là phàn nàn nhiều nhất mà ngân hàng nhận được từ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đối tượng này khó tiếp cận vốn vì thường thiếu kiểm toán, kế hoạch kinh doanh không minh bạch...
Trong thời gian tới, đối tượng này lại càng khó tiếp cận vốn với ngân hàng nước ngoài, vì các nhà băng ngoại ngày càng tập trung vào khách hàng trọng tâm, rút dần ra khỏi doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét