2 năm trở lại đây, những cái tên mới liên tục bổ sung vào danh sách người giàu trên thương trường Việt. Trong khi đó, thế hệ giàu có đầu tiên dường như chững lại.
Danh sách trong Top đầu người giàu Việt Nam đang có sự xáo trộn đáng kể.
Sau khi niêm yết cổ phiếu, danh tính các đại gia mới đang lần lượt xuất hiện và lọt vào bảng xếp hạng những người giàu có hàng đầu của sàn chứng khoán Việt Nam.
Xuất hiện ồ ạt
Mới đây, khi rót hơn 2.000 tỷ đồng mua cổ phiếu ROS, tài sản của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, vượt 10.000 tỷ đồng, trở thành người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán.
Ông Quyết đang sở hữu 279,5 triệu cổ phiếu ROS, hơn 93 triệu cổ phiếu FLC và 630.000 cổ phiếu ART của Chứng khoán Artex. Tổng tài sản quy đổi của ông là 10.007 tỷ đồng.
Với số tài sản trên, ông Quyết đã vượt ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (8.423 tỷ đồng), để giành vị trí thứ 2 trong danh sách những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.
Cái tên được chú ý trong nhiều năm gần đây cũng sắp lọt vào top người giàu nhất trên TTCK Việt Nam là ông chủ SunGroup Lê Viết Lam.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của Công ty Cổ phần Dịch vụ Cáp treo Bà Nà - Banacab (BNC). Theo đó, Cáp treo Bà Nà sẽ niêm yết 216,4 triệu cổ phiếu, giá trị tương ứng 2.164 tỷ đồng theo mệnh giá.
Với hơn 83 triệu cổ phiếu BNC (tương ứng gần 38,6% cổ phần), ông Lê Viết Lam sẽ sở hữu hơn 830 tỷ đồng tính theo mệnh giá cổ phiếu. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tốt, cũng như quy mô của Banacab thì giá cổ phiếu BNC khi lên sàn được giới tài chính đánh giá sẽ ở mức cao hơn nhiều so với mệnh giá.
SunGroup của ông Lam đang sở hữu hơn 7% tại Banacab. Đó là chưa kể đến hàng loạt các dự án của “vua cáp treo Việt Nam”.
Cũng trong lần ra mắt Banacab lần này, TTCK sẽ đón nhận một gương mặt đại gia mới toanh với 'túi tiền' có thể lên tới cả nghìn tỷ đồng. Ông Mạnh Xuân Thuận hiện đang nắm giữ 73,6 triệu cổ phiếu BNC (tương đương 34% vốn). Bên cạnh khối tài sản lớn sắp lên sàn, ông Thuận còn là thành viên hội đồng quản trị tại một số công ty đang ăn nên làm ra khác.
Lĩnh vực công nghệ và bán lẻ cũng đang có nhiều đại diện ghi danh vào danh sách người giàu. Doanh nhân Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Công ty cổ phần Thế giới số - Digiworld (DGW), đã nhanh chóng sở hữu sở hữu hàng trăm tỷ đồng khi doanh nghiệp này lên sàn cách đây khoảng 1 năm.
Trong khi đó, với việc gia tăng cửa hàng cùng với thị giá cổ phiếu lên cao sau hơn 2 năm niêm yết, ông Nguyễn Đức Tài, CEO Thế Giới Di Động (MWG), cũng xuất hiện trong top đầu danh sách này.
Vào tháng 6 năm nay, cổ phiếu MWG được xem là hiện tượng trên sàn chứng khoán Việt Nam, với mức tăng lên 107.000 đồng/cổ phiếu. Điều này giúp ông Tài vượt mặt bầu Đức, trở thành người giàu thứ 4 trên sàn chứng khoán với tổng tài sản 3.942 tỷ đồng.
Còn hàng loạt những cái tên mới
Nếu việc niêm yết cổ phiếu doanh nghiệp giúp nhiều doanh nhân lọt vào danh sách người giàu thì còn nhiều cái tên khác được chờ đợi.
Gần đây, giới đầu tư chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục của ôtô Trường Hải (Thaco) với việc tăng trưởng doanh thu. Ông Trần Bá Dương ngay lập tức được coi là một trong những đại gia giàu có bậc nhất nếu doanh nhân này đưa cổ phiếu lên sàn.
Những năm gần đây, Thaco đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng về cả doanh số cũng lợi nhuận. Nửa đầu năm 2015,doanh nghiệp này đạt doanh thu 27.000 tỷ, tăng trưởng 52% và gần 4.000 tỷ lợi nhuận trước thuế. Tính bình quân mỗi ngày Thaco bán gần 300 xe các loại và thu về gần lợi nhuận gần 1 triệu USD.
Động thái mới nhất là sau 5 năm góp vốn thành lập và Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh, Thaco đã nâng tỷ lệ sở hữu và chính thức kiểm soát liên doanh này. Với việc sở hữu khoảng 50% cổ phần Thaco, việc bước chân vào danh sách người giàu trên sàn của ông Dương là không khó.
Ứng viên nặng ký tiếp theo chính là nữ tướng Vietjet Air, bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Trong một nhận định hồi tháng 3/2016, Bloomberg cho rằng bà Thảo có thể trở thành tỷ phú USD tại Việt Nam.
Theo Bloomberg, nếu hãng hàng không này IPO thì tài sản ròng của bà Thảo có thể hơn 1 tỷ USD. Nữ doanh nhân này còn nắm trong tay nhiều dự án bất động sản ở TP.HCM, vốn ở 3 khu nghỉ dưỡng Đà Nẵng, Nha Trang và cổ phần tại HDBank.
Nữ đại gia “bí ẩn nhất Việt Nam” Trương Mỹ Lan, bà chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cũng là cái tên sẽ có trong danh sách người giàu. Gia tộc họ Trương được cho là tập đoàn gia đình có khối tài sản rất lớn sau khi sở hữu hàng chục dự án ở trung tâm và vùng ngoại ô TP.HCM.
Ngoài đại gia nghìn tỷ, thị trường đang xuất hiện khá nhiều doanh nhân sở hữu hàng trăm tỷ đồng. Như ông chủ Vạn Cường, ông chủ Tập đoàn Hoành Sơn, ông Phan Minh Hoàn, sáng lập viên Hoàn Lộc Việt, bà Trương Thị Tâm của Cienco 4…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét