Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016

Theo chân TGDĐ, FPT đi bán hàng online, Vinamilk sẽ làm phật ý nhiều nhà phân phối & đại lý thân quen của hãng?

Nếu hệ thống bán online của Vinamilk vận hành thuận lợi, mang về doanh số tốt & tiết giảm chi phí bán hàng, thì đây sẽ là tin vui cho Vinamilk. Tuy nhiên, đó cũng là lúc những tháng ngày buồn của các nhà phân phối và các đại lý thân thiết của doanh nghiệp này bấy lâu nay cũng chính thức bắt đầu.

Theo chân TGDĐ, FPT đi bán hàng online, Vinamilk sẽ làm phật ý nhiều nhà phân phối & đại lý thân quen của hãng?
Ngành thương mại điện tử Việt Nam vừa được phen xôn xao khi có tin đại gia ngành FMCG - Vinamilk vừa chính thức gia nhập thị trường.
Với động thái này, Vinamilk đã theo chân nhiều đại gia bán lẻ khác như Vingroup, FPT, Thế giới Di động đi lên sàn đấu online, mặc dù lần nhập cuộc này của ông lớn ngành sữa có vẻ là... hơi muộn. Thực tế thì các đối thủ của doanh nghiệp này như TH Milk hay Đà Lạt Milk đều đã cho phép khách hàng của họ mua sữa online cả rồi.
Dù chậm hơn một bước, Vinamilk đã thể hiện sự nghiêm túc trong việc chuẩn bị gia nhập thị trường, khi đội ngũ marketing đã tổ chức khá tốt khâu truyền thông, cũng như đưa vào vận hành website bán online chuyên biệt cho khách hàng của họ.
Xu hướng mua bán online là tất yếu và không cưỡng lại được. Vinamilk dù sở hữu hệ thống bán hàng với độ phủ mạnh đến đâu trên mặt đất, thì cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi trong bối cảnh các khách hàng của họ - những người dùng internet đang ngày càng thích mua sắm trực tuyến nhiều hơn.
Trước Vinamilk, thậm chí các doanh nghiệp có vẻ "không mấy liên quan" cũng nhất loạt rồng rắn đi bán hàng online. Ví như Viettel đi bán đặc sản online bằng việc mở trang sandacsan.com, hay tờ báo điện tử VnExpress mở cửa hàng trực tuyến bán điện thoại di động hay báo Thanh Niên mở trang muahangviet.com.vn bán nông sản online.
Thương mại điện tử là lĩnh vực được ví như cỗ máy nuốt tiền khổng lồ và chứng kiến nhiều kết cục đau thương, nhưng có một điểm chung giữa nhiều doanh nghiệp lớn khi quyết định gia nhập thị trường như Vingroup, Thế giới Di động, Viettel, hay Vinamilk, chính là năng lực giao hàng.
Đối với Vingroup, Tập đoàn này sở hữu riêng hệ thống vận tải Vinlinks, sau khi chi 245 tỷ đồng mua lại 80% cổ phần Công ty Hợp Nhất. Vinlinks là đơn vị cung cấp dịch vụ giao nhận và chuyển phát nhanh cho Vingroup, nhất là các đơn vị hoạt động trong mảng bán lẻ.
Với Viettel, Tập đoàn này sở hữu Viettel Post, một đơn vị chuyên mảng giao nhận, và cũng chính Viettel Post sẽ trực tiếp quản lý trang sandacsan.com.vn. Viettel Post hiện đã phủ 100% mạng lưới chuyển phát kể cả các huyện đảo trên cả nước, 680 điểm nhận thư hàng chuyển phát nhanh trên cả nước và có 300 đại lý nhận chuyển phát thư, cùng 1.000 phương tiện vận chuyển, như xe đầu kéo, container...
Với Thế giới Di động, tuy không sở hữu hệ thống vận tải riêng như Vingroup hay Viettel, nhưng lại sở hữu lượng cửa hàng khổng lồ khắp cả nước. Quy mô của chuỗi siêu thị thegioididong.com đến cuối tháng 8 vừa qua là 880 cửa hàng. Hệ thống này giúp ông Nguyễn Đức Tài rất tự tin với chính sách giao hàng chỉ trong 30 phút.
Vinamilk hiện có hệ thống hơn 150 showroom trên cả nước, riêng tại Hà Nội và TPHCM là 80 showroom. Đây sẽ là các đơn vị chính chịu trách nhiệm trong khâu giao hàng.
Với hệ thống này, Vinamilk gần như chắc chắn sẽ là người chủ động vận hành mảng thương mại điện tử chứ không cần thông qua đơn vị phân phối nào khác.
Theo nhận định của CTCK HSC thì trên thực tế, Vinamilk xem kênh bán hàng online là công cụ hỗ trợ bán hàng hơn là một kênh phân phối mới. Hiện Vinamilk vẫn chưa đặt kế hoạch doanh thu cụ thể cho mô hình mới này. Tuy nhiên nếu nhìn sang thành công của Thế giới di động với mảng kinh doanh online, Vinamilk có lẽ không cần thận trọng đến thế.
Thế giới di động hiện chiếm 10% thị phần bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam trong năm 2015 và là doanh nghiệp có thị phần online lớn nhất tại Việt Nam.
Năm 2015, doanh thu từ mảng online của Thế giới di động đạt 1.650 tỷ đồng, chiếm 6,5% doanh thu toàn công ty, tăng trưởng 94% so với năm trước đó. Trong 8 tháng đầu năm 2016, doanh thu từ mảng online tiếp tục tăng trưởng ấn tượng 74% so với cùng kỳ 2015 lên 1.877 tỷ đồng, vượt qua doanh thu online trong cả năm 2015.
Với mức giá "mua không cần nghĩ nhiều" của những sản phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG), nhiều khả năng sữa và kem của Vinamilk sẽ dễ được khách hàng lựa chọn mua sắm online hơn bất cứ sản phẩm nào khác như di động hay điện máy của TGDĐ hay FPT (vốn dĩ cần trải nghiệm nhiều hơn và cân nhắc về tài chính kĩ hơn).
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Vinamilk, chi phí hỗ trợ bán hàng và khuyến mại của doanh nghiệp này chiếm đến gần 1/2 tổng chi phí bán hàng, ngang ngửa với chi phí marketing khổng lồ của doanh nghiệp này.
Nếu hệ thống bán online của Vinamilk vận hành thuận lợi, mang về doanh số tốt & tiết giảm chi phí bán hàng, thì đây sẽ là tin vui cho Vinamilk. Tuy nhiên, đó cũng là lúc những tháng ngày buồn của các nhà phân phối và các đại lý thân thiết của doanh nghiệp này bấy lâu nay chính thức bắt đầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét