Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết Sacombank không phải ngân hàng yếu kém mà vẫn đang ở top đầu hệ thống. Có 1 nhà đầu tư nước ngoài đang ngỏ ý đầu tư 1 tỷ USD vào Sacombank, 1 nhà đầu tư trong nước sẵn sàng mua 20% vốn ngân hàng với giá gấp đôi thị giá.
Sáng nay 4/1, tại cuộc họp báo về hoạt động ngân hàng 2016 và triển khai kế hoạch 2017 của Ngân hàng Nhà nước, Phó chánh Thanh tra NHNN Nguyễn Văn Hưng cho biết, thời gian qua NHNN đã nhận diện được toàn bộ các tổ chức tín dụng yếu kém. Đến nay, vấn đề thanh khoản đã được cải thiện, không gây ra sự đổ vỡ và thời gian tới cần giải quyết dứt điểm hơn. Và ông nói thêm, trong năm 2017, việc xử lý 3 ngân hàng 0 đồng (OceanBank, GPBank và VNCB – pv) cùng với DongABank và Sacombank sẽ là trọng tâm.
DongABank là ngân hàng bị rơi vào diện kiểm soát đặc biệt hồi tháng 8/2015 nhưng cho đến nay, với sự vào cuộc hỗ trợ của NHNN, tình hình đã cải thiện đáng kể. Hồi tháng 12, sau khi các cựu lãnh đạo của ngân hàng này bị bắt giam, tình hình của ngân hàng không những không bị ảnh hưởng mà còn hoạt động tốt hơn.
Còn trường hợp của Sacombank, hồi năm 2015, ông Trầm Bê, khi ấy là phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị của Sacombank, đã ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn toàn bộ cổ phần của ông ở Sacombank, Phương Nam và ngân hàng sau sáp nhập cho Ngân hàng Nhà nước. Từ đó tới nay, cùng với việc sáp nhập ngân hàng Phương Nam, Sacombank đã đi vào tái cơ cấu.
Sau thông tin khá bất ngờ về việc xử lý Sacombank được đại diện NHNN đề cập đến sáng nay, chúng tôi đã liên hệ với ông Kiều Hữu Dũng, chủ tịch HĐQT Sacombank để tìm hiểu rõ hơn.
Ông Dũng cho biết, việc NHNN đề cập đến 5 ngân hàng như vậy tức là đề cập đến 3 nhóm gồm nhóm ngân hàng 0 đồng, DongAbank và còn Sacombank là trường hợp sau sáp nhập. Với mỗi nhóm này, cơ quan quản lý sẽ có cách thức xử lý khác nhau.
PV: Thưa ông, việc NHNN đề cập đến Sacombank như 1 trường hợp phải xử lý, điều đó cần hiểu thế nào cho đúng?
Ông Kiều Hữu Dũng: Tôi khẳng định rằng Sacombank không phải là Ngân hàng yếu kém, hiện chúng tôi vẫn duy trì vị trí thuộc Top 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam và đứng đầu trong nhóm các Ngân hàng thương mại cổ phần.
Chính vì là một ngân hàng hoạt động tốt, có nội lực bền vững nên Sacombank đã được NHNN khuyến khích và hỗ trợ chính sách để cùng toàn hệ thống thực hiện Đề án 254 của Chính phủ thông qua việc nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam vào Sacombank.
Việc NHNN nói rằng cần xử lý triệt để các vấn đề tồn đọng có nghĩa là NHNN sẽ cùng Sacombank xử lý các tài sản không sinh lời, tài sản xấu từ Phương Nam sau sáp nhập. Việc xử lý này đòi hỏi phải có chính sách, hạch toán kế toán, công nợ, xử lý nợ…rõ ràng.
Nhưng không thể phủ nhận rằng, từ sau khi sáp nhập Phương Nam, tình hình Sacombank đi xuống rõ rệt, thể hiện qua lợi nhuận thấp hơn nhiều so với các năm trước. Ông có thể chia sẻ thêm về tình hình ngân hàng hiện nay?
Bản thân Sacombank từ trước khi sáp nhập đến nay vẫn hoạt động tốt chứ không phải Sacombank trước sáp nhập thì tốt mà nay thì xấu. Thậm chí, từ thời điểm sáp nhập đến nay, hoạt động chung của Sacombank không có bất cứ xáo trộn hay bất ổn nào, kết quả kinh doanh vẫn tăng trưởng ổn định.
Nếu tính riêng Sacombank thì năm nay chúng tôi đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 4.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức gần 3.000 tỷ đồng các năm trước. Nhưng sau tính cả Phương Nam, chúng tôi phải trích lập dự phòng để giải quyết các tồn đọng của ngân hàng khiến cho lợi nhuận ngân hàng sau sáp nhập bị ảnh hưởng.
Hiện đề án tái cấu trúc Sacombank sau sáp nhập, trong đó có phương án xử lý các vấn đề tồn đọng của Ngân hàng Phương Nam, đang trình NHNN và chúng tôi xác định năm 2017 sẽ bắt tay ngay vào thực hiện mạnh mẽ công tác tái cấu trúc ngay sau khi được NHNN duyệt.
Đến thời điểm 31/12/2016, tổng tài sản của Sacombank đạt trên 330 ngàn tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2015, vốn chủ sở hữu cũng đạt hơn 22 ngàn tỷ đồng, tiếp tục duy trì Top 5 về quy mô trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Tổng nguồn vốn chúng tôi huy động được gần 300 ngàn tỷ đồng, trong đó huy động từ thị trường 1 là 290 ngàn tỷ, tăng 11,6% so với đầu năm dù bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng gia tăng, là nền tảng để Sacombank tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Tổng tín dụng của ngân hàng đạt hơn 232 ngàn tỷ đồng tăng 18,6%, trong đó dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 193 ngàn tỷ đồng, tăng 7%.
Ông có vẻ rất tự tin về tình hình của ngân hàng?
Bản thân sacombank có truyền thống lịch sử 25 năm, chúng tôi đã phục vụ hàng chục triệu khách hàng trong thời gian qua, trở thành ngân hàng hàng đầu hệ thống. Đội ngũ lãnh đạo, cán bộ chúng tôi đều rất tâm huyết để xây dựng ngân hàng vững mạnh.
Còn việc thực hiện sáp nhập, bản thân cổ đông Sacombank và cán bộ ngân hàng trước đó đã nhận thấy rằng trước mắt sẽ có những khó khăn nhất định nhưng chúng tôi vẫn chung tay cùng với sự hỗ trợ của NHNN để xử lý các vấn đề của Phương Nam. Với nền tảng đó, chúng tôi rất tự tin với hành trình phát triển của mình.
Tôi cũng xin tiết lộ rằng, đang có nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng đầu tư 1 tỷ USD vào Sacombank và có 1 nhà đầu tư trong nước khác còn muốn mua 20% vốn của ngân hàng với giá 1.5 (tức 15.000 đồng/cổ phiếu – pv) – gấp đôi so với thị giá của cổ phiếu STB hiện nay.
Nói vậy để thấy rằng, không chỉ chúng tôi tự tin về ngân hàng mà nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đánh giá rất cao Sacombank.
Vậy ngân hàng có cần hỗ trợ gì từ phía NHNN không thưa ông?
NHNN đang chỉ đạo sát sao đề án tái cấu trúc Sacombank. Chúng tôi hi vọng NHNN sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa trong tái cấu trúc sau sáp nhập thời gian tới.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét