Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

Gửi những ông chủ nhà hàng: Xây được vài 3 cái, hệ thống còn lộn xộn đã nhượng quyền thì giống như trái non ép chín, chuỗi sẽ bị phá nát!


“Các cửa hàng phải kiếm rất nhiều tiền, phải hoạt động bài bản thì mới nhượng quyền vì nhượng quyền là chuyển nhượng thành công cho người khác”.


Doanh nhân Lý Quí Trung.



Đó là chia sẻ của ông Lý Quí Trung, người sáng lập thương hiệu Phở 24, trong một sự kiện gặp gỡ các bạn trẻ khởi nghiệp ở TP HCM gần đây.


Sau 5 năm xa quê hương cùng những ngày dài chiêm nghiệm trong gần 2 năm tạm nghỉ ngơi, người sáng lập Phở 24 Lý Quí Trung đã dành cho hơn 700 bạn trẻ đang bắt đầu khởi nghiệp những suy nghĩ, đánh giá từ những trải nghiệm của ông.

Chỉ nhượng quyền khi cửa hàng đã kiếm được rất nhiều tiền

Khi nhận được câu hỏi: Làm sao để biết được chuỗi đã sẵn sàng mọi thứ cho nhượng quyền?Doanh nhân họ Lý khẳng định 2 điều.

Thứ nhất, phải biết nhượng quyền là gì? “Ngày nay tài liệu nhiều và bản thân cần biết game này như thế nào, có phù hợp với mình không? Nhượng quyền có nhiều đường đi, không phải cứ thấy người ta nhượng quyền là mình cũng theo phong trào”, ông Trung khẳng khái.

Thứ hai, khi đã tìm hiểu kỹ rồi thì cần xem xét tiếp các yếu tố sau:

- Yếu tố thứ nhất là cửa hàng phải kiếm rất nhiều tiền. Nhiều người mở cửa hàng, xây dựng cửa hàng rất đẹp nhưng không có lời và cũng rêu rao chuyện nhượng quyền. “Nhượng quyền là chuyển nhượng thành công cho người khác. Mình phải có lời đã, phải thành công đã”, ông Trung nói.

- Yếu tố thứ hai là phải coi lại xem hệ thống đã bài bản chưa. Nếu chưa hệ thống thì khi nhượng quyền sẽ không thể chỉ cho ai được. Nhượng quyền là chuyển nhượng sự thành công về quản trị cho người khác. Giống như người dạy học thì phải biết mới dạy được cho người khác.

“Nhượng quyền sớm sẽ phá banh hệ thống nhà hàng. Nếu có khoảng 3 cửa hàng nhưng chưa bài bản mà nhượng quyền cả 10 nhà hàng, rồi không kiểm soát nổi thì hệ thống sẽ tan nát”, doanh nhân họ Lý đúc kết.

Trường hợp, nếu rất nhiều có nhu cầu mua nhượng quyền nhưng bản thân thấy hệ thống chưa bài bản thì cần thuê người giỏi để hệ thống hóa lại hết rồi mới nhượng quyền.

Vậy, cụ thể là nhà hàng lời bao nhiêu thì có thể nhượng quyền được?

Khi câu hỏi này được đặt ra, ông Trung cho rằng tùy mỗi quốc gia.

Ở Việt Nam chẳng hạn, lợi nhuận phải nhiều hơn. Bởi khi mua nhượng quyền thì người mua thường không điều hành mà thuê người làm. Do đó, người mua nhượng quyền thường là người có tiền. Họ kỳ vọng nhiều.

Còn ở nhiều nước khác, phổ biến chuyện người mua nhượng quyền là để tự tạo công ăn việc làm cho họ. Miễn sao có đủ lương trả cho chính họ, thì đó là thành công rồi.


Ông Lý Quí Trung, sáng lập chuỗi tiệm Phở 24 vào năm 2003. Là người đầu tiên đưa tô phở Việt từ quán bình dân vào nhà hàng máy lạnh một cách bài bản, tuy nhiên, sau 9 năm phát triển, ông Trung quyết định chuyển giao ''đứa con'' của mình cho chủ chuỗi cà phê Highland vào năm 2012.


Từ những kinh nghiệm của người kinh doanh theo mô hình nhượng quyền đầu tiên của Việt Nam, ông Trung đã viết quyển sách về đề tài nhượng quyền thương mại (franchise): Franchise - Bí quyết thành công bằng mô hình nhượng quyền kinh doanh và Mua Franchise - Cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam. Hai quyển sách này liên tục nằm trong danh sách "best seller" năm 2005 và 2006. Từ thành công này, ông được mời làm cố vấn đặc biệt cho Trung tâm nghiên cứu nhượng quyền châu Á - Thái Bình Dương (Asia Pacific Center of Franchising Excellence), trụ sở đặt tại Úc.

Thế Trần

Theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét