Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

Không riêng người Việt Nam, dân Mỹ cũng bức xúc không kém về chuyện tận thu đủ loại phí của các nhà băng lớn


Phí dịch vụ tại các ngân hàng Việt Nam đang được rất nhiều người quan tâm những ngày gần đây sau khi một số ngân hàng tăng mạnh biểu phí dịch vụ. Và thực tế ;à ở Mỹ - trung tâm tài chính thế giới, chuyện thu phí của ngân hàng cũng khiến khách hàng đau đầu không kém.






Ba ngân hàng lớn nhất tại Mỹ là JPMorgan Chase, Bank of America và Wells Fargo đã thu tổng cộng hơn 3,4 tỷ USD phí rút tiền và phí giao dịch trong năm ngoái. Ước tính mỗi người dùng phải chi 34,37 USD (Khoảng 782.000 VNĐ) chỉ để sở hữu thẻ và sử dụng dịch vụ ngân hàng mỗi năm.


Khi rút tiền đồng nghĩa với… mất tiền

Mặc cho sự phẫn nộ của người dân nước Mỹ, các ngân hàng tại cường quốc "số 1 thế giới" này vẫn không có ý định cắt giảm các chi phí sử dụng dịch vụ. Thậm chí doanh thu từ dịch vụ sử dụng thẻ ATM năm 2016 của họ còn tăng hơn 300 triệu USD so với năm trước.

Chỉ tính riêng Ngân hàng JPMorgan, doanh thu từ hoạt động rút tiền đã tăng đột phá hơn 22% vào năm 2016 khi ngân hàng quyết định tăng phí lên 3 USD (hơn 68.000 VNĐ) trên mỗi lần rút tiền.



Tính đến thời điểm hiện tại, khác hàng phải trả trung bình lên tới 4,57 USD (hơn 100.000 VNĐ) tại các ATM "ngoài hệ thống" trên mỗi lần rút. Và điều đáng nói là chi phí rút tiền này được tăng liên tục trong hơn 10 năm qua.

Vấn đề này gây phẫn nộ trong quần chúng đến mức Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đã đề cập đến việc này trong cuộc vận động tranh cử của ông cách đây không lâu.

"Người dân Mỹ đang phải chi đến 4 – 5 USD mỗi lần đến ATM để rút tiền của chính mình, đó là một điều không thể chấp nhận được," Sanders nói trong một buổi tranh luận. "Tôi sẽ đích thân vận động các ngân hàng giảm mức phí xuống dưới 2 USD 1 lần rút."

Phí duy trì thẻ: Không có nhiều tiền = chịu phí cao mỗi tháng

Khác với các tài khoản "ma" tại các Ngân hàng Việt Nam. Ở tại Mỹ, mỗi một tài khoản ngân hàng đều phải có một số tiền nhất định và đóng phí duy trì hàng tháng nếu muốn tiếp tục tồn tại.

Đây cũng là một loại phí gây tranh cãi vì nhiều người dùng nghĩ rằng ngân hàng đã có lợi nhuận khi giữ tiền của họ. Nhưng đáng tiếc rằng ngân hàng là những tổ chức vì lợi nhuận, tất cả mọi chi phí hoạt động đều có thể ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh và cho dù đó có là một tài khoản 1 triệu hay 1 tỷ đi chăng nữa, chi phí duy trì là gần như tương tự nhau.

Và để duy trì doanh thu cho việc trả lương nhân viên và cung cấp dịch vụ cho khách, phí duy trì thẻ luôn được nhấn mạnh tại Mỹ.



Đối với các ngân hàng tại đây, những tài khoản có ít hơn 1.500 USD (hơn 34 triệu VNĐ) sẽ phải chịu mức phí duy trì tài khoản từ 8,95 USD đến 12 USD (tương đương 273.000 VNĐ) mỗi tháng.

Và hàng loạt chi phí "tận thu" khác

Theo một nghiên cứu gần đây, các ngân hàng hiện đang cung cấp thông tin các loại phí duy trì thẻ một cách rất khó "tiếp thu". Tại Mỹ, khi mở một tài khoản ngân hàng, mỗi người dùng sẽ được nhận một cuốn sổ hướng dẫn dài tới… 69 trang, trong đó có những thông tin quan trọng như họ sẽ tốn bao nhiêu tiền để sử dụng thẻ và chính tiền của mình.

Và đó cũng chính là lý do người dân nước này thường bất ngờ khi bị phạt và tận thu rất nhiều loại phí "trên trời rớt xuống".

- Phí đóng thẻ trước hạn:

Nhiều ngân hàng buộc khách của mình phải duy trì tài khoản một thời gian trước khi đóng, và mức phạt sẽ khá cao nếu ai vô tình không biết điều này.

BB&T và Citibank phạt khách hàng 25 USD nếu đóng thẻ trước 90 ngày sử dụng.

Còn U.S. Bank, HSBC, và PNC Bank cũng sẽ phạt khách hàng 25 USD nếu đóng thẻ trong 180 ngày.

"Việc mở và đóng tài khoản rất tốn công, và các ngân hàng áp dụng phí này để phần nào bù lỗ lại cho nghiệp vụ đó", một chuyên gia nhận xét.



- Phí theo dõi thông tin thẻ:

TD Bank thu của khách hàng 1 USD mỗi tháng để cung cấp thông tin sao kê và số dư qua mạng. Còn đối với dịch vụ cung cấp thông tin qua bưu điện, U.S. Bank thu của khách hàng tận 2 USD chỉ để họ nhận được một tờ giấy với các thông tin đó.

Và theo sau phí gửi thông tin qua bưu điện này là phí "hoàn trả thư" khi bưu điện không thể giao thành công cho khách hàng. U.S. Bank sẽ thu thêm 5 USD cho lần giao thư thứ hai và các ngân hàng lớn khác như FirstBank & Trust, Bank of Arkansas, và Bank of Oklahoma sẽ phạt khách hàng tới hơn 15 USD nếu giao bưu phẩm không thành công.

"Việc chuyển thông tin tài khoản khách hàng nhiều lần có thể gây nguy cơ mất dữ liệu và thông tin nhạy cảm, ngân hàng buộc phải có nhiều biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn điều đó và phí phạt sẽ được đưa ra cho khách hàng," một nhân viên ngân hàng cho hay.



- Phí giao dịch viên:

Một số ngân hàng sẽ thu phí khi khách hàng đến tận chi nhánh và nhờ các giao dịch viên thực hiện các nghiệp vụ cho mình. Chẳng hạn đối với tài khoản eBanking của Bank of America, nếu tự thực hiện trên mạng hoặc trên máy ATM, khách hàng sẽ không mất một khoản phí nào. Nhưng nếu bạn sử dụng giấy yêu cầu với giao dịch viên, khách hàng sẽ tốn thêm 8,95 USD (203.000 VNĐ) mỗi tháng.

Lê Thanh Sang

Theo Trí Thức Trẻ/USNews, CNN Money

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét