Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng chia sẻ bí quyết thành công: Tôi nói cái tôi nghĩ, làm cái tôi nói và bán cái mà bản thân sẽ mua

Tôi bắt đầu từ công ty rất nhỏ và giờ trở thành số 1. Khoảng cách số 1 và số 2, số 3 hiện còn rất dài. 

Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng chia sẻ bí quyết thành công: Tôi nói cái tôi nghĩ, làm cái tôi nói và bán cái mà bản thân sẽ mua
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), đã chia sẻ nhiều thông tin về chứng khoán, đến doanh nghiệp tại sự kiện "Bản chất các giai đoạn phát triển của doanh nghiệp qua góc nhìn và kinh nghiệm của ông Nguyễn Duy Hưng". Cuộc đối thoại do Group Quản trị và Khởi nghiệp tổ chức cuối tuần trước tại TP HCM.
- Thưa ông, là người gắn bó với thị trường chứng khoán đã lâu, theo ông, khi nào nên đầu tư chứng khoán?
- Theo tôi, không có câu trả lời chung cho tất cả mọi người. Thị trường chứng khoán phụ thuộc vào kỳ vọng mỗi người tham gia. Mọi người đánh giá và kỳ vọng trong tương lai là khác nhau. Ai kỳ vọng tương lai tốt thì mua, xấu thì bán.
Tôi thuộc trường phái đầu tư giá trị. Tôi luôn nhìn giá trị của công ty theo bất kỳ hoàn cảnh nào. Trong trường phái đầu tư giá trị thì có những thời điểm các công ty khác gặt hái thành công, công ty tôi lại gặp khó khăn. Hoặc có những trường hợp, họ rất ốm yếu thì chúng tôi chỉ sổ mũi nhức đầu.
Ngay bây giờ hay ngày mai, bạn đều có thể tham gia thị trường chứng khoán.
- Chứng khoán Việt Nam không giống với thế giới mà thường theo tin đồn và cảm giác. Theo ông, điều đó có chính xác không?
- Ở các thị trường tiên tiến thì mức độ minh bạch của thị trường tốt hơn. Ngay cả ở thị trường lớn thì không phải không theo tin đồn. Vì tin đồn mới tạo ra thị trường. Nếu ông nào cũng nghĩ là tốt thì đều không bán, nếu nghĩ là xấu thì không ai mua. Bản chất của thị trường là tuân theo nhận định khác nhau. Nhận định khác nhau thì phụ thuộc vào tin đồn.
Ở những thị trường cao cấp thì họ ngăn chặn tin đồn tốt hơn. Còn những thị trường còn sơ khai thì có nhiều câu chuyện hơn. Nhưng tất cả các câu chuyện nhận định khác nhau, anh nhận định tốt thì anh không bán, anh cảm thấy tình hình xấu đi thì anh bán. Bản chất của thị trường chứng khoán là huy động vốn cho doanh nghiệp, chuyện mua bán thứ cấp tạo ra sự hấp dẫn cho thị trường chứng khoán.
Đã gọi là thị trường thứ cấp thì có người được người mất. Nếu ai đó mua mà ngày mai, giá xuống thì mất, giá tăng thì lại được. Được, mất phụ thuộc vào nhận định khác nhau về thị trường. Nhận định khác nhau về thị trường phụ thuộc vào việc tiếp cận thông tin chính thống hay không chính thống.
- Nhiều người nói, mua 10 đồng, bán 9 đồng rưỡi vẫn lời. Theo ông, việc trên có đúng không?
- Theo tôi, mua 10 đồng bán 9,5 đồng thì không có lãi. Nhưng có thể họ đưa đồng tiền đó vào làm việc khác thì đồng tiền đó vẫn có triển vọng. Nhiều công ty tài chính lớn có thể có những sản phẩm khác để bù đắp nếu lỗ. Nếu không phải như vậy, không thể có chuyện mua 10 đồng, bán 9,5 đồng vẫn lời.
- Ông lấy thị trường làm nền tảng phát triển công ty. Nhiều doanh nghiệp đều xây dựng hệ thống khách hàng cho riêng họ. Tại sao ông không liên kết khách hàng để giảm chi phí?
- Theo tôi, giữa mong muốn và khả năng thực hiện là những điều khác nhau. Nếu tôi liên kết được khách hàng thì sẽ giảm được chi phí. Mọi người đều biết rằng ai sở hữu hệ thống phân phối đó sẽ làm vua của nền kinh tế. Nhưng mong muốn và thực hiện khác nhau.
Không phải ngẫu nhiên mà người ta mua hệ thống phân phối với giá cao gấp nhiều lần. Tôi và các bạn đều muốn sở hữu một hệ thống phân phối như thế nhưng có làm được không lại là chuyện khác. Bằng kinh nghiệm của cá nhân tôi thì tôi nghĩ là chúng tôi chưa có nhiều lợi thế để xây dựng hệ thống phân phối liên kết, chưa mơ ước một hệ thống bán hàng lý tưởng.
Người Việt Nam hay quan tâm nhiều đến sản xuất nhưng sản xuất không mang lại giá trị nhiều bằng thương hiệu.
Tôi lấy ví dụ chai nước gội đầu lợi ích chỉ có 5%, phần chính là quảng bá thương hiệu, in bao bì…. Khi kiểm soát được hệ thống phân phối thì là vua của nền kinh tế nhưng không dễ làm được. Nếu bạn biết thì mách, tôi sẽ làm.
- Trong cuộc sống của ông, thất bại nào là đáng nhớ nhất và làm sao ông có thể vượt qua được những thất bại đó? Khi thất bại thì ông có ý định đi làm thuê hay không?
- Có lẽ tôi lạc quan nên thất bại tôi quên hết rồi. Tôi bắt đầu từ công ty rất nhỏ và giờ trở thành số 1. Khoảng cách số 1 và số 2, số 3 hiện còn rất dài.
Nếu nói gì để chia sẻ về thành công thì tôi xin nói rằng: Tôi nói cái tôi nghĩ, làm cái tôi nói và bán cái mà bản thân sẽ mua. Đó là nguyên tắc của tôi.
- Cảm ơn ông.

Giám đốc 8x của P&G Việt Nam: "1, 2 năm đầu mới ra trường đừng đặt ra mức lương khởi điểm, tới năm thứ 3 tài chính sẽ tới!"

Sinh năm 1989, hiện đang giữ vị trí Giám đốc ngành hàng chăm sóc tóc của P&G Việt Nam sau 4 năm vào công ty, anh Trần Khắc Hào đã có chia sẻ về những khó khăn, vấp ngã cũng như quan điểm của mình về vấn đề thực tập, nhảy việc hay lương khởi điểm - những điều mà sinh viên cực kỳ quan tâm. 

Giám đốc 8x của P&G Việt Nam: "1, 2 năm đầu mới ra trường đừng đặt ra mức lương khởi điểm, tới năm thứ 3 tài chính sẽ tới!"
Rất có thể cuộc trò chuyện dưới đây sẽ khiến bạn thay đổi hoàn toàn, hoặc ít nhất là một phần những định kiến vốn có của bản thân về chuyện thực tập. Nếu bạn vẫn luôn nghĩ thực tập thực ra cũng chỉ là đi cho có để hoàn thành khoá luận hay chuyên đề cuối năm, thực tập thì làm ở đâu mà chẳng được khi đến cũng chỉ rót nước pha trà mà thôi, rồi ra nước ngoài để thực tập là câu chuyện không thể thì bạn sai rồi!
Có những người đã bắt đầu con đường thành công của mình ngay từ 2 tháng thực tập sinh đó, biết nắm bắt cơ hội và thử thách bản thân, nhận lại những trải nghiệm và bài học quý giá, để rồi sau khi chính thức vào công ty, họ đã giữ vị trí rất cao và làm được những điều bản thân họ cũng không ngờ tới.
Trong số đó có câu chuyện của anh Trần Khắc Hào, sinh năm 1989 và hiện đang là Giám đốc ngành hàng chăm sóc tóc - P&G Việt Nam. Trước đó, khi còn là sinh viên năm thứ 3, anh từng là thực tập sinh đầu tiên của P&G được "xuất khẩu" sang văn phòng châu Á – Thái Bình Dương của tập đoàn P&G ở Singapore trong 2 tháng. Đây là cơ hội anh có được sau khi cùng đội của mình giành chiến thắng tại P&G Business Challenge – một cuộc thi rất lớn với sinh viên sắp hoặc mới ra trường (chương trình đổi tên thành P&G CEO Academy hiện nay).
Anh Trần Khắc Hào - Giám đốc ngành hàng chăm sóc tóc của P&G Việt Nam.
Ngày đầu tiên trong kỳ thực tập, Hào được giao cho một dự án ra mắt 1 sản phẩm chăm sóc tóc cao cấp cho salon tại thị trường Việt Nam trị giá cả triệu đô la. Và anh đã thành công khi là người đưa sản phẩm đó về Việt Nam chỉ sau quãng thời gian làm thực tập sinh 2 tháng tại Singapore.
Năm 2011, Hào chính thức gia nhập vào P&G và 4 năm sau, anh đã giữ chức vụ Giám đốc ngành hàng chăm sóc tóc của P&G Việt Nam, quản lý 3 nhãn hàng Pantene, Head&Shoulders và Rejoice trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - vị trí mà thông thường phải mất tới 5,6 năm mới có thể đạt được. Hào đã từng sống và làm việc ở Singapore và Indonesia trước khi về Việt Nam. Nhiệm vụ của anh là quản lý 4 thị trường lớn: Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan - cũng là thử thách lớn nhất trong 5 năm làm việc cho tập đoàn.
Nhìn lại hành trình từ lúc tìm kiếm cơ hội thực tập cho tới bây giờ khi đạt một vị trí cao trong công việc, chàng trai trẻ này đã đúc rút được rất nhiều trải nghiệm, bài học cho chính bản thân cũng như các bạn sinh viên đã từng như mình. Anh cũng rất thoải mái chia sẻ về những khó khăn, vấp ngã cũng như quan điểm của mình về vấn đề thực tập, nhảy việc hay lương khởi điểm - những điều mà sinh viên cực kỳ quan tâm.
Cùng trò chuyện với anh Trần Khắc Hào nhé!
Hình ảnh của anh Trần Khắc Hào trong kỳ thực tập ở Singapore.

20 tuổi, không biết gì và dự án trị giá cả triệu đô la từ ngày đầu tiên làm thực tập sinh

Chào anh, câu chuyện trưởng thành từ sinh viên thực tập tới tập đoàn P&G của anh thực sự khiến rất nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ và có thêm động lực khi biết đến. Hãy nói về quãng thời gian thực tập đó, anh đã từng biết đến P&G như thế nào vậy?
Khi ấy mình là sinh viên năm 3 của trường ĐH Ngoại thương TPHCM và tham gia P&G Business Challenge. Đó là một cuộc thi rất lớn với các bạn sinh viên, cung cấp một nguồn kiến thức khổng lồ, ai cũng khao khát để học ngoài kiến thức trong trường.
Mình được chọn vào team chiến thắng qua Singapore để thi đấu với các thị trường khác trong khu vực. Team Việt Nam năm đó đứng đầu toàn bộ Đông Nam Á. Sau khi thắng, mình có cơ hội được phỏng vấn để đi thực tập ở Singapore trong 2 tháng.
Team Việt Nam giành chiến thắng tại P&G Business Challenge.
Anh có thể nói về sự khác biệt giữa đi thực tập ở nước ngoài và Việt Nam?
Mình nghĩ có 2 cái khác biệt lớn nhất: Họ sẽ cho bạn một dự án với tầm ảnh hưởng thực sự chứ không phải dự án trên giấy. Và cho bạn cơ hội để biến dự án đó thành hiện thực, dù khi ấy bạn chỉ mới 20 tuổi và kiến thức chuyên môn gần như không có gì! (cười)
Tiếp nữa là bạn được trân trọng mọi việc mà mình làm. Bạn sẽ không cảm nhận được khoảng cách giữa một thực tập sinh và nhân viên. Mọi người thường hình dung thực tập là phải pha cà phê, sếp sai đánh máy hay photocopy cái gì thì làm cái đó, và thực sự mình cũng đã từng đi pha cà phê khi thực tập ở Việt Nam. Nhưng khi vào đây, cách họ đối xử với mình rất khác, mình ngồi trong phòng họp cùng với những nhân viên làm lâu ở công ty, được huấn luyện giống như những nhân viên thực sự. Họ lắng nghe và tin tưởng mình. Sự tin tưởng và trao quyền đó rất khác biệt dù họ biết sau 2 tháng mình sẽ kết thúc thời gian thực tập.
Ngoài ra bạn gần như được làm việc với rất nhiều người đến từ các quốc gia trên thế giới, nên yếu tố nhạy về văn hoá, cách làm việc của mỗi người là khác nhau. Team mình lúc đó có 11 người mang quốc tịch khác nhau, sếp mình người Anh, bạn làm chung người Ấn Độ, Singapore nên ngay trong tam giác đó đã cách làm việc đã khác nhau rồi.
Theo anh thì điều gì là vất vả nhất trong quãng thời gian thực tập đó?
Cái khó nhất mình nghĩ là không kiểm soát được bản thân muốn gì.
Anh Trần Khắc Hào (thứ 2 bên trái sang) khi ở Bangkok - Thái Lan.

Tôi từng nói với sếp muốn trở thành Giám đốc trong 4 năm, thay vì tiến trình 5,6 năm như bình thường

Đã hơn 5 năm làm việc ở đây, theo anh thì đâu là thành công lớn nhất mà mình làm được?
Trong vai trò Phó Quản lý thương hiệu của P&G tại Singapore, sau đó là Thái Lan và Việt Nam, mình đã giúp cho ngành hàng chăm sóc tóc của tập đoàn tại Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất tại châu Á Thái Bình Dương. Thành công đó đến từ việc mình rất hoài bão. Mình đã từng nói với sếp muốn được thăng tiến nhanh, trong vòng 4 năm so với thông thường là 5 – 6 năm. Sếp đã đưa ra thử thách là mình phải đưa ngành hàng chăm sóc tóc của tập đoàn tại Việt Nam lên vị trí đầu tại thị trường châu Á Thái Bình Dương. Thứ 2 là phải tạo ra một số chương trình có sức lan tỏa lớn ở Việt Nam. Và mình làm được.
Rõ ràng anh là người rất hoài bão và luôn có mục tiêu rõ ràng trong công việc. Điều này có tác động như thế nào đến sự thăng tiến, cũng như cách làm việc của anh?
Mình luôn biết rất rõ mình muốn gì nên nó giúp rất nhiều cho việc định hướng công việc, bản thân sẽ đi đâu. Trước mỗi năm mình đều đặt ra định hướng là năm sau sẽ làm gì, đâu là 3 điều lớn nhất mình muốn có được từ công việc, gia đình đến sức khoẻ rồi chi tiết hoá nó. Tất cả những gì tác động đến mà không phục vụ được mục tiêu đó thì mình sẽ không làm.
Cái thứ 2 là mình không cảm thấy sợ điều gì hết. Mình có một niềm tin là không có gì là không thể và thực sự là như vậy.

Quan trọng nhất, hãy biết mình muốn gì

Được biết anh cũng đã từng tham gia giao lưu và trò chuyện với các bạn sinh viên. Trong những cuộc giao lưu đó, anh đã nói gì với họ về câu chuyện của mình, và về những lời khuyên cần thiết trước khi họ bắt đầu sự nghiệp?
Bạn phải hình dung được cái mà bạn muốn cụ thể là gì, càng cụ thể càng tốt. Nếu bạn muốn làm công việc có sức ảnh hưởng, có tài chính ổn định hay có cơ hội thăng tiến thì khi đi phỏng vấn, bạn phải làm rõ được công việc đấy có những yếu tố hay không, nếu không có thì bỏ. Hãy có suy nghĩ rõ ràng và biết mình muốn gì. Một khi đã xác định được rồi thì hãy cố gắng để làm đến cùng và đừng bao giờ bỏ cuộc.
Có một điều mình nhận ra khi trò chuyện với các bạn sinh viên là không phải ai cũng cố gắng hết sức để làm những điều mình muốn. Mọi người sẽ thấy có những rào cản nhất định hoặc sợ làm thế này sẽ có chuyện gì đó xảy ra. Nhưng hãy cứ thử hết đi, dù làm gì sai đi nữa thì nó cũng sẽ là bài học nhưng ít nhất bạn có 50% thành công - 50% thất bại, còn nếu không làm thì chắc chắn thất bại.
Tiếp nữa, luôn luôn lắng nghe và cởi mở trong tất cả mọi chuyện, dù nó là tốt hay xấu thì cũng nên đón nhận một cách tích cực. Vì tích cực hay tiêu cực là do mình cảm nhận. Nói thì có vẻ dễ nhưng điều này đòi hỏi bạn bắt buộc phải nhìn mọi chuyện theo một cách khác đi.
Nếu các bạn sinh viên đặt ra câu hỏi bây giờ đang học năm thứ 2 và muốn sau này được như anh, anh có thể vạch ra con đường cho họ không?
Hãy xác định được những gì quan trọng với bạn, mình không chắc công việc hay tài chính hay cuộc sống sẽ quan trọng với bạn. Cái đầu tiên mình nghĩ bạn cần làm là tách xa khỏi những thứ ảnh hưởng đến suy nghĩ của mình và nghĩ rằng nếu ngày mai thức dậy có 3 điều chắc chắn mình sẽ làm, không thể nào sống thiếu nó - thì đó là những cái bạn sẽ cần trong ít nhất 3-5 năm tới. Cái này có nhiều người đã đánh giá sai.
Thứ 2 là phải làm gì để xác định được 3 điều đó, nếu không biết phải làm như thế nào thì dùng kiến thức của người khác, có thể hỏi những người đã thành công ở lĩnh vực đó.
Thực hiện những điều đó, cố gắng lọc ra những bước và nhìn vào là biết ngay mình sẽ làm gì.
Mình thì thường tập trung vào bước đầu tiên trước, tìm một nơi yên tĩnh và định hình lại những điều mình cảm thấy hài lòng - không hài lòng trong cuộc sống. Sau đó lựa chọn những yếu tố mình không thể sống thiếu được, điều này thì mỗi người lại khác nhau. Tiếp tục là vẽ ra trong 3-6-9 tháng tới sẽ làm gì để có được những điều mong muốn.
Các bạn trẻ bây giờ thường rơi vào tình trạng cái gì cũng muốn làm, chưa làm xong cái này đã nhảy sang cái khác, chưa thành công đã làm cái khác, vì còn trẻ mà, cơ hội lúc nào cũng có. Liệu điều này có tốt không?
Mình sẽ phải hỏi lại là việc thay đổi đó có giúp bạn đạt được những thứ bạn cần không? Quan trọng nhất vẫn là bạn muốn gì và làm thế nào để đạt được điều đó? Nói một cách thẳng thắn là bạn làm việc ở công ty, nơi đó cho bạn những gì bạn cần, nếu nhảy việc mà cảm thấy ở đó cho bạn cơ hội lớn hơn thì nên nắm bắt nó.
Kinh nghiệm hay tiền bạc – đâu mới là mục tiêu các bạn trẻ nên đặt ra khi mới đi làm?
Thực ra năm 20 tuổi mình không nghĩ gì nhiều. Mỗi một thời điểm mình sẽ cân nhắc những cơ hội mà mình có, và đi theo cơ hội nào mình cảm thấy là đúng.
Năm thứ 3, trước khi thực tập ở Sing, mình có nộp đơn xin thực tập ở 1 số tập đoàn khác. Khi ấy mình đặt mọi thứ lên bàn cân, lập bảng so sánh mức lương, mức độ thăng tiến, tầm ảnh hưởng của công việc... và tổng hợp lại. Cái gì rõ ràng ưu thế thì mình sẽ thực hiện.
Một điều nữa là cứ thử! Mình khác với những người khác là không hề ngại điều gì. Một khi xác định phải chăm là mình sẽ rất chăm chỉ. Sẽ có một thời điểm sau khi đã thử rất nhiều thứ, bạn sẽ biết cái mà mình cần.
Vậy còn chuyện thực tập, khi một bộ phận không hề nhỏ sinh viên nghĩ thực tập chỉ là đi cho có, ngồi đó người ta cũng có hướng dẫn gì đâu hay thực tập là pha trà, rót nước, sai cái gì làm cái nấy. Anh có lời khuyên gì để các bạn sinh viên có thể bớt thụ động và có một kỳ thực tập đem lại nhiều giá trị thiết thực hơn không?
Hãy tìm những cơ hội tốt nhất. Nếu mình là những bạn đó, mình sẽ tìm tất cả những cơ hội có thể có, tập hợp lại và tìm hiểu hết tất cả mọi thông tin. Và đừng dừng lại ở Việt Nam!
Cũng đừng phí thời gian cho những thứ không giúp gì cho mình. Mình đã từng có thời gian thực tập ở 1 công ty trong nước, ngày đầu tiên mình được dạy pha cafe bằng máy, mình rất thích. Nhưng 5 ngày sau mình lại đi pha cafe suốt luôn... Lúc đó mình đi thực tập không có lương nhưng vấn rất cố gắng. Khi ấy mình mới nghĩ là tại sao lại phí thời gian ở một công ty dù mình có làm tốt đi nữa mà không học được gì, không được hưởng những thứ mình xứng đáng?
Nhiều sinh viên khi mới ra trường rất băn khoăn về mức lương khởi điểm. Liệu họ có nên đặt ra một cái mức nào đó cho những công việc đầu tiên mình sẽ làm?
Mình nghĩ chuyện này không quan trọng, trong 1-2 năm đầu, cái quan trọng là tìm một công việc tốt để có thể học được nhiều, đó là công việc bạn muốn làm và mỗi ngày thực sự muốn đi làm. Mong muốn có một nguồn tài chính ổn định sẽ chỉ có từ năm thứ 3 trở đi thôi. Khi chọn đúng cơ hội với công việc mình thích, đến năm thứ 3 mình nghĩ tài chính sẽ tới. Chuyện đặt mức lương thì không nên, bạn sẽ bị giới hạn những cơ hội mình có. Đâu phải công việc tốt nào cũng xuất phát điểm là lương cao.
Anh có hài lòng về những gì mình đang có và mình đã làm được?
Chưa. Mỗi 1 năm mình có một mục tiêu khác, và mình thấy chưa đủ. Nếu hỏi mình có dừng lại ở đây không thì chắc chắn là không, mình mới 28 tuổi thôi.
Có những người thành công sớm, khi đã cảm thấy đủ rồi, họ thường muốn dừng lại. Nhưng với anh thì khác, có vẻ như một nguồn năng lượng rất tích cực lúc nào cũng tràn đầy trong anh. Làm thế nào để anh giữ được nguồn cảm hứng này vậy?
Có những thời điểm mình muốn nghỉ ngơi. Nhưng bây giờ mỗi lần có cảm giác như vậy mình lại nhận ra: "những lần mình cảm thấy công việc đang đi lên thì thực ra nó đang đi xuống. Lúc đó mình sẽ đặt ra mục tiêu khác - mục tiêu không dễ để đạt được, phải làm việc chăm chỉ để đạt được."
Cảm ơn anh về những chia sẻ rất hay này!

1 kg heo hơi chỉ bằng 4 cốc trà đá

Giá thịt heo hơi giảm kịch có nơi xuống chỉ còn 11.000 đồng/kg với loại ta và 17.000 đồng/kg với loại siêu nạc. Không ít trang trại lỗ hàng tỷ đồng, có người giết bỏ heo con. 

1 kg heo hơi chỉ bằng 4 cốc trà đá

Theo nhiều trang trại, giá bán thịt hơi (nguyên con) đang ở mức thấp kỷ lục, chỉ 11.000-14.000 đồng/kg với loại ta và chưa đến 20.000 đồng/kg đối với loại siêu nạc. Ảnh minh họa: Vũ Minh Quân.
Giá heo bắt đầu giảm từ nửa cuối tháng 5/2016 và giảm sâu nhất từ cuối tháng 3/2017 đến nay. Hiện tại, giá heo hơi (bán nguyên con) siêu nạc giảm một nửa so với giai đoạn đầu năm 2016 xuống còn 17.000-22.000 đồng/kg tùy từng địa phương.

Chưa khi nào giảm thảm như thế!

Tại Vĩnh Phúc, Bắc Giang, giá heo hơi giảm còn 21.000-22.000 đồng/kg. Dù thế, mức giá này được giới tiểu thương đánh giá là tương đối cao so với một số tỉnh lân cận khác như Hà Nam, Phú Thọ. Ở các tỉnh này, giá hơi giảm chỉ còn 17.000 đồng/kg.
Chị Đỗ Thị Dung, một tiểu thương tại chợ Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), cho biết gia đình chị nuôi dưới quy mô trang trại. Hiện tại, chị có 13 heo nái mỗi lứa (từ 3-5 tháng) đẻ được hơn 200 con.
Tuy nhiên, với việc giá heo hơi "giảm không phanh", các thương lái thậm chí còn không mua. Nếu có, họ chỉ trả giá ở mức 11.000-14.000 đồng/kg đối với lợn ta. Với mức giá quá thấp này, chị và nhiều người tại Bắc Sơn, Phổ Yên, Thái Nguyên chấp nhận tự mổ rồi mang xuống Hà Nội bán. Có người tính toán chi phí nuôi quá cao nên giết bỏ bớt con con để bớt chi phí.
Còn tại một số huyện ngoại thành Hà Nội như Sóc Sơn, giá hơi còn 14.000-15.000 đồng/kg với heo ta, 19.000-20.000 đồng/kg với loại siêu nạc.
Giá 1 kg hơi hiện nay trên thị trường thậm chí chỉ còn bằng với 4-7 cốc trà đá, thấp hơn giá 1 kg khoai lang, khoai tây.
Giữa năm 2016, tình trạng nuôi heo ồ ạt xuất hiện khi có hiện tượng thương lái Trung Quốc đến thu mua với giá cao.
Khi đó, giá hơi lên mức 52.000-54.000 đồng/kg, giá con giống 115.000-120.000 đồng/kg.
Tương tự, đối với giá móc hàm, theo lời các tiểu thương, giá nằm ở khoảng 31.000-33.000 đồng/kg, tức là giảm một nửa so với giai đoạn cao điểm trước đó.
Cũng không thoát khỏi tình trạng rớt giá, giá loại con (nuôi từ 20 đến 30 ngày) giảm thậm chí còn một phần tư so với thời điểm đầu năm 2016.
Anh Hưng, chủ một trang trại lợn ở tỉnh Tuyên Quang chia sẻ với Zing.vn, có thời điểm giá con con lên đến 1,7 triệu-1,9 triệu đồng một con song hiện nay mức giá trên giảm còn 400.000-500.000 đồng một con loại siêu nạc.
Từ việc giá hơi giảm từng ngày, nhiều chủ trang trại ghi nhận mức lỗ hàng tỷ đồng.
Anh Thái, chủ một trang trại ở Vĩnh Phúc, cho hay gia đình anh đang nuôi 300 con nái và 450 con thịt. Anh Thái nhẩm tính với loại siêu nạc, giá phải đạt từ 40.000 đến 42.000 đồng/kg người nuôi mới có lãi. Trong khi đó, giá hơi ở địa phương này chỉ còn 21.000-22.000 đồng/kg đối với loại một, tức mỗi con anh đang bị lỗ từ 1 đến 1,2 triệu đồng.
Tuy mức lỗ có phần ít hơn so với loại thịt, song với nái, người nuôi cũng lỗ 400.000-500.000 đồng một con. Tổng cộng, ở thời điểm này so với cùng kỳ năm ngoái anh Thái đang lỗ hơn 1 tỷ đồng.

Giá thị trường: 70.000-110.000 đồng/kg

Giá heo hơi và móc hàm đang giảm sâu chưa từng thấy song tại nhiều khu chợ giá thịt bán ra vẫn ổn định ở mức 70.000-80.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, tại một số địa phương, nhiều chủ trang trại không thống nhất được giá bán với thương lái nên đành tự mổ rồi mang ra chợ bán. Mức giá của những người này đưa ra chỉ dao động ở khoảng 40.000 đồng/kg đối với thịt mông và thịt vai, 35.000-45.000 đồng/kg đối với thịt ba chỉ.
Theo khảo sát của Zing.vn tại một số siêu thị lớn, giá thịt nạc vẫn “một mình một chợ”.
Tại Metro, giá thịt loại một xấp xỉ 90.000 đồng/kg, loại 2 có giá 80.000 đồng/kg (thịt đùi) và 70.000 đồng/kg (thịt vai). Tại Vinmart, bắp giò có giá vượt mức 110.000 đồng/kg và gần 110.000 đồng/kg đối với thịt đùi.

Chưa bao giờ người dân nuôi heo ở miền Bắc lại chịu lỗ như hiện nay. Theo lời kể của người dân, có trường hợp giết cả con con vì giá bán quá thấp, không đủ bù đắp chi phí thức ăn. Ảnh minh họa: Vũ Minh Quân.
Chưa bao giờ người dân nuôi heo ở miền Bắc lại chịu lỗ như hiện nay. Theo lời kể của người dân, có trường hợp giết cả con con vì giá bán quá thấp, không đủ bù đắp chi phí thức ăn. Ảnh minh họa: Vũ Minh Quân.
Trên mạng xã hội, nhiều người cũng rao bán thịt heo được quảng cáo là loại quê với mức giá 50.000-55.000 đồng/kg. Chị Thu Hương, nhà ở ngoại thành Hà Nội, chuyên nhận bán thịt trên Facebook cho hay chị bán thêm, vừa giúp người dân ở quê tránh bị dìm giá, vừa cung cấp thịt có nguồn gốc cho anh em bạn bè.
"Giá ở quê bây giờ chỉ khoảng 35.000 đồng/kg móc. Nhưng ngoài này, tại chợ, siêu thị, mức thấp nhất vẫn 70.000-80.000 đồng, nên tôi nhận bán thêm. Tôi nhập với giá 40.000-45.000 đồng/kg, bán ra 50.000-55.000 đồng/kg, vẫn rẻ hơn ở chợ, mà hàng đảm bảo nguồn gốc vì chủ yếu khách mua là người quen, bạn bè", chị Hương chia sẻ.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết giá thịt heo đã xuống vùng đáy nhiều năm trở lại đây.
Hai nguyên nhân khiến cho giá thịt xuống thấp kỷ lục được cho là cung lớn hơn cầu và việc tổ chức ngành hàng, thị trường không tốt.
Cụ thể, hiện cả nước đang có 30 triệu con, trong đó 4,2 triệu con nái. Sản lượng thịt năm 2017 ước đạt 5,2 triệu tấn, trong khi cơ cấu bữa ăn hàng ngày của người dân đã thay đổi, không chỉ dùng thịt heo.
Trong khi đó, chăn nuôi trang trại quy mô lớn chiếm 45%, còn lại 55% là chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ nên việc kiểm soát quy mô khó khăn.
Chiến dịch "giải cứu thị trường thịt heo" được phát động.
Theo Thủy Tiên
Zing

Piaggio Việt Nam bổ nhiệm Chủ tịch kiêm Tổng Giám Đốc mới

Hôm nay 27/4/2017, Công ty Piaggio Việt Nam thông báo bổ nhiệm ông Gianluca Fiume đảm nhiệm vị trí Chủ tịch và Tổng Giám Đốc của Piaggio Việt Nam kiêm Phó Chủ Tịch Tập đoàn phụ trách khu vực Châu Á TBD mảng xe hai bánh.

    Piaggio Việt Nam bổ nhiệm Chủ tịch kiêm Tổng Giám Đốc mới
    Việc bổ nhiệm này nằm trong chiến lược của Tập đoàn nhằm củng cố và cơ cấu hoạt động tại Châu Á.
    Ông Gianluca Fiume gia nhập tập đoàn Piaggio từ năm 2008, lãnh đạo mảng kinh doanh xe hai bánh của thị trường Châu Âu. Năm 2014, Ông được đề bạt phụ trách thị trường Châu Âu và các thị trường mới nổi. Ông đã đạt được những thành công lớn tại những thị trường này đồng thời phát triển thành công hệ thống cửa hàng tiêu chuẩn mới MOTOPLEX- một trong những mục tiêu chiến lược của tập đoàn. Ông là ứng cử viên rất triển vọng cho vị trí lãnh đạo phụ trách toàn bộ khu vực Châu Á TBD – khu vực, được coi là tâm điểm trong chiến lược phát triển toàn cầu của Tập đoàn.
    Trước khi gia nhập tập đoàn Piaggio, ông đã có kinh nghiệm dày dặn ở mảng kinh doanh tại tập đoàn Benetton phụ trách kinh doanh tại thị trường Trung Đông và Châu Phi từ năm 1995 – 2001, sau đó chuyển sang làm việc tại công ty Beretta vào năm 2001 ở vị trí Giám đốc kinh doanh.
    Được biết, ông Gianluca Fiume đến từ Bolzano, miền Bắc nước Ý và bắt đầu sự nghiệp trong ngành truyền hình vào năm 1993 sau khi tốt nghiệp ngành kinh tế. Với tài năng lãnh đạo, tư duy cấp tiến, kinh nghiệm dày dặn về kinh doanh, phát triển kinh doanh và mạng lưới đại lý ở các thị trường quốc tế cùng nhiệt huyết và tham vọng cá nhân, ông gia nhập Piaggio Châu Á TBD và Việt Nam – trung tâm sản xuất và thương mại chính của tập đoàn.

    Viettel Global đặt mục tiêu gần 1,4 tỷ USD doanh thu năm 2017

    Đại hội cổ đông của Viettel Global đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2017 với mục tiêu đạt 50 triệu thuê bao, doanh thu cộng ngang gần 1,4 tỷ USD và có lợi nhuận dương. 

    Viettel Global đặt mục tiêu gần 1,4 tỷ USD doanh thu năm 2017
    Ngày 25/4/2017, Tổng Công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) – đơn vị phụ trách hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Viettel đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017.
    Theo kết quả kinh doanh năm 2016, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông từ hoạt động đầu tư quốc tế của Viettel Global tăng 21,5% gấp hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng năm 2015. Trong đó, các thị trường mới của Viettel tại châu Phi tiếp tục có sức tăng trưởng mạnh mẽ (Viettel Tanzania tăng 1.343%, Viettel Cameroon tăng 43%, Viettel Burundi tăng 42%).
    Tổng số khách hàng lũy kế của Viettel Global đã đạt gần 36 triệu.
    Viettel Global đã đưa ra những kế hoạch mang tính chiến lược trong năm 2017 để tăng tính cạnh tranh và nâng cao hiệu quả đầu tư bền vững tại các thị trường.
    Ngay trong quý I năm 2017, lợi nhuận trước thuế của toàn Viettel Global tăng 39,3 triệu USD so với cùng kì năm trước.
    Viettel Global cho biết có 5 trên số 9 thị trường đang kinh doanh đã cung cấp dịch vụ 4G, giúp doanh thu trung bình trên mỗi khách hàng tăng 25%. Bên cạnh dịch vụ viễn thông truyền thống, các công ty con của Viettel Global còn cung cấp các giải pháp viễn thông CNTT tới cho các doanh nghiệp lớn, chính phủ cũng đã đem lại nguồn thu lớn cho đơn vị. Chỉ tính riêng các dự án như dịch vụ viễn thông công ích với Cục quản lý viễn thông Mozambique và hệ thống Chính phủ điện tử tại Đông Timor v.v. đã đem lại 30-40% doanh thu của các công ty con này trong quý I.
    Hiện Viettel đang đầu tư tại 10 quốc gia gồm Campuchia, Lào, Đông Timor, Haiti, Mozambique, Cameroon, Burundi, Tanzania, Myanmar và Peru. Trong đó, mạng Mytel tại Myanmar mới được cấp giấy phép trong năm 2016 và đang trong quá trình triển khai mạng lưới.
    Kế hoạch năm 2017, Viettel Global đặt mục tiêu tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ về thuê bao với 12,9 triệu khách hàng mới, nâng lũy kế tổng số khách hàng tại thị trường nước ngoài lên gần 50 triệu, tăng trưởng 35%.
    Mục tiêu tổng doanh thu cộng ngang toàn hệ thống là gần 1,4 tỉ đô la Mỹ, tăng trưởng 29%. Đồng thời Viettel cũng hướng đến việc thâm nhập những thị trường lớn hơn với quy mô 100 – 200 triệu dân cho thấy sự ủng hộ tin tưởng cũng như những điều kiện đảm bảo cho Viettel tiếp tục mở rộng đầu tư quốc tế.

    Thương vụ SASCO của ông Hạnh Nguyễn: Thu về nghìn tỷ từ hàng miễn thuế nhưng phòng chờ thương gia mới là “con gà đẻ trứng vàng”

    Mặc dù doanh thu thua xa hai lĩnh vực bán hàng miễn thuế và kinh doanh TTTM, tuy nhiên nhờ biên lợi nhuận lên tới gần 50%, gần một nửa lợi nhuận của SASCO có được là từ hoạt động cung cấp phòng chờ thương gia. 

    Thương vụ SASCO của ông Hạnh Nguyễn: Thu về nghìn tỷ từ hàng miễn thuế nhưng phòng chờ thương gia mới là “con gà đẻ trứng vàng”
    Là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại tại sân bay lớn nhất cả nước với doanh thu trong những năm gần đây xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, nguồn thu của CTCP Dịch vụ Hàng không Tân Sơn Nhất - SASCO ( SAS ) cũng tương tự những đơn vị khác đến từ 3 hoạt động chính là kinh doanh hàng miễn thuế, bán lẻ tại trung tâm thương mại và dịch vụ phòng chờ thương gia tại sân bay.
    “Con gà đẻ trứng vàng”
    Theo báo cáo tài chính năm 2016 của SASCO, doanh thu của toàn công ty năm 2016 đạt gần 2.090 tỷ đồng thì 3 hoạt động kinh doanh chính đã chiếm hơn 1.630 tỷ đồng doanh thu, tương đương gần 80%. Trong đó, kinh doanh hàng miễn thuế tiếp tục là bộ phận đem về doanh thu cao nhất cho đơn vị này với quy mô trên 1.000 tỷ đồng, trong khi bán lẻ tại trung tâm thương mại và cung cấp dịch vụ phòng chờ - mỗi hoạt động đem về trên 300 tỷ doanh thu.
    Tuy nhiên, mặc dù chỉ chiếm khoảng 15% tổng doanh thu nhưng hoạt động cung cấp dịch vụ phòng chờ thương gia mới thực sự là “con gà đẻ trứng vàng” cho SASCO khi mang về hơn 40% lợi nhuận. Mức lợi nhuận của bộ phận này thậm chí còn tương đương tổng mức lợi nhuận của kinh doanh hàng miễn thuế và bán lẻ tại các trung tâm thương mại.
    Điều này cũng không khó lý giải khi bản chất của hoạt động cung cấp dịch vụ phòng chờ thương gia là hoạt động dịch vụ có biên lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với hai hoạt động còn lại đơn thuần là bán lẻ. Theo BCTC năm 2016, với hơn 300 tỷ đồng doanh thu thì hoạt động này đạt kết quả kinh doanh trên 148 tỷ đồng, tương đương với biên lợi nhuận xấp xỉ 50%, gấp gần 5 lần so với mức biên lợi nhuận 12 – 13% của kinh doanh hàng miễn thuế và bán lẻ.
    Ngoài ra, lượng hành khách di chuyển bằng đường hàng không tăng mạnh trong những năm gần đây cũng tác động tích cực đến hoạt động này của SASCO - đơn vị vận hành hệ thống 9 phòng chờ hạng thương gia tại ga đi quốc nội và quốc tế phục vụ hành khách hạng thương gia, hành khách bay thường xuyên của Vietnam Airlines và 43 các hãng hàng không quốc tế khác.
    Liên tục trong 3 năm gần đây kết quả hoạt động của bộ phận này cũng tăng liên tục không chỉ kết quả tuyệt đối và còn cả hiệu suất hoạt động. Trong khi doanh thu từ năm 2014 đến 2016 của hoạt động này tăng 45% thì lợi nhuận tăng hơn 87%, biên lợi nhuận từ mức 38% năm 2014 đã tăng lên 49% vào năm 2016.
    Thậm chí so sánh giữa quy mô tài sản hoạt động và doanh thu đạt được, cung cấp phòng chờ hãng thương gia cũng đang là hoạt động có hiệu suất sử dụng tài sản cao nhất của SASCO. Riêng năm 2016, mỗi đồng tài sản được sử dụng cho hoạt động này đem về 5 đồng doanh thu, cao hơn khoảng 32% so với kinh doanh hàng miễn thuế.
    Cứu cánh trong ngắn hạn
    Theo báo cáo phân tích của CTCK Bản Việt (VCSC), triển vọng trong ngắn hạn của SASCO sẽ không tích cực do Sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã hoạt động với công suất tối đa, khiến các lĩnh vực cốt lõi không còn nhiều cơ hội tăng trưởng.
    Hiện sân bay Tân Sơn Nhất đã hoạt động với 111% công suất thiết kế và mặt bằng bán lẻ tại sân bay đã được sử dụng hoàn toàn, trong khi SASCO trên thực tế đã độc quyền lĩnh vực kinh doanh hàng miễn thuế tại Sân bay Tân Sơn Nhất nhiều năm, nên việc tăng trưởng đối với lĩnh vực đem lại khoảng 50% doanh mỗi năm bằng cách tăng thị phần là điều không thể.
    Sân bay này dự kiến cũng cần hai năm nữa mới nâng có thể công suất thiết kế từ 25 triệu hành khách lên 40 triệu hành khách mỗi năm, nên cách duy nhất lĩnh vực này đạt tăng trưởng theo VCSC là giá trị mua hàng trung bình mỗi khách phải tăng trưởng, tuy nhiên đây là yếu tố vốn không hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát SASCO. Bên cạnh đó, việc phát triển các dịch vụ hàng không giá rẻ khiến cơ cấu khách hàng đối với lĩnh vực bán lẻ của SASCO hiện cũng đang có sự phân hóa, các hóa đơn bán hàng trị giá dưới 200.000 đồng năm 2016 chiếm 60% tổng số hóa đơn của lĩnh vực thương mại, trong khi năm 2015 chưa đến 50%.
    VCSC cho rằng, giải pháp để doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại tại sân bay lớn nhất cả nước cải thiện kết quả lợi nhuận sẽ là điều chỉnh cơ cấu sản phẩm trong lĩnh vực thương mại, cũng như tăng đóng góp doanh thu từ lĩnh vực cung cấp dịch vụ, vốn có biên lợi nhuận cao. Ban lãnh đạo SASCO cũng dự kiến sẽ giảm dần quy mô các lĩnh vực kinh doanh không mang lại hiệu quả, đồng thời mở rộng lĩnh vực cũng cấp dịch vụ phòng chờ thương gia - lĩnh vực mang lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
    Ngoài ra, với quyết định bổ nhiệm ông Johnathan Hạnh Nguyễn vào vị trí Chủ tịch SASCO thay cho bà Đoàn Thị Mai Hương mới đây, bộ mặt của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không này cũng kỳ vọng sẽ có sự chuyển biến đáng kể. Đặc biệt khi lĩnh vực hàng không và dịch vụ hàng không là những lĩnh vực ông Johnathan Hạnh Nguyễn từng thực hiện trước đây khi xây dựng lên đế chế hàng hiệu như ngày nay.

    Lợi nhuận của hãng đồ ăn nhanh McDonald's tăng cao bất ngờ

    Tập đoàn chế biến thức ăn nhanh khổng lồ McDonald's của Mỹ vừa thông báo lợi nhuận và doanh thu quý 1/2017 tại các cửa hàng hoạt động trong nước tốt hơn mong đợi do chi phí thấp. 

    Lợi nhuận của hãng đồ ăn nhanh McDonald's tăng cao bất ngờ
    Cổ phiếu của McDonald's trong phiên 25/4 đã lên mức cao nhất từ trước đến nay, khi tăng 5,3% lên 141,31 USD, sau khi lợi nhuận vượt ước tính của phố Wall khoảng 14 cent/cổ phiếu.
    Theo báo cáo của Thomson Reuters, thu nhập ròng của McDonald's tăng 8% lên 1,21 tỷ USD, tương đương 1,47 USD/cổ phiếu, vượt xa ước tính trung bình 1,33 USD/cổ phiếu của các nhà phân tích. Chi phí hoạt động của doanh nghiệp này giảm gần 12%.
    Doanh thu của McDonald's giảm 3,9% xuống còn 5,68 tỷ USD, giảm 11 quý liên tiếp, song vẫn cao hơn mức ước tính 5,53 tỷ USD mà giới phân tích đưa ra trước đó.

    Chuyên gia truyền thông Hiếu Orion: Hãy sống lương thiện và yêu gia đình, vì khi bạn bị "Đúng - Sai" xoay vần, chỉ có 1 nơi để về đó là nhà

    Kết thúc 15 năm trải nghiệm và làm thuê, chuyên gia truyền thông Trần Chí Hiếu (Hiếu Orion) mới đây đã chia sẻ 5 bài học dành cho người trẻ trước khi ông quyết định bước ra khởi nghiệp ở tuổi 40. 

    Chuyên gia truyền thông Hiếu Orion: Hãy sống lương thiện và yêu gia đình, vì khi bạn bị "Đúng - Sai" xoay vần, chỉ có 1 nơi để về đó là nhà
    Mới đây, trên trang cá nhân của mình, ông Trần Chí Hiếu đã đưa ra một tuyên bố gây bất ngờ, đó là sẽ chính thức khởi nghiệp ở tuổi 40, kết thúc 15 năm đi làm thuê cho những tập đoàn, thương hiệu lớn tại Việt Nam.
    Ông Trần Chí Hiếu (còn gọi là Hiếu Orion) được biết đến là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực truyền thông và mạng xã hội tại Việt Nam.
    Bên cạnh những chiến dịch truyền thông viral xôn xao cộng đồng mạng như: Nhất thống giang hồ, Xuân hồng, Honda Blade..., ông còn kinh qua rất nhiều vị trí cấp cao như: GĐ truyền thông online (FPT Online), GĐ thương hiệu Vinecom (Vingroup), đồng thời là sáng lập viên www.hocdan.com.
    Thông qua tuyên bố "tuổi 40 khởi nghiệp", ông Trần Chí Hiếu còn chia sẻ 5 bài học "xương máu" dành cho người trẻ, những đối tượng đã - đang hoặc sẽ khởi nghiệp.
    Sau đây chúng tôi xin được trích dẫn lại những chia sẻ của chuyên gia truyền thông Trần Chí Hiếu.

    KHỞI NGHIỆP TUỔI 40
    Hôm nay viết lá thư "xin thôi việc" - kết thúc 15 năm trải nghiệm và làm thuê.
    15 năm qua đã trải qua rất nhiều thứ hay ho... làm với những tập đoàn, những thương hiệu lớn nhất Việt Nam, có những đồng nghiệp tuyệt vời, được trực tiếp học tập với những người huyền thoại đầy thú vị (trong đó có mấy người giàu nhất Việt Nam).
    Và giờ... bắt đầu một cuộc chơi mới!
    Nếu như cho làm lại, tớ vẫn sẵn sàng dành 15 năm trong cuộc đời để làm những điều vừa qua...
    15 năm qua học được 5 điều:
    1. ĐỪNG VỘI CHẾT
    Mới ra trường, hãy đừng ngây thơ tin vào những câu chuyện huyền thoại trên báo, đài, TV về những người không làm thuê mà tự lập luôn. Những người đó có thật! Nhưng chỉ là một hai con chim nhỏ may mắn thoát khỏi cái lưới có hàng triệu con chết.
    Nên nhớ, nhiệm vụ quan trọng nhất của 1 chiến binh ấy là không để chết!
    Bạn nên dành khoảng 5 năm để đi làm thuê để ngấm được nhiều kinh nghiệm hơn! Và để giảm thiểu rủi ro cho chính bạn!
    2. HỌC NGƯỜI GIỎI
    Hãy đi theo những người giỏi, và chân thành. Nếu có thể hãy cho đi bằng cách giúp đỡ - trước khi được nhận lại.
    Tỷ phú giàu nhất châu Á Lý Gia Thành có nói: "Hãy mua bữa trưa cho những người giỏi hơn bạn", ý nó cũng không hoàn toàn theo kiểu mời bằng được người giỏi đi ăn, mà đó là việc bạn nên có tư duy tiếp cận người giỏi, và cho đi trước khi nhận về. Đừng tiếc vì cho đi một cách chân thành với người giỏi, bạn chắc chắn sẽ nhận về nhiều hơn!
    Tiếp cận người giỏi, đó là cách bạn sẽ rút ngắn thành công của mình.
    3. HÃY TẠO LỘ TRÌNH CHO CUỘC ĐỜI BẠN
    Nỗi buồn thì quá dài, nhưng cuộc đời quá ngắn . Chỉ vài chớp mắt bạn sẽ giật mình vì đã đi qua 1 chặng đường nào đó: không để lại điều gì, không có được thêm cái gì.
    Hãy vạch ra lộ trình của đời mình, ví dụ từ 20 đến 25 là phải có công việc, 25 đến 30 là phải có gia đình. Khi vạch ra lộ trình, mọi thứ ta làm đều không bị lạc hướng! Mọi thứ ta mất đều không quá tiếc nuối.
    Ở đời không sợ vấp ngã - chỉ sợ nhất là không biết đang bước đi đâu!
    4. HÃY DÀNH QUỸ CHO HỌC HỎI
    Nói thì lại sách vở, nhưng có những giai đoạn ta sống vèo qua năm tháng, và chợt nhận ra là thời gian đó chỉ "chém gió" và lan man, không tích lũy được gì cho kiến thức. Trong khi cuộc sống phát triển từng ngày từng giờ...
    Facebook nó chỉ đem lại dữ kiện - không đem lại kinh nghiệm!
    Hãy dành 1 quỹ thời gian tối thiểu trong ngày, hoặc trong tuần... để nạp kiến thức. Bạn có thể nạp bằng đọc sách, hoặc đi học, hoặc cà phê với người tài giỏi.
    5. HÃY ĐỪNG CHI PHỐI BỞI KHÁI NIỆM ĐÚNG SAI
    Trong quá trình sống chắc chắn bạn sẽ gặp nhiều điều liên quan tới cái này. Nhưng hãy nhớ, "Đúng - Sai" là do góc nhìn của bạn. Và kể cả trên thế giới này, "Đúng - Sai" cũng phụ thuộc vào đám đông.
    Chỉ có cách là, hãy sống lương thiện và yêu thương gia đình. Vì khi bạn bị "Đúng - Sai" xoay vần, chỉ có 1 nơi để về, để làm lại mọi thứ, đó là gia đình!

    Chân dung ông chủ đầy tham vọng của Louis Vuitton

    Bernard Arnault được mệnh danh là ông vua hàng hiệu khi nắm trong tay đế chế LVMH sở hữu khoảng 70 thương hiệu, bao gồm Dom Perignon, Bulgari, Louis Vuitton, Sephora và Tag Heuer. 

    Chân dung ông chủ đầy tham vọng của Louis Vuitton
    Tỷ phú Bernard Arnault nổi tiếng với thương vụ thâu tóm LVMH
    Thâu tóm LVMH và sa thải hàng loạt nhà điều hành cao cấp
    Bernard Arnault, Chủ tịch và CEO của LVMH (Louis Vuitton Moet Hennessy) sinh ngày 5/3/1949 tại thành phố Roubaix, Pháp. Cha của ông là một doanh nhân và ngay từ nhỏ Arnault đã tỏ ra rất hứng thú với công việc kinh doanh.
    Sau khi tốt nghiệp bằng kỹ sư tại ngôi trường danh tiếng Ecole Polytechnique nước Pháp năm 1971, ông theo cha quản lý công ty xây dựng dân dụng của gia đình ở tuổi 25. Chỉ trong một thời gian ngắn, Arnault đã giúp cha tạo ra những thay đổi tích cực cho doanh nghiệp này. Tuy nhiên, sau đó ông thuyết phục cha bán công ty và tập trung hoàn toàn vào bất động sản.
    Vào năm 1984, khi Chính phủ Pháp tìm kiếm người mua lại Boussac, công ty sản xuất tã giấy và dệt đã bị phá sản, Arnault nhận thấy ngay đó là một cơ hội vàng. Boussac không có giá trị, điều mà ông thèm muốn là nhãn hàng thời trang và trang sức Christian Dior mà Boussac sở hữu cổ phần.
    Bernard Arnault hiểu rằng nhãn hiệu Christian Dior rất được coi trọng trên thế giới, và bởi thế ông quyết định sử dụng lợi thế đó để chuyển sang kinh doanh các mặt hàng cao cấp. Arnault bỏ ra 15 triệu USD tiền túi và thuyết phục được hãng đầu tư của Pháp Lazard Frères rót thêm 80 triệu USD để tài trợ cho vụ thâu tóm Boussac.
    Tiếp đó, ông dùng 400 triệu USD thu được từ việc bán các tài sản của Boussac, cùng với số vốn vay từ Lazard để thực hiện mục tiêu tiếp theo - thâu tóm cổ phiếu của LVMH .
    Lợi dụng lúc nội bộ lãnh đạo LVMH tranh giành quyền lực, ông đã đứng về phía Henri Racamier, Chủ tịch Louis Vuitton và mượn tay ông này loại bỏ Alain Chevalier, đứng đầu Moet-Hennessy. Sau đó, ông thông qua hàng loạt vụ tranh chấp tại tòa án để sửa đổi luật pháp địa phương nhằm mở đường thâu tóm LVMH. Cuối cùng, Arnault thâu tóm LVMH vào năm 1990.
    Quá trình nuốt chửng LVMH của Arnault được xem là một trong những thương vụ thâu tóm cam go nhất trong lịch sử doanh nghiệp Pháp và khiến cho Arnault trở nên nổi tiếng vì sự tàn khốc và không khoan nhượng của mình. Giới kinh doanh càng kính sợ ông sau hàng loạt vụ sa thải các nhà điều hành cấp cao tại LVMH, kể từ khi ông lên nắm quyền.
    Một số chỉ trích Arnault, nhưng cũng có không ít người nể phục cách làm cũng như sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro của ông. Gilles Cahen-Salvador, khi đó điều hành Công ty Tài chính LBD France, nhận định: “Những người như Arnault đang nêu tấm gương tốt cho nền kinh tế Pháp”.
    Ông vua hàng hiệu giàu nhất nước Pháp
    Sau khi tiếp quản công ty, Arnault đã giúp LVMH "lột xác" với lối thiết kế sáng tạo, phá cách, trái với hình ảnh già cỗi và vô vị của 20 năm về trước.
    Để bành trướng LVMH, ông cũng tìm mọi cách thâu tóm những thương hiệu nổi tiếng khác. Trong suốt thập niên 1990, Arnault bỏ ra hàng tỷ USD để mua lại các nhãn hàng thời trang cao cấp như Fendi, Kenzo và Thomas Pink; các nhà sản xuất đồng hồ và trang sức Chaumet, Zenith và TAG Heuer; các chuỗi bán lẻ như DFS và Sephora.
    Đáng chú ý, từ năm 2002, Arnault bắt đầu tích lũy cổ phiếu của đối thủ Hermès, bằng cách sử dụng một chiến lược giao dịch hoán đổi để kiểm soát các vị trí mà không cần phải tiết lộ danh tính. Trong năm 2010, ông mới công khai tiết lộ rằng LVMH đang kiểm soát 17% của Hermès.
    Đến nay, đế chế LVMH của Arnault đã trở thành tập đoàn số 1 thế giới về đồ xa xỉ, với khoảng 70 thương hiệu và 3.900 cửa hàng bán lẻ trên toàn thế giới. Tập đoàn này hoạt động trong 6 lĩnh vực khác nhau bao gồm: Rượu - Đồ uống có cồn; Nước hoa - mỹ phẩm; Thời trang - Đồ da; Đồng hồ - Trang sức; Một số lĩnh vực bán lẻ và các hoạt động khác. Trong đó, 47% cổ phần của LVMH thuộc về gia đình tỷ phú Arnault.
    Theo bảng xếp hạng thời gian thực của tạp chí Forbes, Arnault đang nắm giữ khối tài sản trị giá 51,5 tỷ USD, là người giàu nhất nước Pháp và đứng thứ 8 thế giới.
    Mới đây, doanh nhân này cũng vừa tuyên bố muốn sáp nhập thương hiệu thời trang Christian Dior vào LVMH, thông qua các thương vụ với tổng trị giá hơn 13 tỷ USD. Trước đó, tập đoàn của ông đã mua lại thương hiệu nước hoa và mỹ phẩm Dior.
    Sau khi hoàn tất, đây sẽ là thương vụ mang tính lịch sử bởi lần đầu tiên trong nhiều thập kỉ, hai nhãn hiệu thời trang cao cấp nhất thế giới cùng về chung một nhà.
    Một số thương hiệu thuộc LVMH. Ảnh: Liên Hương