Thị trường Bảo hiểm Việt Nam năm 2016 vừa qua đã chứng kiến nhiều biến động, điển hình là việc Bảo Việt giành lại “Ngôi Vương” sau 2 năm (2014, 2015) bị PVI vượt mặt trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Khoảng cách của Bảo Việt với Prudential trong mảng nhân thọ cũng rất ngắn, đe doạ vị trí dẫn đầu của Prudential ngay năm nay.
Theo số liệu của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, tổng Tài sản toàn thị trường năm 2016 đạt xấp xỉ 240 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 27% so với năm 2015. Tổng đầu tư trở lại nền kinh tế năm 2016 đạt gần 187 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 24%. Tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 86 nghìn tỷ đồng, trong đó bảo hiểm phi nhân thọ đạt hơn 36 nghìn tỷ đồng tăng trưởng 13% so với 2015.
Thị trường bảo hiểm trong ba năm gần đây cho thấy những bước tăng đáng kể xong dần chững lại. Cụ thể, năm 2015, cả thị trường bảo hiểm tăng 28% nhưng tới 2016 chỉ tăng trưởng 22%. Trong đó, Thị trường bảo hiểm Nhân thọ năm 2015 tăng trưởng 39% và tới 2016 chững lại với mức tăng trưởng chỉ 30%. Cũng nằm trong xu thế đó, mức tăng trưởng doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ cũng giảm từ 17% năm 2015 còn 13% năm 2016.
Thị trường Bảo hiểm phi nhân thọ - Ngai vàng đổi ngôi
Sau nhiều năm bị PVI soán ngôi vương thị trường Bảo hiểm phi nhân thọ, Năm 2016 Bảo Việt chính thức quay lại với vị trí vốn có của mình, dù với mức cao hơn không đáng kể. Cụ thể, Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 của Tập đoàn Bảo Việt, Doanh thu Bảo hiểm gốc phi nhân thọ đạt 6.562 tỷ đồng, tăng trưởng 13%; trong khi đó, PVI đạt 6.528 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2015 và chính thức bị mất ngôi đầu thị trường phi nhân thọ khi chỉ kém Bảo Việt chưa đầy 40 tỷ đồng.
Cơ cấu doanh thu nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ vẫn duy trì khá ổn định. Trong đó, Nghiệp vụ Bảo hiểm Xe cơ giới chiếm tỷ trọng lớn nhất lên tới 31%, tương ứng đạt gần 12 nghìn tỷ đồng. Kế đến, nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe đạt 25% tương ứng đạt xấp xỉ 9,5 nghìn tỷ đồng. Nghiệp vụ bảo hiểm Tài sản và cháy nổ bắt buộc lần lượt chiếm 15% và 9% tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ năm 2016. Tổng bốn nghiệp vụ bảo hiểm trên chiếm khoảng 83% tổng doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ.
Mặc dù nghiệp vụ Bảo hiểm xe cơ giới tuy là hoạt động mang lại doanh thu lớn trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ nhưng lại là nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao nhất. Trong năm 2016, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã phát tán bức tâm thư của lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm lớn trên thị trường nhằm chấn chỉnh tỷ lệ bồi thường Xe cơ giới đã và đang vượt ngưỡng cho phép, ảnh hưởng đáng kể tới kết quả kinh doanh của đơn vị này. Cho tới những tháng đầu năm 2017, một Công ty Bảo hiểm khác với chiến lược kinh doanh an toàn cũng phải tổ chức họp đột xuất nhằm chấn chỉnh công tác khai thác và bồi thường xe cơ giới trong bối cảnh tỷ lệ bồi thường xe cơ giới đang ngày càng tăng cao.
Thị trường nhân thọ - tăng trưởng mạnh
Thị trường Bảo hiểm nhân thọ trong năm vừa qua vẫn giữ vững mức tăng trưởng khá cao với mức tăng trưởng 30%, nhưng dường như mức tăng trưởng đang trên đà bị chững lại, giảm 9% so với con số tăng trưởng 39% của năm 2015.
Thị trường Bảo hiểm nhân thọ đang tập trung chủ yếu vào tay các doanh nghiệp TOP đầu. Điển hình là việc doanh thu bảo hiểm năm 2016 của các doanh nghiệp TOP 5 chiếm tới 87% doanh thu bảo hiểm nhân thọ.
TOP 5 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ không có sự biến động đáng kể. Tuy nhiên trong năm 2016, Doanh thu bảo hiểm nhân thọ của Bảo Việt đang áp sát mức doanh thu của Prudential, đồng thời hai doanh nghiệp này đang bỏ xa với các doanh nghiệp phía sau.
Cụ thể năm 2016 Doanh thu bảo hiểm của Prudential đạt 13.532 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với 2015, trong khi đó Bảo Việt life đạt 13.456 tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với 2015 và chỉ còn kém Prudential 76 tỷ đồng. Đây là dấu hiệu cho thấy, nếu không nỗ lực phát triển kinh doanh trong năm 2017, Prudential sớm muộn cũng mất ngôi vương trong thị trường bảo hiểm nhân thọ vào tay Bảo Việt Life.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và năng cao hiệu quả hoạt động
Nhìn chung, trong những năm gần đây cùng với sự phát triển của thị trường bảo hiểm, hoạt động quản trị rủi ro cũng không ngừng được đầu tư theo hướng tiệm cận với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về quản trị rủi ro đối với các doanh nghiệp bảo hiểm như Solvency II cũng như các dự án nhằm cải tiến phương thức hoạt động kinh doanh bảo hiểm điển hình là việc ứng dụng Công nghệ thông tin một cách sâu, rộng trong mọi hoạt động kinh doanh bảo hiểm, từ đó tăng cường hiệu quả hoạt động và quản lý, đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế nói chung.
MIC, một doanh nghiệp TOP 6 thị trường có vẻ là một đơn vị luôn nỗ lực trong các dự án nhằm cải tiến hoạt động, chú trọng quản trị rủi ro điển hình là việc thực hiện và hoàn thành các dự án trọng điểm như: “Xây dựng mô hình tổ chức và KPI”, “Dự án Tái cấu trúc quy trình trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm”, “Đề án Giám định bồi thường online”,.. Việc hoàn thành các dự án trên hứa hẹn sẽ giúp MIC năng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng những nhu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng trong xu thế hội nhập mạnh mẽ ngày nay. Nỗ lực của các tay đua phía sau không thể khiến các đại gia dẫn đầu mất cảnh giác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét