"Thông thường, bạn chỉ nên ra quyết định khi đã nắm trong tay 70% lượng thông tin cần có. Nếu nhất quyết chờ đến lúc đủ 90%, tức là bạn đang bị tụt hậu” - Jeff Bezos chia sẻ.
Trong bức thư gửi cổ đông hàng năm, Bezos đã giải thích về cách ông điều hành Amazon từ lúc công ty còn non nớt cho đến khi là chỗ tạo công ăn việc làm cho hơn 341.000 người. Ông đề cập đến khái niệm “Ngày thứ nhất” với nguyên tắc chủ yếu là cần quyết định một cách nhanh chóng. Thế nhưng, vấn đề không chỉ nằm ở tốc độ. Nếu chỉ có vậy, ai cũng sẽ làm được.
Bezos viết: “Bằng cách nào đó, những quyết định phải vừa nhanh vừa chất lượng. Có thể, nhiều tổ chức mới thành lập sẽ thấy điều này dễ dàng hơn so với các doanh nghiệp quy mô lớn”.
Chính vì vậy, vị giám đốc đã vạch ra vài bước giúp bạn thành công:
1. Hãy học cách làm việc với nguồn dữ liệu đầy đủ, làm thế nào để xoay sở, thoả mãn những gì bạn cần hơn là cứ mãi “dính” lấy sự chắc chắn.
2. Nên biết thích nghi. Khi thấy bất an, hãy cứ thoải mái và linh hoạt trước mọi tình huống xấu. Như lời Bezos nói: “Quyết định nào cũng là một 'con dao hai lưỡi', chúng đều có thể bị đảo lộn”.
3. Thay vì tập trung tránh khỏi rắc rối, bạn cần trở thành một bậc thầy chuyên nhìn nhận và biết sửa chữa sai lầm.
4. Cuối cùng, với những quyết định quan trọng và có ảnh hưởng to lớn tới khách hàng, nhân viên cùng đối tác thì hãy thay đổi theo nguyên tắc “không chấp thuận nhưng vẫn thực thi”.
Nếu bạn có niềm tin vào một việc làm cụ thể kể cả khi không có sự đồng thuận, hãy thể hiện quan điểm: “Tôi biết chúng ta không đồng ý về điều này nhưng liệu bạn có muốn đánh cược? Dù không muốn song cứ thử tiến tới xem sao?”. Đây là một trong những giá trị cốt lõi của Amazon. Theo báo cáo trước đây, cách này cũng được sử dụng để lựa chọn các sản phẩm mới cho hãng, bao gồm cả Alexa và Echo.
Bezos tiết lộ, nguyên tắc trên áp dụng cho các ông chủ lớn, ngay cả ông: “Nếu là lãnh đạo, bạn cũng nên làm như thế. Tôi vẫn thường phải thực hiện những điều mình không ưng thuận. Tôi đã trình bày rõ suy nghĩ với mọi người: Sẽ luôn xuất hiện rất nhiều tranh cãi mỗi khi quá trình sản xuất gặp trục trặc, các điều khoản kinh doanh không mấy tốt đẹp hay còn nhiều cơ hội tiềm năng hiện diện trước mắt chúng ta. Ai cũng có một ý kiến của riêng mình và muốn được tất cả lắng nghe, ủng hộ. Lúc ấy, tôi đều tuân theo nguyên tắc 'không chấp thuận nhưng vẫn thực thi' và hy vọng điều kỳ diệu nhất sẽ tới”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét