Startup Việt này hiện đang chiếm thị phần cao nhất trong thị trường phần mềm quản lý bán hàng tại Việt Nam, chiếm khoảng 11,88% thị phần, với khách hàng chủ yếu là các hộ buôn bán quy mô vừa và nhỏ.
Vào ngày 15/4 vừa qua, lễ trao Danh hiệu Sao Khuê năm 2017 và kỷ niệm 15 năm thành lập Hiệp hội vừa được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức.
Qua 3 tháng triển khai, với 3 vòng đánh giá, thẩm định, Ban tổ chức đã quyết định lựa chọn và trao cho 64 sản phẩm và dịch vụ xuất sắc, trong đó có 44 sản phẩm và 20 dịch vụ.
Danh hiệu Top 10 Sao Khuê 2017 - biểu tượng cao nhất về uy tín, chất lượng, quy mô đã được trao cho 7 sản phẩm, 3 dịch vụ xuất sắc nhất.
Góp mặt trong Top 10 Sao Khuê 2017 là những cái tên quen thuộc như: Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT, Tập đoàn Viettel, hay Công ty TNHH Tích hợp hệ thống CMC...
Nhưng đáng chú ý hơn cả phải kể tới startup Việt chỉ mới 4 năm tuổi này
KiotViet hiện đang chiếm thị phần cao nhất trong thị trường phần mềm quản lý bán hàng tại Việt Nam, chiếm khoảng 11,88%
Đó là startup KiotViet thuộc Công ty CP Phần mềm Citigo. Trước đó, KiotViet từng được biết đến là một startup công nghệ hiện cung cấp phần mềm quản lý bán hàng cho hàng chục ngàn cửa hàng quy mô vừa và nhỏ tại Việt Nam.
Ra đời từ năm 2013, KiotViet được đội ngũ lập trình xây dựng tập trung vào 3 yếu tố: Dễ dùng, hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Startup này xác định, đây là 3 vấn đề tối quan trọng để KiotViet có thể thuyết phục được mọi người thay đổi thói quen thường ngày.
"Đa phần khách hàng của Kiot Việt là các bà, các cô khi được hỏi đều cho rằng cách quản lý truyền thống đã đủ tốt, và không có lý do để thay đổi", bà Vũ Nguyễn Thùy Vân, Giám đốc Marketing của KiotViet chia sẻ..
Tuy nhiên, những khó khăn sẽ đến ngay lập tức khi các cửa hàng mở rộng danh mục sản phẩm hoặc số lượng điểm bán. Nếu cách quản lý cũ có thể giúp 1 cửa hàng hoạt động trơn tru, thì đến cửa hàng thứ 2, hay thứ 3, sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh. Khi người chủ không thể có mặt thường xuyên tại tất cả các điểm bán, hiện tượng hàng hóa xuất nhập không ăn khớp nhau, thất thoát sẽ ngày càng nghiêm trọng.
Đó là lúc cần tới sự "ra tay" của công nghệ. Đại diện KiotViet ước tính, với sự trợ giúp của công nghệ quản lý mới, chủ cửa hàng đã tiết kiệm 30-50% chi phí nhân viên, mỗi ngày bớt từ 1-3 giờ phải có mặt ở cửa hàng, tỉ lệ thất thoát ở cửa hàng giảm tới trên 50%.
Dễ dùng là yếu tố được ưu tiên hàng đầu
KiotViet được xây dựng dựa trên 3 yếu tố: Dễ dùng, hiệu quả và tiết kiệm chi phí
Với KiotViet, dễ dùng nằm ở cách cài đặt và bố trí giao diện và tiện ích phù hợp với thói quen người dùng và ngành hàng họ lựa chọn. Tất cả những thao tác phải được tối giản để khách hàng chỉ cần được hỗ trợ qua điện thoại là đã có thể hiểu và làm theo.
Việc chỉ hỗ trợ cài đặt, cập nhật và tư vấn dịch vụ qua điện thoại cũng là niềm tự hào của KiotViet, bởi nó cho thấy "phần mềm rất dễ dùng và đủ khả năng phân phối tới bất kỳ đâu".
Cũng theo bà Vân, tính dễ sử dụng của KiotViet còn giúp tiết kiệm tối đa chi phí bán hàng, trái ngược hẳn với tư duy "dùng phần mềm là tốn tiền" của nhiều chủ cửa hàng bán lẻ truyền thống ở Việt Nam.
Nhờ đó, startup này hiện đang chiếm thị phần cao nhất trong thị trường phần mềm quản lý bán hàng tại Việt Nam, chiếm khoảng 11,88% thị phần, với khách hàng chủ yếu là các hộ buôn bán quy mô vừa và nhỏ.
Tại lễ trao Danh hiệu Sao Khuê năm 2017, bà Vũ Nguyễn Thùy Vân chia sẻ:
"Danh hiệu Top 10 Sao Khuê 2017 là sự công nhận những nỗ lực của chúng tôi không chỉ về mặt tập trung phát triển sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của chủ cửa hàng và phù hợp với những nghiệp vụ quản lý của các cửa hàng bán lẻ.
Đây còn là động lực cho chúng tôi đặt ra những mục tiêu cao hơn trong thời gian tới, cụ thể là tiếp tục duy trì thị phần đứng đầu và đạt mục tiêu 200.000 cửa hàng sử dụng vào năm 2019".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét