Câu chuyện kể về công ty phần mềm lớn nhất thế giới - Microsoft đã chuyển mình mạnh mẽ như thế nào với tư tưởng của vị CEO mới.
Gần một thập kỉ trước, khi trụ sở chính của Microsoft còn đặt ở Seattle, người ta ví việc đặt chân tới đây chẳng khác nào một cuộc viễn chinh thời xưa. Từ nhân viên đến các giám đốc, họ không hề tỏ ra thân thiện và hầu như không muốn nói chuyện với du khách.
Thậm chí, nhiều người cho rằng, họ đã trải qua hai ngày được coi là "bi thảm" ở trụ sở Microsoft, rằng đây không phải là một chuyến tham quan mà là một buổi truyền giáo về công ty này.
Trong trường hợp bất kì du khách nào tỏ thái độ về vấn đề đó, các nhân viên ở đây sẽ lặp lại câu cửa miệng của Bill Gates - nhà sáng lập của công ty: "Đó là điều ngu xuẩn nhất tôi từng nghe".
Từ mục đích kinh doanh đến văn hóa làm việc
Giờ đây, không khí tại trụ sở của Microsoft lại hoàn toàn trái ngược. Màu sắc tươi vui được thể hiện ngay từ cửa, gần 100 tòa nhà được trang trí nổi bật khác nhau. Phòng làm việc đỡ ồn ào hơn hẳn. Mọi câu hỏi của du khách đến đây, từ tích cực đến tiêu cực, đều được trả lời rất từ tốn, vui vẻ. Có thể thấy, Satya Nadella đang mang lại cho Microsoft một bộ mặt hoàn toàn khác, khác hẳn với Bill Gates hay Steve Ballmer.
Tất cả những mô tả bên trên dù chỉ là những so sánh vui, nhưng đó là sự thật. Một sự thật không thể phủ nhận rằng, Satya đã thay đổi phong cách, văn hóa làm việc của Microsoft đến "chóng mặt" chỉ từ đầu năm 2014, khi ông nhậm chức CEO.
Mặt khác, trước đây, Windows luôn là "lỗ rốn" của Microsoft, mọi thứ mà họ xây dựng đều liên quan và bổ trợ cho kho báu Windows của họ. Nhưng giờ đây, mọi chuyện hoàn toàn thay đổi. Windows sẽ đóng vai trò hỗ trợ, một vai trò không kém phần quan trọng để thúc đẩy những sản phẩm khác.
Azure - dịch vụ đám mây điện toán của Microsoft mới đang là "kẻ cầm quyền". Theo Microsoft, công nghệ điện toán đã bước đến thế hệ thứ 5, thế hệ mà các ứng dụng không còn bị giới hạn vào máy tính. Internet sẽ là phương thức chính để những khách hàng tương tác với các doanh nghiệp. Nhưng kiến trúc hoạt động kinh doanh đã được thiết kế trước đây là theo hướng riêng cho những nhân viên và các đối tác. Azure thay đổi điều này bằng cách cung cấp cho doanh nghiệp khả năng linh hoạt, nền tảng "tiếp cận" khách hàng nhằm triển khai các ứng dụng và dịch vụ.
Tuy nhiên, ngay cả những người luôn ủng hộ ông Satya nhất cũng không khỏi lo lắng về định hướng chuyển đổi này. Nó giống như một phi vụ phải thực hiện để thay đổi lịch sử vậy.
Trước tiên là phải tìm cách giảm bớt sự quan trọng của Windows, sản phẩm luôn là mũi nhọn phát triển của Microsoft. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng khi trước đó Office đã từng được chọn để thay thế, nhưng kết quả lại không mấy thành công.
Điều đặc biệt mà Satya làm được, đó chính là thay đổi được văn hóa công ty. Ông cùng Peter Drucker luôn cho rằng, văn hóa làm việc tại một công ty mới là chiến lược quan trọng đầu tiên nếu muốn thay đổi một công ty.
"Chúng ta cần tạo ra một bầu không khí khiến mọi người hăng say vào công việc và luôn cố cải thiện bản thân", ông cho biết.
Những sự thay đổi rõ rệt ở môi trường làm việc ngay tại trụ sở chính của Microsoft đã chứng minh điều đó. Các giám đốc thường xuyên có mặt ở khu vực làm việc của các nhân viên hơn là trong phòng riêng, thậm chí Giám đốc Steve Ballmer đã thể hiện tình cảm của mình và hét lên: "Tôi yêu công ty này", trước toàn thể các nhân viên có mặt. Satya đã mang lại luồng sinh khí mới này bằng cách luôn ủng hộ, sát cánh cùng nhân viên qua những dự án khó khăn và những vấn đề còn chưa giải quyết được.
Nhờ đó, các nhân viên cũng được khích lệ tinh thần làm việc hăng say, nhiệt huyết hơn. Ngoài ra, những chính sách đãi ngộ như tiền thưởng, tăng lương cũng là cách ông Satya khích lệ đáng kể được ông áp dụng.
Satya Nadella đều "xử lý" hoàn hảo
Với tiêu chí thay đổi định hướng phát triển cho công ty của mình, có thể thấy Satya giờ đây đang nhắm đến không chỉ điện toán đám mây. Phần cứng và AI cũng đang được Microsoft đẩy mạnh thông qua những dự án lớn nhỏ khác nhau.
Tận dụng những danh tiếng lẫy lừng từ hệ điều hành thành công nhất trong lịch sử của mình, Micrsoft có trong tay sự lựa chọn trong việc tuyển dụng, qua đó cũng có trong tay quyền lựa chọn vấn đề mà họ tập trung phát triển.
Giờ đây, Microsoft không chỉ được nhắc đến như một công ty phần mềm, họ còn đang xây dựng những trung tâm dữ liệu riêng và cả các thiết bị phần cứng phụ trợ khác.
Đương nhiên là Microsoft không thể "phá két" để bước vào cuộc đua dữ liệu đám mây khi bỏ ra hàng tỉ USD để xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn. Họ chỉ đầu tư những trung tâm dữ liệu cỡ vừa, đủ để phục vụ những nền tảng công nghệ đã có tiếng như Office365 hay các ứng dụng kinh doanh khác của họ trên nền tảng web.
Về quy mô, "đám mây" của Microsoft chẳng tài nào so sánh được với Amazon Web Service (AWS) do ông trùm thương mại điện tử Amazon nhưng dù gì các số liệu từ Azure vẫn rất hứa hẹn. Scott Guthrie, người đứng đầu Azure thừa nhận rằng lợi nhuận từ dịch vụ đám mây có lẽ sẽ thấp hơn việc sản xuất phần mềm Microsoft vẫn thường làm. Nhưng khi ứng dụng được phân phối trực tuyến, Microsoft có thể sẽ có "một miếng lớn" trên chiếc bánh ngon lành này.
Bên cạnh đó, Microsoft cũng đã sớm thành lập một đơn vị mới để tập hợp tất cả nhân lực trong lĩnh vực AI của mình lại, bao gồm nhóm nghiên cứu cơ bản hơn 1.000 người và đội ngũ kỹ thuật trang tìm kiếm Bing của họ.
Theo Harry Shum, người phụ trách đơn vị mới này, AI sẽ tấn công vào hầu hết các món đồ công nghệ trong tương lại. Người ta sẽ sớm chứng kiến AI đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp để họ quyết định có đầu tư vào một dự án hay không hay việc hỗ trợ các dự án xây dựng trở nên đơn giản hơn…
Microsoft đã thấy được tầm ảnh hưởng của trí thông minh nhân tạo này nên đã bỏ ra 26 tỷ USD mua lại mạng xã hội Linkedln với mục đích bổ sung dữ liệu cho công nghệ AI sau này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét