Quy tắc 1% nói rằng bạn không cần phải cố gắng gấp đôi để giành gấp đôi thành quả. Bạn chỉ cần nỗ lực hơn một chút mà thôi.
Vào khoảng cuối thế kỷ 19, Vilfredo Pareto đã khám phá ra một điều thú vị khi đang làm vườn. Ông phát hiện ra rằng chỉ một lượng đậu nhỏ lại mang lại sản lượng lớn nhất cho vườn.
Vào thời điểm đó, Pareto đang nghiên cứu về sự giàu có của một số quốc gia. Là người Italia nên ông bắt đầu phân tích về sự phân bố của cải ở đất nước này. Ông rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng 20% dân số sở hữu 80% đất đai.
Sau khi Pareto tiếp tục phân tích các quốc gia khác thì một mô hình bắt đầu xuất hiện. Ví dụ với hồ sơ thuế thu nhập của Anh, 30% dân số sở hữu 70% tổng thu nhập toàn dân. Khi tiếp tục nghiên cứu, ông nhận thấy rằng tuy con số không giống nhau nhưng xu hướng này là nhất quán. Ý tưởng này về sau được biết đến với tên gọi Nguyên lý Pareto hay là Quy tắc 80/20.
Bất bình đẳng, ở khắp mọi nơi
Trong nhiều thập kỷ tiếp theo, công trình của Pareto đã trở thành chân lý cho các nhà kinh tế học. Nguyên lý 80/20 dường như hiện hữu ở khắp mọi nơi và trở lên phổ biến hơn bao giờ hết. Từ thể thao, đến bất động sản hay cả trong thu nhập. Vào những năm 1950, 3% người Guatemala sở hữu 70% đất đai. Vào năm 2013, 8,4% dân số thế giới kiểm soát 83,3% tài sản trên toàn thế giới. Vào năm 2015, chỉ riêng công cụ Google nhận được 64% lượt truy vấn tìm kiêm.
Tại sao điều này xảy ra? Tại sao chỉ có một vài người, nhóm hay tổ chức lại hưởng phần lớn những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống? Để trả lời, chúng ra hãy cùng xem xét một ví dụ từ tự nhiên.
Sức mạnh của lợi thế tích lũy
Rừng nhiệt đới Amazon là một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất trên Trái đất. Các nhà khoa học đã liệt kê khoảng 16.000 loại cây khác nhau ở Amazon. Dù vậy, họ cũng phát hiện ra rằng chỉ có 227 loài cây nổi trội tạo nên gần một nửa khu rừng nhiệt đới. Chỉ 1,4% số loài chiếm 50% lượng cây ở Amazon.
Nhưng tại sao lại vậy?
Hãy tưởng tượng 2 cây lớn lên cạnh nhau. Ngày qua ngày chúng sẽ cạnh tranh để lấy ánh sáng mặt trời và dinh dưỡng từ đất. Nếu một cây chỉ cần lớn nhanh hơn “bạn bên cạnh” chút xíu thì nó sẽ cao hơn, đón nhiều nắng hơn và hút nhiều nước.
Từ xuất phát điểm thuận lợi này, loài cây chiến thắng sẽ có khả năng lây lan hạt giống và sinh sản tốt hơn, cho phép các thế hệ tiếp theo còn có khả năng phát triển mạnh mẽ hơn. Quá trình này lặp đi lặp lại nhiều lần dẫn đến các cây này sẽ phát triển tốt hơn các loài cây khác trong khu rừng.
Các nhà khoa học gọi tác động này là “lợi thế tích lũy”. Một lợi thế rất nhỏ nhưng chúng lớn dần theo thời gian. Một cái cây chỉ cần có chút lợi thế đã có thể ngăn chặn sự cạnh tranh và chiếm toàn bộ khu rừng.
Hiệu ứng người chiến thắng sẽ giành được tất cả
Điều tương tự xảy ra trong cuộc sống của chúng ta.
Cũng giống như loài cây trong rừng rậm, con người thường cạnh tranh cùng một nguồn tài nguyên. Các chính trị gia cạnh tranh phiếu bầu. Các nhà văn cạnh tranh chiếm vị trí trên danh sách best-seller. Các vận động viên cạnh tranh huy chương vàng. Các công ty cạnh tranh nhau nguồn khách hàng tiềm năng. Các show truyền hình cạnh tranh tỷ suất người xem. Cạnh tranh tuy khác nhau nhưng kết quả chung là những người chiến thắng luôn chiếm được phần thưởng khổng lồ.
Thử tưởng tượng như thi Olympic, bạn chỉ cần nhanh hơn đối thủ 1/1.000 giây thôi nhưng bạn sẽ là người giành tấm huy chương vàng. Mười công ty đều tiềm năng nhưng chỉ có một công ty giành được dự án, có lẽ chỉ cần vượt trội hơn ở một điểm nhỏ nào đó. Hoặc giả như bạn đang cạnh tranh với hàng nghìn hồ sơ để vào một vị trí, chỉ cần bạn có lợi thế hơn một chút, bạn sẽ là người chiến thắng.
Những tình huống trong đó một sự khác biệt nhỏ sẽ dẫn đến những kết quả bất ngờ được gọi là Winner-Take-All Effects (tạm dịch: Người chiến thắng sẽ giành được tất cả). Chúng thường xảy ra ở những tình huống liên quan đến so sánh.
Biểu hiện của bạn so với người xung quanh sẽ quyết định yếu tố thành công của bạn. Trong những tình huống này, chỉ cần một chút tốt hơn so với đối thủ có thể dẫn đến việc có tất cả mọi thứ. Chỉ 1%, 1 giây hay 1 USD có thể giúp bạn giành 100% chiến thắng. Người chiến thắng sẽ có được tất cả, còn người thất bại sẽ chẳng nhận được gì.
Lợi thế trong cuộc sống
Từ xuất phát điểm thuận lợi, những người chiến thắng bắt đầu quá trình tích lũy lợi thế để giúp họ luôn thành công trong những cuộc chơi khác. Nếu một con đường lớn, thuận tiện thì sẽ có nhiều người qua lại và nhiều công ty được xây dựng ở khu vực đó. Khi có nhiều công ty ở đây, người ta lại có nhiều cớ để đi qua và con đường lại càng đông đúc hơn.
Nếu một công ty có công nghệ sáng tạo hơn, sẽ có nhiều người mua sản phẩm của họ hơn. Khi công ty kiếm được nhiều tiền hơn, thì họ lại đầu tư mở rộng công nghệ hơn, trả lương cao hơn và thuê những người giỏi hơn. Khi đối thủ cạnh tranh bắt kịp thì họ lại đã có thêm nhiều lợi thế khác để giữ chân khách hàng. Chính vì lẽ đó mà một công ty thống trị cả ngành.
Khi một tác giả nằm trong danh sách best-seller, các nhà xuất bản sẽ quan tâm nhiều đến cuốn sách tiếp theo của họ. Khi cuốn sách thứ 2 ra đời, các nhà xuất bản sẽ dồn nhiều nguồn lực để quảng bá, giới thiệu, chẳng có hiểu khi cuốn sách này lại bán đắt hơn tôm tươi.
Qua thời gian, những người “tốt hơn một chút” sẽ đạt được những thành quả lớn. Còn những người chỉ kém hơn một chút sẽ chẳng nhận được gì. Bây giờ chúng ta quay lại câu hỏi đặt ra ở đầu bài: Tại sao chỉ có một vài người, nhóm hay tổ chức lại hưởng phần lớn những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống?
Quy tắc 1%
Chỉ khác biệt nhỏ về biểu hiện có thể dẫn đến sự phân bổ không đồng đều theo thời gian. Đây cũng là lý do giải thích vì sao thói quen lại quan trọng đến vậy.
Bạn chỉ cần làm tốt hơn so với đối thủ một chút thôi. Nhưng nếu bạn duy trì khác biệt nhỏ nhỏ này hôm nay, ngày mai và ngày sau nữa, bạn có thể giành được chiến thắng hoàn toàn trong tương lai không xa.
Chúng tôi gọi đây là Quy tắc 1%. Quy tắc này khẳng định: Theo thời gian, phần lớn thành quả trong một lĩnh vực nhất định sẽ tích lũy cho những người, nhóm, tổ chức duy trì được 1% lợi thế so với những người, nhóm, tổ chức còn lại. Bạn không cần phải cố gắng gấp đôi để giành gấp đôi thành quả. Bạn chỉ cần nỗ lực hơn một chút mà thôi.
Quy tắc này không đơn thuần khẳng định những khác biệt nhỏ tích lũy thành những lợi thế đáng kể mà còn nhấn mạnh rằng những người có 1% tốt hơn sẽ thống trị trên tất cả lĩnh vực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét