Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Người Anh chú trọng chất lượng sản phẩm khi mua hàng online

Hơn 50% khách hàng cho biết họ sẵn lòng tiếp tục sử dụng một thương hiệu đắt tiền nếu nhận được dịch vụ tốt, ngay cả khi đối thủ cạnh tranh cung cấp sản phẩm rẻ hơn.

Đa số những người tham gia trả lời khảo sát (52%) do Hiệp hội Tiếp thị trực tuyến Anh (DMA UK) cùng Future Foundation, Acxiom, Organic và Relay42 thực hiện cho biết chất lượng sản phẩm là lý do khiến họ tiếp tục theo một thương hiệu dù có những giao dịch khác rẻ hơn rất nhiều. Còn 46% đề cao sự thuận tiện, dễ dàng trong chọn lựa và mua hàng. 30% đánh giá cao những trải nghiệm mà các thương hiệu đem lại cho người dùng.
nguoi-anh-chu-trong-chat-luong-san-phm-khi-mua-hang-online
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra người dùng muốn được ưu đãi nhiều hơn từ các chương trình mà nhà bán lẻ và các thương hiệu dành cho khách hàng trung thành. Gần 50% nói rằng họ muốn làm thành viên của chương trình khách hàng thường xuyên và khoảng 40% muốn có quyền truy cập độc quyền sản phẩm và giao dịch.
Về giao tiếp với doanh nghiệp và các tính năng đặc biệt, 33% người sử dụng Internet ở Anh thích thú với việc nhận được thông tin về giao dịch, tin tức hay tin cập nhật về nhà bán lẻ hoặc thương hiệu yêu thích...
Trong một cuộc khảo sát khác do công ty tư vấn quản lý Rare thực hiện, giới trẻ dùng Internet tại Anh có xu hướng trung thành hơn nếu thương hiệu đem đến cho họ cảm giác vui vẻ, thân thiện. Những người lớn tuổi hơn lại chú trọng về giá trị sản phẩm.
Người sử dụng Internet Anh cũng có thói quen tìm các chương trình khách hàng thành viên để được tích điểm thưởng dựa trên chia tiêu, ít quan tâm đến việc thương hiệu cung cấp những trải nghiệm đặc biệt được cá nhân hóa theo sở thích người dùng.
Minh Trí

Đầu tư lớn cho xổ số 12 tỷ, Vietlott tạm lỗ 4 tỷ đồng

Khoản lợi nhuận âm được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2016, khi loại hình xổ số Mega 6/45 chưa đi vào hoạt động.


Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm. Theo đó, doanh thu đạt 8,7 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 9,7 tỷ đồng cùng kỳ. Sau hạch toán, công ty lỗ gần 4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi 780 triệu đồng.
Ban lãnh đạo công ty cho biết, việc doanh nghiệp thua lỗ là do chưa triển khai hoạt động kinh doanh xổ số điện toán mới. Khoản lỗ được ghi nhận là chi phí chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh.
Từ đầu năm 2016, Vietlott đã có kế hoạch làm việc với các tỉnh và thành phố triển khai xổ số điện toán, đồng thời trang bị cơ sở vật chất, công nghệ thông tin, tuyển dụng nhân sự mới để triển khai. Năm 2016, công ty nâng số lao động từ 29 lên 79 người…
Từ ngày 18/7, công ty này đã hợp tác với Tập đoàn Berjaya (Malaysia) cho ra mắt loại hình xổ số tự chọn Mega 6/45 với tổng trị giá giải thưởng tối thiểu là 12 tỷ đồng. Khác với các hình thức xổ số khác, giải Jackpot của xổ số tự chọn Mega 6/45 được cộng dồn liên tục với trị giá giải thưởng ngày càng cao cho đến khi tìm thấy người thắng giải.
Sau hơn một tháng ra mắt, Vietlott đã thu về 40,1 tỷ đồng. Hiện công ty đã có 400 điểm bán tại TP HCM.
Vietlott là công ty trực thuộc Bộ Tài chính. Năm 2015, công ty chỉ có lợi nhuận trước thuế là 83 triệu đồng. Mức lương bình quân nhân viên đạt 13 triệu đồng, lãnh đạo là 21 triệu đồng. Tính đến 30/6/2016, công ty có tổng tài sản đạt 305 tỷ đồng.  
Bạch Dương   |

Gần 200 doanh nghiệp ngừng hoạt động mỗi ngày

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, 8 tháng đầu năm có tổng cộng 7.480 doanh nghiệp giải thể, trong đó lĩnh vực khai khoáng dẫn đầu.

Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế xã hội 8 tháng đầu năm của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Có gần 7.480 doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường. Trong đó ngành khai khoáng có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể nhiều nhất, tăng 3,14 lần so với cùng kỳ. Các ngành khác như thông tin và truyền thông lại giảm 20,7%; nông, lâm, thuỷ sản giảm 29,8%... 

Xét theo quy mô vốn, số lượng doanh nghiệp giải thể phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký nhỏ dưới 10 tỷ đồng.
gan-200-doanh-nghiep-ngung-hoat-dong-moi-ngay
Doanh nghiệp ngành khai khoáng có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể nhiều nhất, tăng 3,14 lần so với cùng kỳ.
Cũng trong 8 tháng đầu năm, có gần 25.500 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giảm 8,3% so với cùng kỳ. Đây đều là những doanh nghiệp đang hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế để chờ giải thể hoặc không còn hoạt động, nhưng không thông báo cho cơ quan quản lý.
Có hơn 14.900 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong vòng một năm, tăng 32,7%. Tính chung 8 tháng, mỗi ngày có gần 200 doanh nghiệp buộc phải rút khỏi thị trường.
Trong khi đó, 8 tháng đầu năm cũng có một lượng lớn doanh nghiệp được thành lập mới, với trên 73.400 doanh nghiệp, số vốn đăng ký gần 568.000 tỷ đồng, tăng 50,9%. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,7 tỷ. Cùng với đó, trên 18.700 doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động.
Như vậy, so với số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng kinh doanh thì cứ 2 doanh nghiệp mới được thành lập, quay trở lại hoạt động thì lại có một doanh nghiệp “chết”.
Anh Minh

Thung lũng Silicon' của TP HCM được khởi công

Với tổng mức đầu tư 480 tỷ đồng, Saigon Silicon City Center rộng hơn 11.000 m2 sẽ là trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cao của thành phố.

Ngày 30/8, công trình Saigon Silicon City Center thuộc dự án Saigon Silicon City tại Khu Công nghệ cao TP HCM (quận 9) được khởi công với sự tham dự của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Bí Thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng.
Theo chủ đầu tư, khi đi vào hoạt động, đây sẽ là đô thị thông minh thu hút các doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước. Đặc biệt là các doanh nghiệp trong khu vực Thung lũng Silicon, Hoa Kỳ về đầu tư nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm công nghệ cao...
Bên cạnh đó, Saigon Silicon City Center cũng là nơi tổ chức các cuộc hội thảo, nghiên cứu, phát triển và ươm mầm cho các ý tưởng khởi nghiệp về khoa học công nghệ hiện đại tại Việt Nam.
thung-lung-silicon-cua-tp-hcm-duoc-khoi-cong
Lãnh đạo UBND TP HCM thực hiện nghi thức khởi công công trình. Ảnh: H.H
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đánh giá cao dự án, cho là có ý nghĩa thúc đẩy hợp tác, chuyển giao, phát triển khoa học công nghệ và tạo ra các sản phẩm công nghệ cao mang thương hiệu Việt Nam, tạo nên giá trị gia tăng mới cho Khu Công nghệ cao nói riêng và thành phố nói chung.
"Dự án còn do kiều bào trí thức đầu tư phù hợp với chủ trương phát triển nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài, thể hiện nguyện vọng chính đáng và tình cảm rất đáng trân trọng của đội ngũ trí thức Việt kiều dành cho thành phố", ông Liêm nói và đề nghị Ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM hỗ trợ nhà đầu tư, đảm bảo hoàn thành và đưa vào hoạt động đúng tiến độ, phát huy hiệu quả, sớm hình thành đô thị thông minh theo mô hình thung lũng Silicon (Hoa Kỳ)...
Dự án Saigon Silicon City được mệnh danh là "thung lũng Silicon" của TP HCM được động thổ vào ngày tháng 11/2015. Dự án có tổng số vốn khoảng 860 tỷ đồng, do Công ty CP Công viên Sài gòn Silicon làm chủ đầu tư.
Saigon Silicon City được xây trên diện tích 52 ha nhằm thu hút các doanh nghiệp là người Việt Nam ở nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ công nghệ cao với tổng vốn đầu tư khi lấp đầy khoảng 1,5 tỷ USD.
Trung Sơn

Tập đoàn, tổng công ty phải kiểm toán trước khi bán cổ phần

Các doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu Nhà nước trên 5.000 tỷ đồng chưa có phương án cổ phần hoá được phê duyệt cần thực hiện chế độ kiểm toán trước khi bán vốn.


Nội dung nêu trên vừa được nêu trong văn bản do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thừa uỷ quyền Thủ tướng ký. Theo đó, doanh nghiệp Nhà nước có vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ đồng thực hiện cổ phần hoá nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phải được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp này cũng buộc phải xử lý các vấn đề về tài chính trước khi định giá doanh nghiệp, theo quy định tại Nghị định 59 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần và Nghị định 189 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59.
tap-doan-tong-cong-ty-phai-kiem-toan-truoc-khi-ban-co-phan
Các doanh nghiệp Nhà nước quy mô vốn lớn phải được kiểm toán định giá trước khi cổ phần hoá.
Các trường hợp cần thiết khác không phân biệt quy mô vốn chủ sở hữu, Thủ tướng đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước.
Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các trường hợp thí điểm thuê các công ty kiểm toán, tư vấn định giá quốc tế đã hoạt động ở Việt Nam, thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp, giá khởi điểm và sử dụng kết quả này thực hiện chào bán cổ phần ra quốc tế, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/9.
Báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, đến hết tháng 6/2016, cả nước đã cổ phần hóa được 39 doanh nghiệp Nhà nước (trong đó có 6 tổng công ty lớn) và 2 đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện sắp xếp theo hình thức khác 12 doanh nghiệp; có 9 doanh nghiệp giải thể, phá sản 1 doanh nghiệp và bán 1 doanh nghiệp. 
Riêng số vốn hơn 907 tỷ đồng (theo giá trị tài sản) tại 3 tập đoàn, tổng công ty lớn là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty lương thực miền Bắc và Hà Nội và Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã  bán và thu về hơn 2.830 tỷ đồng.
Để đưa số doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước giảm về dưới 200 trong 4 năm tới, Chính phủ sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn một loạt doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch và xây dựng…
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có ý kiến về việc bán vốn Nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco); chủ trương bán cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại 10 công ty, trong đó có Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Thủ tướng yêu cầu trước khi bán vốn Nhà nước phải đưa Habeco, Sabeco lên sàn chứng khoán, đấu giá quốc tế trong nước, công khai để chống lợi ích nhóm và bảo toàn tối đa tài sản Nhà nước...
Anh Minh

BIDGroup tuyển nhân sự giỏi để sớm thành tập đoàn lớn tại VN

Công ty đang có đợt tuyển dụng lớn trong năm, từ cấp quản lý đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng đến các vị trí thấp hơn.

Động thái nhằm chuẩn bị nhân lực cho các dự án lớn sắp được triển khai cũng như phục vụ quá trình tái cấu trúc, chuyển đổi sang mô hình tập đoàn của công ty.
Theo đó, các ngành nghề công ty có nhu cầu nhân sự gồm xây dựng và bất động sản với các vị trí giám đốc ban pháp chế và tuân thủ, trưởng phòng quản lý thi công, kỹ sư trưởng.
polyad
​Phối cảnh dự án BIDHomes Eden Gardens tại thành phố Thái Bình.
Bên cạnh đó, các vị trí chuyên viên pháp chế và tuân thủ, kế toán tổng hợp, lễ tân, phiên dịch viên tiếng Anh kiêm hành chính, chuyên viên chăm sóc khách hàng, nhân viên thiết kế, trợ lý và thư ký tổng giám đốc, chuyên viên dự án, nhân viên cơ điện, cán bộ kỹ thuật, cán bộ an toàn cũng được đơn vị đăng tuyển.
Bà Nguyễn Thị Mai Khanh - quyền Giám đốc nhân sự công ty cho biết, với quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, ước tính từ nay đến cuối năm 2016, BIDGroup sẽ tuyển thêm khoảng 60 vị trí cho các dự án mới và khối văn phòng.
Theo bà Mai Khanh, thời gian qua, công ty luôn coi con người là yếu tố quan trọng nhất, là giá trị cốt lõi của công ty. Do đó, trong chiến lược phát triển của mình, công ty luôn đặt trọng tâm vào mảng nhân sự.
polyad
Buổi thuyết trình về trả lương theo phương pháp 3P tại công ty.
“Chúng tôi cần những nhân sự có năng lực tốt nhưng cũng chú trọng đến yếu tố phù hợp với văn hóa doanh nghiệp, sẵn sàng cống hiến hết mình, có mục tiêu phấn đấu rõ ràng và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng với sự cống hiến đó”, bà Khanh nói. Sau giai đoạn tuyển dụng, BIDGroup sẽ tập trung công tác đào tạo để đồng bộ về mặt tiêu chuẩn và tối đa hóa năng lực cán bộ.
Theo chiến lược phát triển, công ty đặt mục tiêu trở thành thành tập đoàn tư nhân đa ngành top 10 tại Việt Nam trước 2025, top 50 thương hiệu dẫn đầu trước 2023, top 20 doanh nghiệp bất động sản tập trung phân khúc bất động sản chi phí thấp trước 2022, top 5 tổng thầu tư nhân trước 2022.
Các dự án bất động sản sắp triển khai của BIDGroup gồm dự án BIDHomes Riverside, quy mô 20ha (TP HCM), khu phức hợp BIDHomes Eden Gardens rộng 1,5ha (thành phố Thái Bình); dự án phức hợp chung cư, biệt thự và nhà liền kề BIDHomes Eco Central Park 2,1ha (tại Hưng Yên). Ngoài ra, công ty cũng triển khai các dự án trong các lĩnh vực khác như tổng thầu, thương mại…
Thanh Thư

70 giao dịch thành công tại FLC Star Tower trong tháng Ngâu

Thông tin được Tập đoàn Danko - đơn vị phân phối cho biết tại buổi trải nghiệm căn hộ mẫu dự án vừa diễn ra.

Theo đại diện Danko, trước tình hình ảm đạm của thị trường bất động sản trong tháng Ngâu, dự án FLC Star Tower vẫn đạt tới 70 giao dịch thành công. Điều đó cho thấy, người mua nhà quan tâm tới chất lượng dự án, uy tín của chủ đầu tư và chính sách bán hàng hợp lý hơn là những quan niệm may rủi trong tháng Ngâu.
Tại sự kiện, nhiều phần quà đặc biệt đã được chủ đầu tư trao cho khách hàng may mắn gồm xe SH 125i, tivi Samsung 55 inch màn hình cong, tủ lạnh LG 315 lít.
70-giao-dich-thanh-cong-tai-flc-star-tower-trong-thang-ngau
Hotline: 0949 911 111. Website và Website
Toạ lạc ngay giữa trung tâm quận Hà Đông, FLC Star Tower có hai mặt tiền đường Quang Trung và Lê Trọng Tấn - hai tuyến đường năng động nhất quận Hà Đông. Ngoài ra, dự án còn sở hữu vị trí thuận lợi về giao thông, dễ dàng kết nối với tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Trong bán kính 2km quanh dự án là hàng loạt tiện ích công cộng khác như trung tâm mua sắm, trường đại học, khu hành chính Hà Đông, các địa điểm du lịch và tâm linh…
FLC Star Tower có thiết kế năng động, hiện đại phù hợp với phong cách gia đình trẻ. Các căn hộ của FLC Star Tower có diện tích từ 58m2 đến 100m2 đáp ứng nhu cầu nhiều đối tượng khác nhau. Đặc biệt, các căn hộ đều có cửa sổ đón ánh sáng và gió tự nhiên ở tất cả các phòng, mang lại sự thông thoáng và tiết kiệm tối đa năng lượng tiêu thụ.
Bên cạnh chất lượng căn hộ là tiện ích 4 sao mà chủ đầu tư mang lại cho cư dân như trung tâm thương mại, vườn trên không (star lounge), bể bơi trong nhà, trường mầm non, nhà sinh hoạt cộng đồng, an ninh với hệ thống camera 24/24… tạo nên một tổ hợp dân cư khép kín, hiện đại và tiện lợi.
Nhằm đảm bảo sự tin tưởng của khách hàng, FLC Star Tower vừa được Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cấp chứng thư bảo lãnh đến tháng 3/2018. Đây cũng là một trong những dự án tại Hà Nội được cấp chứng thư bảo lãnh ngân hàng.
70-giao-dich-thanh-cong-tai-flc-star-tower-trong-thang-ngau-1
Hình ảnh buổi lễ trải nghiệm căn hộ mẫu FLC Star Tower.
Dự án được chào bán với mức giá từ 19,3 triệu đồng mỗi m2 đã gồm phí bảo trì và VAT. Theo Danko, mức giá này khá cạnh tranh so với các dự án cùng khu vực bởi chất lượng và tiện ích của FLC Star Tower vượt trội.
"Với mức giá chỉ hơn một tỷ đồng, những người trẻ đã dễ dàng lựa chọn cho mình một không gian sống đẳng cấp. Bên cạnh đó, các ưu đãi từ vay vốn của ngân hàng sẽ hỗ trợ đắc lực cho người mua nhà", vị này cho hay.
Phía chủ đầu tư dự án cũng cho biết, FLC Star Tower đang được đẩy mạnh thi công, dự án dự kiến bàn giao trong quý IV/2017.
Thanh Thư

Công thức bí mật trong thành công của Vinamilk

Dám tiên phong, không ngừng học hỏi cùng những quyết định đúng lúc đã đưa Vinamilk vào danh sách công ty niêm yết tốt nhất châu Á - Thái Bình Dương.

Tạp chí Forbes vừa công bố 50 công ty niêm yết tốt nhất châu Á - Thái Bình Dương (Fab 50). Đây là năm đầu tiên Việt Nam có đại diện trong danh sách này, đó là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Nói về Vinamilk, Forbes cho biết: "Công thức bí mật của công ty này, là chỉ cần hỏi bất kỳ trẻ em nào thì sẽ biết". Gắn liền với thành công của doanh nghiệp là vai trò quan trọng của bà Mai Kiều Liên.
Sau nhiều năm được đào tạo về quy trình sản xuất bơ sữa tại Liên bang Xô Viết (cũ), năm 1976, bà Mai Kiều Liên về nước và bắt đầu làm việc cho một công ty sữa Nhà nước. Chỉ trong một năm, người phụ nữ sinh năm 1953 được bổ nhiệm vào vị trí quản lý và sau 5 năm, bà trở thành Phó giám đốc nhà máy. Từ năm 1993, bà giữ vị trí Tổng giám đốc tại đơn vị nay là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam.
Nữ lãnh đạo đưa Vinamilk lên sàn chứng khoán vào năm 2003, trở thành công ty sữa lớn nhất và là doanh nghiệp niêm yết lớn thứ 5 trên sàn chứng khoán TP HCM thời điểm ấy.
Từ một công ty chỉ sản xuất sữa đặc với 2 nhà máy, nay Vinamilk là doanh nghiệp với vốn hóa thị trường lên tới 10 tỷ USD, doanh thu 8 tháng đầu năm 2016 đạt 1,8 tỷ USD và xếp thứ 24 trong danh sách FAB 50 năm 2016 của Forbes. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên một công ty Việt Nam lọt top FAB 50, danh sách xếp hạng 50 công ty niêm yết hàng đầu của các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Vị "nữ tướng" đã áp dụng phong cách quản lý học hỏi từ quốc tế và đẩy nhanh tốc độ hoạt động của công ty. Để đáp ứng các nhà đầu tư đang muốn đóng góp vốn vào doanh nghiệp, Vinamilk đã trở thành công ty niêm yết lớn đầu tiên tại Việt Nam nâng phần vốn sở hữu khối ngoại lên tới 100%. Động thái này giúp cổ phiếu hãng tăng giá 20% trong giai đoạn từ đầu tháng 7 tới 19/8.
cong-thuc-bi-mat-trong-thanh-cong-cua-vinamilk
Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, người đã đồng hành cùng công ty trong hành trình 40 năm đưa thương hiệu này vươn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.
"Là một lãnh đạo, bạn phải có trách nhiệm trước hoạt động và quyết định của công ty. Người lãnh đạo cũng phải tiên phong hoặc trở thành người dẫn đầu thị trường", bà Liên trả lời Forbes.
Nữ CEO lấy ví dụ, năm 1983, Vinamilk ra mắt sản phẩm sữa chua dù vấp phải hoài nghi về khả năng thành công. Nhiều người còn cho rằng công ty nên tránh cạnh tranh với các gia đình làm sữa chua tại gia, một hoạt động thường thấy ở Việt Nam khi đó.
"Mối quan tâm của tôi là hàm lượng dinh dưỡng tốt cho cơ thể trong sản phẩm. Thực tế sữa chua Vinamilk lúc đó trở thành một cú hích cho thị trường và bán hết veo. Đó là câu chuyện về trách nhiệm và trở thành người tiên phong", bà chia sẻ.
Nhờ tư duy này của người đứng đầu, công ty vẫn giữ được thế mạnh của mình trong cuộc cạnh tranh ngày càng tăng với các thương hiệu quốc tế du nhập vào Việt Nam kể từ thập niên 90 của thế kỷ XX. Đội ngũ bán hàng của hãng cũng cung cấp trực tiếp sản phẩm tới các siêu thị và cửa hàng, bỏ đơn vị trung gian, giúp tiết kiệm chi phí. Vinamilk hiện cung ứng sản phẩm cho khoảng 230.000 nhà bán lẻ, nhà hàng và tự vận hành 100 cửa hàng chính hãng.
cong-thuc-bi-mat-trong-thanh-cong-cua-vinamilk-1
Ngoài việc chú trọng giữ vững thị trường nội địa, Vinamilk vẫn luôn tìm kiếm thêm các cơ hội mở rộng đầu tư và xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Theo báo cáo của hãng nghiên cứu Euro Monitor về các công ty sữa trên toàn thế giới, Vinamilk xếp thứ 49 toàn cầu về doanh thu sản phẩm sữa trong năm 2015, cao hơn 18% mức trung bình của công ty sữa ở châu Á. Đơn vị còn được đánh giá là công ty đứng đầu về tính thanh khoản ở các khu vực.
“Vinamilk đang sở hữu một hệ thống phân phối sản phẩm đáng mơ ước mà các công ty khác nếu muốn có sẽ phải đầu tư trong 10 năm để phát triển”, Giám đốc điều hành SSI Fiachara Mac Cana nhận xét.
Nhằm chiếm lĩnh thị trường 92 triệu dân Việt Nam, Vinamilk không ngừng đẩy sớm chiến lược marketing. Công ty cũng nhìn ra quốc tế và tìm kiếm các thương vụ mua lại bên ngoài.
Năm 2014, công ty mua 70% cổ phần công ty sữa Driftwood (Mỹ), đơn vị cung cấp sữa và nước trái cây cho các trường học tại miền Nam California và mới mua nốt 30% vào tháng 7/2016, nâng tỷ lệ sở hữu Driftwood lên 100%. Thương vụ giúp Vinamilk tiếp cận nhiều công nghệ hiện đại và tiêu chuẩn chất lượng cao hơn. Cũng trong 2016, công ty đã mở một nhà máy liên doanh tại Campuchia.
cong-thuc-bi-mat-trong-thanh-cong-cua-vinamilk-2
Sản phẩm sữa đặc và creamer đặc Driftwood do Vinamilk sản xuất bày bán tại các siêu thị Mỹ.
Nữ doanh nhân cho hay, bà điều hành công ty với những tiêu chuẩn quản lý của các tập đoàn quốc tế. Cùng với đó, quyết định niêm yết trên sàn chứng khoán giúp công ty hoạt động hiệu quả hơn.
"Khi được hỏi tại sao lại IPO, chúng tôi đang là công ty hoạt động hiệu quả. Nếu không cổ phần hóa, mỗi quyết định thay đổi của Vinamilk có thể mất thời gian dài để được duyệt vì là doanh nghiệp quốc hữu, tăng rủi ro mất thị phần trước các đối thủ đang lên nhanh chóng", bà chia sẻ.
Để công ty giữ vững khả năng cạnh tranh, không chỉ lãnh đạo mà các nhân viên đều phải không ngừng học hỏi. Toàn bộ 6.600 nhân sự đều phải báo cáo mọi vấn đề mình không thể giải quyết tới người quản lý hoặc tìm kiếm giúp đỡ trong vòng 24 giờ.
Trong 5-10 năm tới, Vinamilk đặt mục tiêu giữ 80% thị phần sữa Việt Nam với các sản phẩm cốt lõi, nâng đàn bò từ 14.000 con hiện nay lên 40.000 con. "Chúng tôi cho rằng khi các quỹ nước ngoài đặt chân vào Việt Nam, Vinamilk sẽ là lựa chọn đầu tiên họ nghĩ tới", báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhấn mạnh.
Hiện nay, ngoài 10 trang trại và 13 nhà máy trong nước, Vinamilk còn có 3 nhà máy tại Mỹ, New Zealand, Campuchia, một công ty con tại Ba Lan và đang xúc tiến xuất khẩu ở các thị trường mới như Thái Lan, Myanmar và châu Phi.
Khánh Linh

7 lý do kinh doanh trực tuyến chưa thu hút khách

Nội dung website nghèo nàn, sản phẩm được mô tả sơ sài nhưng quy trình thanh toán rắc rối không khác gì "đuổi khéo" khách hàng khỏi gian hàng.


1. Mô tả sản phẩm sơ sài
Có rất nhiều điều liên quan tới mô tả sản phẩm, tùy thuộc vào từng món hàng nhưng không ít cửa hàng bán online lại đang không coi trọng vấn đề này. Thực tế, nếu lên một website công ty, người ta thường xem nội dung về nhân sự của hãng đó (ví dụ ảnh cán bộ nhân viên), tương tự với thương mại điện tử, người mua sẽ xem mô tả sản phẩm chi tiết, đánh giá sản phẩm và phần đánh giá bên bán.
Theo nghiên cứu của Nielsen Norman Group (NN Group), khi một người vào xem sản phẩm trên trang Amazon, có 18% thời gian họ xem ảnh và tới 82% xem nội dung chữ. Do đó, việc cung cấp đầy đủ, chi tiết thông tin (bằng chữ) và hình ảnh về các góc cạnh sản phẩm sẽ đảm bảo mức doanh thu tốt hơn cho các cửa hàng.
2. Quy trình thanh toán phức tạp
7-ly-do-kinh-doanh-truc-tuyen-chua-thu-hut-khach
Thủ tục thanh toán nhanh gọn nhưng tính bảo mật cao sẽ giúp người mua hài lòng với website hơn.
Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua sắm trực tuyến là quy trình thanh toán. Nhiều chuyên gia khuyên các cửa hàng online nên chọn các bước thanh toán cuối cùng sao cho đơn giản, thân thiện với người dùng và tránh gây sao nhãng nhưng vẫn phải đảm bảo bảo mật thông tin.
Một số nhà bán lẻ có xu hướng gợi ý sản phẩm mà người dùng có thể thích khi đang thực hiện thanh toán, nhưng bước này có thể gây kết quả ngoài mong đợi bởi gây xao nhãng cho khách, khiến họ mải tìm thêm và bỏ qua sản phẩm quan trọng, cuối cùng có thể bỏ đi mà không mua gì.
3. Ảnh minh họa kém
Với cửa hàng truyền thống, cách bán hàng tốt nhất là trao tận tay món hàng cho người mua cảm nhận, nhưng các shop online thì không làm được. Do vậy, họ sử dụng hình ảnh để người mua có thể hình dung món hàng thế nào khi đặt trước mặt mình. Các bức ảnh quá lớn (hoặc quá nhỏ), thiếu sáng tạo, chất lượng kém sẽ là nguyên nhân chính khiến khách bỏ đi.
Khách hàng sẽ thích các ảnh thực tế sản phẩm khi sử dụng, chụp ở nhiều góc cạnh, vị trí và công năng khi dùng khác nhau. Ảnh nên có độ phân giải lớn, có thể phóng to thu nhỏ khi cần để người mua xem từng chi tiết.
4. Website trông thiếu tin cậy
Thương hiệu và niềm tin luôn đi kèm với nhau, đặc biệt là ở thương mại điện tử. Ngay cả khi bạn sở hữu công ty uy tín nhất thế giới nhưng website không thể hiện được điều đó, khách hàng vẫn rời khỏi trang web của công ty.
Có nhiều cách để cải thiện hình ảnh thương hiệu giúp tạo niềm tin, nhưng quan trọng vẫn là thấu hiểu được nỗi lo lắng, mối quan tâm cũng như lý do tìm đến sản phẩm của khách hàng. Nếu bạn có thể cung cấp nội dung "dỗ dành" được suy nghĩ của khách, họ sẽ gắn kết với website lâu dài hơn. Chủ site nên cung cấp nhiều dạng đánh giá thương hiệu như phản hồi khách hàng, sự công nhận của cộng đồng, các câu chuyện liên quan tới công ty... để phát triển niềm tin của khách đối với doanh nghiệp.
5. Ảnh hưởng từ ấn tượng đầu tiên
Ai lướt web cũng từng vào những trang vừa nhìn trông đã thiếu tin tưởng. Có thể chủ web thiếu logo, không nhiều thiết kế sản phẩm hay thậm chí chọn loại phông chữ trông chẳng khác nào trang web tạm bợ, "chỉ ra đời để lừa đảo khách".
Vì thế, ấn tượng đầu tiên sẽ là tất cả đối với một website. Các nghiên cứu chỉ ra rằng "nhìn" và "cảm thấy" về một website là yếu tố chính tạo ra ấn tượng đầu tiên. Một website có giao diện nghèo nàn ngay lập tức tạo cảm giác thiếu tin tưởng đối với người xem. Để hút khách hàng, các trang web cần phải làm sao cho chuyên nghiệp, từ thiết kế giao diện, khả năng hoạt động trên thiết bị di động cho đến mẫu thanh toán.
6. Tầm quan trọng của di động
Nhiều hãng vẫn chưa nhận ra mức độ phản hồi của website trên thiết bị di động là một vấn đề thực sự. Ngày nay, đa phần người dùng sử dụng điện thoại, máy tính bảng để vào web nên một trang web được tối ưu hiển thị trên màn hình bé hết sức quan trọng. Người bán cần so sánh hai phiên bản trên di động và trên máy bàn để chắc chắn khách hàng dễ thao tác và cảm thấy thích thú khi dùng.
7. Hacker
Hacker có thể tiếp cận được rất nhiều dữ liệu và các cửa hàng online là mục tiêu của mọi hoạt động phi pháp trên mạng. Khi kẻ gian ngày càng thành thạo kỹ thuật, doanh nghiệp cũng phải đầu tư thêm nguồn lực vào các nền tảng chống gian lận. Không chỉ bảo vệ tài sản của công ty, việc gia cố bảo mật cũng giúp giữ gìn thông tin của khách hàng, giúp họ có niềm tin để tiếp tục mua sắm trực tuyến.
Hải Khanh

Vàng và USD cùng giảm giá

Doanh nghiệp trong nước đã điều chỉnh giảm vài chục nghìn đồng một lượng vàng trước diễn biến thế giới, trong khi giá USD tại ngân hàng cũng sụt 5 đồng.


Mở cửa ngày 31/8, giá bán vàng của Tập đoàn DOJI giảm 80.000 đồng so với sáng hôm qua, xuống 36,38 triệu đồng. Giá mua từ khách lùi sát về 36,31 triệu đồng, mua bán sỉ thấp hơn giá lẻ 10.000 đồng mỗi lượng.
Cùng lúc, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) công bố giá mua 36,21 triệu đồng, còn bán ra 36,43 triệu đồng một lượng, giảm vài chục nghìn đồng so với hôm qua.
vang-va-usd-cung-giam-gia
Giá vàng điều chỉnh giảm sáng nay. Ảnh: Lệ Chi.
Giá trong nước suy yếu sáng nay do chứng kiến thị trường quốc tế vừa có ngày đi xuống. Theo đó, mỗi ounce giảm khoảng 13 USD khi chốt phiên Mỹ 30/8. Giá tạm thời phục hồi nhẹ 3 USD trong phiên giao dịch châu Á sáng nay. Lúc 9h10, giờ Hà Nội, mỗi ounce đứng quanh 1.315 USD. Quy ra tiền Việt, mỗi lượng vàng quốc tế tương đương 35,41 triệu đồng.
Thời gian qua, do tốc độ giảm của giá vàng thế giới nhanh hơn trong nước nên độ vênh giữa hai thị trường ngày càng lớn. Sáng nay, giá bán vàng trong nước cao hơn thế giới quy đổi khoảng một triệu đồng.
Tập đoàn DOJI cho biết, trong suốt phiên giao dịch hôm qua, lượng khách tham gia có phần nhỉnh hơn so với phiên trước đó, tuy nhiên đa số phát sinh chủ yếu từ phía nhà đầu tư nhỏ lẻ.
"Nhiều phiên trở lại đây, các nhà đầu tư giảm dần sự quan tâm tới vàng. Các động thái mua bán đều tỏ ra hết sức cẩn trọng, giao dịch thưa thớt nên giá vàng không được hỗ trợ nhiều từ nhu cầu thị trường", DOJI nhận định và cho biết, chốt ngày 30/8, lượng khách mua vàng chiếm 55% trên tổng số lượng tham gia giao dịch tại hệ thống.
Trên thị trường ngoại hối, giá USD trong ngân hàng tiếp tục đi xuống. Theo đó, Vietcombank công bố giá USD lúc 9h là 22.265-22.335 đồng, giảm 5 đồng so với hôm qua. Các ngân hàng khác có giá tương tự.
Lệ Chi

Thương mại điện tử chiếm ưu thế ở Pháp

Doanh số bán hàng trực tuyến ở Pháp tăng 16% trong năm 2015 và Amazon là nhà bán lẻ trực tuyến phổ biến nhất.

Theo khảo sát do Fevad (tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu tại Pháp) công bố, quốc gia này có 35,5 triệu khách hàng mua sắm trực tuyến với tổng doanh số 71,3 tỷ euro (khoảng 79,8 tỷ USD) trong năm 2015, tăng 16,1% so với mức 61,4 tỷ euro (68,7 tỷ USD) của năm trước đó. 
thuong-mai-dien-tu-chiem-uu-the-o-phap
Trung bình một người mua sắm trực tuyến tại Pháp hoàn thành 22,9 giao dịch trong năm 2015, giá trị đặt hàng bình quân 78 ​​euro. Tỷ lệ mua hàng qua smartphone và tablet ngày càng tăng. Giao dịch bằng thiết bị di động chiếm 9% tổng doanh số thương mại điện tử, tăng 7,5% so với năm 2014 và vượt 4,3% năm 2013.
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra lượng mua hàng trên các sàn giao dịch trực tuyến có xu hướng mở rộng. Fevad cho biết người tiêu dùng Pháp đã thực hiện 9% mua hàng trực tuyến trên sàn điện tử vào năm ngoái, hơn năm 2014 khoảng 8% và năm 2013 ở mức 7%. Còn trong 6 tháng đầu năm nay, 34% người dùng thực hiện ít nhất một giao dịch mua hàng trên sàn trực tuyến.
Amazon là website thương mại điện tử đạt lượng truy cập nhiều nhất ở Pháp, tiếp đến là Cdiscount (Cnova NV/Groupe Casino) và eBay. Đây cũng là 3 trang web thương mại điện tử vận hành sàn giao dịch của riêng mình.
Fevad ước tính lượng khách truy cập Amazon.fr mỗi tháng vào khoảng 18,1 triệu, chiếm khoảng 37,9% người dùng Internet ở Pháp. Amazon hiện dẫn đầu top 500 nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất châu Âu về doanh số.
Trong khi đó Cdiscount đứng vị trí thứ 17 trong danh sách 500 hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất châu Âu, đạt 11,2 triệu lượt người truy cập mỗi tháng, tương ứng mức 23,4% người sử dụng Internet tại Pháp. Chuỗi bán lẻ Fnac, eBay và công ty bán vé đường sắt Voyage SNCF cũng là những doanh nghiệp hàng đầu về kinh doanh trực tuyến ở quốc gia này.
Minh Trí

Singapore soán ngôi á quân FDI vào Việt Nam

Hàn Quốc vẫn giữ vững ngôi đầu với 3,84 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, trong khi Singapore đã vượt qua Nhật Bản với 1,37 tỷ USD.


Số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho thấy từ đầu năm đến 20/8/2016, cả nước có 1.619 dự án mới có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký, với tổng vốn đăng ký 9,79 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,57 tỷ USD, ít hơn 16,3% so với cùng thời điểm 2015.
Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn bổ sung trong 8 tháng năm nay đạt gần 14,4 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện 8 tháng ước tính đạt 9,8 tỷ USD, tăng 8,9%.
singapore-soan-ngoi-a-quan-fdi-vao-viet-nam
Singapore vươn lên vị trí thứ 2 về đầu tư vốn FDI vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2016.
Trong số 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI cấp mới tại Việt Nam, Hàn Quốc vẫn đứng đầu với 3,8 tỷ USD là nhà đầu tư lớn nhất, chiếm 39,2% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Vượt qua Nhật Bản, Singapore chiếm vị trí thứ 2 với 1,37 tỷ USD (chiếm 14%), kế đến là Hong Kong (Trung Quốc) với số vốn cấp mới 818 triệu USD, chiếm 8,4%... Sau một thời gian dài giữ vị trí đầu, Nhật Bản đã tụt xuống vị trí thứ 6 trong số quốc gia có dự án FDI cấp mới vào Việt Nam, chỉ với 552 triệu USD.
19 lĩnh vực thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào Việt Nam trong 8 tháng, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành thu hút nhiều vốn nhất, với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 6,7 tỷ USD, chiếm 68,7% tổng vốn đăng ký cấp mới. Ngành bất động sản ở đứng thứ 2 với 859 triệu USD, chiếm 8,8%.
Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước, tổng vốn FDI mà các nhà đầu tư đã "đổ" vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt hơn 10,5 tỷ USD, chiếm 73,3% tổng vốn đăng ký. Ngành bất động sản đạt 836 triệu USD.
Nhà đầu tư nước ngoài đã đổ vốn vào 47 tỉnh, thành phố. Hải Phòng vẫn là địa phương thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nhất, với số vốn FDI đăng ký lên tới 1,86 tỷ USD, chiếm 19% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hà Nội 964 triệu USD, Bình Dương 898 triệu USD…. 

Giá vàng lao dốc

Đồng đôla tăng mạnh đẩy giá vàng quốc tế giảm mạnh xuống đáy hai tháng khi chốt phiên giao dịch Mỹ tối qua.


Chỉ số đồng bạc xanh tăng lên mức cao cùng với báo cáo cho thấy niềm tin tiêu dùng của người Mỹ trong tháng 8 tăng lên đã khiến giới đầu tư thêm kỳ vọng lãi suất sẽ chắc chắn tăng nên đẩy mạnh bán vàng ra, khiến giá lao dốc và xuống mức thấp nhất hai tháng qua.
gia-vang-lao-doc
Giá vàng trong nước sáng nay thấp hơn thế giới trên một triệu đồng. 
Theo đó, chốt ngày 30/8, mỗi ounce vàng đã rớt mạnh gần 13 USD so với mở cửa, xuống mức thấp 1.310 USD một ounce. Cùng lúc, giá vàng giao tháng 12 đóng cửa ngày quanh 1.319,6 USD, sụt giảm gần 7,5 USD.
Bước sang giờ giao dịch tại thị trường châu Á sáng nay, giá vẫn loay hoay quanh mốc giá 1.310 USD. Nếu căn cứ theo tỷ giá ngân hàng 22.335 đồng, mỗi lượng vàng giao ngay quy đổi hiện có giá khoảng 35,28 triệu đồng (chưa gồm các loại thuế, phí, gia công...). Trong khi đó, mức giá đầu ngày hôm nay của vàng miếng trong nước xoay quanh 36,36-36,43 triệu đồng, tức cao hơn giá thế giới 1,08 triệu đến 1,15 triệu đồng mỗi lượng.
Các nhà phân tích của RBC Capital Markets khẳng định lại quan điểm rằng, giá vàng sẽ tiếp tục suy yếu. Do đó, mức giá trung bình năm 2016 được dự báo chỉ quanh 1.258 USD một ounce và xuống 1.241 USD trong năm 2017.
Cùng với sự đi xuống của vàng, bạc cũng có phiên suy yếu khi chốt ngày 30/8 giảm 19,9 cent, xuống 18,66 USD một ounce.
Lệ Chi

Chuỗi salon tóc của chàng thanh niên cá biệt

Chịu án tù treo với quá khứ quậy phá ở Tây Nguyên nhưng với quyết tâm làm lại từ đầu, chàng trai sinh năm 1988 - Nguyễn Văn Thảo hiện sở hữu chuỗi salon tóc lớn trên cả nước.


Quê gốc Hà Tĩnh, theo gia đình vào Đăk Lăk làm kinh tế mới khi còn nhỏ, Nguyễn Văn Thảo đã sớm bỏ học từ lớp 5. Ngày phụ cha mẹ lên nương rẫy, lúc thì đi phát cỏ mướn, cạo mủ cao su, tối về Thảo lại tụ tập cùng đám trai làng nhậu nhẹt, đua xe, hậu quả là cậu phải nhận một án tù treo. Bị xóm giềng chê cười, nhưng điều làm Thảo day dứt nhất là cha mẹ mang tiếng với dòng họ. Chàng thanh niên nhận ra mình phải làm gì đó để báo đáp cho người thân.
Mùa hè năm 2007, với 80.000 đồng để đi xe, Thảo tằn tiện không dùng mà đi nhờ một tài xế tốt bụng chở hàng về TP HCM, với ước muốn tìm việc kiếm tiền giúp gia đình. Khi đó, Sài Gòn còn xa lạ với chàng trai nghèo. Thảo làm đủ nghề để mưu sinh và nhận ra mình không trình độ, cứ làm thuê như thế này làm sao có tương lai sáng sủa, nên phải kiếm một nghề gì đó. Trong suy nghĩ của chàng trai 20 tuổi lúc đó chợt nghĩ đến nghề cắt tóc.
chuoi-salon-toc-cua-chang-thanh-nien-ca-biet
Thảo hướng dẫn nhân viên làm tóc cho khách hàng. Ảnh: Q.Đ.
Thông qua một người quen, Thảo được nhận vào học nghề. Trong căn phòng ẩm thấp hơn 30m2 ở một con hẻm trung tâm Sài Gòn, với chỉ vài cái ghế, Thảo bắt đầu thực hiện ước mơ. “Vì không có tiền thuê nhà, tôi xin chủ ở lại trông nom tiệm, và ngủ trên cái ghế dài 1,2 m, đồng thời kiêm thêm nhiệm vụ trông giữ xe cho mấy cậu sinh viên trọ trên gác”, Thảo nhớ lại.
Có tư chất thông minh cộng với ý chí cao, sau 6 tháng, Thảo ra nghề, xin vào một tiệm tóc gần đó với mức lương 600.000 đồng một tháng. Vẫn miệt mài vừa làm vừa học, chàng trai trẻ được thầy giáo tận tình chỉ bảo nên không lâu tay nghề được nâng cao. Cũng trong thời gian đó, Thảo còn phải gồng mình nuôi người em xuống thành phố học, nên cứ từ 7h tối, Thảo lại ra khu phố Tây làm phục vụ đến 6h sáng. Một ngày, chàng trai chỉ ngủ được 3 tiếng, vì bắt đầu 9h sáng là lại phải ra tiệm.
Ngành tóc thế giới lúc ấy đang ở thời kỳ phát triển mạnh, nhưng tại Việt Nam thì vẫn giậm chân tại chỗ, điều ấy đã thôi thúc Thảo những kế hoạch lớn. Gom góp bạn bè được hơn 1.000 USD, Thảo quyết định qua Singapore học nghề vỏn vẹn trong một tuần. Nhớ lại khoảng thời gian ấy, anh vẫn thấy mình liều: “Tiền ăn còn chưa đủ, nhưng bản thân muốn có sự đột phá trong nghề nghiệp, nên phải đi. Qua đất nước họ, nhìn lại thấy mình như người trong rừng vậy, cái gì cũng tụt hậu”. Đó cũng là thời gian Thảo nghiên cứu một loại dây buộc rất độc đáo ở nước bạn, sau này đem về nước phát triển thành công nghề nối tóc nổi tiếng với tên gọi fiber glass. Một tuần học tuy ngắn nhưng được coi là rất quý giá. Trở về nước, Thảo tiến hành đăng ký quảng cáo trên mạng để bắt đầu ra làm riêng.
Sau những năm học nghề cắt tóc, tạo mẫu tóc, Thảo thấy không có gì tạo ra đột biến, và cũng ít ai làm giàu được tại Việt Nam bằng nghề này. Nhận thấy thị trường nối tóc còn nhiều tiềm năng, ít người làm, mà chi phí nối tóc lại quá cao, giá mỗi lần lúc đó khoảng từ 10 triệu đồng trở lên, trong khi với kỹ thuật của mình, Thảo chỉ lấy giá 5-6 triệu đồng. Hơn nữa, để trở thành một người tạo mẫu tóc đẹp phải mất 3-4 năm, tìm nhân sự rất khó, trong khi nối tóc chỉ cần đào tạo khoảng 15 ngày là biết làm. Thảo quyết tìm cho mình hướng đi riêng.
Năm 2012, bắt tay khởi nghiệp, Thảo bán chiếc xe máy được 5 triệu đồng, cùng với một ít vốn, thuê một gian phòng nhỏ trong con hẻm ở quận 3, mượn người bạn một chiếc ghế rồi bọc lại hết 150.000 đồng, thêm chiếc gương cũng hết 150.000 đồng. Lòng yêu nghề cùng sự nhiệt tình của chàng trai trẻ đã làm những khách hàng khó tính nhất cũng vừa lòng bởi dịch vụ bảo hành trọn gói khi nối tóc nơi này.
“Lúc đầu cũng có nhiều khách phàn nàn, vì mình áp dụng công nghệ cải biến từ sợi fiber glass bên Singapore nhưng vẫn không tránh khỏi những sai sót. Có lúc nối tóc phải vuốt mãi, khách họ bực. Vậy là tôi tập trung suy nghĩ và sáng tạo ra cách nối tóc như bây giờ. Nối tóc chì thì quá nặng, keo thì quá đau, cách của tôi giúp nếu cần tháo rất dễ, chỉ cắt chỉ là tháo ngay", Thảo nhớ lại.
Tiếng lành đồn xa, khách ngày càng đông, nhưng vì đặt tiệm trong hẻm nhỏ, xe hơi không vào được, cộng thêm đó là vấn đề nhân sự. Thảo tìm đến các trung tâm, nhận dạy miễn phí, bao ăn bao ở, nhưng hầu như không ai quan tâm. Bí quá, lúc đó Thảo mới điện về quê tìm một số bạn cũ đang không có việc, vừa dạy vừa cho tiền…, dần dần nhân sự đã được ổn định, và sau này hầu hết đều là nhân sự chủ chốt của công ty.
Sáu tháng kể từ lúc mở tiệm đã mang đến kết quả kinh doanh rất khả quan, cộng với việc nhìn thấy thị trường bán hàng qua mạng rất tiềm năng, Thảo quyết định tự nghiên cứu làm marketing, lên kế hoạch và chiến lược quảng cáo phủ một số trang mạng lúc bấy giờ.
Có một khoản tiền trong tay, tháng 9/2012, Thảo tiến thêm một bước đi táo bạo khi quyết định mở một salon ngay mặt tiền đường lớn ở quận 1. "Chỉ riêng tiền thuê mặt bằng lúc đó đã rất lớn. Ai cũng bảo tôi bị khùng, nhưng kết quả doanh thu cuối năm khiến ngay cả tôi cũng không tưởng”, Thảo chia sẻ.
Không dừng lại, tháng 8/2013, Thảo dồn sức tiến quân ra Bắc bằng việc mở một salon tóc đẹp bậc nhất tại Hà Nội. Thảo cho biết, đây là thị trường khó tính, "cứ 100 doanh nghiệp ra Hà Nội đầu tư thì có hơn 90 doanh nghiệp bị phá sản".
"Nhưng kết quả là kinh doanh một năm tại Hà Nội bằng 5 năm ở Sài Gòn, đó là giá trị tôi học được từ thị trường ngoài đó, trong đó có cả việc rèn sự kiên trì. Tôi đưa ra ngoài đó 45 nhân viên, sau một thời gian 25 người đòi nghỉ vì nhiều nơi trả lương cao gấp nhiều lần. Khó khăn đó đã trở thành bài học cho tôi khi mở thêm một chi nhánh khác ở Sài Gòn năm 2014 và cần Thơ năm 2015", Thảo nói.
Có một điều khá đặc biệt ở chàng trai học ít này là rất ham đọc và nghiên cứu sách. Thảo tự nhận người thầy vĩ đại của mình chính là những cuốn sách, từ lịch sử, địa lý, đến chính trị…, đặc biệt là sách dạy kỹ năng làm giàu, quản lý,.
"Có hai từ mà tôi thường nói ra, đó là: 'thép đã tôi thế đấy và hoài bão'. Có nhiều hoài bão thì mới có thành công, thành công phải tạo ra giá trị nữa. Vì mình không được học hành đến nơi đến chốn, nên mình phải tạo ra giá trị cho xã hội", Thảo chia sẻ. Chính từ hoài bão đó, nên đầu năm 2016, Thảo đã thực hiện được giấc mơ của mình là mở hai viện tóc lớn ở TP HCM và Hà Nội. Mục đích của viện tóc là tạo ra cơ hội cho người nghèo khi sẵn sàng hỗ trợ từ kinh phí học tập cho đến khi ra nghề, rồi nhận vào làm luôn.
Sau mười năm xuống Sài Gòn lập nghiệp, Nguyễn Văn Thảo hiện nắm trong tay hệ thống 5 chi nhánh salon tóc lớn khắp cả nước và 2 viện tóc có tiếng.
Mai Hoa

Park View - Căn hộ có tầm nhìn hướng công viên ven sông Sài Gòn

Tầm nhìn xanh mát và các lợi ích đáng kể cho sức khỏe mà không gian công viên mang lại khiến căn hộ hướng công viên thu hút sự quan tâm của khách hàng.

Ở Việt Nam, căn hộ hướng công viên tại các khu đô thị lớn như Vinhomes Central Park, Vinhomes Golden River, Ecopark, Phú Mỹ Hưng… có mức giá cao hơn so với dự án cùng phân khúc cao cấp khác, song vẫn thu hút sự quan tâm của không ít người có tiền.
Theo chủ đầu tư Vinhomes, bên cạnh các khách hàng độc thân thu nhập cao có nhu cầu tận hưởng cuộc sống thư thái giữa lòng đô thị và giới đầu tư, nhiều gia đình cũng là nhóm khách hàng thường xuyên của bất động sản gần công viên hoặc có tầm nhìn công viên do những tác động tích cực của không gian sống xanh đến trẻ nhỏ.
"Mặc dù có giá cao hơn mặt bằng chung trên thị trường, nhưng các căn hộ có tầm nhìn công viên hay được phát triển theo mô hình “công viên trong vườn nhà” như Park View đều tiêu thụ tốt sau thời gian ngắn mở bán", đại diện chủ đầu tư cho hay.
polyad
Park View - căn hộ có tầm nhìn hướng công viên ven sông lớn nhất Sài Gòn.
Được mệnh danh là tòa nhà “xanh nhất thiên đường xanh” thuộc khu đô thị Vinhomes Central Park (Tân Cảng) - Park View cao 42 tầng, mỗi tầng có 13 căn hộ, loại 2-4 phòng ngủ, tất cả đều thiết kế khe sáng và mặt thoáng giúp đón gió, ánh sáng tự nhiên. 100% căn hộ Park View cũng được lắp kính Low-E cản nhiệt, trang bị công nghệ lọc nước tiêu chuẩn châu Âu.
Điểm nhấn ấn tượng của Park View chính là tầm nhìn khoáng đạt, hướng trực diện ra sông Sài Gòn và công viên ven sông Vinhomes Central Park 14ha - lớn nhất thành phố. Cư dân Park View được hưởng thụ hơn 40 hạng mục tiện ích của công viên như khu vui chơi trẻ em, hệ thống sân thể thao như tennis, bóng rổ, sân tập golf, khu vườn tiệc nướng, chuỗi nhà hàng ẩm thực, quảng trường trung tâm công viên….
Park View cũng nằm ngay giữa hai phân vùng tiện ích nội khu rộng lớn với hai hồ bơi, vườn sinh thái, có mật độ cây xanh cao bậc nhất dự án.
Thực tế, không chỉ ở Việt Nam là trước đó tại các thành phố lớn trên thế giới, căn hộ có tầm nhìn công viên có thể được bán với giá từ hàng chục đến hàng trăm triệu USD, đơn cử như căn hộ hướng cửa nhìn ra công viên Central Park của thành phố New York.
Thực tế, từ năm 1855, ngay khi chính quyền New York phê duyệt việc sử dụng 3,41km2 đất khu Manhattan để xây dựng công viên công cộng, mảnh đất trước đây vốn là đất đá và các khu phố lụp xụp bỗng chốc trở thành một trong những khu đất vàng.
polyad
Đất lân cận Central Park New York là một trong những khu đất vàng đắt giá nhất - không của chỉ riêng nước Mỹ mà trên toàn thế giới.
Với vốn đầu tư 7,4 triệu USD, công viên Central Park “có giá” cao hơn cả bang Alaska khi nước Mỹ mua lại bang này vào năm 1867 với khoản tiền 7,2 triệu USD. Và số tiền chính quyền New York đã bỏ ra xây công viên không là gì so với “lợi nhuận” khổng lồ mà lá phổi xanh mang lại.
Trong một phân tích của The New York Times, Central Park biến New York thành một điểm đến hấp dẫn hơn với gần 40 triệu lượt khách dạo chơi tại công viên mỗi năm, tăng sự tín nhiệm của người dân với chính quyền thành phố, chưa kể những tác động vô giá đến môi trường sống, sức khỏe của gần 10 triệu dân New York. Trong khi đó, thống kê của tờThe Wall Street Journal, căn hộ gần công viên tại đây có giá cao hơn 22-50% so với khu vực khác sau khi dự án này vận hành.
Dẫn nguồn từ trang Standard của Anh, thì không riêng New York, công viên là yếu tố “vàng” đẩy giá bất động sản là câu chuyện chung ghi nhận tại các thành phố lớn. Nếu tại Singapore, các căn hộ gần công viên được xếp hạng 5 sao với giá thuê hoặc bán rất cao, thì tại London (Anh), căn hộ tầm nhìn công viên cũng gia tăng 45% giá trị.
Thanh Thư

5 bài học từ người có 67 tỷ USD khi 86 tuổi

Warren Buffett nổi tiếng với lối sống tằn tiện, nhưng không hề keo kiệt và luôn đấu tranh để thế giới trở nên tốt đẹp hơn.ư

Nhà thông thái vùng Omaha - Warren Buffett vừa kỷ niệm sinh nhật thứ 86 vào ngày 30/8. Ông lãnh đạo công ty đầu tư Berkshire Hathaway, có 67,3 tỷ USD và là người giàu thứ 3 thế giới, theo Forbes. Nhưng Buffett lại thích uống Cherry Coke, sống trong căn nhà đã mua từ năm 1958 và tổ chức đám cưới lần 2 bằng bữa tiệc tại một nhà hàng bình dân.
Ông luôn sống theo các quy tắc của cá nhân mình và trí tuệ của một bậc lãnh đạo. Entrepreneur cho rằng dưới đây là 5 bài học ai cũng có thể rút ra từ cuộc đời Buffett.
1. Đầu tư theo giá trị
5-bai-hoc-tu-nguoi-co-67-ty-usd-khi-86-tuoi
Warren Buffett nổi tiếng với lối sống tiết kiệm. Ảnh: AFP
Buffett là một nhà đầu tư giàu kinh nghiệm. Ông chỉ mua cổ phiếu bị thị trường định giá thấp và có giá trị nội tại cao, sau đó chờ đến lúc thị trường nhận ra điều đó. Phương pháp này mất nhiều năm mới cho thành quả. Tuy nhiên, phương châm thành công của ông là đầu tư vào cái chắc chắn hơn là ăn quả lớn trong ngày.
Kết quả là giai đoạn 1964 - 2005, Berkshire Hathaway thu lời đến 22% mỗi năm. Một số khoản đầu tư thành công của ông là Coca Cola, Geico và Gilette. Ông cũng là người nhìn thấy tương lai của Trung Quốc từ rất sớm, và đầu tư vào hãng dầu khí PetroChina năm 2002. Vài năm sau, số cổ phiếu này mang về cho Berkshire Hathaway 3,6 tỷ USD.
Buffett cũng không mấy khi đầu tư vào cổ phiếu công nghệ, trừ vài tỷ USD rót vào IBM và Verizon. Tuy nhiên, gần đây, ông lại mua tới 1 tỷ USD cổ phiếu Apple.
Nhiều người cho rằng chiến lược của ông đã thay đổi. Tuy nhiên, giới phân tích cho biết chẳng qua đây là tuyên bố của Buffett rằng Apple đã chuyển từ loại "cổ phiếu tăng trưởng" sang "cổ phiếu giá trị" mà thôi. Và điều này hoàn toàn khớp với chiến lược đầu tư của Buffett.
2. Chiến đấu cho những gì mình tin tưởng
Buffett từ lâu đã ủng hộ tăng thuế với người giàu. Ông từng cho biết trênNew York Times: "Tôi và các bạn bè của mình đã được chiều chuộng quá lâu bởi một Quốc hội thân tỷ phú. Đã đến lúc Chính phủ nghiêm túc về việc chia sẻ sự hy sinh rồi. Trong khi phần lớn người Mỹ vẫn phải chật vật sống, người siêu giàu chúng tôi lại được hưởng lợi thuế quá nhiều".
3. Học hỏi từ sai lầm của bản thân
Khoản đầu tư đầu tiên của Buffett là năm 11 tuổi. Khi đó, ông mua 3 cổ phiếu với giá 38 USD một cổ phiếu. Khi giá lên 40 USD, ông bán đi và kiếm khoản lời nhỏ. Tuy nhiên, cổ phiếu này sau đó lại lên gần 200 USD. Và Buffett bắt đầu hối tiếc vì đã bán quá sớm. Ông cho biết đây là kinh nghiệm đầu đời về sự kiên nhẫn khi đầu tư.
Lần khác, ông mua Trung tâm thương mại Hochschild Kohn với giá rẻ, và 3 năm sau bán đi với đúng giá đó. Đây là một ví dụ của "sự lãng phí khi mua với giá hời", ông cho biết, "Thà mua một công ty tuyệt vời với giá vừa phải, còn hơn mua công ty vừa phải với giá tuyệt vời".
4. Khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn
Buffett nổi tiếng với cuộc sống tằn tiện, nhưng ông không keo kiệt. Ông đã đóng góp cả tiền bạc và công sức hỗ trợ người trẻ trên toàn thế giới, cải thiện giáo dục, giúp đỡ người vô gia cư và cả vật nuôi nữa.
Năm 2010, Buffett cùng vợ chồng Bill Gates sáng lập Cam kết Cho đi. Họ đã thuyết phục được 137 người giàu cam kết cho đi phần lớn tài sản làm từ thiện. Bản thân Buffett cũng đóng góp vào Quỹ Bill & Melinda Gates.
5. Luôn thành thực
Năm 2012, tỷ phú được chẩn đoán mắc ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn 1. Ông đã công khai tin này trong thư gửi cổ đông tháng 4 năm đó, bất chấp việc nó có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu công ty.
"Tin tốt là bác sĩ nói tình hình của tôi không đe dọa tính mạng hay làm cơ thể yếu đi. Tôi đã nhận được kết quả chẩn đoán hôm thứ Tư, đã chụp CT và xương hôm thứ Năm. Còn hôm nay chụp MRI. Chúng đều cho thấy không phát hiện tế bào ung thư ở chỗ nào khác nữa", ông viết.
Ông cũng thông báo bắt đầu trị liệu từ tháng 7. Và đến tháng 9, ông chia sẻ tin vui rằng hôm đó là ngày cuối phải xạ trị.
Từ đó, sức khỏe của ông đã ổn định hơn. Nhưng Buffett vẫn chỉ định con trai cả - Howard là người sẽ kế nhiệm ông trong tương lai, với vai trò Chủ tịch không điều hành của Berkshire Hathaway.
Hà Thu (theo Entrepreneur)

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Nhiều nhà tiếp thị Mỹ lơ là quảng bá qua tin nhắn

Kênh tiếp thị bằng tin nhắn chưa được các nhà bán lẻ trực tuyến chú trọng khai thác.

Theo khảo sát của hãng cung cấp công nghệ di động OpenMarket phối hợp với tờ Internet Retailer thực hiện khảo sát 100 nhà bán lẻ trực tuyến Mỹ vào tháng 5 và tháng 6 vừa qua, chỉ có 29% nhà bán lẻ sử dụng tin nhắn SMS hoặc dịch vụ nhắn tin ngắn, tin nhắn văn bản để giao tiếp với người tiêu dùng.
Email là phương pháp phổ biến nhất mà các doanh nghiệp sử dụng tiếp cận khách hàng với 97% nhà bán lẻ đồng ý. Truyền thông xã hội là kênh phổ biến thứ hai với tỷ lệ 82%. Tiếp đến là 66% dùng cuộc gọi điện thoại, 32% thông qua ứng dụng di động. Các ứng dụng chat như WhatsApp, Facebook Messenger hay WeChat chiếm khoảng 25%... 
nhieu-nha-tiep-thi-my-lo-la-quang-ba-qua-tin-nhan
Trong số các nhà bán lẻ sử dụng kênh SMS, 69% nói rằng họ thực hiện các chương trình tin nhắn văn bản để tạo sự khác biệt về thương hiệu, 34,5% dùng cho dịch vụ khách hàng và 27,6% sử dụng nó gửi tin nhắn tiếp thị và quảng cáo. Trong khi đó 31% cho biết họ gửi tin nhắn cho cả dịch vụ khách hàng và quảng cáo, 6,9% thực hiện cho các lý do khác.
Phần lớn những nhà bán lẻ quảng bá bằng văn bản (44,8%) thực hiện đánh giá thành công của phương thức này thông qua khảo sát kinh nghiệm khách hàng. 34,5% xem xét qua tăng trưởng doanh thu. Còn 20,7% không biết đo lường kết quả và 6,9% dùng những phương thức khác.

Đối với các doanh nghiệp không dùng SMS, 52,1% trả lời rằng họ đang nghiên cứu cách thức áp dụng nhưng hiện đây chưa phải là ưu tiên hàng đầu và 15,5% sẽ sớm triển khai. 19,7% không có nhu cầu và 16,9% chưa hiểu lợi ích kinh doanh phương thức này mang lại. 62% nhà bán lẻ thử nghiệm để thúc đẩy doanh thu hoặc cải thiện trải nghiệm của người dùng.
Minh Trí