Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Chứng chỉ VietGAP ở Việt Nam mua bán như mớ rau ngoài chợ

Chẳng nơi nào như Việt Nam khi chứng chỉ về quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) lại được mua bán công khai trên Facebook hay chào bán dễ dàng như mớ rau ngoài chợ.

Chứng chỉ VietGAP ở Việt Nam mua bán như mớ rau ngoài chợ
Đây là thực tế đau lòng khiến chính người tiêu dùng, thậm chí ngay cả chủ doanh nghiệp cũng cảm thấy mất lòng tin vào thực phẩm sạch ở Việt Nam.
Tại Diễn đàn "Đón sóng thực phẩm sạch" diễn ra mới đây, ca sĩ Mỹ Linh, đại diện người tiêu dùng cho biết, thời gian vừa qua, cô thấy trên Facebook rao bán khống giấy kiểm định của VietGAP (Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt tại Việt Nam). Điều này khiến giọng ca "tóc ngắn" không thể tin tưởng vào tiêu chuẩn rau sạch.
Hoang mang trước ngưỡng thực phẩm sạch và bẩn, ca sĩ Mỹ Linh cho biết mua rau, thực phẩm hoàn toàn bằng niềm tin. Thế nhưng, nếu có chuyện gì xảy ra, thì người tiêu dùng sẽ bắt đền ai?
Câu hỏi chưa có lời đáp của ca sĩ Mỹ Linh cũng là nỗi niềm của ông Lê Tư, Giám đốc Công ty Hồng Thanh Việt, một doanh nghiệp cung cấp thực phẩm sạch tại thành phố Vũng Tàu. Câu chuyện của ông Lê Tư khiến không ít người giật mình.
Có lần ông Tư lên Đà Lạt tìm nhà cung cấp thực phẩm sạch, ngỏ ý chỉ muốn tìm nguồn hàng trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Thế nhưng, ông lại nhận được lời đề nghị rất cởi mở: “Anh cần chứng nhận VietGap cho sản phẩm nào, bao nhiêu, tôi lo cho”.
Ông Tư bày tỏ sự chua chát khi đến giấy chứng nhận VietGAP cũng mua bán được dễ dàng như vậy thì người dân, người tiêu dùng còn biết tin vào đâu.
Theo chủ doanh nghiệp này, xã hội, người dân đang mất niềm tin nên đã đánh đồng và khi doanh nghiệp bán thực phẩm sạch thì không mua, nhưng lại chấp nhận ra chợ mua thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Chỉ ra thực tế tại Việt Nam, ông Vũ Vinh Phú, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, chưa có sự phân biệt rạch ròi giữa doanh nghiệp làm ăn chân chính và không chân chính.
Bên cạnh đó, con người Việt Nam tùy tiện từ trong sản xuất đến phân phối. Tại sao thực phẩm sạch không ra được thị trường và cũng chẳng xuất nổi ra nước ngoài là vì chi phí sản xuất sạch cao. Đối tượng mua 1 kg xà lách với giá mấy trăm nghìn không nhiều nên người nghèo chấp nhận ăn bẩn. Họ đành chấp nhận ung thư sau 10 năm.
Theo tiến sĩ Hoàng Đình Chân - Giám đốc Bệnh viện ung bướu Hưng Việt, theo số liệu thống kê "biết nói" của Cục Bảo vệ thực vật, tại Việt Nam, có tới 2.000/11.000 cơ sở sản xuất và buôn bán thuốc kém chất lượng; hơn 2.500/11.000 cơ sở sản xuất và buôn bán vi phạm quy trình chuẩn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
“Những con số này hết sức báo động nếu chúng ta không quan tâm tới thực phẩm sạch.Cái chết đang rình rập trên từng mâm cơm gia đình, thậm chí ngay trong từng bữa ăn của trẻ nhỏ”, Tiến sĩ Chân cho hay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét