Những lợi ích khi sở hữu nhà máy đường ở Lào của bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) là có thể nhìn thấy được với tập đoàn Thành Thành Công (TTC) của Chủ tịch Đặng Văn Thành.
Vừa qua, tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn dẫn nguồn tin riêng cho biết Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) muốn bán nhà máy đường của mình tại Lào cho Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) và hai bên đang có những buổi làm việc để bàn việc này.
Hiện TTC chưa có bình luận gì về thông tin này nhưng nguồn tin của Thời báo kinh tế Sài Gòn cho rằng hiện có hai phương án, đó là là HAGL bán lại một phần, hoặc bán toàn bộ nhà máy đường tại Lào cho TTC.
Cũng theo nguồn tin giấu tên trong ngành mía đường này, có thể trong tháng 9 tới đây, mọi thông tin sẽ được các bên liên quan công bố rộng rãi cho các cổ đông và công chúng.
Dễ dàng nhận thấy được lợi ích trước tiên của TTC khi mua nhà máy đường Lào của bầu Đức là việc đường từ nhà máy này nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi theo quy định của Hiệp định Thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào ngày 27/6/2015.
Cụ thể, phía Việt Nam sẽ dành cho phía Lào ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu 0% cho một số loại hàng hóa có xuất xứ từ Lào và mặt hàng đường mía được hưởng ưu đãi này. Trong thực tế, một phần đường sản xuất tại Lào của HAGL đang được đưa về nước tiêu thụ, năm 2015 là 50.000 tấn. Năm nay, Bộ Công Thương cho phép nhập 30.000 tấn đường sản xuất ở Lào về Việt Nam tiêu thụ và qua năm 2017, con số này vẫn duy trì ở mức 30.000 tấn.
Còn nhớ vào năm 2013 khi bầu Đức công bố bán 30.000 tấn đường thô cho Công ty cổ phần Đường Biên Hòa với mục đích tinh luyện để xuất theo đuồng tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc, ngay lập tức thông tin này đã bị phản ứng dữ dội từ Hiệp hội mía đường Việt Nam. Tuy nhiên, một khi Thành Thành Công mua lại nhà máy đường của HAGL thì tất cả sẽ thành người một nhà nên các doanh nghiệp trong hiệp hội đường cũng khó mà phản ứng.
Sự tác động của nguồn đường Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào lớn đến nỗi trong một văn bản kiến nghị gởi Bộ Tài chính hồi tháng 6, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSC) cho rằng đây là sự ưu đãi quá mức so với sản xuất trong nước đối với mặt hàng đường, góp phần gây nên khó khăn cho sản xuất trong nước trong khi điều kiện sản xuất trong nước không được lợi thế như sản xuất tại Lào. Đó là chưa kể nếu không có sự kiểm soát nguồn gốc xuất xứ chặt chẽ thì mức độ tác động càng lớn hơn.
Một lợi ích nữa của TTC khi mua nhà máy đường của bầu Đức là gíup ngành kinh doanh mía đường của tập đoàn này tăng sức cạnh tranh với các đối thủ trong và ngoài nước. Qua đó gia tăng thị phần 30% ngành đường nội địa mà TTC đang nắm giữ.
Chia sẻ trong bài viết số tháng 3/2016 trên tạp chí Forbes Việt Nam, chủ tịch Đặng Văn Thành nói về định hướng phát triển giai đoạn 2016 - 2020 là đưa Thành Thành Công hội nhập ngành đường thế giới, có tiếng nói trong khu vực, sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng khi các Hiệp định tự do thương mại AFTA, TPP có hiệu lực.
"Chúng tôi tiến hành cải cách, sắp xếp, tổ chức lại ngành đường. Đó là 3 mắt xích vùng nguyên liệu - phương thức - sản xuất - thị trường", ông Đặng Văn Thành cho biết trên Forbes Việt Nam.
Được biết trong tháng 5 và 6/2016, hai công ty thành viên của TTC là Thành Thành Công Tây Ninh ( SBT ) và đường Biên Hòa ( BHS ) đã phát hành tổng cộng 1.500 tỷ đồng trái phiếu cho 3 ngân hàng là TP Bank, VIB và OCB.
Mục tiêu của việc phát hành trái phiếu theo các lãnh đạo của SBT và BHS là nhằm có thêm nguồn vốn để tiếp tục phát triển bền vững với định hướng mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu hoạt động trong ngành mía đường tại Việt Nam, đủ năng lực cạnh tranh với các đối thủ khác trong khu vực sau khi hội nhập tiếp tục duy trì thế chủ động trong ngành đường Việt Nam...
“Đường của Thái Lan chở tới biên giới nước ta chỉ 8.000 đồng/kg nhưng đường của Việt Nam từ nhà máy ra đã lên tới 12.400 đồng/kg. 1 tấn mía ở Thái Lan chỉ có 30 USD, của Hoàng Anh Gia Lai ở Lào chỉ từ 25 - 30 USD/tấn nhưng ở Việt Nam từ 45 - 55 USD/tấn”, GS.TS Võ Tòng Xuân - một chuyên gia nông nghiệp nhiều kinh nghiệm đã từng mạnh dạn chia sẻ quan điểm về thực trạng của ngành mía đường Việt Nam như trên.
Trong một bài viết đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương hồi năm 2015, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú từng chỉ ra rằng sức cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam đang có vấn đề xuất phát từ việc năng suất và chất lượng mía của Việt Nam rất thấp, kỹ thuật canh tác lạc hậu, giá thành cao, hệ thống phân phối yếu, liên kết giữa các doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với nông dân còn lỏng lẻo…
Theo các nghiên cứu, Việt Nam hiện đứng trong nhóm 10 nước có diện tích trồng mía lớn nhất thế giới, nhưng trong nhóm 10 nước đó, năng suất mía của Việt Nam (64,7 tấn/ha) chỉ cao hơn năng suất của Pakistan và Indonesia. Còn lại, năng suất mía nước ta đang thấp hơn nhiều so với nhiều nước khác như Mỹ (75,41 tấn/ha), Brazil (74,3 tấn/ha), Thái Lan (74,23 tấn/ha).
Thực tế cho thấy, giá mía nguyên liệu sản xuất đường của Việt Nam từ 45 – 50 USD/tấn, các nước chỉ khoảng 30 USD/tấn. Trong khi tỷ lệ chi phí mía chiếm 75 – 80% trong giá thành đường.
Kết quả, giá đường nước trong nước thường ở mức 12.000 – 13.000 đồng/kg, trong khi giá đường nhập khẩu từ các nước chỉ dao động ở mức từ 9.000 – 10.000 đồng/kg. Đây chính là nguyên nhân đường trong nước không cạnh tranh được với đường thế giới, mặc dầu trình độ công nghệ không chênh lệch đáng kể.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét