Theo thống kê của Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm nay, giá cao su tiếp tục giảm thấp. Điều này ảnh hưởng lớn đến nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cao su, trong đó đặc biệt là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).
Nhiều nơi, các hộ nông dân đã thanh lý vườn cao su chuyển sang trồng loại cây khác
Cụ thể, thống kê mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, giá cao sucủa Việt Nam xuất khẩu tháng 7/2016 giảm 3,25% so với tháng trước, giảm 8,82% so với tháng 7/2015. Tính chung 7 tháng đầu năm 2016, giá cao su xuất khẩu giảm 14,11% so với cùng kỳ năm 2015 (đạt trung bình 1.364 USD/tấn).
So với tháng trước, giá mủ cao su tự nhiên sơ chế tăng 8,37%, nhưng tấm cao su xông khối lại giảm 4,75%, cao su tự nhiên đã định chuẩn về kỹ thuật (TSNR) giảm 3,95% và cao su loại khác giảm 0,59%.
So với tháng 7/2015, tất cả các chủng loại cao su đều giảm, nhiều nhất là tấm cao su xông khối với 15,86%, tiếp đến là cao su loại khác giảm 8,90%, cao su tự nhiên đã định chuẩn về kỹ thuật (TSNR) giảm 8,56% và mủ cao su tự nhiên sơ chế giảm 4,25%.
So với cùng kỳ năm 2015, giá tất cả các chủng loại cao su xuất khẩu đều giảm, mủ cao su tự nhiên sơ chế giảm 15,22%; tấm cao su xông khối giảm 17,59%; cao su tự nhiên đã định chuẩn về kỹ thuật (TSNR) giảm 13,70%; cao su loại khác giảm 19,01%.
Cũng theo Bộ Công Thương, ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 7/2016 đạt 120 nghìn tấn với giá trị đạt 153 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 7 tháng đầu năm 2016 đạt 564 nghìn tấn với 705 triệu USD, tăng 8,8% về khối lượng nhưng lại giảm 7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là 2 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016, chiếm 62,6% thị phần. Sáu tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc bằng năm trước; sang thị trường Ấn Độ giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2015. Nếu So với tháng tháng trước, giá cao su xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 4,14%, sang thị trường Ấn Độ giảm 0,83%. Còn so với tháng 7/2015, giá cao su xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 8,43%, sang Ấn Độ giảm 12,73%.
Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm 2015, giá xuất khẩu sang các thị trường đều giảm trên 13%, sang thị trường Trung Quốc giảm 13,64%, sang thị trường Ấn Độ giảm 16,89%.
Với mức giá như hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cao su tiếp tục khó khăn, đặc biệt là những doanh nghiệp có diện tích trồng cao su lớn như Hoàng Anh Gia Lai. Tập đoàn này đã công bố lỗ hơn 1000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay.
Sàn giao dịch cao su chuẩn bị đi vào hoạt động
Được biết, hiện nay VRG và Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX) cùng đối tác Straits Financial (Singapore) đang xúc tiến thành lập Sàn cao su theo phương thức đấu giá. Dự kiến, trong năm 2016 Sàn cao su đi vào hoạt động.
Sàn giao dịch cao su tổ chức theo 2 phương thức: đấu giá và thỏa thuận. Đối tượng tham gia giao dịch trên sàn bao gồm nhà sản xuất, đơn vị nhập khẩu, đơn vị xuất khẩu, người tiêu dùng, định chế tài chính đầu tư hàng hóa, nông dân…
Thành viên giao dịch là các doanh nghiệp có kinh doanh mặt hàng cao su, đáp ứng đầy đủ các điều kiện trở thành thành viên giao dịch theo quy định của VNX và được VNX công nhận làm thành viên giao dịch. Số lượng thành viên bị giới hạn theo quy định của VNX trong từng thời kỳ. Để trở thành thành viên VNX, doanh nghiệp phải được thành lập và hoạt động kinh doanh cao su tối thiểu 2 năm tính đến ngày đăng ký, có vốn điều lệ tối thiểu 5 tỷ đồng và cam kết thực hiện đầy đủ các quy chế, quy định, thanh toán phí, lệ phí theo quy định bởi VNX.
Điều hành hoạt động của Sàn giao dịch cao su sẽ do Hội đồng quản lý sàn giao dịch gồm 6 thành viên thuộc VNX, VRG và Straits Financial. Trong giai đoạn đầu, hai sản phẩm được đưa lên sàn giao dịch là SVR 3L và RSS. Mỗi loại sản phẩm sẽ được đặc tả hợp đồng cụ thể. Khi đi vào hoạt động, Sàn cao su sẽ có 2 phiên giao dịch mỗi ngày.
Nhiều nơi dân thanh lý vườn cao su
Giá cao su diễn biến giảm trong trung tuần cuối tháng 7/2016, mặc dù trước đó có lúc bật tăng. Các đồn điền cao su đang vào thời điểm thu hoạch chính vụ song giá mủ không có chuyển biến tốt, tiền bán mủ không đủ bù đắp chi phí khai thác, chăm sóc nên người dân ở nhiều vùng trồng cao su tiếp tục thanh lý vườn cao su để chuyển sang trồng các loại cây khác.
Giá cao su thành phẩm tại Bình Phước, Bình Dương và Tây Ninh cụ thể như sau: cao su SVR3L tăng 31.400 đ/kg (1/7) lên 31.900đ/kg (6/7), sau đó liên tục giảm, hiện chỉ còn 30.800đ/kg (20/7); cao su SVR10 giảm từ 29.100 đ/kg xuống còn 26.300 đ/kg. Trong khi đó, mủ cao su dạng nước tại Bình Phước tăng nhẹ từ 6.720 đ/kg lên 7.680 đ/kg đối với mủ tạp 32 độ.
Hà Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét