Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư: Khó nhất là cử các Thứ trưởng đi họp

Khối lượng công việc, các cuộc họp của bộ, ngành liên quan tới ngành kế hoạch, đầu tư quá nhiều, khiến ngay việc phân công người đi họp cũng khó khăn.


Chia sẻ này được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu lên tại cuộc họp với Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, sáng 25/8.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trong tổng số 241 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao, cơ quan này đã hoàn thành đúng hạn 16 nhiệm vụ; hoàn thành quá hạn 58 nhiệm vụ. Số nhiệm vụ chưa thực hiện là 167, trong đó nhiệm vụ trong hạn là 152 và 15 nhiệm vụ quá hạn (ít nhất một ngày và nhiều nhất lên tới 85 ngày).
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá, nhiệm vụ Thủ tướng giao cho các bộ, ngành, trong đó có Bộ Kế hoạch & Đầu tư rất nhiều. Bộ đã hoàn thành nhiều nhưng chủ yếu trong thời gian quá hạn. Ông yêu cầu lãnh đạo bộ cần có giải pháp chủ động rà soát lại quy trình làm việc, tránh sự chậm trễ.
bo-truong-ke-hoach-dau-tu-kho-nhat-la-cu-cac-thu-truong-di-hop
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư "hứa" chấn chỉnh tác phong làm việc của cán bộ ngành kế hoạch đầu tư, không để tình trạng "ôm bóng trong chân" tái diễn.
Báo cáo trước đoàn Tổ công tác của Chính phủ, bản thân Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng tỏ rõ sự sốt ruột. “Nhiệm vụ Thủ tướng, Chính phủ giao Bộ hoàn thành chậm, bản thân tôi cũng rất sốt ruột. Chủ yếu là cách làm việc chưa khoa học, phối hợp công việc chưa tốt nên có nhiều vấn đề bị ách lại”, ông thẳng thắn nói.
Thừa nhận tồn tại sự chậm trễ trong triển khai nhiệm vụ của Thủ tướng, Chính phủ giao, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư là bộ đa ngành, tổng hợp, nên nhiệm vụ gì cũng liên quan, tần suất được mời tham dự các cuộc họp cũng khá lớn. Trung bình mỗi tuần Bộ nhận 30 giấy mời họp, có tuần nhận tới 40 giấy mời. "Cầm tập giấy mời trong tay nhiều lúc không biết phân công anh em đi như thế nào cho phù hợp", ông nói. 
Nhắc lại ý kiến của nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, “khó nhất là cử các đồng chí Thứ trưởng đi họp, chứ không phải chuyên môn”, ông thừa nhận: “Khi làm Bộ trưởng rồi tôi mới thấm thía, phân công đồng chí Thứ trưởng nào đi cuộc họp nào, lĩnh vực nào, vấn đề nào phù hợp khá khó khăn... Nói vậy để thấy công việc của một bộ đa ngành như Bộ Kế hoạch & Đầu tư rất nhiều”.
Người đứng đầu ngành kế hoạch cho hay, hàng tuần văn phòng Bộ có rà soát, đôn đốc nhưng có những đơn vị tích cực, có đơn vị lại chưa đạt yêu cầu, có tư tưởng “ôm bóng trong chân”.
“Tôi đã yêu cầu các Cục, vụ... không được 'giữ bóng trong chân', không được đùn đẩy, cái gì thuộc trách nhiệm của mình phải khẩn trương giải quyết. Chúng ta làm thêm ngoài giờ một chút, làm thứ Bảy, Chủ nhật, và nhanh ban hành một văn bản, nhanh có ý kiến thì cả hệ thống chạy theo, làm lợi cho người dân, doanh nghiệp rất nhiều”, ông Dũng nói.
Lắng nghe tâm tư của lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị, Bộ cần sự chuyển động mạnh mẽ về tư tưởng, thay vì cơ chế xin cho phải quyết liệt phân cấp. Phân cấp tốt với cơ chế giám sát tốt, chắc chắn sẽ huy động được nguồn lực, rào cản giấy phép con sẽ bỏ được...
Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo trên nền tảng thượng tôn pháp luật, lấy mục tiêu người dân, doanh nghiệp thay vì quản lý hành chính cứng nhắc, vì thế lấy thước đo hiệu quả để thấy được sự chuyển động là chuẩn xác nhất.
“Nhiệm vụ rất nhiều nhưng vì thực tế nên cần phải yêu cầu đẩy nhanh tiến độ. Mỗi Bộ trưởng, tổng tư lệnh ngành cố gắng thì cả bộ máy, đội hình sẽ vận hành trơn tru, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân phát triển”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh.
Đáp lời Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng “hứa” sẽ đôn đốc xử lý dứt điểm tồn đọng; chỉ đạo các đơn vị chủ trì xử lý những nhiệm vụ đến hạn, khẩn trương thực hiện bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ đúng thời gian quy định.
“Cái gì chậm trễ thuộc về Bộ thì chúng tôi nhận trách nhiệm trước Thủ tướng, Chính phủ”, Bộ trưởng Dũng khẳng định, đồng thời đề nghị Chính phủ sớm ban hành Quy chế làm việc mới trong đó quy định rõ quy trình, trách nhiệm, thời hạn xử lý công việc ở từng khâu và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc.

Nguyễn Hoài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét